Một số vấn đề vướng mắc trong uỷ thác điều tra

Pháp luật đã có quy định về việc ủy thác điều tra trong tố tụng hình sự, tuy nhiên có một số vướng mắc trong áp dụng, cần được sửa đổi, bổ sung.

1.Quy định của pháp luật

Uỷ thác điều tra là việc cơ quan điều tra có thẩm quyền đang điều tra vụ án giao cho Cơ quan điều tra khác, nhân danh mình thực hiện một số hoạt động điều tra vụ án mà mình đang thụ lý điều tra. Trong quá trình điều tra có rất nhiều các điều kiện, hoàn cảnh khách quan tác động đến quá trình điều tra vụ án như: thời tiết, địa hình, phong tục tập quán, đối tượng… Ví dụ: Vụ án Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an khởi tố có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là quân nhân thì Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có thể ủy thác điều tra cho Cơ quan An ninh Bộ Quốc phòng về việc lấy lời khai…

Hiện nay, Uỷ thác điều tra được quy định tại Điều 171 BLTTHS năm 2015 như sau:

“1. Khi cần thiết, Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.

2. Cơ quan điều tra được ủy thác phải thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác trong thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ủy thác điều tra. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải có ngay văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra đã ủy thác.

3. Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra”.

Như vậy, quyết định uỷ thác điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, nội dung, phạm vi, thời hạn yêu cầu uỷ thác, trách nhiệm của Cơ quan điều tra được uỷ thác, tên tuổi, chức vụ, chữ ký của người ký quyết định uỷ thác. Các quyết định uỷ thác điều tra có thể là quyết định uỷ thác lấy lời khai của người cơ quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; quyết định uỷ thác thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, thu  giữ thư tín, điện tín… Sau khi ra quyết định ủy thác, quyết định uỷ thác phải được gửi cho Cơ quan điều tra được uỷ thác, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được uỷ thác.

Cơ quan điều tra được uỷ thác phải thực hiện đầy đủ những việc được uỷ thác trong thời hạn mà Cơ quan điều tra uỷ thác yêu cầu. Để đảm bảo việc thực hiện công tác điều tra tuân thủ quy định của tố tụng hình sự thì Cơ quan được ủy thác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện uỷ thác điều tra. Trong trường hợp không thực hiện được việc uỷ thác (có thể không đúng thẩm quyền, không đủ nhân lực, phương tiện, kỹ thuật…) thì phải có ngay văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra uỷ thác.

Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được uỷ thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được uỷ thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc uỷ thác điều tra cho Viện kiểm sát đã uỷ thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

2.Những bất cập, vướng mắc và giải pháp hoàn thiện

​BLTTHS năm 2015 mặc dù đã quy định cụ thể và khắc phục được một số nhược điểm của BLTTHS năm 2003, tuy nhiên, qua quá trình áp dụng thực tiễn tác giả còn thấy quy định về uỷ thác điều tra trong BLTTHS năm 2015 còn một số vướng mắc. Sau đây, tác giả xin đưa ra một số vướng mắc trong quá trình áp dụng thực tiễn và phương hướng hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, Về chủ thể nhận quyết định ủy thác quy định tại khoản 1 Điều 171 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung thêm Viện Kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra ủy thác. Bởi lẽ quyết định uỷ thác cũng là một hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra ủy thác nên với vai trò thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp thì Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra uỷ thác cần được biết về hoạt động ủy thác này. Chính vì vậy, tại khoản 1 Điều luật này cần bổ sung thêm chủ thể nhận quyết định ủy thác điều tra là Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra ủy thác.

Thứ hai, Trong trường hợp thời hạn điều tra trong quyết định uỷ thác hết hoặc gần hết thì xử lý ra sao? Thực tiễn áp dụng, nhiều trường hợp do điều kiện khách quan mang đến quyết định uỷ thác đến Cơ quan được uỷ thác vào thời điểm mà thời hạn uỷ thác đã hết hoặc gần hết khiến cơ quan được uỷ thác không thể hoàn thành công việc uỷ thác. Trường hợp này, theo tác giả cần bổ sung thêm quy định, trong trường hợp khách quan việc chuyển quyết định uỷ thác đến Cơ quan điều tra được ủy thác không đủ thời gian để thực hiện công việc được ủy thác thì Cơ quan điều tra được uỷ thác phải có văn bản trả lời cho Cơ quan điều tra uỷ thác, nếu còn thời hạn điều tra thì Cơ quan điều tra ủy thác có thể tiếp tục gửi một quyết định ủy thác khác hoặc gia hạn quyết định ủy thác đã gửi.

Thứ ba, Trong trường hợp hết thời hạn uỷ thác nhưng Cơ quan điều tra được uỷ thác vẫn chưa hoàn thành công việc uỷ thác thì xử lý ra sao? Theo tác giả trong trường hợp này, Cơ quan điều tra được uỷ thác có văn bản gửi kết quả đã thực hiện được cho Cơ quan điều tra uỷ thác, nếu công việc uỷ thác vẫn cần tiếp tục thì Cơ quan uỷ thác có thể gửi quyết đinh uỷ thác khác hoặc gia hạn uỷ thác.

Thứ tư, Chưa quy định rõ về mối quan hệ, quyền, nghĩa vụ giữa Viện kiểm sát nơi uỷ thác và Viện kiểm sát nơi nhận uỷ thác. Ở đây điều luật chỉ quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được uỷ thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được uỷ thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc uỷ thác điều tra cho Viện kiểm sát đã uỷ thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra”. Có quan điểm cho rằng Viện kiểm sát cũng phải thực hiện việc ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác[1]. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì đây không được coi là uỷ thác việc giám sát. Bởi lẽ, việc kiểm sát hoạt động ủy thác của Viện kiểm cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác là quyền và nghĩa vụ theo luật định. Tức là, khi cơ quan điều tra tiến hành một hoạt động tố tụng thì đương nhiên Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan điều tra đó phải tiến hành việc công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hoạt động tố tụng đó. Việc chuyển kết quả giám sát cho Viện kiểm sát nơi ủy thác theo tác giả đó là việc phối hợp giữa hai bên viện kiểm sát do phần công việc uỷ thác chỉ là một phần của vụ án.

 Ngoài ra, theo tác giả cần bổ sung về quyền hạn và nghĩa vụ của Viện kiểm sát nơi ủy thác và Viện kiểm sát nơi nhận ủy thác. Cụ thể, cần quy định về việc Viện kiểm sát nơi ủy thác cần có công văn thông báo cho Viện kiểm sát nơi nhận ủy thác về việc ủy thác điều tra. Bởi lẽ, trên thực tế còn nhiều trường hợp Viện kiểm sát nơi ủy thác không thông báo cho Viện kiểm sát nơi nhận ủy thác biết việc ủy thác điều tra để thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra theo quy định và Viện kiểm sát nơi nhận ủy thác điều tra cũng không chuyển kết quả ủy thác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra cho Viện kiểm sát nơi ủy thác điều tra.

 

 

[1] Lê Hồng Như, VKSND tỉnh Sóc Trăng, “Bàn về ủy thác điều tra trong hoạt động tố tụng hình sự”

HOÀNG VĂN DƯƠNG (Cục Bảo vệ an ninh quân đội)