Một số vi phạm trong giải quyết vụ án hành chính dẫn tới hủy án và sửa án

Không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng trong vụ án; quá trình giải quyết không xem xét các quyết định có liên quan đến quyết định bị khởi kiện; án sơ thẩm nhận định đánh giá và giải quyết không đúng, dẫn đến cấp phúc thẩm sửa án... là những dạng vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hành chính dẫn tới việc hủy án và sửa án.

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm, bị TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên sửa và hủy án sơ thẩm để giải quyết lại, vừa qua, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành Văn bản số 21/TB-VC3-V3 ngày 09/7/2018 thông báo rút kinh nghiệm các vụ án hành chính sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy, sửa trong 06 tháng đầu năm.

Qua kết quả xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy các dạng vi phạm dẫn đến hủy án và sửa án là các trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật. Cụ thể:

1.Vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng

1.1. Không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng trong vụ án (đây là vi phạm phổ biến dẫn đến hủy án)

Ví dụ: Anh N.V.L kiện UBND và Chủ tịch UBND huyện A, thành phố A. đối với quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo đó bà L bị buộc phải tháo dỡ trả lại 42 m2 đất lấn chiếm) và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẳc phục hậu quả. Tương tự là vụ ông T.M.H kiện UBND và Chủ tịch UBND huyện A về quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với yêu cầu phải tháo dỡ trả lại 39 m2 đất lấn chiếm. Trong hai vụ án trên, bà L và ông H cho rằng diện tích này nằm ở phía sau điện tích đang sử dụng, được UBND xã B giao thêm vào năm 1992 và gia đình các ông, bà sử dụng ổn định từ đó đến nay. Để giải quyết vụ án, phải làm rõ về thời điểm bắt đầu sử dụng đất của bà N.V.L và ông T.M.H, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa UBND xã B vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan để làm rõ quá trình UBND xã B quản lý phần đất này như thế nào, quản lý trên hồ sơ địa chính hay quản lý trên thực địa, có giao cho bà L và ông H sử dụng hay không. Do không đưa UBND xã B vào tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, nên Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy án để giải quyết lại.

1.2. Án sơ thẩm tuyên vượt quá thẩm quyền

VD: Anh H.V.T kiện UBND huyện X, tỉnh B, yêu cầu tuyên bố hành vi không giải quyết yêu cầu xác định lại diện tích đất ở là trái pháp luật và buộc UBND huyện X xác định lại đất ở cho ông T theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2014 của Chính phủ. Án sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện là có căn cứ. Tuy nhiên, trong phần quyết định của án sơ thẩm lại tuyên: “Ông T có đủ điều kiện công nhận đất ở mà không phải nộp tiền sử dụng đất ở nằm trong diện tích đất 2.342m2 tại ấp L, xã B, huyện X, tỉnh B; ông T có quyền nộp hồ sơ xác định lại diện tích đất ở theo qui định tại khoản 47 Điều 2 bổ sung Điều 72a Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ” là đã vượt quá thẩm quyền của Toà án trong giải quyết vụ án hành chính. Do vậy Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án, bỏ nội dung tuyên vượt quá thẩm quyền này.

2.Vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật

2.1. Thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa làm rõ những nội dung quan trọng để làm cơ sở đánh giá quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng hay sai, dẫn đến cấp phúc thẩm hủy án để giải quyết lại.

VD: Công ty H kiện Chủ tịch UBND Quận A, thành phố H đối với văn bản đề nghị Công ty thanh lý hợp đồng, di dời và bàn giao lại phần đất thuê của nhà nước và quyết định giải quyết khiếu nại; yêu cầu UBND Quận A ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ. Trong vụ án này, theo các tài liệu đã thu thập thì diện tích đất Công ty H thuê trước đây 6.890m2, nhưng trong quá trình sử dụng, Công ty đã nhận chuyển nhượng của các hộ dân lân cận, nên diện tích thực tế là 8.439,3 m2, bản vẽ hiện trạng đất kèm theo Công văn yêu cầu bàn giao mặt bằng của UBND Quận A chỉ xác định chung diện tích đất Công ty H đang quản lý là 8.439,3m2, đồng thời xác định diện tích dư ra là đất do Nhà nước quản lý và không tách riêng phần Công ty nhận chuyển nhượng của các hộ dân sau này là chưa phù hợp. Quá trình giải quyết cấp sơ thẩm không phải làm rõ nội dung này để tránh ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Do vậy Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy án để giải quyết lại.

2.2. Quá trình giải quyết không xem xét các quyết định có liên quan đến quyết định bị khởi kiện

VD: Điển hình là vụ ông D.N.H và bà P.T.L khởi kiện UBND và Chủ tịch UBND huyện Đ, tỉnh L đối với quyết định công nhận quyền sử dụng và cấp Giấy CNQSDĐ, quyết định tách thửa và quyết định giải quyết khiếu nại. Ông cho rằng UBND huyện Đ công nhận quyền sử dụng 1.188m2 đất cho hộ ông D.N.N là sai đối tượng vì đất này vợ chồng ông khai hoang, sau đó tách thành 5 thửa và đã cấp 5 Giấy CNQSDĐ cho các thành viên trong hộ ông N là không đúng. Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ đối với yêu cầu hủy quyết định công nhận quyền sử dụng và cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông N do hết thời hiệu, chỉ xem xét giải quyết đối với quyết định tách thửa và quyết định giải quyết khiếu nại là không xem xét toàn diện vụ án. Việc này là vi phạm Hướng dẫn số 01 ngày 17/4/2017 của TAND tối cao là khi xem xét quyết định bị khởi kiện thì phải xem xét các quyết định có liên quan kể cả khi các quyết định liên quan này đã hết thời hiệu khởi kiện. Chính vì không xem xét các quyết định này nên chưa làm rõ việc cấp giấy cho ông N và đây chính là mấu chốt của vụ án nên việc tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông H là chưa đủ căn cứ. Do vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy án để giải quyết lại.

2.3. Án sơ thẩm nhận định đánh giá và giải quyết không đúng, dẫn đến cấp phúc thẩm sửa án

VD: Bà Đ.K.C kiện UBND và Chủ tịch UBND huyện V, tỉnh H đối với quyết định thu hồi đất để đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại xã T và quyết định cưỡng chế. Đây là dự án phát triển kinh tế xã hội của xã do UBND huyện V làm chủ đầu tư (dự án do nhà nước thu hồi) nên UBND huyện V ra quyết định thu hồi đất là đúng. Tòa án sơ thẩm tuyên hủy quyết định thu hồi đất là trái với quy định của pháp luật nên Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án, bác yêu cầu khởi kiện về việp yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất.

Tương tự là vụ L.M.K kiện Chủ tịch UBND thành phố B, tỉnh R với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Hành vi vi phạm thực hiện từ năm 1988 và 2008, đã hết thời hiệu xử phạt, đến ngày 03/8/2016. UBND phường P, thành phố B mới lập biên bản vi phạm hành chính là không đúng quy định pháp luật về thời hạn và trình tự, thủ tục nên không có giá trị pháp lý làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này chỉ có thể ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. UBND thành phố B căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính không đúng pháp luật để xử lý vi phạm hành chính là không đúng. Do vậy Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án, hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2.4. Áp dụng pháp luật không đúng về trường hợp thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho người thứ ba ngay tình, dẫn đến cấp phúc thẩm sửa án.

VD: Ông N.T.P, bà N.T.T kiện Chủ tịch UBND thành phố B, tỉnh L đối với quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện là không đúng vì vợ chồng ông P bà T nhận tặng cho đất từ bà C. Theo điểm d khoản 2 Điều 106 Luật đất đai 2013 thì UBND không có quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Do vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, hủy quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng dất.

Trên đây là một số vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hành chính dẫn tới việc hủy án và sửa án. VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo để rút kinh nghiệm chung.

Theo kiemsat.vn

NGÂN HÀ