Một số vấn đề về áp dụng và viện dẫn án lệ trong thực tiễn xét xử tại Tòa án hiện nay
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, viện dẫn và áp dụng trong xét xử. Việc áp dụng, viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết các vụ việc là một bước tiến mới trong tiến trình cải cách tư pháp tại nước ta, góp phần bổ khuyết cho hệ thống các quy phạm pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, công tác áp dụng và viện dẫn án lệ trong thực tiễn xét xử hiện nay của các Tòa án vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
1. Về công tác phát triển án lệ từ năm 2016 đến nay
1.1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động phát triển án lệ
Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm” [1].
Năm 2014, bằng việc thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Quốc hội đã chính thức giao cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Chánh án TANDTC nhiệm vụ lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, viện dẫn trong xét xử. Sau đó, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng đã quy định các nguyên tắc áp dụng, viện dẫn án lệ trong xét xử.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ, ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Nghị quyết này đã nêu rõ được khái niệm án lệ, các tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, đồng thời đưa ra một quy trình ban hành án lệ hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất, đến khâu thông qua án lệ. Trên cơ sở Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành được 26 án lệ. Các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án; đồng thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án. Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thi hành, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập như: quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ phải thực hiện qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, dẫn đến thời gian ban hành án lệ chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; chưa có quy trình thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán TANDTC đề xuất án lệ hoặc trường hợp Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn án lệ khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, với những nội dung sửa đổi căn bản nhằm tăng số lượng và chất lượng án lệ được thông qua và công bố như sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ rà soát, phát hiện bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển án lệ được giao trực tiếp đến Tòa án nhân dân cấp huyện (thay vì giao cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình và của Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ như trước đây); việc đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao không nhất thiết phải có sự tham gia ý kiến của Ủy ban Thẩm phán Tòa án đó.
Thứ hai, đa dạng hóa phương thức lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ, có thể lấy ý kiến thông qua phiên họp hoặc bằng văn bản, thay vì phương thức duy nhất là tổ chức phiên họp của Hội đồng tư vấn án lệ để thảo luận trực tiếp về từng dự thảo án lệ như trước đây.
Thứ ba, bổ sung quy trình lựa chọn, thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn; theo đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét thông qua án lệ mà không nhất thiết phải qua các bước lấy ý kiến rộng rãi của các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; không nhất thiết phải lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ trong các trường hợp dự thảo án lệ được Thẩm phán TANDTC, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất, hoặc được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn trong quá trình xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
1.2. Kết quả công tác lựa chọn, công bố án lệ từ năm 2016 đến nay
Từ năm 2016 đến nay, TANDTC đã tổ chức rà soát các bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định là nguồn để phát triển thành án lệ; thực hiện các thủ tục theo quy trình lựa chọn án lệ như: tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức họp Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ và các dự thảo án lệ; tổ chức họp Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua án lệ; triển khai việc công bố án lệ để các Tòa án áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Kể từ khi ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đến trước ngày 15/7/2019 (ngày Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành), Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành được 26 án lệ. Ngay sau khi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực pháp luật, TANDTC đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển án lệ theo quy trình của Nghị quyết mới, đã thông qua 09 án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với các án lệ do Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm và do Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất; thông qua 28 án lệ theo trình tự, thủ tục thông thường; nâng tổng số án lệ được công bố lên 63 án lệ (trong đó có 14 án lệ về hình sự, 27 án lệ về dân sự, 05 án lệ về hôn nhân và gia đình, 08 án lệ về kinh doanh, thương mại, 01 án lệ về lao động, 01 án lệ về hành chính, 04 án lệ về tố tụng dân sự, 03 án lệ về tố tụng hành chính) [2]. Ngay sau khi được công bố, các án lệ đã được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử, Trang tin điện tử về án lệ của TANDTC và được gửi cho các Toà án để các Thẩm phán kịp thời nghiên cứu, áp dụng.
Trên cơ sở các án lệ đã được công bố, đến nay TANDTC đã tổ chức nghiên cứu, mời một số Thẩm phán (trong đó có Lãnh đạo TANDTC, Thẩm phán TANDTC), chuyên gia giàu kinh nghiệm để viết bình luận về các án lệ này, xây dựng nội dung và xuất bản 04 cuốn “Án lệ và Bình luận”. Việc phát hành các cuốn “Án lệ và Bình luận” của Toà án nhân dân tối cao đã tạo thuận lợi cho các Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và viện dẫn án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm của mình; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới hoạt động của Tòa án có thể dễ dàng tiếp cận với các án lệ đã được ban hành; tạo nguồn tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học liên quan đến án lệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Thực trạng áp dụng và viện dẫn án lệ trong công tác xét xử của các Tòa án hiện nay
Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Ngày 30/5/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/TATC-CA về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.
Ngày 04/7/2017, TANDTC đã ban hành Công văn số 144/TATC-PC hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017.
Ngày 11/7/2017, TANDTC đã ban hành Công văn số: 146/TANDTC-PC về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử (sau đây gọi tắt là Công văn 146). Nội dung công văn này nêu rõ:
“Việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng án lệ khi xét xử, giải quyết những vụ việc cụ thể phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Khi xét xử, giải quyết những vụ việc đã có án lệ thì Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu án lệ đó để quyết định việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng. Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự. Ví dụ: Theo Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01-7-1991 được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23-9-2013 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án TANDTC thì: “Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01-7-1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà. Trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận”. Hội đồng xét xử xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, theo quy định tại …
(nêu rõ các điều luật có liên quan) và theo Án lệ số 07/2016/AL, có đủ cơ sở để công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông A và ông B.”
Ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, với nhiều nội dung đổi mới quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Các văn bản nêu trên được ban hành với mục đích tạo cơ sở pháp lý, hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục trong công tác lựa chọn, công bố án lệ của TANDTC và trong công tác viện dẫn, áp dụng án lệ của các Thẩm phán. Để tăng cường công tác phát triển án lệ trong Toà án nhân dân, khuyến khích các Toà án, Thẩm phán và công chức trong hệ thống Toà án nghiên cứu và đề xuất các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để phát triển thành án lệ, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao cũng đã đưa nội dung đề xuất án lệ làm chỉ tiêu thi đua hàng năm đối với các Toà án, giao chỉ tiêu đề xuất án lệ hàng năm cho một số đơn vị, Toà án nhân dân. Cụ thể, tại Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023 của về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2023, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã giao chỉ tiêu đề xuất án lệ hàng năm cho một số đơn vị, Toà án nhân dân như sau: “ Đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ ít nhất 01 bản án, quyết định đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu và tương đương; 03 bản án, quyết định đối với Tòa án nhân dân cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra thuộc TANDTC” [3]. Thực hiện chỉ đạo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về chỉ tiêu đề xuất án lệ hàng năm tại Chỉ thị nêu trên, tính đến thời điểm hiện tại thì một số Toà án, đơn vị đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề xuất án lệ được giao, nhưng đa số các Toà án, đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu đề xuất án lệ được giao.
Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy đã có nhiều vụ việc mà trong quá giải quyết, các Thẩm phán đã xác định được có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự như tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ nên các Thẩm phán đã áp dụng và viện dẫn án lệ để giải quyết vụ việc. Nhìn chung, các bản án, quyết định có áp dụng và viện dẫn án lệ đã nêu được số án lệ, số bản án, quyết định có chứa đựng án lệ; phân tích, làm rõ tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết, tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý trong án lệ làm căn cứ để đưa ra quyết định áp dụng và viện dẫn án lệ.
Tuy nhiên, qua theo dõi công tác áp dụng và viện dẫn án lệ của các Tòa án trong thời gian vừa qua, cũng như xem xét nội dung các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được các Tòa án công bố trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC, kết quả kiểm tra công tác tại các Toà án của các Đoàn kiểm tra công tác chuyên môn những năm gần đây thì thấy rằng số lượng bản án, quyết định có áp dụng và viện dẫn án lệ từ khi án lệ được công bố đến nay còn rất hạn chế. Theo số liệu thống kê của TANDTC thì sau hơn 07 năm kể từ ngày 06/4/2016 (ngày Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố án lệ số 01/2016/AL) đến ngày 15/7/2023, có 1503 bản án, quyết định của các Tòa án đã áp dụng, viện dẫn án lệ. Các Tòa án nhân dân tỉnh, Thành phố có số lượng bản án, quyết định áp dụng án lệ nhiều nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh (151); Thành phố Hải Phòng (142); Thành phố Đà nẵng (129); Cà Mau (84); Sóc trăng (72); Gia Lai (70); Thành phố Hà Nội (59); Đồng Nai (54)…; các Tòa án nhân dân tỉnh, Thành phố còn lại đều có số lượng bản án, quyết định áp dụng, viện dẫn án lệ dưới 50 vụ [4].
Qua phân tích, đánh giá và làm việc tại một số đơn vị Toà án thấy rằng, công tác áp dụng, viện dẫn án lệ tại các Toà án hiện nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại và những vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
2.1. Một số vấn đề còn tồn tại
(1) Nhận thức về án lệ chưa đúng và chưa đầy đủ:
Thực tế hiện nay rất nhiều Thẩm phán và người giữ chúc danh tư pháp khác chưa nhận thức đúng và đầy đủ về án lệ, còn lúng túng trong việc áp dụng và viện dẫn án lệ. Trước tiên, cần nhận thức án lệ chỉ là một phần trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án; đây là những phần nhận định trong bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng tình huống án lệ, giải pháp pháp lý. Khi nghiên cứu án lệ để xem xét, quyết định việc có áp dụng và viện dẫn án lệ hay không, trước tiên các Thẩm phán cần nghiên cứu nội dung vụ việc được nêu trong bản án, quyết định được lựa chọn làm án lệ, đặc biệt là phần tình huống án lệ, giải pháp pháp lý và nội dung án lệ được lựa chọn trong án lệ. Nếu tình huống pháp lý trong vụ việc Thẩm phán đang giải quyết tương tự tình huống án lệ thì phải áp dụng và viện dẫn án lệ để giải quyết vụ việc; trường hợp không áp dụng và viện dẫn án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
(2). Việc nghiên cứu để áp dụng, viện dẫn án lệ lệ chưa được chú trọng
Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đã xây dựng phần mềm Trợ lý ảo Toà án [5], mục đích để các Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án … truy cập, tìm hiểu về án lệ, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản giải đáp nghiệp vụ của toà án nhân dân tối cao… Ngoài ra, liên quan đến án lệ thì hiện nay TANDTC đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng nội dung và xuất bản 04 cuốn sách “Án lệ và Bình luận” quyển I, II, II, IV (Bình luận từ các án lệ số 01 đến 52). Các cuốn “Án lệ và Bình luận” của Toà án nhân dân tối cao do một số Thẩm phán, chuyên gia giàu kinh nghiệm viết bình luận về các án lệ. Nội dung các cuốn sách này đã được lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao kiểm duyệt trước khi xuất bản. Đây là tài liệu để các Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và viện dẫn án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử của mình. Tuy nhiên, hiện nay việc truy cập phần mềm Trợ lý ảo Toà án cũng như nghiên cứu các cuốn “Án lệ và Bình luận” của Toà án nhân dân tối cao chưa được các Thẩm phán quan tâm, chú trọng.đã công bố
(3) Thiếu kỹ năng nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ
Kỹ năng nghiên cứu, xác định tình huống pháp lý tương tự để đưa ra quyết định áp dụng hay không áp dụng án lệ là kỹ năng quan trọng của Thẩm phán, có tính quyết định đến việc áp dụng hay không áp dụng án lệ. Điều này đòi hỏi Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc được nêu trong bản án, quyết định được lựa chọn làm án lệ, đặc biệt là phần tình huống án lệ, giải pháp pháp lý, nội dung của án lệ để xác định tình huống pháp lý của vụ việc đang giải quyết có tương tự tình huống án lệ được nêu trong án lệ hay không, từ đó đưa ra quyết định áp dụng hay không áp dụng án lệ. Tuy nhiên, xuất phát từ việc một bộ phận không nhỏ Thẩm phán hiện nay chưa nhận thức đúng và đầy đủ về án lệ, chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến việc nghiên cứu để áp dụng, viện dẫn án lệ dẫn đến thiếu kỹ năng trong việc nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ, còn lúng túng trong việc áp dụng và viện dẫn án lệ.
(4) Không áp dụng, viện dẫn án lệ hoặc có áp dụng tinh thần của án lệ nhưng không viện dẫn án lệ:
Một số Thẩm phán có tâm lý “sợ sai” khi áp dụng và viện dẫn án lệ. Nhiều vụ án có tình huống án lệ, giải pháp pháp lý tương tự như nội dung án lệ, mặc dù Thẩm phán có phân tích, nêu tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý tương tự như trong án lệ tại phần “Nhận định của Tòa án”, nhưng trong nội dung bản án, quyết định được ban hành thì Thẩm phán không ghi rõ áp dụng và viện dẫn án lệ cụ thể, trong khi có vận dụng nội dung của án lệ để giải quyết vụ án (Ví dụ: Việc xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm trong vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng theo Án lệ số 08/2016/AL, có rất nhiều bản án của Tòa án chỉ vận dụng tinh thần của án lệ số 08/2016/AL nêu trên để giải quyết nhưng trong bản án không viện dẫn, áp dụng án lệ này).
(5). Viện dẫn, áp dụng án lệ không đúng:
Ngoài việc không viện dẫn, áp dụng án lệ hoặc có áp dụng tinh thần của án lệ nhưng không viện dẫn án lệ trong việc giải quyết các vụ việc có tình huống án lệ, giải pháp pháp lý tương tự như án lệ đã công bố nêu trên, còn có một số trường hợp Thẩm phán lại áp dụng và viện dẫn án lệ không đúng. Tức là, vụ án có tình huống án lệ, giải pháp pháp lý không giống như án lệ đã công bố, nhưng Thẩm phán vẫn áp dụng và viện dẫn án lệ để giải quyết vụ án. Đây được đánh giá là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật của các Thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ việc, là căn cứ để Tòa án cấp trên xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục phúc thẩm hoặc trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Một số án lệ hiện nay nhiều Tòa án viện dẫn, áp dụng không đúng với tình huống án lệ, giải pháp pháp lý của án lệ, đặc biệt là Án lệ số 47/2021/AL “Về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại”. Để đảm bảo việc áp dụng án lệ số 47/2021/AL được thống nhất, đúng pháp luật trong các Tòa án, ngày 13/6/2023, TANDTC Công văn số 100/TANDTC-PC gửi các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, các đơn vị thuộc TANDTC TANDTC quán triệt việc áp dụng số 47/2021/AL nêu trên.
2.2. Nguyên nhân
Việc áp dụng, viện dẫn án lệ tại các Toà án hiện nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:
(1) Quy định pháp luật về viện dẫn và áp dụng án lệ chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, viện dẫn án lệ
Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 18/6/2019 hướng dẫn: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về “tình huống pháp lý tương tự” được như thế nào dẫn đến các thẩm phán còn lúng túng, có tâm lý sợ sai khi viện dẫn, áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết các vụ việc; việc áp dụng “tình huống pháp lý tương tự” còn mang nhiều ý chí chủ quan của thẩm phán.
(2) Hiệu lực pháp lý của án lệ còn thấp so với các loại nguồn pháp luật khác gây ra khó khăn trong áp dụng án lệ.
Về nguyên tắc, theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành, án lệ chỉ được áp dụng trong trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, trong lĩnh vực dân sự nói chung thì án lệ chỉ được áp dụng trong trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật [6]. Do đó, trên thực tế hiệu lực pháp lý của án lệ đôi khi còn chưa được đánh giá cao trong quá trình nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn.
(3). Số lượng án lệ hiện nay chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xét xử
Sau hơn 07 năm, kể từ ngày 06/4/2016 (ngày Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố án lệ số 01/2016/AL) đến ngày 15/7/2023, tổng số án lệ đã được Toà án nhân dân tối cao công bố và đưa vào áp dụng trên thực tế hiện nay là 63 án lệ (trong đó có 14 án lệ về hình sự, 27 án lệ về dân sự, 05 án lệ về hôn nhân và gia đình, 08 án lệ về kinh doanh, thương mại, 01 án lệ về lao động, 01 án lệ về hành chính, 04 án lệ về tố tụng dân sự, 03 án lệ về tố tụng hành chính). Số lượng án lệ nêu trên hiện chưa đáp ứng đươc yêu cầu thực tiễn xét xử, chỉ tập trung số lượng lớn án lệ về hình sự (14 án lệ), dân sự (27 án lệ), kinh doanh, thương mại (08 án lệ), còn lại các án lệ về lĩnh vực khác là rất ít.
(4) Toà án nhân dân tối cao chưa có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho các Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác về kỹ năng nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ.
Việc xây dựng chương trình, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho các Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác về kỹ năng nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ là rất cần thiết. Mục đích của việc này nhằm trang bị cho Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác các kiến thức về kỹ năng nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ; từ đó tạo ra tâm lý tự tin, thói quen khi áp dụng và viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết các vụ việc.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng và viện dẫn án lệ ở Việt Nam trong thời gian tới
Xuất phát từ những vấn đề còn tồn tại trong thực tiễn áp dụng và viện dẫn án lệ tại các Tòa án hiện nay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng và viện dẫn án lệ ở Việt Nam trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử hiện nay, cần thiết phải thực hiện những giải pháp sau đây:
(1). Tiếp tục tăng cường hơn nữa việc nâng cao chất lượng xét xử; nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của toà án để tạo nguồn tốt trong công tác phát triển án lệ; tổ chức tập huấn về viết bản án cần lồng ghép nội dung hướng dẫn cách viết bản án, quyết định có chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng được tiêu chí lựa chọn án lệ, nhằm nâng cao chất lượng nguồn án lệ; hướng dẫn cách viện dẫn án lệ.
(2). Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về “tình huống pháp lý tương tự” được hiểu như thế nào, để các Thẩm phán có cách hiểu thống nhất trong quá trình viện dẫn, áp dụng án lệ.
(3) Cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho các Thẩm phán, người giữ chức danh tư pháp khác về kỹ năng nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ, nhằm trang bị cho các đối tượng này các kiến thức về kỹ năng nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn án lệ; tạo ra tâm lý tự tin, thói quen khi áp dụng và viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết các vụ việc.
(4). Tăng cường công tác chỉ đạo, quán triệt để các Tòa án nhân dân thực hiện nghiêm túc công tác nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử theo đúng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11/7/2017 của TANDTC về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử.
(5). Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình phát triển án lệ theo hướng đơn giản hơn, bớt khắt khe về tiêu chí “tính chuẩn mực” của bản án, quyết định; theo đó, chỉ cần bản án, quyết định có tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật là có thể được xem xét để phát triển thành án lệ; tạo
(6). Tăng cường công tác chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp, các đơn vị thuộc TANDTC chấp hành nghiêm túc Chỉ thị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về công tác rà soát, phát hiện, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật để hoàn thành chỉ tiêu đề xuất án lệ hàng năm. Từ đó, làm sơ sở, tạo nguồn án lệ nhiều hơn để Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, thông qua án lệ; tăng số lượng án lệ để các Thẩm phán nghiên cứu, áp dụng và viện dẫn trong quá trình giải quyết các vụ án.
Ảnh: Trụ sở TANDTC.
[1]. Điểm 2.2, mục 2, phần II, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
[2]. Số liệu tính đến ngày 15/7/2023 do TANDTC cung cấp
[3]. Tiểu mục 2.9, mục 2, Chỉ thị số 01/2023/CT-CA ngày 03/01/2023 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án năm 2023;
[4]. Số liệu tính đến ngày 15/7/2023 do TANDTC cung cấp
[5]. https://trolyao.toaan.gov.vn),
[6].Điều 6 Bộ Luật Dân sự năm 2015
Bài liên quan
-
Cách WinCommerce giữ thị phần bán lẻ cho người Việt
-
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Củ Chi và Doanh nhân Lê Anh Trung
-
Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XV: Lan tỏa và phát triển Văn hóa Petrovietnam đến với cộng đồng và xã hội
-
Cựu Chánh án Lê Văn Mãn – đại thụ của ngành Tòa án Quảng Trị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận