Một số quy định về giải quyết khiếu nại trong Tòa án nhân dân đáng chú ý
Ngày 18/6/2020, TANDTC ban hành Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND. Thông tư có hiệu lực kề từ ngày 10/ 8/ 2020 và có một số quy định về giải quyết khiếu nại trong TAND đáng chú ý.
1.Về phạm vi điều chỉnh
– Thông tư này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong TAND; trách nhiệm của TAND trong quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại.
– Việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng; khiếu nại trong việc bắt giữ tàu biển theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; khiếu nại trong việc bắt giữ tàu bay theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay; khiếu nại việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; khiếu nại trong quá trình giải quyết phá sản theo Luật Phá sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
2.Về khiếu nại
Khiếu nại trong TAND được quy định tại khoản 1 Điều của Thông tư bao gồm:
– Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý hành chính nhà nước trong công tác tổ chức bộ máy và công tác cán bộ;
– Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý, sử dụng ngân sách, xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý tài sản công;
– Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị thuộc TAND, của người có thẩm quyền thuộc TAND về quản lý hành chính nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ xét xử của TAND;
– Khiếu nại quyết định kỷ luật công chức, viên chức và người lao động trong TAND;
– Khiếu nại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại Điều 48 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
– Khiếu nại quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong TAND liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường oan, sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
– Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị trong Tòa án, của người có thẩm quyền trong Tòa án nhân dân về quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động khác của Tòa án theo quy định của pháp luật.
3.Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong TAND được quy định tại Điều 6 Thông tư như sau:
– Chánh án TAND cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp huyện.
– Chánh án TAND cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau:
+ Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp tỉnh;
+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án TAND cấp huyện, của công chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TAND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
– Chánh án TAND cấp cao giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh án TANDCC.
– Chánh án TANDTC giải quyết các khiếu nại sau:
+ Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại quyết định, hành vi của mình, của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý của Chánh TANDTC;
+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án – TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDCC, của công chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDCC đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
4.Điều kiện thụ lý khiếu nại
Theo quy định tại Điều 10 của Thông tư thì các TAND, người có thẩm quyền thụ lý khiếu nại để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Nội dung khiếu nại quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ; nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn về một nội dung thì trong đơn có chữ ký của tất cả những người khiếu nại;
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Nếu nhiều người đến khiếu nại trực tiếp về một nội dung thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp, hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại và ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản.
– Khiếu nại trong thời hiệu theo quy định của Luật Khiếu nại hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định thì người khiếu nại phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
– Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.
– Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện thực hiện quyền khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không thể tự mình khiếu nại thì việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp và phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh.
– Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có đơn rút khiếu nại của người khiếu nại.
5.Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại
Sau khi thụ lý khiếu nại, người giải quyết khiếu nại yêu cầu người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung bị khiếu nại. Qua nghiên cứu nội dung khiếu nại, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại cung cấp; hồ sơ, tài liệu và văn bản giải trình của người bị khiếu nại, nếu thấy chưa đủ căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại thì tiến hành xác minh nội dung khiếu nại.
Nội dung kiểm tra lại bao gồm: Căn cứ pháp lý ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính; thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính; nội dung của quyết định hành chính, việc thực hiện hành vi hành chính; trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính; các nội dung khác (nếu có).
6.Tiến hành tổ chức đối thoại
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nêu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại. Việc tổ chức đối thoại được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật khiếu nại.
– Thành phần tham gia đối thoại gồm: Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền của người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan. Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại;
– Nội dung đối thoại: Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
– Trong trường hợp vắng mặt người khiếu nại hoặc người bị khiếu nại thì lập biên bản không đối thoại được. Việc có tổ chức đối thoại tiếp hay không do người giải quyết khiếu nại quyết định.
7.Quyết định giải quyết khiếu nại
– Căn cứ quy định của pháp luật, báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại đã được phê duyệt, người được phân công xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh dự thảo Quyết định giải quyết khiếu nại trình người có thẩm quyền ký, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
– Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
– Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại tiếp theo; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và gửi đến Ban Thanh tra TANDTC để theo dõi.
– Kiến nghị biện pháp xử lý, phòng ngừa vi phạm: Qua giải quyết khiếu nại, nếu phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ngoài việc ra quyết định hủy hoặc yêu cầu người có thẩm quyền hủy quyết định hành chính, đình chỉ thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật, người giải quyết khiếu nại kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm.
TAND tỉnh Quảng Bình niêm yết công khao các thủ tục hành chính tư pháp – Ảnh PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận