Một số vướng mắc, bất cập trong quy định của Luật Thi hành án dân sự và kiến nghị hoàn thiện

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số vướng mắc, bất cập trong quy định của Luật Thi hành án dân sự (LTHADS) và kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật.

1. Đặt vấn đề

LTHADS được Quốc hội XII thông qua vào ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 và sau đó được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015, là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực thi hành án dân sự ở thời điểm hiện tại. Qua gần 14 năm triển khai áp dụng luật này, công tác thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả và có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được thì quá trình triển khai áp dụng Luật Thi hành án dân sự cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Thi hành án dân sự được xem là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của TAND vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Tuy nhiên, quá trình áp dụng LTHADS đến nay đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.

2. Một số vướng mắc, bất cập

2.1. Quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự còn chưa đầy đủ

Theo quy định điểm a khoản 1 Điều 7,  điểm b khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (LTHADS) đã quy định về quyền được yêu cầu thi hành án của đương sự (bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án theo quy định khoản 1 Điều 3 của Luật này).

Tại khoản 1 Điều 30 LTHADS đã quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án như sau: Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.”. Trong trường hợp này, pháp luật đã quy định rõ đương sự chỉ có quyền yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, có thể hiểu nếu như bản án, quyết định của TAND chưa có hiệu lực pháp luật thì đương sự không thể thực hiện quyền yêu cầu thi hành án của mình.

Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 Điều 2 LTHADS năm 2008  quy định như sau:

“2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc”

 Từ quy định này có thể thấy rằng có những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên được thi hành ngay mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Từ những phân tích trên, tác giả nhận thấy quy định giữa điểm a khoản 2 Điều 2 và Khoản 1 Điều 30 LTHADS có sự mâu thuẫn. Vấn đề đặt ra là nếu những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật mà người phải thi hành án không chấp nhận thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án hay không? Vì khoản 1 Điều 30 LTHADS  chỉ cho phép đương sự yêu cầu thi hành án khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là đương sự phải đợi thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì quyền yêu cầu thi hành án của họ mới xuất hiện. Điều này sẽ vô tình dẫn đến sự xung đột giữa các quy phạm pháp luật trong cùng một văn bản Luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thực tế đặt ra, đối với những bản án, quyết định được thi hành ngay mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật thì đương sự có quyền yêu cầu thi hành án hay không? Và cơ quan thi hành án dân có tiếp nhận yêu cầu thi hành án trong trường hợp này hay không? Cơ quan nhà nước nào sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự nếu cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án trong trường hợp này?

2.2. Quy định về phí thi hành án dân sự chưa hợp lý

Khoản 7 Điều 3 LTHADS quy định:Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định.” tại Điều 60 quy định: Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.”. Những quy định này, tác giả cho rằng là bất hợp lý và không công bằng đối với người được thi hành án.

Phán quyết của Tòa án là phán quyết nhân danh Nhà nước, bất kỳ ai cũng phải tôn trọng và thực hiện đúng theo những gì trong bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên. Vì vậy, người phải thi hành án phải có trách nhiệm thi hành án về phần tiền, tài sản cho người được thi hành án khi bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành trên thực tế.

Khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành thì người phải thi hành án phải ngay lập tức chấp hành và thực hiện nghiêm túc, triệt để nếu có điều kiện thi hành án. Người được thi hành án không phải chủ thể mang quyền lực nhà nước nên họ không thể bắt buộc, cưỡng chế người phải thi hành án thực hiện theo những gì Tòa án đã tuyên. Vì vậy, trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không thực hiện, để người được thi hành án gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án thì phần lỗi cơ bản đã thuộc về người phải thi hành án vì đây là trách nhiệm họ phải thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Mặc dù người được thi hành án gửi đơn yêu cầu thi hành án nhưng phần lỗi thuộc về người phải thi hành án vì họ có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện theo phán quyết của Tòa án nhưng không thực hiện thì không thể bắt người được thi hành án phải trả phí thi hành án như quy định hiện nay.

2.3. Quy định về hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự chưa tương ích với các văn bản luật khác và chưa phù hợp với thực tiễn

Khoản 1 Điều 31 LTHADS quy định: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.”. Như vậy, luật đã quy định ngoài hình thức trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự còn có quyền chọn 01 trong 02 hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án là nộp đơn trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc gửi đơn qua dịch vụ bưu điện đến địa chỉ cơ quan thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu các văn bản luật khác như BLTTDS 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015 thì tác giả nhận thấy về hình thức nộp đơn giữa các văn bản luật này với LTHADS chưa có sự tương thích. Xét về hình thức nộp đơn, tại khoản 1 Điều 190 BLTTDS 2015 và Điều 119 Luật Tố tụng hành chính 2015 đều quy định hình thức gửi đơn rộng hơn, bao gồm 3 hình thức là (1) Nộp đơn trực tiếp; (2) Gửi đơn qua dịch vụ bưu chính; (3) Gửi đơn trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử. Việc quy định thêm hình thức gửi đơn trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang đứng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước là điều tất yếu.

Khoản 3 Điều 3 Luật Bưu chính 2010 cũng quy định: Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.”. Có thể thấy, hiện nay không chỉ có bưu điện mới là đơn vị có thể giao nhận, chuyển phát đơn thư, tài liệu, hàng hóa mà dịch vụ này đã được xã hội hóa rất mạnh và nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị tư nhân đã tham gia vào lĩnh vực này.

Tóm lại, những sự khác biệt bổ sung trên tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật lựa chọn hình thức áp dụng phù hợp nhất, kịp thời yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó cũng phù hợp với tình hình thực tiễn, xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

3. Kiến nghị hoàn thiện

3.1. Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án tại Khoản 1 Điều 30 LTHADS

Thứ nhất, sửa đổi quy định này như sau:“Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, đương sự có quyền yêu cầu cơ quan cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án”.

Việc sử dụng thuật ngữ “có hiệu lực thi hành” sẽ bao gồm cả trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và bản án, quyết  định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng có hiệu lực thi hành ngay trên thực tế. Điều này đảm bảo tính phù hợp và thống nhất với các quy định khác nhằm giải quyết vấn đề đương sự có quyền yêu cầu thi hành án để đảm bảo quyền, lợi ích của mình đối với những bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay.

Bên cạnh đó, việc thay thế “người được thi hành án, người phải thi hành án” bằng thuật ngữ “đương sự” cũng đảm bảo tính khoa học, ngắn gọn vì đương sự trong thi hành án dân sự bao gồm “người được thi hành án, người phải thi hành án”.

Thứ hai, có thể không cần sửa đổi mà bổ sung thêm một điều khoản là “Đối với bản án, quyết định được thi hành ngay mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật thì đương sự vẫn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành dân sự ra quyết định thi hành án.”

3.2. Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan về phí thi hành án dân sự

Thứ nhất, cần thống nhất sử dụng thuật ngữ “phí thi hành án” hoặc “phí thi hành án dân sự” để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ của luật, mặc dù nội hàm của chúng hoàn toàn giống nhau.

Thứ hai, sửa đổi khoản 7 Điều 3 LTHADS như sau:Phí thi hành án là khoản tiền mà người phải thi hành án phải nộp khi hoàn thành nghĩa vụ về tiền, tài sản theo bản án, quyết định.”

Thứ ba, sửa đổi Điều 60 LTHADS như sau: Người phải thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

3.3. Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự

Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 31 LTHADS thành 3 điều khoản khác, cụ thể như sau:

“1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng các phương thức sau đây:

  1. Trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự;
  2. Gửi đơn theo đường dịch vụ bưu chính;
  3. Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thi hành án dân sự (nếu có).

2. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.

3. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu của tổ chức, đơn vị dịch vụ bưu chính nơi gửi hoặc ngày người yêu cầu đã gửi đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử.”

4. Kết luận

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngoài chức năng của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thì cơ quan thi hành án dân sự giữ một vai trò đặc biệt và là một mắt xích không thể thiếu của quá trình tố tụng. Mọi phán quyết của Tòa án chỉ là những quyết định trên giấy và không thể phát huy hết hiệu quả trên thực tế nếu không được thi hành đúng và đầy đủ, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Do vậy, tác giả đã đề xuất, kiến nghị một vài giải pháp góp phần hoàn thiện toàn diện quy định của Luật Thi hành án dân sự. 

 

Một vụ cưỡng chế thi hành án dân sự - Ảnh: TTTĐ

 

PHẠM HỒNG SƠN (Lớp K04205A, Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh)