Bảo vệ bản quyền liên quan đến việc sao chép, trích dẫn tác phẩm trong các cơ sở giáo dục Đại học và kiến nghị hướng hoàn thiện
Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích làm rõ phạm vi và giới hạn quyền sao chép (QSC), trích dẫn tác phẩm TDTP của người khác, đánh giá thực trạng hành vi sao chép, TDTP tại các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) ở Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Đánh giá tính hợp pháp của hành vi sao chép và trích dẫn tác phẩm (TDTP) vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong chính các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) và trong cách hiểu, cách áp dụng tại các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) ở Việt Nam hiện nay. Các giáo trình, sách chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, bài giảng, bài phát biểu… được sử dụng tại các CSGDĐH luôn song hành với hành vi sao chép và TDTP của người khác.
1. Quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến QSC, TDTP tại các CSGDĐH
1.1. Quy định của pháp luật về QSC tác phẩm trong các CSGDĐH
QSC tác phẩm là một trong các quyền tài sản độc quyền thuộc quyền tác giả (QTG), do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.
Do đó, trừ trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định, thì mọi hình thức sao chép tác phẩm (SCTP) phải có sự đồng ý của chủ sở hữu QTG. Việc sao chép được đặt ra trong hai bối cảnh: (1) sao chép những tác phẩm đã được công bố, xuất bản và (2) sao chép những tác phẩm chưa được công bố, xuất bản. Công bố tác phẩm là tác phẩm lần đầu được làm một số lượng bản sao nhất định đến với công chúng, thông thường, đó là một ấn phẩm được xuất bản bởi một nhà in có giấy phép xuất bản. Nếu có hành vi xâm phạm QSC, thì chủ sở hữu QTG dễ có các chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền của mình. Còn đối với trường hợp tác phẩm chưa được công bố, thì việc chứng minh có phần khó khăn hơn. Bởi khi đó, chủ sở hữu QTG phải chứng minh quyền của mình đó là: tác phẩm đó do mình sáng tạo ra một cách độc lập hoặc mình là người được tặng cho, được thừa kế hay được chuyển giao quyền tài sản của QTG; bởi tác phẩm chỉ cần hình thành dưới một hình thức nhất định có thể nhận biết được, thì đã được pháp luật bảo vệ QTG. Chẳng hạn như một nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ chính thức luận án tiến sĩ thì phát hiện ra nội dung luận án của mình đã bị một người khác sao chép gần như toàn bộ dưới dạng sách chuyên khảo và đã được xuất bản, lúc này để chứng minh có hành vi xâm phạm thì không hề đơn giản. Do vậy, trước khi tác phẩm được công bố chính thức, thì cần có cơ chế để bảo vệ bản quyền cho nghiên cứu sinh. Bởi lẽ, theo quy định, luận án của nghiên cứu sinh chỉ được gửi cho các thành viên hội đồng bằng file cứng, nhưng khả năng nội dung luận án bị “ăn cắp” vẫn có khả năng xảy ra, nếu không có quy định cụ thể riêng biệt cho trường hợp này.
Các trường hợp ngoại lệ của QSC được quy định như sau: (1) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; (2) SCTP để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu[2]. Quy định này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.
Việc tự sao chép phải thỏa mãn điều kiện “không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm” (khoản 2 Điều 25 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 Luật Sở hữu trí tuệ).
1.2. Quy định của pháp luật về quyền TDTP trong các CSGDĐH
Theo Từ điển và từ ngữ Việt Nam, thì trích dẫn là “rút từ tác phẩm khác một câu hay một đoạn để làm sáng tỏ lý luận của mình”[3]; hoặc có tác giả định nghĩa: “trích dẫn là việc sử dụng một tác phẩm (không đáng kể) của người khác để nêu bật ý tác giả”[4]. Có thể nói, các định nghĩa này vẫn mang tính bao quát chung, mà không nêu cụ thể phạm vi, giới hạn của việc trích dẫn hợp pháp. Theo Điều 23 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, như sau: Các trường hợp TDTP không bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:
- Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
- TDTP mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
- TDTP để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, quyền TDTP chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện: (1) việc trích dẫn phải đảm bảo tính hợp lý; (2) việc trích dẫn phải chính xác; (3) mục đích của trích dẫn là sử dụng thông tin được trích dẫn để làm rõ ý tưởng của mình trong tác phẩm của mình (để minh họa, bình luận hoặc để đưa tin trong các ấn phẩm báo chí) và không nhằm mục đích thương mại.
Sao chép và trích dẫn là hai hành vi được thực hiện có sự liên quan đến nhau trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, nhưng là hai hành vi độc lập, mà chúng ta cần phải có sự phân biệt. Thứ nhất, về hành vi sao chép: là làm bản sao tác phẩm (có thể sao chép toàn bộ hoặc một phần tác phẩm) để làm tài liệu nghiên cứu, học tập; còn TDTP (trích dẫn ý tưởng của tác giả khác, bằng ngôn ngữ của mình hoặc trích dẫn y nguyên lời văn, câu chữ của tác giả khác trong tác phẩm của họ và được sử dụng trong tác phẩm của mình). Thứ hai, về mục đích: sao chép là làm bản sao tác phẩm từ tác phẩm gốc, theo đó, người sao chép vẫn có được toàn bộ nội dung của tác phẩm mà không phải mua tác phẩm gốc của tác giả; trích dẫn là sử dụng tác phẩm của người khác để làm rõ ý tưởng của mình trong công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, nhiều học viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo đại học đã thực hiện việc sao chép trong TDTP. Điều này được hiểu là nhiều luận văn, luận án, tiểu luận… của người học đã sao chép y nguyên tác phẩm của người khác trong tác phẩm của mình và sử dụng luôn ý tưởng của tác phẩm của người khác thành ý tưởng của mình mà không trích dẫn, nêu nguồn cụ thể.
2. Thực trạng, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về QSC, trích dẫn tại các CSGDĐH
2.1. Về thực hiện hành vi SCTP
Những chủ thể thực hiện QSC trong môi trường giáo dục đại học bao gồm hai chủ thể cơ bản và chủ yếu là sinh viên và giảng viên. Hành vi SCTP của họ có thể xâm phạm quyền của người khác hoặc của nhau; hoặc ngược lại, chính họ là chủ thể bị xâm phạm quyền.
Ở đây, chúng ta xét hai mối quan hệ cụ thể: quan hệ giữa giảng viên và sinh viên đại học trong việc xâm phạm QTG của nhau. Thực tế việc giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên thường được thực hiện thông qua các sản phẩm là các tác phẩm như các bài giảng của giảng viên (dưới hình thức là các bản words hoặc slides, các bản ghi âm, ghi hình) hoặc các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên mà giảng viên được nhà trường ra quyết định phân công hướng dẫn. Vậy, hành vi sao chép của sinh viên đối với các tác phẩm của giảng viên gắn với hoạt động giảng dạy là tự ý sao chép hoặc cho các bạn khác sao chép các bài giảng này có phải là hành vi xâm phạm QTG không? Nếu đối chiếu với trường hợp ngoại lệ do Luật SHTT quy định đối với QSC thì thấy, đây là hành vi sao chép để phục vụ cho hoạt động học tập nhưng nó có làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm hay không thì lại là một nội dung cần làm sáng tỏ. Với quy định này của pháp luật và theo cách diễn giải ngữ nghĩa của chúng, thì thấy rằng, trước hết, tác phẩm đó phải đang được đưa vào khai thác thương mại và việc sao chép này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình khai thác đó. Đối với tác phẩm là giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo… tức là, đã được xuất bản và đang được phân phối qua các kênh thương mại để tiêu thụ, thì đó là các tác phẩm đang được đưa vào khai thác thương mại. Do đó, việc các sinh viên tự sao chép các tác phẩm trên với số lượng lớn, tại một thời điểm, địa điểm, thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm. Bởi lẽ, theo quy định, đối với các tài liệu tham khảo bắt buộc được ghi trong đề cương chi tiết môn học, thì sinh viên bắt buộc phải có; nên việc sinh viên của một khóa học sao chép loại tài liệu này là tất yếu, với số lượng là hầu hết sinh viên của khóa học đó. Hơn nữa, mục đích của sinh viên sao chép là để học tập, chứ không phải là phục vụ cho hoạt động nghiên cứu hay giảng dạy. Nghiên cứu được hiểu là quá trình tìm kiếm các nguồn thông tin để đưa ra các ý tưởng trong một tác phẩm mới của người nghiên cứu. Trong học tập thì cũng có nghiên cứu, nhưng nghiên cứu để hiểu bài học, để làm bài thi, thì nghiên cứu lại là yếu tố thuộc về học tập, chứ không phải là hoạt động nghiên cứu khoa học có tính độc lập như tinh thần của điểm a khoản 1 Điều 25 Luật SHTT năm 2005 quy định. Còn giảng viên SCTP của người khác một bản cũng chỉ được dùng trong hoạt động để tạo ra bài giảng, tức là ,mục đích chuyển tải, truyền đạt kiến thức đến người học mà thôi. Theo đó, việc các sinh viên tại các trường đại học tự đi sao chép, photocopy giáo trình là loại tài liệu tham khảo bắt buộc trong các đề cương môn học không được coi là hành vi sao chép hợp pháp.
Còn đối với tác phẩm thể hiện dưới dạng bài giảng, slides, video, thì tác giả chỉ chứng minh được tác phẩm đang đưa vào khai thác thương mại khi đó là tài liệu giảng dạy trong các khóa đào tạo mà tác giả có ký kết hợp đồng giảng dạy có thù lao. Điều này chủ sở hữu của QTG phải chứng minh thì mới có căn cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Còn trường hợp sinh viên đi sao chép bài giảng của giảng viên để bán lấy tiền thì rõ ràng đó là hành vi xâm phạm QTG.
Đối với chương trình giảng dạy có sử dụng chương trình gửi tài liệu cho sinh viên, trong đó, có thể có bài giảng của giảng viên, thì giảng viên có thể gửi bài giảng cho sinh viên tùy mức độ, do giảng viên quyết định (thường có những giảng viên chỉ gửi các thông tin cơ bản, tóm tắt mà không gửi hết toàn bộ bài giảng) để nhằm bảo vệ bản quyền đối với bài giảng của mình. Do đó, việc sinh viên ghi âm hay ghi hình, chụp ảnh slides bài giảng của giảng viên trên lớp, thì phải xin phép và phải được sự đồng ý của giảng viên. Tương tự, nếu giảng viên phát slides bài giảng của mình cho sinh viên, sau đó sinh viên tự đi sao chép để bán cho những sinh viên khác, những người quan tâm hoặc tự đưa bài giảng đó lên mạng Internet (có thu tiền hoặc không thu tiền đối với những người download thông tin) mà không có sự cho phép của giảng viên cũng là hành vi xâm phạm QTG đối với bài giảng của giảng viên. Hành vi này mặc dù chỉ xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của giảng viên nhưng vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường văn hóa giáo dục của nhà trường.
2.2. Về thực hiện hành vi TDTP
Trong các CSGDĐH, thì các tác phẩm dưới dạng khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án của người học và các đề tài nghiên cứu khoa học, giáo trình, tài liệu hướng dẫn học tập của giảng viên được hình thành không thể không có hoạt động tham khảo, TDTP của người khác. Việc TDTP trong hoạt động nghiên cứu giảng dạy không bị coi là hành vi xâm phạm QTG, nhưng phải thỏa mãn các điều kiện: (1) người trích dẫn phải nêu rõ nguồn (tên tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản, năm xuất bản và số trang có nội dung được trích dẫn). Nếu trích dẫn nguyên văn câu chữ của tác phẩm, thì phải đưa vào trong ngoặc kép, còn nếu chỉ trích dẫn ý tưởng của tác giả, thì cũng phải nêu rõ, giải thích ý tưởng đó để minh họa hay bình luận trong tác phẩm của mình; (2) dung lượng trích dẫn phải hợp lý. Bởi “nếu số trang của tác phẩm được sao chép, trích dẫn quá nhiều[5] thì khiến cho sự sáng tạo của tác giả trong tác phẩm đó gần như không có”[6]. Trong khi đó, phần lớn các quan điểm của các CSGDĐH ở Việt Nam hiện nay đang cho phép các khóa luận, luận văn, luận án được sao chép dưới 30% so với tổng dung lượng của khóa luận, luận văn, luận án. Theo tài liệu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam[7], thì: “Quy định về tỷ lệ kiểm tra chống sao chép: Các luận văn có kết quả tỷ lệ kiểm tra sao chép và tỷ lệ trích dẫn nhỏ hơn hoặc bằng 30% là đạt yêu cầu. Các luận văn có kết quả tỷ lệ kiểm tra sao chép hoặc tỷ lệ trích dẫn lớn hơn 30% là chưa đạt yêu cầu hội đồng chuyên ngành trực tiếp xem xét và quyết định”. Quy chế Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chỉ cho phép trích dẫn 20% trên tổng dung lượng tác phẩm[8], còn trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh[9] và Trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho phép trích dẫn lên đến 50%[10].
Có thể nói, https://www.turnitin.com/vi là trang web được dùng để kiểm tra “tỷ lệ cho phép” trong trích dẫn của các khóa luận, luận văn, luận án. Tuy nhiên, về độ chính xác của phần mềm kiểm tra Turnitin phiên bản tiếng Việt vẫn còn có nhiều điểm phải bàn luận. Về lý thuyết, phần mềm này được sử dụng để đối chiếu khóa luận, luận văn, luận án với nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ đến từ các bài viết của sinh viên, trang web, sách, tài liệu học thuật,… Như vậy, kết quả đối chiếu của phần mềm Turnitin phụ thuộc vào nguồn dữ liệu hiện có. Nếu kho dữ liệu tiếng Việt này ít được cập nhật từ nguồn cơ sở tin cậy, thì tỷ lệ cho ra từ kiểm soát bằng thuật toán sẽ không bảo đảm tính chính xác. Nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh, sau khi sử dụng các công cụ “check đạo văn” rất bất ngờ, vì họ viết hoàn toàn độc lập, không trích dẫn, sao chép của bất cứ ai, nhưng mức độ trùng lặp lại rất cao, lên đến hơn 30%. Nguyên nhân là do Turnitin hay các phần mềm “check đạo văn” tương tự đều có cơ chế hoạt động sẽ “bắt lỗi” các câu văn có cấu trúc giống nhau, hoặc các văn bản pháp luật cũng được tính là nguồn dữ liệu để đối chiếu.
Bên cạnh đó, lại có quan điểm cho rằng, nên xác định tỷ lệ được trích dẫn và được coi là hợp lý đó là “một tác phẩm có thể được trích dẫn nhiều lần nhưng không quá 10% nội dung tác phẩm mới, vượt quá có thể xem là trích dẫn không hợp lý”[11]. Ở đây, tác giả này mới chỉ ra tỷ lệ của tác phẩm mới so với một tác phẩm khác được trích dẫn mà không có giải pháp cụ thể về tổng dung lượng các tác phẩm được trích dẫn tính trên tác phẩm mới được hình thành. Để có thể đánh giá được công sức khoa học, tính sáng tạo của tác giả trong tác phẩm mới, thì tỷ lệ trích dẫn tổng thể các tác phẩm khác không được vượt quá 20%, bởi có rất nhiều công trình, người viết TDTP của người khác mà không nêu nguồn (đây coi như là hành vi ăn cắp tác phẩm, đạo văn), còn trường hợp có nêu nguồn nhưng lại chiếm tỷ lệ quá lớn thì người đọc không thấy được hàm lượng khoa học của tác giả trong tác phẩm mới được tạo thành này.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về QSC và trích dẫn tại các CSGDĐH hiện nay
3.1. Các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về QSC, TDTP
Luật SHTT năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 đã có những quy định cụ thể về quyền trích dẫn, SCTP như đã phân tích ở phần 1 của bài viết này; tuy nhiên, qua phân tích thực trạng thực hiện và áp dụng các quy định này tại các CSGDĐH đã bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, để có thể phát huy được sức mạnh điều chỉnh của pháp luật SHTT đối với hoạt động sao chép, TDTP này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, trên cơ sở các quy định về QSC nói chung thì pháp luật SHTT cần bổ sung quy định về QSC tác phẩm tại các cơ sở giáo dục đại học. Bởi vì, tại các CSGDĐH hoạt động này diễn ra thường xuyên, phổ biến nhất với số lượng lớn nhất để phục vụ cho mục đích nghiên cứu và đào tạo. Cho nên, việc quy định tại khoản 2 Điều 25 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 Luật SHTT cần bổ sung quy định về thế nào là “không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm”. Theo chúng tôi, các yếu tố sau là các điều kiện cần và đủ, để xác định hành vi SCTP đã ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm bị sao chép ngay cả hành vi sao chép do một cá nhân thực hiện nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo của bản thân: (1) tác phẩm được sao chép đang hoặc sẽ được đưa vào khai thác thương mại (ngoại trừ đối với những tác phẩm được tạo ra vì mục đích từ thiện hay nhằm tặng cho); (2) việc sao chép này được thực hiện tại cùng một địa điểm, bởi cùng một loại chủ thể đối với cùng một tác phẩm và trong cùng một khoảng thời gian với số lượng sao chép không nhỏ (có thể từ 5 bản sao chép trở lên); (3) mục đích sử dụng bản sao chép để nghiên cứu nhằm tạo ra một tác phẩm khác trên cơ sở các thông tin của tác phẩm đã sao chép hoặc để làm tư liệu cho việc hoàn thiện bài giảng trên lớp của giảng viên. Với quy định cụ thể này, nếu điều luật được sửa đổi và bổ sung như vậy thì việc hiểu, thực hiện và áp dụng pháp luật đối với hành vi sao chép tại các CSGDĐH sẽ bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả, việc tôn trọng và tuân thủ pháp luật về SHTT sẽ tốt hơn tại các CSGDĐH.
Hơn nữa, để bảo đảm tính thống nhất với pháp luật của các nước về tăng cường bảo hộ QTG thì pháp luật SHTT của Việt Nam cũng cần quy định đối với việc SCTP để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy, thì chỉ được sao chép một phần và đó là phần không cơ bản của tác phẩm. Bởi, nếu tác phẩm được sao chép nguyên bản cả tác phẩm, thì việc khai thác thương mại của tác phẩm cũng tất yếu bị ảnh hưởng. Tuy rằng cần có sự cân bằng về lợi ích của chủ sở hữu QTG với lợi ích của xã hội trong việc khai thác và sử dụng tác phẩm nhưng việc giới hạn các trường hợp được SCTP của người khác được coi là hợp pháp cần được quy định cụ thể và có tính thống nhất. Việc SCTP của người khác chỉ là sao chép một phần không cơ bản và để phục vụ cho việc cho ra đời các tác phẩm kế tiếp trong tương lai hoặc để chuyển tải kiến thức cho người học của các giảng viên mà thôi.
Thứ hai, Luật SHTT cũng cần bổ sung các quy định về làm rõ tính hợp lý trong việc SCTP trong điểm b khoản 1 Điều 25 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 Luật SHTT. Ngoài mục đích của việc TDTP của người khác để bình luận, minh họa cho ý tưởng trong tác phẩm của mình, thì theo chúng tôi, việc trích dẫn chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng được các yêu cầu sau đây: (1) Xét từ khía cạnh của tác phẩm được trích dẫn, việc người khác TDTP của mình trong tác phẩm của họ, thì người trích dẫn chỉ được trích dẫn một phần tác phẩm và đó cũng không phải là phần cơ bản của tác phẩm, mà không được trích dẫn toàn bộ tác phẩm của mình hoặc phần cơ bản tác phẩm của mình; (2) Xét từ khía cạnh của tác phẩm mới mà có sự TDTP của người khác, theo chúng tôi, phải có quy định cụ thể về tỷ lệ của những tác phẩm được trích dẫn xét trên tổng dung lượng của tác phẩm được tạo thành. Trong công tác đào tạo sau đại học của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, đa số đều chọn tỷ lệ các luận văn, luận án được sao chép là không vượt quá 30% (xem nội dung được trình bày ở phần 2 của bài viết này), có ít trường chọn tỷ lệ không quá 50%. Theo quan điểm của chúng tôi, tỷ lệ này cần được quy định có tính hướng dẫn khung (quy định tỷ lệ được trích dẫn so với dung lượng của luận văn, luận án) ở mức cao nhất, sau đó tùy các trường đại học sẽ vận dụng tỷ lệ trong khung đó cho phù hợp với mục tiêu về chất lượng và chiến lược đào tạo của trường mình. Chúng tôi cho rằng, mỗi một lĩnh vực nghiên cứu khoa học (tự nhiên hay xã hội) và ngay trong một lĩnh vực thì cũng có các chuyên ngành khác nhau (ví dụ lĩnh vực xã hội có ngành Luật, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Tài chính…), thì tỷ lệ được TDTP của người khác trong tác phẩm của mình cũng khác nhau, miễn sao có thể khẳng định được hàm lượng khoa học của tác phẩm mới thực sự là công trình nghiên cứu có những đóng góp của tác giả. Riêng đối với lĩnh vực pháp luật thì việc trích dẫn các văn bản pháp luật để minh họa và bình luận thì không được tính trong tỷ lệ này. Vì các văn bản pháp luật không được bảo hộ QTG và việc trích dẫn các văn bản pháp luật để bình luận, đánh giá, minh họa là tất yếu phải có trong các công trình nghiên cứu thuộc chuyên ngành Luật. Tuy nhiên, bộ công cụ phần mềm mà các cơ sở đại học đang sử dụng để đánh giá tỷ lệ trích dẫn của các tác phẩm hiện nay chưa có sự phân biệt việc trích dẫn các văn bản pháp luật với việc trích dẫn các tác phẩm khác. Điều này đòi hỏi kỹ thuật viết và trích dẫn các văn bản pháp luật của người viết để không bị tính là vượt quá tỷ lệ trích dẫn được phép.
3.2. Các kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về QSC, trích dẫn tại các CSGDĐH hiện nay
Thứ nhất, thư viện của các trường đại học cần chấp hành đúng quy định về SCTP. Các thư viện được làm các bản sao dưới hình thức nào (photocopy hay các bản sao số), với số lượng bao nhiêu, thì phải được sự đồng ý của nhà trường với tư cách là chủ sở hữu QTG của tác phẩm. Trường hợp này, nhà trường thể hiện ý chí của mình thông qua việc ban hành quy chế về quản trị tài sản trí tuệ hoặc người muốn sao chép phải có tờ trình xin phê duyệt cụ thể của lãnh đạo nhà trường.
Đối với các loại giáo trình, sách là tài liệu tham khảo bắt buộc của mỗi môn học, thì nhà trường nên có cơ chế giảm giá cho sinh viên hoặc kêu gọi các nguồn tài trợ xã hội hóa để trả thù lao cho tác giả của các sách này, theo đó, sinh viên được sử dụng sách để học mà không phải trả tiền. Xây dựng nguồn giáo trình thuộc tài liệu tham khảo bắt buộc trong các đề cương môn học cần được xem là chiến lược phát triển của nhà trường, bởi đây cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo đại học.
Nếu có vi phạm, thì nhà trường có quyền xử lý trên cơ sở thẩm quyền của một cơ sở đào tạo đối với người học như kỷ luật… chứ không phải là thẩm quyền xử lý của một cơ quan thực thi pháp luật như Tòa án, Thanh tra[12]. Tuy nhiên, nhà trường có thể bảo vệ quyền đối với tác phẩm của mình trước các hành vi xâm phạm của các chủ thể khác bằng các công cụ, phương tiện pháp luật như yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự…
Thứ hai, phòng quản lý khoa học hoặc phòng sau đại học, cần ban hành văn bản quy định tỷ lệ được phép trích dẫn đối với mỗi khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án và phải có phần mềm để kiểm tra tỷ lệ trích dẫn được phép. Để bảo đảm tính chính xác của kết luận “đạo văn” hay không, thì nhà trường cần xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu, để có thể đối chiếu bằng cách chia sẻ thông tin các sách, giáo trình, đề tài khoa học, các luận văn, luận án với các trường đại học khác cùng một mạng lưới đào tạo như cùng ngành Luật, cùng ngành Quản trị hoặc Tài chính, Toán…
Thứ ba, các CSGDĐH cần nêu cao tính đạo đức trong nghiên cứu khoa học và thiết kế các mẫu nhận xét cho các thành viên hội đồng đánh giá khóa luận, luận văn, luận án để các thành viên hội đồng phải có trách nhiệm rà soát kỹ lưỡng các yếu tố có khả năng “đạo văn” của học viên. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định để làm rõ vai trò của giáo viên hướng dẫn cho người học thông qua việc theo sát từng bước, từng khâu hình thành tác phẩm của người học; nếu giảng viên hướng dẫn không làm tròn trách nhiệm, thì có thể phải chịu trách nhiệm liên đới cùng học viên.
Thứ tư, nhà trường cần các quy định rõ hình thức kỷ luật và xử lý đối với các học viên, sinh viên nộp khóa luận, luận văn, luận án bị kết luận là “đạo văn”. Có thể yêu cầu họ làm lại khóa luận, luận văn, luận án đó cho đạt yêu cầu về trích dẫn hợp lý để bảo vệ lại và phải chịu mọi chi phí để tổ chức hội đồng bảo vệ lại hoặc hủy ngay kết quả học tập của toàn khóa học… Tùy theo sự nghiêm khắc và đòi hỏi của mỗi cơ sở đào tạo, để có thể xây dựng quy chế quản lý tài sản trí tuệ theo cách thức phù hợp nhất, để khuyến khích, nâng cao giá trị đạo đức của hoạt động nghiên cứu sáng tạo./.
[3] Nguyễn Lân, Từ điển và từ ngữ Việt Nam, NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2006, tr.1906.
[4] Lê Nết, Quyền sở hữu trí tuệ, Đại học Quốc gia, 2006, tr.72.
[5] Theo án lệ của Tòa án một số nước thì tỷ lệ sao chép không được quá 8% dung lượng của tác phẩm.
[6] Vũ Thị Hồng Yến, Quyền tác giả đối với tác phẩm trong môi trường công nghiệp 4.0 tại các cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21/2019.
[8] Quyết định số 02/QĐ ĐHLHNV-TTPC-SHTT ngày 19/01/2018 về việc ban hành quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM (khoản 3 Điều 5).
[9] Quyết định số 250/QĐ ĐHL ngày 03/3/2015 của Trường Đại học Luật TP. HCM quy định về trích dẫn và chống đạo văn (khoản 3 Điều 5).
[10] Quyết định số 291/QĐ-UEF ngày 30/8/2015 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM quy định về trích dẫn và chống đạo văn.
[11] Trần Quang Trung, Trích dẫn hợp lý tác phẩm - thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập ở bậc đại học, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14/2020, tr.40.
[12] Kinh nghiệm của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh xử lý đối với hành vi sao chép giáo trình của sinh viên, xem thêm https://plo.vn/ban-doc/photo-giao-trinh-hoc-xu-sao-cho-vua-682413.html
Bài liên quan
-
Hà Nội: Phòng giáo dục và đào tạo huyện Quốc Oai đạt nhiều thành tựu nổi bật
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 - Những vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp hoàn thiện
-
SHB đồng hành cùng ngành y tế, giáo dục chuyển đổi số toàn diện
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận