Một số khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

Qua nhiều lần sửa đổi, việc hình sự hóa tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, BLHS 2015 đã quy định khá chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các quy định của BLHS về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

1. Quy định pháp luật

Điều 382 BLHS 2015 quy định về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối như sau:

“1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Về bốn yếu tố cấu thành tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối được thể hiện như sau[1]:

Thứ nhất, về chủ thể của tội phạm này là những người tham gia tố tụng sau: người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật, người bào chữa (trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính).

Thứ hai, về mặt khách quan của tội này trong các thủ tục tố tụng nói chung bao gồm: (1) Hành vi khai báo gian dối, trình bày sự việc không đúng với thực tế của người làm chứng; (2) Hành vi kết luận giám định, định giá tài sản không đúng nội dung khách quan của giám định, định giá đối với người giám định, người định giá tài sản; (3) Hành vi dịch thuật sai lệch với nội dung của tài liệu gốc, tiếng dân tộc khác sang tiếng Việt (hoặc ngược lại) đối với người dịch thuật, người phiên dịch; (4) Hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật, được hiểu là hành vi đưa ra những tài liệu cho cơ quan tố tụng mà mình biết rõ tài liệu đó sai sự thật, ngụy tạo tài liệu của người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật, người bào chữa.

Thứ ba, khách thể của tội phạm này là hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm này là lỗi cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ lời khai, việc dịch, kết luận giám định, định giá tài sản và tài liệu mà mình cung cấp là sai sự thật.

So với BLHS 1999 (Điều 307)[2] chỉ có 3 chủ thể của tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng; BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể của tội này, bổ sung thêm 03 chủ thể là người định giá tài sản, người dịch thuật, người bào chữa nhằm đảm bảo việc xử lý công bằng đối với những người tham gia tố tụng quy định tại Điều 55 BLTTHS 2015.

Về hình phạt, theo quy định tại Điều 382 BLHS 2015, cơ bản giữ nguyên  như Điều 307 BLHS 1999; hình phạt chính của tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Thời hạn của hình phạt tù sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp, tình tiết khác nhau của vụ án. Cụ thể: (1) Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm áp dụng đối với người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật. (2) Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, nếu có hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối thuộc một trong các trường hợp sau thì sẽ áp dụng khung hình phạt này: có tổ chức; dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch. (3) Bị phạt tù 03 năm tới 07 năm nếu có hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối thuộc một trong các trường hợp sau: phạm tội 02 lần trở lên; dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

Ngoài các hình phạt chính nêu trên thì người phạm tội có thể sẽ phải chịu các hình phạt bổ sung kèm theo cho hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối của mình như: cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) trong tội khai báo gian dối thực tiễn giải quyết gặp nhiều khó khăn như quá trình điều tra, xác minh ban đầu xác định không đúng, không rõ tư cách của người tham gia tố tụng. Thực tiễn thấy rằng, hành vi khai báo sai sự thật, cung cấp tài liệu sai sự thật nhằm che đậy sự thực khách quan và làm lệch hướng điều tra, truy tố, xét xử, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng có thể xảy ra với bất kỳ chủ thể nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính chính xác, đúng đắn của hoạt động tố tụng và có thể khiến hoạt động tố tụng bị sai lầm như kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm khi dựa trên các chứng cứ hoặc những lời khai sai sự thật. Ví dụ tình huống sau đây:

Ngày 25/5/2022, tài xế Nguyễn Văn H (ngụ xã C, huyện B, tỉnh Đ) điều khiển xe ô tô 07 chỗ BKS 51B-014.27, trên xe có chở ông Nguyễn Văn T (bác ruột của H) và chị Lê Thị N (là vợ H) lưu thông trên đường HCM theo hướng tỉnh ĐN. Đến 17 giờ 0 phút cùng ngày, khi đi đến Km1832+870, đoạn xã Đ (huyện Đ), xe của anh H va chạm với xe gắn máy BKS 70E1-144.08 do anh Trần Văn C (ngụ huyện Đ) điều khiển đang đi theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến anh C bị thương, tử vong tại bệnh viện. Sau khi xảy ra tai nạn, H đưa anh C đi cấp tại bệnh viện, còn ông T và chị N ở lại hiện trường. Khi biết anh anh C đã tử vong, do H đã bị tước giấy phép lái xe nếu bị phát hiện xử lý sẽ ảnh hưởng đến công việc, cũng như sợ bị xử lý hình sự nên H điện thoại nhờ T đứng ra nhận thay mình là người điều khiển xe ô tô gây tai nạn...

Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT huyện Đ nhanh chóng có mặt tại hiện trường điều tra, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn; tiến hành lập biên bản khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai ban đầu đối với Nguyễn Văn T và Lê Thị N. Quá trình cán bộ CSGT huyện Đ lấy lời khai của Nguyễn Văn T, T đã khai nhận mình là người trực tiếp lái xe ô tô gây tai nạn và xác định tư cách tố tụng của Nguyễn Văn T (để trống nội dung này); đối với Lê Thị N cũng khai báo T là người điều khiển xe ô tô gây tai nạn trên và xác định tư cách tố tụng là người liên quan đến vụ án.   

Qua điều tra, Công an huyện Đ xác định T và N đã khai báo không trung thực về vụ tai nạn. Theo đó, cơ quan điều tra xác định thời điểm xảy ra tai nạn qua trích xuất camera, xác định được H chính là người điều khiển xe ô tô 07 chỗ đi không đúng phần đường quy định, không làm chủ tốc độ nên đã tông vào xe máy. Biết sự việc khai báo gian dối của mình đã bị phát hiện, nên ngày 26/5/2022 T và chị N đã đến khai báo lại sự việc H đúng là người lái xe gây tai nạn giao thông. Đến ngày 02/6/2022, Công an huyện Đ đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn H về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ. Đến ngày 03/7/2022, Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bổ sung đối với bị can Nguyễn Văn T và Lê Thị N phạm tội khai báo gian dối quy định tại Điều 382 BLHS 2015.

Việc khởi tố T và N về tội khai báo gian dối có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, T và N không phạm tội khai báo gian dối. Bởi vì, (1) khi cán bộ CSGT huyện Đ lấy lời khai xác định tư cách tham gia tố tụng của T (không rõ), đối với N xác định tư cách là người liên quan đến vụ án nên không thuộc chủ thể của tội khai báo gian dối; (2) Người làm chứng chỉ được xác định tư cách tố tụng khi đã có quyết định khởi vụ án, việc cơ quan công an lấy lời khai của T và N trước khi khởi tố vụ án, thì họ chưa phải là người làm chứng, nên họ không phạm tội này.

Quan điểm khác cho rằng, hành vi của T, N phạm tội khai báo gian dối. Bởi vì,  (1) quy định tại khoản 1 Điều 382 BLHS là tội phạm có cấu thành hình thức, nghĩa là chỉ cần hành vi nguy hiểm cho xã hội là cấu thành tội phạm mà không cần hậu quả xảy ra; (2) Điều 66 BLTTHS quy định, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng và được giải thích về quyền và nghĩa vụ… trình bày trung thực, khách quan quan về tình tiết vụ án, người làm chứng khai báo gian dối phải chịu trách nhiệm hình sự; (3) Mặc dù, cơ quan chức năng không xác định T và N là người làm chứng trong vụ án, nhưng trong bản ghi lời khai của T và N có ghi nội dung người khai cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình điều này là phù hợp với quy định khoản 3 Điều 186, khoản 5 Điều 66[3] BLTTHS 2015 nên là chủ thể của tội phạm này.

Qua tình huống trên thấy rằng, trong thực tiễn giải quyết vụ án để xác định chủ thể của tội khai báo gian dối trong nhiều trường hợp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nếu áp dụng theo quy định của Điều 382 BLHS 2015 như hiện nay.

Thứ hai, Điều 66 BLTTHS quy định, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng và được giải thích về quyền và nghĩa vụ. Biên bản lời khai của người làm chứng là nguồn chứng cứ được quy định tại Điều 87 BLTTHS 2015[4]. Trở lại tình huống trên, việc CSGT lấy lời khai ban đầu của T, N có được xác định là cơ quan, người có thẩm tiến hành tố tụng lấy lời khai khi chưa có quyết định khởi tố vụ án; BLTTHS quy định thủ tục khi lấy lời khai phải thông báo và giải thích rõ quyền nghĩa vụ cho người được lấy lời khai. Tuy nhiên, nếu cán bộ điều tra không thực hiện đúng quy định, không thông báo, việc lấy lời khai có sai sót thì trường hợp này chủ thể khai báo gian dối có được loại trừ TNHS hay không? Điều 382 BLHS 2015 không quy định nội dung này, rõ ràng có sự không thống nhất giữa luật hình thức và luật nội dung. Do đó, khi lấy lời khai của chủ thể tội khai báo gian dối, cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm trình tự, thủ tục khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015, thì không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

3. Một số kiến nghị

Từ những phân tích về những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, việc quy định cụ thể các chủ thể tại Điều 382 BLHS 2015 hiện nay là không cần thiết, nên sửa đổi cách quy định chủ thể trong tội phạm này theo hướng bất cứ người nào tham gia vào quá trình tố tụng có hành vi khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật mà gây ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều là chủ thể tội phạm này.

 Thứ hai, luật nội dung cần bổ sung quy định về thủ tục cam kết khai báo hoặc cung cấp chứng cứ trung thực là một yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Theo đó nếu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện đúng trình tự, thủ tục, việc thực hiện có sai phạm và không chứng minh được được sự cam kết này thì người thực hiện hành vi phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Ngoài ra, trong pháp luật tố tụng cũng phải quy định rõ thủ tục cam kết trung thực về chứng cứ và lời khai đối với các chủ thể được yêu cầu cung cấp.

Theo đó, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 382 BLHS 2015 theo hướng như sau:

Điều 382. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

“1. Người nào sau khi cam kết về việc khai báo, cung cấp tài liệu trung thực mà vẫn  kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

 

*Ths, Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử vụ án hình sự phúc thẩm - Ảnh: Đ. Duyên


[1] Xem: Đoàn Tấn Minh và Nguyễn Ngọc Điệp (đồng chủ biên), Phương pháp định tội danh với 538 tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Nxb Lao động, Hà Nội, 2022, trang 545.

[2] Điều 307. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật

1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc  cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến  một  năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba  năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 

[3] Điều 66. Người làm chứng

… 5. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.…

[4] Điều 87. Nguồn chứng cứ

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: …

b) Lời khai, lời trình bày; ….

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

 

NGUYỄN VĂN HUY*