Một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên

Việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên là bước đi cụ thể nhằm triển khai các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; phù hợp với các cam kết và khuyến nghị của quốc tế.

1. Tình hình hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên

Tòa gia đình và người chưa thành niên được tổ chức đầu tiên tại TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 28/05/2015) và TANDCC tại Hà Nội (ngày 01/06/2015), sau đó lần lượt được tổ chức tại một số TAND cấp tỉnh  như: Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2016), Đồng Tháp (năm 2017)... Tính đến hết năm 2022, TANDTC đã tổ chức được 40 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại 38 Tòa án cấp tỉnh, 02 TANDCC và thành lập Vụ Giám đốc kiểm tra lao động, gia đình và người chưa thành niên tại TANDTC (Vụ III).

1.1. Biên chế

Từ khi được tổ chức cho đến nay, biên chế của các Tòa gia đình và người chưa thành niên đã bước đầu được kiện toàn. Theo thống kê đến ngày 30/12/2022 tổng biên chế của Tòa gia đình và người chưa thành niên là 238 biên chế, trong đó có 127 Thẩm phán, 105 Thư ký và 03 Thẩm tra viên. Đa số các Tòa gia đình và người chưa thành niên chỉ có 02 đến 03 Thẩm phán (14 Tòa có 02 Thẩm phán, 17 Tòa có 03 Thẩm phán), cá biệt có 03 Tòa chỉ có 01 Thẩm phán. Phần lớn các Thẩm phán, Thư ký đã được đào tạo, bồi dưỡng về các kiến thức, kỹ năng liên quan tới người chưa thành niên qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo, hội nghị chuyên đề. Theo kết quả khảo sát 92,6% Toà gia đình và người chưa thành niên cho biết các Thẩm phán, Thư ký của Toà gia đình và người chưa thành niên đã được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng liên quan tới người chưa thành niên qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức[1].

1.2. Cơ sở vật chất

Các Tòa gia đình và người chưa thành niên đã được trang bị cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu xét xử. Theo kết quả khảo sát hiện nay có 51,7% Toà gia đình và người chưa thành niên bố trí được Phòng xét xử thân thiện chuyên dành cho việc xét xử những vụ án hình sự có bị cáo là người chưa thành niên, 65,5% và 58,6% Tòa gia đình và người chưa thành niên bố trí Phòng xử án hình sự, dân sự riêng biệt có thể sử dụng để xét xử cả các vụ án có người chưa thành niên và người đã thành niên. Bên cạnh đó, 44,8% Toà gia đình và người chưa thành niên bố trí được Phòng tư vấn - hòa giải.

Một số Tòa gia đình và người chưa thành niên đã được trang bị cơ sở vật vật chất tương đối đầy đủ. Ví dụ, Tòa gia đình và người chưa thành niên tại Thành phố Hồ Chí Minh phòng xử án được tổ chức theo hướng thân thiện (gồm 01 phòng xử án hôn nhân gia đình và 01 phòng xử án hình sự), có các phòng chức năng: Phòng trợ giúp y tế; Phòng trẻ em; Phòng Giám sát tâm lý trẻ; Phòng Tư vấn – Hòa giải và được trang bị một hệ thống camera quan sát ở các phòng xử, phòng trẻ em, phòng giám sát trẻ em... nhằm phục vụ cho việc xét xử và chăm sóc trẻ em. Ngoài ra còn có phòng dành riêng cho vợ chồng trong các vụ án hôn nhân và gia đình để có không gian riêng trao đổi trước khi đưa ra các quyết định tại Tòa án. Phòng này được trang bị các loại sách pháp luật cơ bản, các loại sách về gia đình, về trẻ em.

2. Khó khăn, vướng mắc

2.1. Về tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên

Tiêu chí xác định điều kiện tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên chưa thực sự rõ ràng, còn có cách hiểu không thống nhất, nên mỗi Tòa án lại có sự đánh giá, thực hiện khác nhau, cụ thể:

+ Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-CA thìSố lượng vụ việc mà Tòa án thụ lý, giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa chuyên trách theo quy định tại Điều 3 Thông tư này phải từ 50 vụ/năm trở lên”. Như vậy, số lượng vụ việc mà Tòa án thụ lý sẽ căn cứ vào số lượng vụ việc của một, hai hay ba năm trước để tính. Đồng thời, trong những năm đó có năm không đủ tiêu chí 50 vụ/năm, nhưng có năm lại thừa tiêu chí này thì thực hiện như thế nào? Hay tiêu chí này được áp dụng dự đoán xảy ra trong tương lai.

+ Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-CA thì Có biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án đáp ứng được yêu cầu tổ chức Tòa chuyên trách”. Như vậy, chỉ cần có biên chế là một Thẩm phán, một Thẩm tra viên, một Thư ký có được không? Hay cần phải có số lượng cụ thể là bao nhiêu biên chế mới được tổ chức.

+ Khi Tòa chuyên trách đã được tổ chức, hoạt động nhưng sau đó tiêu chí số lượng 50 vụ/năm hoặc biên chế biến động tăng, giảm khác nhau có thuộc trường hợp “không đáp ứng đủ điều kiện tổ chức Tòa chuyên tráchphải giải thể theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 01/2016/TT-CA hay không?

2.2. Về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên

- Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-CA thì Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền giải quyết “Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tui hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác”. Như vậy, trong vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thì Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử toàn bộ vụ án, không phân biệt vụ án đó có bị cáo là người trên 18 tuổi hay không. Điều này tuy bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện với bị cáo là người chưa thành niên, nhưng không phù hợp với bị cáo là người đã thành niên.

Tại thời điểm phạm tội bị cáo là người chưa thành niên nhưng đến thời điểm mở phiên tòa xét xử bị cáo đã thành niên thì thẩm quyền giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa hình sự hay Tòa gia đình và người chưa thành niên?

Việc xác định người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý” không được quy định cụ thể, đó có phải là những người bị xâm phạm nghiêm trọng về tình dục, bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động hoặc không có người chăm sóc, nuôi dưỡng dẫn đến bị tổn thương về tâm lý không?

2.3. Về tổ chức

Hiện nay Toà gia đình và người chưa thành niên chưa được triển khai trên phạm vi cả nước và chưa được mở rộng tới cấp huyện nên phần nào hạn chế việc tiếp cận của người chưa thành niên đối với hoạt động xét xử thân thiện.

2.4. Về cơ sở vật chất

Một số Tòa gia đình và người chưa thành niên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa xây dựng Phòng xét xử thân thiện cho nên các vụ án có người chưa thành niên tham gia vẫn được xét xử tại phòng xử án thông thường (các Tòa gia đình và người chưa thành niên tại TAND tỉnh Hải Dương, Quảng Nam, Hậu Giang, Nghệ An, Tây Ninh, Trà Vinh,… ). Một số Tòa tuy đã có Phòng xử án thân thiện nhưng bố trí chưa bảo đảm sự thân thiện theo đúng các hướng dẫn như: chưa có vách ngăn giữa bị cáo và bị hại, chưa đảm bảo điều kiện về trang trí phòng đọc, phòng vui chơi, phòng cho bị hại dưới 18 tuổi đến phiên toà trong lúc chờ xét xử...

Các phòng xử án, hòa giải, phòng làm việc có diện tích nhỏ hẹp, nếu có nhiều đương sự thì không đủ sức chứa; một số trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng đủ nhu cầu làm việc như máy photocoppy, máy in, máy vi tính đang sử dụng đều đã cũ, xuống cấp, thậm chí màn hình máy bị nhòe, mờ, thiếu hệ thống trang thiết bị kết nối, đường truyền và các trang thiết bị khác phục vụ cho việc xét xử cũng như tổ chức phiên tòa trực tuyến.

2.5. Về công tác thống kê, báo cáo

Ngày 15/12/2022, TANDTC ban hành Quyết định số 454/QĐ-TANDTC về việc ban hành hệ thống sổ nghiệp vụ và biểu mẫu thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sổ nghiệp vụ, biểu mẫu thống kê sử dụng cho Tòa gia đình và người chưa thành niên. Theo kết quả khảo sát về việc áp dụng Quyết định 454/QĐ-TANDTC tại các Toà gia đình và người chưa thành niên cho thấy cho tới thời điểm thực hiện khảo sát (tháng 4/2022), có 42,9% các Toà đang áp dụng tất cả sổ nghiệp vụ và biểu mẫu liên quan theo Quyết định 454/QĐ-TANDTC; 32,1% các Tòa cũng đang áp dụng theo Quyết định 454/QĐ-TANDTC, tuy nhiên mới áp dụng một số sổ nghiệp vụ và biểu mẫu nhất định; và 25% các Tòa chưa áp dụng hệ thống sổ nghiệp vụ và biểu mẫu theo Quyết định 454/QĐ-TANDTC. Trong các Toà đã và đang áp dụng toàn bộ hoặc một số sổ nghiệp vụ và biểu mẫu liên quan theo Quyết định 454/QĐ-TANDTC, 95,2% các Tòa cho biết không gặp vướng mắc nào khi áp dụng; 4,8% các Tòa cho biết có một số vướng mắc xuất phát từ thực tế là vụ việc của Toà gia đình và người chưa thành niên khá đặc thù khi vừa có vụ án hình sự, vừa có vụ việc hôn nhân và gia đình (trong án hình sự lại có cả bị cáo, bị hại là người chưa thành niên), dẫn tới những khó khăn nhất định cho việc quản lý khi tách ra theo các sổ và biểu mẫu (ví dụ, các án hình sự phải tách ra và theo dõi riêng)[2].

Bên cạnh đó, theo báo cáo tổng kết của một số Tòa gia đình và người chưa thành niên thì trong biểu mẫu có nhiều nội dung cần báo cáo về đặc điểm nhân thân bị cáo như: Có quan hệ quen biết với bị hại, có quan hệ thân thích với bị hại, trẻ mồ côi, trẻ lang thang… mà những nội dung này cần phải đọc, nghiên cứu hồ sơ mới nắm được nên khó có thể cập nhật trong giai đoạn thụ lý. Hồ sơ hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên khi chuyển sang Toà án cũng giống như hồ sơ của các bị cáo là người thành niên. Bìa hồ sơ, cáo trạng cũng không thể hiện rõ những nội dung trên. Đồng thơi với số lượng lớn các hồ sơ cần phải thụ lý đầu vào cũng gây khó khăn trong việc cập nhật các thông tin đặc điểm nhân thân của người tham gia tố tụng như biểu mẫu báo cáo yêu cầu.

2.6. Sự chuyên môn hoá về tư pháp cho người chưa thành niên ở các cơ quan, tổ chức khác

Chưa có đội ngũ Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, Bào chữa viên nhân dân được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên. Ở một số địa phương lực lượng Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý còn mỏng, đặc biệt còn thiếu đội ngũ luật sư am hiểu tiếng dân tộc hoặc các ngôn ngữ ký hiệu của những người chưa thành niên là dân tộc thiểu số không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông hoặc người bị khuyết tật nói, khuyết tật nghe. Đồng thời, chưa hình thành được đội ngũ nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản về người chưa thành niên để tham gia vào các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên thay vì sự tham gia của đội ngũ công chức ngành Lao động – Thương binh và Xã hội ở cấp xã, huyện, tỉnh như hiện nay.

Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thân cảnh giác, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em chưa được tổ chức thường xuyên, chưa trực tiếp đến được nhóm có nguy cơ cao bị xâm hại và nhóm có nguy cơ cao thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc trao đổi số liệu, thông tin về tình hình, phương thức thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, liên quan đến trẻ em giữa các cơ quan phối hợp có lúc chưa kịp thời, số liệu chưa phản ánh chính xác.

3. Đề xuất, kiến nghị     

- Quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện thành lập cũng như giải thể Tòa chuyên trách (trong đó có Tòa gia đình và người chưa thành niên).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên theo hướng:

+ Vụ án hình sự mà các bị can, bị cáo đều là người dưới 18 tuổi. Trường hợp khi xét xử tại Tòa án mà bị can, bị cáo đã trên 18 tuổi thì sẽ xét xử ở Tòa thông thường.

+ Vụ án hình sự mà có cả bị can, bị cáo dưới 18 tuổi và trên 18 tuổi nhưng bị can, bị cáo trên 18 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc khung hình phạt ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.

+ Vụ án hình sự mà có nhiều bị can, bị cáo dưới 18 tuổi và trên 18 tuổi mà mỗi bị can, bị cáo bị truy tố theo khung hình phạt khác nhau thì Chánh án Tòa án nơi xét xử vụ án quyết định vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa chuyên trách nào.

- Nghiên cứu, mở rộng tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên trên phạm vi cả nước để tạo điều kiện người chưa thành niên được tiếp cận dễ dàng và sớm hơn với hoạt động xét xử thân thiện; góp phần tăng khả năng áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng và các hình phạt không giam giữ đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

- Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án của Tòa gia đình và người chưa thành niên về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, về tâm lý học, đặc biệt là tâm lý trẻ em, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên, nâng cao kỹ năng thực hành trong công tác xét xử thân thiện đối với người chưa thành niên là bị cáo, bị hại và người làm chứng thông qua việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề, tham gia các loại hình đào tạo dài hạn và ngắn hạn.

- Tăng cường cơ sở vật chất cho các Tòa gia đình và người chưa thành niên, bảo đảm các Tòa án được bố trí đầy đủ phòng xét xử theo quy định của pháp luật và được trang bị các thiết bị cần thiết theo hướng dẫn tại Công văn số 13/TANDTC-PC.

*Ths. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học

Ngày 22/6/2018, TAND tỉnh Đồng Tháp  ra mắt Tòa Gia đình và Người chưa thành niên- Ảnh: TL

 

 

 

[1] Theo Báo cáo nghiên cứu, đánh giá tiến trình hình thành và hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên của Unicef.

[2] Theo báo cáo nghiên cứu, đánh giá tiến trình hình thành và hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên của Unicef

 ĐỖ THỊ HỒNG VÂN*