Một số vướng mắc trong việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Thi hành án dân sự
Trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, cá nhân tôi nhận thấy còn một số vấn đề còn vướng mắc, xin nêu ra để bạn đọc cùng trao đổi.
Việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, sau đây gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự) đã và đang trở thành một trong nhiệm vụ quan trọng của Thẩm phán, giúp giải quyết được phần nào tình trạng thi hành án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án.
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, cá nhân tôi nhận thấy còn một số vấn đề còn vướng mắc, xin nêu ra để bạn đọc cùng trao đổi.
1.Các vướng mắc thường gặp
1.1.Về lãi suất chậm thi hành án
Thực tiễn hiện nay nhiều bản án, quyết định đã tuyên phần lãi suất chậm thi hành án đối với người phải thi hành án nhưng nhiều đơn vị Tòa án không đưa khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách để cộng vào khi xem xét miễn, giảm.
Mặc dù Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có quy định: “Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có)”; nhưng các đơn vị Tòa án khi xem xét điều kiện được miễn, giảm đều thường không xem xét đến “khoản lãi chậm thi hành án” đối với các khoản thu, nộp cho ngân sách Nhà nước.
Lý do là điều kiện về thời gian được xét miễn tối thiểu là 05 năm đối với khoản tiền dưới 2.000.000 đồng, như vậy sau 05 năm khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách không phải là nhỏ. Nếu cộng thêm khoản tiền lãi này vào khoản phải thi hành án thì có thể nghĩa vụ thi hành án sẽ lớn hơn 2.000.000 đồng. Như vậy với số tiền trên 2.000.000 đồng thì điều kiện về thời gian để được xét miễn lại là 10 năm. Sau 10 năm khoản tiền lãi cộng vào sẽ là trên 5.000.000 đồng, như vậy, sẽ không đủ điều kiện để được xét miễn thi hành án mà chỉ đủ điều kiện để xét giảm thi hành án.
1.2. Về điều kiện được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước còn bất cập và chưa khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định các trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Theo quy định của điều luật, có thể thấy ngay bất cập về trường hợp Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng thì không được xem xét để giảm mà phải đợi đến 10 năm mới được xem xét để miễn. Cũng không có quy định về hạn chế số lần được xét giảm, có nghĩa là từ năm hết thời hạn (05 năm hoặc 10 năm), thì lần lượt trong các năm tiếp theo đều có thể được xét giảm. Mặt khác, cũng không có hướng dẫn cụ thể về việc mức được xét giảm, mà chỉ quy định là “mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án”, dẫn đến việc các Chấp hành viên khi đề nghị xét giảm thường đưa ra mức tối đa là ¼, các đơn vị Tòa án cũng thường chấp nhận mức tối đa này, bởi lẽ không có căn cứ nào để không chấp nhận.
Thêm vào đó, các quy định hiện nay về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp cho ngân sách mới chỉ hướng tới đối tượng người phải thi hành án là cá nhân mà chưa giải quyết cho các đối tượng là pháp nhân. Do đó, hiện nay những vụ việc người phải thi hành án là doanh nghiệp phải thi hành án các khoản nộp án phí hoặc các khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước (nhất là sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành) nhưng chưa có điều kiện thi hành án là rất lớn, thì vẫn không được xem xét để miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án vì chưa có quy định.
1.3.Về hình thức quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Hiện nay, các quyết định xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của các đơn vị Tòa án áp dụng không theo một mẫu thống nhất trên toàn quốc.
Qua tham khảo một số quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được đăng tải trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án vào thời điểm từ tháng 1 đến tháng 7/2020, thì một số đơn vị Tòa án thực hiện theo Mẫu số 93-DS Quyết định giải quyết việc dân sự được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/ 2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (tức sử dụng mẫu tiêu đề Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như các đơn vị: Tòa án nhân dân huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng …). Trong khi nhiều đơn vị khác lại không thực hiện theo Mẫu này, mà theo Mẫu tự soạn. Có một số đơn vị sử dụng mẫu với tiêu đề là: “Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự v/v xét giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước” hoặc “Quyết định về việc miễn, giảm thi hành án” (tức sử dụng mẫu tiêu đề không có nhân danh, nhưng về phần nội dung thi đa phần các đơn vị đều dựa theo cầu trúc của Mẫu số 93-DS, như Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; huyện KrôngPắc, tỉnh Đắk Lắk; huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh...). Cá biệt có đơn vị Tòa án có Thẩm phán sử dụng mẫu Mẫu số 93-DS, vừa có Thẩm phán không sử dụng Mẫu số 93-DS như Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
1.4.Về căn cứ để áp dụng trong Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Các Quyết định xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án áp dụng căn cứ của Bộ luật tố tụng dân sự không thống nhất.
Mặc dù đa số các đơn vị Tòa án đều thống nhất rằng việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước cũng là một việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng khi lựa chọn căn cứ để xếp loại theo Điều 27 của Bộ luật tố tụng dân sự lại không thống nhất. Rất nhiều đơn vị xếp vào nhóm: “Các yêu cầu khác dân sự” hoặc “Các yêu cầu dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng” theo khoản 10 Điều 27 BLTTDS. Trong khi chỉ một số ít đơn vị xếp vào nhóm: “Yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự” theo khoản 9 Điều 27 BLTTDS. Đơn cử như TAND huyện KrôngPắc, tỉnh Đắk Lắk.
2.Nguyên nhân
Có thể kể ra một số nguyên nhân của các bất cập trên đó là:
-Mặc dù việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự đã được Tòa án thực hiện từ lâu, nhưng Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể.
-Điều 27 BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016 quy định về những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án còn chung chung. Điều 488 BLTTDS chỉ quy định về thẩm quyền, thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp nhân sách nhà nước của Tòa án. Các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ có mẫu quyết định giải quyết việc dân sự chứ không có mẫu Quyết định việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước. Theo khoản Điều 63 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi năm 2014 thì “…Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án…”. Và theo khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước chỉ quy định: “Quyết định miễn, giảm thi hành án của Tòa án phải có nội dung chính sau: …”. Do quy định như vậy, nhiều Thẩm phán đã cho rằng hình thức của Quyết định xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án phải là “Quyết định” mà không phải theo hình thức Mẫu số 93-DS (tức mẫu sử dụng tiêu đề Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây một phần là do khi thống kê các “vụ, việc Dân sự” để tính tỷ lệ giải quyết các đơn vị Tòa án thường không đưa các trường hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp nhân sách nhà nước để tính đầu việc giải quyết, nên các Thẩm phán thường lúng túng khi lựa chọn mẫu quyết định loại này.
3.Kiến nghị
Từ những nguyên nhân, bất cập nêu trên xin kiến nghị một số vấn đề sau:
3.1. Cần bổ sung quy định đối với trường hợp đã thi hành một phần nghĩa vụ mà phần nghĩa vụ còn lại từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng mà đủ 5 năm thì được xét miễn hoặc xét giảm và bổ sung quy định cụ thể về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp.
3.2. Nên bỏ quy định về việc miễn, giảm lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có) thay vào đó nên quy định như khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP đó là khi khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định được miễn, giảm thì phần lãi chậm thi hành án trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn. Bởi lẽ, người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước là người không rõ nơi cư trú, không có tài sản hoặc là người không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu…, nếu họ đã không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì việc tính thêm lãi chậm thi hành án là không hợp tình, hợp lý. Việc các Tòa án hiện nay không đưa khoản lãi chậm thi hành án vào xem xét theo cá nhân tôi là phù hợp.
3.3. Các đơn vị Tòa án nên áp dụng thống nhất biễu mẫu Mẫu số 93-DS Quyết định giải quyết việc dân sự ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Bởi lẽ các đơn vị Tòa án cơ bản thống nhất rằng việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước cũng là một việc dân sự, thì lẽ ra nên áp dụng thống nhất biễu mẫu này. Thêm vào đó, việc tuyên bố một người phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước của Tòa án chỉ được thực hiện bằng hình thức Bản án hoặc Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nên để xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước, thì Tòa án phải Nhân danh Nhà nước để thực hiện thì mới đảm bảo về mặt chủ thể xét. (Tức chỉ có Tòa án mới có thể nhân danh Nhà nước để tuyên buộc nghĩa vụ phải nộp và cũng chỉ Tòa án mới nhân danh Nhà nước để thực hiện việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước).
3.4. Thêm vào đó, về căn cứ, các Tòa án nên áp dụng thống nhất theo quy định tại khoản 9 Điều 27 của BLTTDS, là: “…yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự”. Bỡi lẽ, thẩm quyền, thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước của Tòa án đã được quy định tại Điều 488 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 63 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi năm 2014. Nên không thể xem đây là “Các yêu cầu khác về dân sự” hay “Các yêu cầu dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng” theo khoản 10 Điều 27 của BLTTDS được.
Tuy nhiên, để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án trong thời gian tới, thiết nghĩ TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này cũng như có những kiến nghị, đề xuất để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để các quy định về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước phù hợp với thực tế hơn, đảm bảo thống nhất ở tất cả các địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho Thẩm phán trong việc thực hiện công tác này./.
TAND thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế xét xử vụ án dân sự – Ảnh: VKSND Tc Hương Trà
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận