Một số vấn đề góp ý dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi, bổ sung)

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Phá sản được TANDTC xây dựng, là người trực tiếp làm công tác thụ lý, giải quyết các vụ việc phá sản tại Tòa án, tác giả mạnh dạn góp ý một số vấn đề về dự thảo, với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ trong công tác xây dựng pháp luật nói chung, hoàn thiện pháp luật về phá sản nói riêng.

Nhìn chung, những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Phá sản lần này được chuẩn bị khá công phu, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới[1]; đảm bảo bố cục; quy định bao quát và xử lý khá sát với yêu cầu thực tiễn, thể chế hóa các nội dung hướng dẫn nghiệp vụ của TANDTC về giải quyết các vụ việc phá sản trong thời gian qua, khắc phục tốt các bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014, bổ sung các quy định mới phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển đất nước trong thời gian tới. Trong đó, việc bổ sung các quy định về thủ tục phục hồi và thủ tục phục hồi, phá sản rút gọn, hỗ trợ thủ tục phá sản nước ngoài, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về phá sản của Tòa án nước ngoài là những quy định mới, điều chỉnh được các quan hệ xã hội mới phát sinh sau ngày Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực, dự lường được những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế trong thời gian tới, bảo đảm hiệu quả tác động tích cực của pháp luật phá sản đối với hoạt động kinh tế, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ các chủ thể khác trong sự đa dạng, hiện đại, linh hoạt của môi trường kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Rà soát toàn bộ dự thảo và đối chiếu với thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc phá sản, tác giả thấy cần đề nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo về những vấn đề sau:

1. Về những quy định cần bổ sung

Thứ nhất, cần bổ sung quy định giải thích “cơ quan tiến hành thủ tục phục hồi, phá sản là Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” trong Điều 5 của dự thảo; bổ sung điều luật về “Cơ quan tiến hành thủ tục phục hồi, phá sản” vào phần đầu mục 2 của dự thảo (trước Điều 7 của dự thảo). Vì các cơ quan này là chủ thể chính tiến hành, chịu trách nhiệm tiến hành quy trình thụ lý, giải quyết yêu cầu phục hồi, phá sản và những người tiến hành thủ tục phục hồi, phá sản được quy định trong dự thảo (Chánh án, Thẩm phán, Viện trưởng, Kiểm sát viên) là con người thuộc các cơ quan này quản lý, lãnh đạo, điều hành và chịu trách nhiệm.

Thứ hai, cần bổ sung Thư ký (Thư ký viên, Thư ký viên chính) là người tiến hành thủ tục phục hồi, phá sản vào khoản 11 Điều 5 của dự thảo. Bổ sung điều luật quy định về nhiệm vụ của Thư ký ở mục 3 của dự thảo (sau Điều 13 của dự thảo). Vì trong mọi vụ việc và đa số thủ tục trong từng vụ việc phục hồi, phá sản đều có Thư ký của Tòa án tiến hành.

Thứ ba, đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục, hậu quả pháp lý chuyển vụ việc phá sản cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết và nhập vụ việc phá sản, để xử lý trường hợp nhiều Tòa án thụ lý đơn yêu cầu phá sản rồi thì phát hiện đã có Tòa án khác đang thụ lý, giải quyết vụ việc này.

Thứ tư, đề nghị tách, bổ sung quy định riêng về thủ tục phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cho phù hợp với đặc thù của loại hình kinh doanh này tương tự như việc phá sản tổ chức tín dụng.

2. Về những điều luật cụ thể cần sửa đổi

- Điểm b khoản 20 Điều 5 của dự thảo cần sửa lại là: “Người tham gia vụ việc phá sản là người nước ngoài không cư trú ở Việt Nam tại thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi, phá sản hoặc cơ quan, tổ chức…..”, cho phù hợp với quy định phân biệt vụ việc có yếu tố nước ngoài được quy định tại pháp luật tố tụng dân sự.

- Cần sửa điểm g khoản 1 Điều 19 của dự thảo theo hướng Quản tài viên được “đề nghị chỉ định người khác là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã” (quy định tại Phương án 1, Điều 84 của dự thảo). Điểm k khoản 1 Điều 19 cần sửa lại là: “Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này, trừ trường hợp hàng hóa tồn đọng đã được cơ quan hải quan xử lý theo quy định của Luật Hải quan…” (bỏ từ “tại Điều 58”), vì quy định càng chi tiết thì càng dễ lạc hậu. Nhập quy định tại điểm h khoản 1 và đoạn “đề nghị Thẩm phán công nhận kết quả hòa giải thành” tại khoản 7 vào khoản 4 của điều này để đảm bảo tính khoa học, logic trong điều luật.

- Cần bổ sung trường hợp “Quản tài viên có đơn đề nghị xin thay đổi” vào Điều 21 của dự thảo. Vì trên thực tế có trường hợp Quản tài viên có đơn xin thay đổi vì nhiều lý do khác nhau và Thẩm phán phải ban hành quyết định thay đổi Quản tài viên.

- Đề nghị cân nhắc, sửa đổi lại quy định tại khoản 3 Điều 25 vì quy định này có nội dung trùng với quy định tại khoản 5 của điều này. Chuyển quy định tại khoản 17 Điều 26 xuống phần cuối của Điều 26 dự thảo.

- Cần bổ sung quyền “Rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản” của người nộp đơn yêu cầu tại Điều 28 của dự thảo. Vì việc yêu cầu hay không yêu cầu nhà nước bảo vệ quyền lợi tài sản của mình là phần quyền cơ bản, thuộc quyền định đoạt của công dân, tổ chức, cá nhân và phù hợp với thực tế giải quyết vụ việc phục hồi, phá sản.

- Cần bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 39 về hậu quả pháp lý của việc người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi, phá sản không nộp thêm phần tiền còn thiếu theo thông báo của Tòa án. Vì thực tế cho thấy nếu họ không nộp theo thông báo của Tòa án thì Tòa án không có chế tài nào xử lý và hiện nay không có quy định về sử dụng tiền ngân sách nhà nước vào việc này.

- Cần bổ sung quy định về thành phần người tiến hành phiên họp xem xét tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu tại Điều 49 của dự thảo và bổ sung quyền kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát có thẩm quyền đối với quyết định tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong điều này.

- Khoản 4 Điều 53 cần sửa lại là: “Trước khi Tòa án cho phép theo khoản 2, khoản 3 Điều này thì phải lấy ý kiến của Hội nghị chủ nợ hoặc Ban đại diện chủ nợ”.

- Khoản 3 Điều 74 cần sửa lại là: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền là quyết định cuối cùng”.

- Cần sửa khoản 2 Điều 78 của dự thảo thành: “2. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu phục hồi của người được quy định từ điểm c đến điểm đ khoản 1, khoản 2 Điều 68 của Luật này thì Tòa án thông báo cho doanh nghiệp, hợp tác xã được yêu cầu mở thủ tục phục hồi biết về yêu cầu phục hồi. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, doanh nghiệp, hợp tác xã phải gửi ý kiến về yêu cầu phục hồi cho Tòa án”.

- Cần sửa chức danh Thư ký Tòa án tại khoản 6 Điều 81 dự thảo thành “Thư ký” cho phù hợp với sự thay đổi của Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2024 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành.

- Cần bổ sung quy định về căn cứ đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi tại Điều 101 của dự thảo đối với 02 trường hợp:

+ “Người có đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi rút đơn yêu cầu”;

+ “Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi không nộp thêm chi phí phục hồi còn thiếu được quy định tại khoản 1 Điều 39 luật này”.

- Nên cân nhắc sửa lại Điều 102 của dự thảo cho phù hợp với hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi. Vì nội dung trong điều này của dự thảo quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, nội dung này được thể hiện tại Điều 104 của dự thảo.

- Cần bổ sung trường hợp “Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu” vào “khoản 1” Điều 108 dự thảo (Điều 108 của dự thảo có các điểm trước khoản 2 mà không có khoản 1).

- Cần sửa quy định tại khoản 3 Điều 109 dự thảo cho phù hợp với thẩm quyền của TAND sơ thẩm chuyên biệt được quy định tại Luật Tổ chức TAND năm 2024 và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Bởi quy định này ràng buộc là: “Sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các vụ án khởi kiện đối với doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ được giải quyết tại Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong khi thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là Tòa án sơ thẩm chuyên biệt phá sản.

- Cần bổ sung khoản 1 Điều 125 dự thảo như sau:

1. Trước thời điểm ra quyết định mở thủ tục phá sản, nếu người có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút toàn bộ yêu cầu thì Tòa án nhân dân chuyên biệt ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.

2. Kể từ ngày Tòa án nhân dân chuyên biệt phá sản ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân chuyên biệt ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a. Doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán;

b. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không nộp chi phí bổ sung còn thiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này;

c. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút toàn bộ yêu cầu và được Hội nghị chủ nợ đồng ý.

3. Trường hợp Tòa án ra quyết định…”;

Thực tiễn cho thấy việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mang tính phổ biến, và Tòa án chấp nhận việc này là đảm bảo quyền tự định đoạt của công dân trong nhà nước pháp quyền. Ngoài ra, một số vụ việc phá sản được giải quyết trong thời gian qua cho thấy: nhiều khoản nợ mà doanh nghiệp không thanh toán (quá thời hạn) không lớn so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp và phạm vi ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội, quyền lợi ích của người lao dộng thuộc doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản; sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, giữa các bên đã hòa giải được, người yêu cầu rút đơn yêu cầu nhưng Tòa án không đình chỉ giải quyết vụ việc được do không có căn cứ pháp luật. Mặt khác, sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chi phí liên quan đến việc phá sản phát sinh buộc Tòa án phải thông báo cho người yêu cầu nộp thêm chi phí phá sản, nhưng người yêu cầu không nộp theo thông báo của Tòa án, thực tiễn cho thấy Tòa án không có chế tài nào xử lý và hiện không có quy định cho phép Tòa án sử dụng tiền ngân sách nhà nước vào việc này.

3. Về các phương án trong dự thảo

Tác giả đề nghị chọn phương án 1 tại khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 84, các điều 136, 140 và chọn phương án 2 tại khoản 2 Điều 37, khoản 1 Điều 89, khoản 5 Điều 123 của dự thảo.

Trên đây là một số nội dung góp ý về dự thảo Luật Phá sản do TANDTC xây dựng, rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc.

NCS.ThS. NGUYỄN VĂN DŨNG - CN. TRẦN THỊ MINH HIẾU (Chi hội Luật gia TAND tỉnh Quảng Nam)

[1] Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 14/10/2021 về định hướng chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.