Một số nội dung cơ bản của các văn kiện quốc tế liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bài viết sau đây giới thiệu một số nội dung cơ bản của các văn kiện quốc tế liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
1. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (tiếng Anh là Universal Declaration of Human Rights - UDHR, gọi tắt là Tuyên ngôn) được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua (Nghị quyết 217A - III) ngày 10/12/1948. Cho đến nay, sau Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn được xem là văn kiện chính trị đặc biệt, được tất cả quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng, trình độ phát triển, bản sắc văn hóa thừa nhận và được xem là giá trị chung của nhân loại.
Tuyên ngôn gồm lời nói đầu và 30 điều. Trong “Lời nói đầu”, tuyên ngôn dẫn ra những tư tưởng tiến bộ của nhân loại và những vấn đề cấp bách của cộng đồng quốc tế phải ứng phó, gồm: (1) “Tự do, công lý và hòa bình”. Tư tưởng này được xem là nền tảng của sự tồn tại nhân loại; (2) Nhu cầu về “quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và “thoát khỏi” sự khốn cùng”, được xem là nguyện vọng cao cả nhất của con người; (3) “Quyền con người phải được một chế độ pháp trị bảo đảm”; (4) Dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn “tái xác nhận” và cam kết tôn trọng, thực thi trên toàn cầu những quyền và tự do căn bản ghi trong Tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn này “được xem như một tiêu chuẩn và mục tiêu chung cho tất cả các quốc gia, dân tộc hướng tới”.
Liên quan đến bạo lực gia đình, Tuyên ngôn có các quy định sau:
- Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền, cần đối xử với nhau trên tình bác ái (Điều 1);
- Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do được ghi trong bản Tuyên ngôn, không có bất cứ phân biệt nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay chính kiến, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, nơi sinh hoặc thân thế, và không ai có thể bị tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo… (Điều 2);
- Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể (Điều 3);
- Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy (Điều 12)…
2. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (tiếng Anh là International Convenant on Civil and Political Rights, viết tắt là ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cùng với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa theo Nghị quyết số 2200 A (XXI) ngày 16/12/1966. Ngoài ra, một Nghị định thư tùy chọn đi kèm với ICCPR cũng được thông qua trong Nghị quyết số 2200 A (XXI) nhằm quy định các thủ tục giải quyết các khiếu nại của các cá nhân về việc vi phạm các quyền dân sự, chính trị của các quốc gia. ICCPR có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Tầm quan trọng và ý nghĩa của ICCPR được thể hiện ở chỗ có 168 nước đã phê chuẩn Công ước này (tính đến tháng 7/2015). Việt Nam đã gia nhập ICCPR vào ngày 24/9/1982.
ICCPR được coi là một phần của Bộ luật quốc tế về quyền con người, cùng với ICESCR và Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban nhân quyền, độc lập với Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc.
ICCPR điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc phạm trù các quyền dân sự, chính trị. Các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật... ICCPR gồm 6 phần, 53 điều. Liên quan đến phòng, chống báo lực gia đình, ICCPR có các quy định sau:
- Mỗi con người đều có quyền thừa hưởng cuộc sống và không ai được tự ý tước đoạt cuộc sống của họ; nam giới và phụ nữ có quyền bình đẳng, không bị kỳ thị phân biệt đối xử (Điều 3, Điều 6);
- Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy (Điều 17).
3. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (tiếng Anh là International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, viết tắt là ICESCR) là một công ước quốc tế được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966, có hiệu lực từ ngày 03/01/1976. Các quốc gia tham gia Công ước phải cam kết trao các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho các cá nhân, bao gồm quyền công đoàn và quyền chăm sóc sức khỏe, quyền giáo dục và quyền được đảm bảo mức sống phù hợp. Việt Nam đã gia nhập ICESCR vào ngày 24/9/1982.
Công ước khẳng định việc công nhận những phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hoà bình trên thế giới (phần Lời nói đầu).
4. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em
Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (tiếng Anh là UN Convention on the Rights of the Child, gọi tắt là UNCRC) và mở cho các nước ký, phê chuẩn và tham gia theo Nghị quyết số 44/25. Theo quy định tại Điều 49 của Công ước thì Công ước về quyền trẻ em có hiệu lực từ ngày 02/9/1990. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990.
Liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, Công ước UNCRC đề cập toàn diện các quyền cơ bản mà trẻ em trên thế giới phải được bảo đảm như: quyền được sống, được phát triển, quyền được chăm sóc và bảo vệ; quyền được tham gia trong cuộc sống gia đình, văn hóa, xã hội (nêu trong Phần I của Công ước). Trẻ em không bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện (Điều 37).
5. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (tiếng Anh là Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women, viết tắt là CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18/12/1979 và có hiệu lực từ ngày 3/9/1981. Công ước này có hiệu lực ở Việt nam từ ngày 19/3/1982.
Về phòng, chống bạo lực gia đình, Công ước quy định sự bình đẳng giữa nam và nữ về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa (Điều 3).
Ngoài ra, theo Khuyến nghị chung số 19 của Ủy ban CEDAW, bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm cả bạo lực gia đình, là “hình thức phân biệt đối xử khiến hạn chế nghiêm trọng khả năng thụ hưởng các quyền và tự do của người phụ nữ một cách bình đẳng với nam giới.”
6. Tuyên bố của Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ
Tuyên bố của Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (tiếng Anh là Declaration on the Elimination of Violence against Women) được thông qua theo Nghị quyết số 48/104 ngày 20/12/1993 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, Tuyên bố nêu rõ:
- Phụ nữ được quyền thụ hưởng bình đẳng và được bảo vệ tất cả các quyền con người, bao gồm quyền sống, bình đẳng, tự do, an toàn cá nhân, quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật và quyền không bị tra tấn hay đối xử, trừng phạt một cách độc ác, vô nhân đạo hoặc hèn hạ.
- Các quốc gia có nghĩa vụ lên án bạo lực đối với phụ nữ và không được viện dẫn bất kỳ tập quán, truyền thống hay lý do tôn giáo nào nhằm từ chối trách nhiệm xóa bỏ bạo lực.
- Các quốc gia phải thực hiện trách nhiệm đầy đủ để phòng ngừa, điều tra và trừng trị các hành vi bạo lực đối với phụ nữ theo pháp luật quốc gia, dù các hành vi đó là do Nhà nước hay cá nhân thực hiện.
- Các quốc gia có nghĩa vụ thiết lập những biện pháp phòng ngừa để tăng cường bảo vệ phụ nữ trước mọi hình thức bạo lực và đảm bảo rằng phụ nữ không bị tổn thương thêm do sự thiếu nhạy cảm giới của hệ thống luật pháp, các hoạt động hành pháp và các can thiệp khác.
- Các quốc gia phải có biện pháp đảm bảo rằng phụ nữ bị bạo lực và con cái (nếu có) nhận được sự trợ giúp đặc biệt, như phục hồi sức khoẻ, trợ giúp chăm sóc con cái, điều trị, tư vấn, các dịch vụ y tế và xã hội, các cơ sở và chương trình trợ giúp.
- Các quốc gia có nghĩa vụ thiết lập những biện pháp phòng ngừa để tăng cường bảo vệ phụ nữ trước mọi hình thức bạo lực và đảm bảo rằng phụ nữ không bị tổn thương thêm do sự thiếu nhạy cảm giới của hệ thống luật pháp, các hoạt động hành pháp và các can thiệp khác.
- Các quốc gia phải có biện pháp đảm bảo rằng phụ nữ bị bạo lực và con cái (nếu có) nhận được sự trợ giúp đặc biệt, như phục hồi sức khoẻ, trợ giúp chăm sóc con cái, điều trị, tư vấn, các dịch vụ y tế và xã hội, các cơ sở và chương trình trợ giúp.
- Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp đảm bảo rằng những cán bộ hành pháp và công chức chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách phòng ngừa, điều tra và xử lý bạo lực đối với phụ nữ phải được tập huấn để nhạy cảm hơn về các nhu cầu của phụ nữ./.
Mẹ con người Dao đỏ, Lai Châu - Ảnh: VOV
Bài liên quan
-
SeABank vinh dự nhận giải thưởng UN WEPs Award 2024 hạng mục “Bình đẳng giới tại thị trường”
-
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang
-
Nữ tiến sĩ thúc đẩy phụ nữ tham gia vào khoa học, công nghệ
-
Bắt khẩn cấp tài xế hất người phụ nữ lên nắp capo ô tô CRV tại TP. Hồ Chí Minh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận