Một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Trong bối cảnh Luật Tổ chức TAND năm 2024 được Quốc hội thông qua đã quy định nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung căn bản, tiến bộ so với Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS 2015 cũng là yêu cầu đặt ra cần được thực hiện sớm nhằm bảo đảm tính phù hợp, thống nhất giữa các quy định của Luật Tổ chức TAND và BLTTDS.

Thực hiện kế hoạch tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS 2015 của Tòa án nhân dân tối cao1, trong phạm vi bài viết, tác giả xin nêu và phân tích một số đề xuất, kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS 2015.

1. Sửa đổi các quy định về chứng minh, chứng cứ theo hướng thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ là quyền, nghĩa vụ của đương sự

Tại khoản 4 Điều 2 Luật Tổ chức TAND 2014 quy định: “Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng”. Như vậy, theo tinh thần của Luật Tổ chức TAND 2014 thì Tòa án có “trách nhiệm” xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự nói chung.

Cụ thể hóa quy định này, tại khoản 2 Điều 6 BLTTDS 2015 quy định: “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”. Tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS 2015 quy định: “Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ...”. Tại khoản 3 Điều 106 BLTTDS 2015 quy định: “Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án”. BLTTDS hiện hành quy định Tòa án có “trách nhiệm hỗ trợ đương sự” trong việc thu thập chứng cứ, đồng thời quy định nhiều trường hợp Tòa án tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ. Như vậy, vô hình trung đã đẩy trách nhiệm chứng minh, thu thập chứng cứ cho Tòa án bởi nếu đương sự, người tham gia tố tụng khác không thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án thì để có căn cứ giải quyết vụ việc, Tòa án phải tự mình thực hiện việc thu thập, xác minh chứng cứ, nếu không thực hiện thì bản án, quyết định đã tuyên có thể bị Tòa án cấp trên hủy, sửa do vi phạm thủ tục tố tụng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ.  

Luật Tổ chức TAND 2024 đã sửa đổi căn bản quy định này theo hướng xác định việc thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ là trách nhiệm, nghĩa vụ của đương sự chứ không phải là trách nhiệm của Tòa án. Cụ thể tại Điều 15 Luật Tổ chức TAND 2024 quy định: “Trong vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án”. Tòa án có trách nhiệm: (1) “hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ”; (2) “yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật”; (3) “hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ... trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ”; (4) “tiếp nhận tài liệu, chứng cứ”; (5) “kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; và (6)căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ ... và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”. Như vậy, theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2024, Tòa án không còn trách nhiệm thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ mà chỉ có trách nhiệm “hướng dẫn”, “hỗ trợ” các đương sự thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ; “tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định” tài liệu, chứng cứ và “căn cứ” vào tài liệu, chứng cứ để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Theo tác giả, đây là sự thay đổi căn bản, cần thiết, thể hiện bước tiến quan trọng, đáng kể trong nhận thức và quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án với vai trò là cơ quan duy nhất “thực hiện quyền tư pháp”, phù hợp với thông lệ tư pháp quốc tế, thực tiễn và xu hướng phát triển của nền tư pháp Việt Nam. Tại Điều 3 của Luật Tổ chức TAND 2024 quy định: “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Quy định này đã xác định rõ nội hàm “quyền tư pháp” của Tòa án là “quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật”. Đồng thời là nền tảng pháp lý để Tòa án thực hiện đúng chức năng “trọng tài” trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ việc; xác định trách nhiệm và nâng cao ý thức của đương sự, người tham gia tố tụng khác trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chứng minh, cung cấp, giao nộp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Xuất phát từ sự thay đổi căn bản trên của Luật Tổ chức TAND 2024, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng của BLTTDS 2015 như sau:

Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ (bỏ cụm từ “chủ động”) thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Tòa án hướng dẫn đương sự thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp chứng cứ khi có yêu cầu của đương sự; hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ nếu đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được chứng cứ đó; tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của chứng cứ; căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc” (bỏ cụm từ “và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”).

Đồng thời, sửa đổi quy định tại Điều 97 BLTTDS 2015 như sau:

Điều 97. Xác minh, thu thập chứng cứ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ (bỏ cụm từ “tự mình”) thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:

...

e) Yêu cầu Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không thể thu thập tài liệu, chứng cứ...”

2. Sửa đổi quy định về quyền được ký đơn khởi kiện của người đại diện theo ủy quyền

Tại Điều 186 BLTTDS 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Tại điểm a Điều 189 BLTTDS 2015 quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện lại quy định: Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”. Như vậy có thể thấy nội dung của Điều 186 và Điều 189 BLTTDS 2015 hiện đang mâu thuẫn, chưa thống nhất.

Tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”. Tại khoản 1 Điều 138 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Tại điểm c khoản 1 Điều 141 BLDS 2015 quy định một trong những căn cứ để người đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện là nội dung ủy quyền. Như vậy, có thể thấy theo các quy định về đại diện của BLDS 2015 thì không có quy định nào hạn chế quyền được ủy quyền cho người khác khởi kiện hoặc ký đơn khởi kiện. Tại Điều 186 BLTTDS 2015 cũng ghi nhận việc “cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự”. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào quy định tại điểm a Điều 189 BLTTDS 2015 để bắt buộc người khởi kiện phải tự mình ký vào đơn khởi kiện mà không được ủy quyền cho người khác ký thay là chưa thống nhất và còn mâu thuẫn với BLDS 2015.

Theo tác giả, cá nhân và pháp nhân đều là các chủ thể có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Việc ủy quyền để người khác ký đơn khởi kiện là không trái pháp luật bởi khi ủy quyền cho người khác khởi kiện, đương nhiên cá nhân phải chịu trách nhiệm về nội dung, phạm vi ủy quyền.

Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 189 BLTTDS 2015 như sau:

Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

1. ...

a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó hoặc người được cá nhân đó uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ”.

3. Sửa đổi quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử theo hướng kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án kinh doanh thương mại và lao động

Theo quy định tại Điều 203 BLTTDS 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại (Điều 30 BLTTDS 2015) và tranh chấp lao động (Điều 32 BLTTDS 2015) là 02 tháng, trường hợp “vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” thì có thể gia hạn “nhưng không quá ... 01 tháng”.

Thực tiễn hiện nay cho thấy số lượng các tranh chấp kinh doanh thương mại và lao động phát sinh tại Tòa án ngày càng nhiều, tính chất, mức độ phức tạp ngày càng gia tăng dẫn đến việc đương sự thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và việc Tòa án xác minh, đánh giá tài liệu, chứng cứ không thể hoàn tất trong thời gian ngắn, tối đa là 03 tháng như BLTTDS 2015 đang quy định. Theo tác giả, việc quy định thời hạn chuẩn bị xét xử là cần thiết, đúng đắn nhằm xác định thời hạn cụ thể để Tòa án giải quyết một vụ án; khống chế thời gian tối đa tiến hành các thủ tục tố tụng; đáp ứng nguyện vọng của đương sự về việc Tòa án có thể đưa vụ án ra giải quyết, xét xử trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ; đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên trong bối cảnh các quan hệ xã hội vận động, phát triển nhanh chóng và ngày càng đa dạng, phức tạp, cần thiết phải có sự điều chỉnh về thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án kinh doanh thương mại và lao động để phù hợp hơn với tính chất phức tạp của các loại vụ việc này, vừa giảm bớt áp lực cho Tòa án, vừa tạo điều kiện cho đương sự có thêm thời hạn thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ, chứng minh cho ý kiến, yêu cầu của mình.

Tác giả đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 203 BLTTDS 2015 như sau:

Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng”.

4. Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh

Tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 quy định 08 căn cứ để Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Trong đó tại điểm h có quy định mở là “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên phải hiểu việc tạm đình chỉ theo căn cứ này phải được pháp luật quy định tại các văn bản khác mà không phải là BLTTDS. Còn đối với trường hợp Tòa án được tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thì hiện nay chưa thấy được quy định trong văn bản pháp luật nào.

Trong tố tụng hình sự, tại Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC ngày 29/11/2021 đã quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh2. Điều này xuất phát từ tình hình thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan được giao thực hiện một số hoạt động tố tụng hình sự trong giai đoạn phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, theo tác giả thì việc dự liệu và quy định căn cứ tạm đình chỉ này trong BLTTDS cũng là điều cần thiết, phù hợp với thực tiễn khách quan.

Tác giả đề xuất bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS như sau:

Điều 214. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

...

h) Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh;

i) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật...”.

5. Sửa đổi quy định đương sự không có quyền khởi kiện lại vụ án trong trường hợp vụ án bị đình chỉ do đương sự “không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác”

Hiện nay, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 thì một trong những căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 thì hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do này là “đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp”. Tại Công văn giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC cũng hướng dẫn trường hợp nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác thì không có quyền kiện lại để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án như đối với trường hợp rút đơn kiện3.

Theo tác giả, quyền khởi kiện trong các quan hệ dân sự là một quyền rất quan trọng của công dân, nhằm bảo đảm các quyền dân sự khác về nhân thân cũng như tài sản được Nhà nước bảo vệ khi bị xâm phạm. Do đó, pháp luật cần tôn trọng quyền này của đương sự, người tham gia tố tụng. Có rất nhiều vụ việc, để có căn cứ giải quyết cần đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng thì Tòa án mới có thể tiến hành các thủ tục tố tụng tương ứng, tuy nhiên không phải đương sự nào cũng có đủ khả năng kinh tế, tài chính để thực hiện theo yêu cầu của Tòa án. Trong khi đó hiện nay, việc thu tạm ứng chi phí tố tụng chưa có văn bản quy định thống nhất dẫn đến tình trạng mỗi Tòa án, thậm chí là mỗi Thẩm phán trong cùng một Tòa án lại yêu cầu mức nộp tạm ứng chi phí tố tụng khác nhau. Do đó, nếu chỉ vì lý do đương sự không thể nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản hoặc chi phí tố tụng khác mà tước đi quyền được khởi kiện lại của họ thì cũng không hoàn toàn hợp lý, gây bất lợi cho đương sự.

Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 như sau:

Điều 218. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, các điểm c, đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật...”.

6. Sửa đổi các quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự

Tại khoản 1 Điều 316 BLTTDS 2015 quy định “thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật”. Mục đích của thủ tục rút gọn là giúp cho vụ án dân sự có thể được giải quyết với trình tự đơn giản, nhanh chóng hơn so với thủ tục thông thường. Vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì thời hạn chuẩn bị xét xử không quá 01 tháng, thời hạn mở phiên tòa là 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và chỉ do 01 Thẩm phán thụ lý, giải quyết.

Để một vụ án dân sự được áp dụng thủ tục rút gọn thì cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Tuy nhiên trong thực tiễn hiện nay, việc xác định điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTDS 2015 vẫn còn tồn tại những cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất mà một phần nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng tỷ lệ các vụ việc dân sự được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết trong thực tế còn rất hạn chế, không tương xứng với những lợi ích mà thủ tục này mang lại.

Theo quy định tại Điều 317 BLTTDS 2015 thì Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện: (1) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản. Thực tiễn áp dụng các điều kiện này hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó hiểu và áp dụng trong thực tiễn. Cụ thể như: Căn cứ nào để xác định “vụ án có tình tiết đơn giản” hoặc “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” hoặc “Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ”? Bởi rất nhiều trường hợp các vụ việc Tòa án không thể xác định được các điều kiện này từ giai đoạn thụ lý mà phải trải qua quá trình giải quyết, lấy ý kiến của đương sự mới có căn cứ xác định.  

Để việc nhận thức và áp dụng các quy định về thủ tục rút gọn được đơn giản, thống nhất, góp phần phát huy hiệu quả của thủ tục này trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đề xuất “định lượng hóa”, tức quy định giá trị tranh chấp cụ thể là căn cứ để Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trên cơ sở vận dụng, học hỏi quy định của một số quốc gia trên thế giới4 cũng như các quy định đã được ghi nhận và thực hiện trước đây trong mô hình giải quyết vụ án của Tòa án tại Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/19465, Thông tư số 4013/TTC ngày 09/5/1959 của Bộ Tư pháp và Thông tư số 93/TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao6. Việc “định lượng hóa” như vậy cũng góp phần tạo sự thống nhất, phù hợp với các quy định pháp luật chuyên ngành. Đơn cử như tại khoản 2 Điều 70 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 quy định: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự”.

Trên cơ sở phân tích trên, tác giả đề xuất sửa đổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 317 BLTTDS 2015 như sau:

Điều 317. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

1. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Vụ án có giá trị tranh chấp dưới 100.000.000 đồng hoặc đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ hoặc Tòa án xét thấy tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

...”.

 

ĐINH THÀNH LONG - CAO THỊ HIỀN (TAND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)

1 Quyết định số 248/QĐ-TANNDTC ngày 14/7/2023 của TANDTC về ban hành Kế hoạch tổng kết thực hiện thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

2 Điều 3, Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC ngày 29/11/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

3 Tiểu mục 5 Mục IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC về việc giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử.

4 Theo quy định pháp luật dân sự của Pháp, Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp chuyên xét xử các vụ án dân sự nhỏ, có giá trị tranh chấp không vượt quá 10.000 EUR. Tại Vương Quốc Anh, vụ kiện có giá trị 10.000 Bảng Anh (GBP) trở xuống được coi là vụ kiện nhỏ, được giải quyết theo thủ tục rút gọn bởi Tòa án địa hạt. Tại Mỹ, pháp luật các bang về cơ bản đều quy định rằng vụ án có giá ngạch thấp được coi là vụ kiện nhỏ và được giải quyết theo thủ tục giản lược. Giá ngạch thấp do từng tiểu bang quy định, cơ bản trong khoảng từ 2.500 Đô La Mỹ (USD) đến 25.000 USD. Nhật Bản quy định các vụ kiện có giá trị dưới 1.400.000 đồng Yên Nhật (JPY) được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Thái Lan là dưới 50.000 Bạt Thái.

5 Tại Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 quy định đối với các loại án có giá ngạch thì giá trị tranh chấp được xác định để phân công thẩm quyền cho tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm. Ví dụ: Chung Thẩm: Những việc kiện dân sự, thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định không quá 150 đồng,  những việc kiện về các khoản lệ phí đã phát sinh ra trước Tòa án ấy không có giá ngạch nào; sơ thẩm: Những việc dân sự hay thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 150 đồng nhưng dưới 450 đồng.

6 Tại Thông tư số 4013/TTC ngày 09/5/1959 của Bộ Tư pháp và Thông tư số 93/TC ngày 11/11/1959 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định các Tòa án cấp huyện có “quyền xét xử chung thẩm các việc kiện dân sự mà giá ngạch không quá 60 đồng không phân biệt động sản hay bất động sản”.

Viện KSND huyện Đức Cơ, Gia Lai phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử công khai vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” - Ảnh: Thanh Bình.