Một số vướng mắc về nhập hoặc tách vụ án dân sự
Nhập hoặc tách vụ án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 42 BLTTDS năm 2015. Qua nghiên cứu các quy định này, tác giả thấy có một số vướng mắc về nhập hoặc tách vụ án dân sự cần được tháo gỡ.
Nhập hoặc tách vụ án dân sự là Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật. Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án. Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.
1. Về thẩm quyền nhập hoặc tách vụ án dân sự
Hiện nay, BLTTDS năm 2015 không có quy định cụ thể về thẩm quyền nhập hoặc tách vụ án dân sự, cũng chưa có văn bản hướng dẫn hay giải đáp về thẩm quyền nhập hoặc tách vụ án dân sự. Vì vậy, thực tiễn vẫn còn nhận thức khác nhau về thẩm quyền nhập hoặc tách vụ án dân sự.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thẩm phán là người được Chánh án phân công giải quyết vụ án nên việc nhập hoặc tách vụ án là thẩm quyền của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong tất cả nhiệm vụ quyền hạn của Thẩm phán được quy định tại Điều 48 BLTTDS năm 2015 thì không có quy định thẩm quyền về nhập hoặc tách vụ án dân sự. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 47 BLTTDS năm 2015 thì Chánh án có quyền ra quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng dân sự. Quyết định nhập hoặc tách vụ án dân sự là quyết định trong tố tụng dân sự nên Chánh án là người có thẩm quyền nhập hoặc tách vụ án dân sự.
2. Về quyền khiếu nại đối với quyết định nhập tách vụ án dân sự
Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 BLTTDS năm 2015 thì “Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Vậy đương sự có quyền khiếu nại quyết định nhập hoặc tách vụ án dân sự hay không nếu họ cho rằng việc nhập hoặc tách vụ án dân sự làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vấn đề này thực tiễn cũng còn nhận thức khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đương sự không có quyền khiếu nại quyết định nhập hoặc tách vụ án dân sự vì BLTTDS năm 2015 không có quy định cụ thể vấn đề này.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Quyết định nhập hoặc tách vụ án dân sự là quyết định của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong hoạt động hoạt động tố tụng dân sự. Cho nên đương sự có quyền khiếu nại quyết định nhập hoặc tách vụ án dân sự. Vì tại khoản 1 Điều 499 BLTTDS năm 2015 có quy định như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”.
3. Về thời điểm Tòa án được quyền quyết định tách vụ án dân sự
Hiện nay, BLTTDS năm 2015 cũng không có quy định cụ thể là Tòa án được quyền tách vụ án dân sự khi nào. Có quan điểm cho rằng, Tòa án chỉ được quyền tách vụ án dân sự trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vì thẩm quyền riêng biệt nhập hoặc tách vụ án dân sự là của Chánh án. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, tại phiên tòa có căn cứ để tách một yêu cầu trong vụ án ra giải quyết thành một vụ án khác, nếu yêu cầu này chưa đảm bảo về mặt chứng cứ để có thể xét xử thì Hội đồng xét xử, cũng có quyền quyết định tách vụ án dân sự. Do đó, thời điểm quyết định tách vụ án dân sự là trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa.
Những vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhận thực khác nhau trong thực tiễn giữa những người tiến hành tố tụng. Thiết nghĩ, Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn hoặc giải đáp nghiệp vụ về những vướng mắc trên, nhất là về thẩm quyền nhập hoặc tách vụ án dân sự, để việc áp dụng pháp luật cho thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Tan.Thanh
23:16 22/12.2024Trả lời