Một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự hiện nay, tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc luôn là một trong những nhóm tội có nhiều điểm vướng mắc cho các cơ quan tố tụng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự xuất hiện nhiều phương pháp, thủ đoạn phạm tội mới ngày càng tinh vi, dẫn đến việc có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau giữa các ngành khi giải quyết nhóm tội này.
Để sớm khắc phục tình trạng này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự (gọi tắt là dự thảo) với nhiều nội dung hướng dẫn mới, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tố tụng đang gặp phải hiện nay. Tuy nhiên, còn một số nội dung trong dự thảo cần được bổ sung và làm rõ hơn.
1. Về Điều 2 dự thảo: “Về một số từ ngữ”
Hiện nay tại Điều 2 dự thảo đã đưa ra khái niệm thế nào là hành vi “đánh bạc” và hành vi “gá bạc”, tuy nhiên dự thảo lại chưa đưa ra khái niệm về hành vi “tổ chức đánh bạc”. Ngoài ra, trong khi dự thảo chưa đưa ra khái niệm thế nào là hành vi “tổ chức đánh bạc” nhưng tại khoản 2 Điều 3 dự thảo lại quy định:
2. Những hành vi sau cũng được coi là hành vi tổ chức đánh bạc trái phép:
a) Che giấu, bảo vệ, bảo kê tại sòng bạc;
b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, thơ đề và các ấn phẩm khác để đánh đề.
Việc chưa có một khái niệm cụ thể thế nào là hành vi “tổ chức đánh bạc” mà lại quy định những hành vi “được coi là hành vi tổ chức đánh bạc” là một bất cập trong công tác xây dựng pháp luật. Quy định này cho thấy sự không logic và xuyên suốt trong một văn bản quy phạm pháp luật, do đó cần bổ sung khái niệm về hành vi “tổ chức đánh bạc” trong Điều 2 dự thảo để bảo đảm việc xây dựng pháp luật được đầy đủ, lôgic, rõ ràng và chặt chẽ. Theo quan điểm của chúng tôi, có thể đưa ra khái niệm hành vi “tổ chức đánh bạc” như sau:
“Tổ chức đánh bạc là những hành vi hỗ trợ, giúp sức, tạo điều kiện thuận lợi cho người khác đánh bạc. Cụ thể là những hành vi: chuẩn bị các công cụ, phương tiện, địa điểm, điều kiện cho việc đánh bạc; xây dựng và cung cấp các ứng dụng, phần mềm tin học, mạng máy tính để đánh bạc; quy định phương thức, cách thức đánh bạc; rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người khác đánh bạc”.
Lý do đưa ra khái niệm như trên, chúng tôi phân tích như sau: Trước tiên, để hiểu rõ về một tội phạm, chúng ta cần xác định bản chất của tội phạm đó là gì, từ đó tìm ra được dấu hiệu đặc trưng của tội phạm đó để phân biệt với tội khác. Trong tội tổ chức đánh bạc, bản chất của tội này là hành vi “tổ chức cho người khác đánh bạc” - đây là đặc điểm rõ nhất để phân biệt với hành vi “đánh bạc”. Người đánh bạc thì chỉ cần tham gia vào cuộc đánh bạc mà người tổ chức đánh bạc đã tạo ra từ trước. Nói cách khác, người đánh bạc chỉ cần mang tiền đến và trực tiếp tham gia vào các cuộc cá cược theo quy tắc mà người tổ chức đánh bạc đặt ra. Ngoài ra, người đánh bạc không cần làm thêm việc gì khác, mọi cơ sở vật chất, địa điểm, cách thức để tiến hành đánh bạc được đều đã do người tổ chức đánh bạc chuẩn bị sẵn. Còn hành vi của người tổ chức đánh bạc thì phải đáp ứng hai yếu tố: “tổ chức” và “cho người khác đánh bạc”, đủ hai yếu tố này mới đáp ứng điều kiện là hành vi khách quan của tội tổ chức đánh bạc.
Yếu tố “tổ chức” là một trong các hành vi như: chuẩn bị các công cụ, phương tiện, địa điểm, điều kiện cho việc đánh bạc; xây dựng và cung cấp các ứng dụng, phần mềm tin học, mạng máy tính để đánh bạc; quy định phương thức, cách thức đánh bạc… Với các hành vi này cho chúng ta thấy được quy mô, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tổ chức đánh bạc luôn cao hơn so với hành vi đánh bạc đơn thuần. Cũng có thể, người đánh bạc có hành vi chuẩn bị công cụ đánh bạc như: chuẩn bị bộ tú để đánh tá lả; chuẩn bị bát, đĩa, quân vị để đánh xóc đĩa… nhưng quy mô của hành vi chuẩn bị công cụ này luôn ở mức độ nhỏ, đơn giản và ít người tham gia. Cùng hành vi chuẩn bị bộ tú để đánh tá lả; chuẩn bị bát, đĩa, quân vị để đánh xóc đĩa mà cho số lượng từ 10 người, hoặc từ 2 chiếu bạc trở lên thì hành vi này đã chuyển hóa từ hành vi của người đánh bạc sang hành vi của người tổ chức đánh bạc. Do đó, có thể thấy tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi chuẩn bị công cụ của người đánh bạc luôn thấp hơn so với hành vi chuẩn bị công cụ của người tổ chức đánh bạc.
Về yếu tố “cho người khác đánh bạc”. Đây là yếu tố chủ quan, là mục đích chính của người tổ chức đánh bạc. Việc chuẩn bị các cơ sở vật chất là để nhằm tạo điều kiện cho người đánh bạc tham gia vào một cách thuận lợi. Nếu việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho chính mình đánh bạc thì không phải hành vi tổ chức đánh bạc nữa mà chỉ là hành vi đánh bạc đơn thuần (Ví dụ: hành vi tự tạo một tài khoản trên trang web để cá độ bóng đá; tự nuôi và chăm sóc gà chọi để tham gia các trận đấu gà ăn tiền…). Do đó, việc tổ chức đánh bạc phải nhằm mục đích cho người khác đánh bạc mới là hành vi của tội tổ chức đánh bạc.
Với phân tích trên, khái niệm “tổ chức đánh bạc là những hành vi hỗ trợ, giúp sức, tạo điều kiện thuận lợi cho người khác đánh bạc” cơ bản đã khái quát được đầy đủ ý nghĩa của hành vi và bản chất tội tổ chức đánh bạc. Trong đó khái niệm đã chỉ ra bản chất của tội “tổ chức đánh bạc” là tạo ra một không gian cùng với các cơ sở vật chất để cho những người khác đánh bạc với nhau (hoặc đánh bạc với chính người tổ chức đánh bạc). Đây là đặc điểm chính để phân biệt rõ hành vi “đánh bạc” với hành vi “tổ chức đánh bạc” là hoàn toàn khác nhau. Có thể thấy “đánh bạc” là hành vi của người trực tiếp được thua bằng tiền; còn “tổ chức đánh bạc” là hành vi của người tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tạo “sân chơi” cho người khác đánh bạc. Xác định được đặc điểm riêng biệt này, sẽ không bị nhầm lẫn khi định tội danh đối với tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Ngoài ra, với khái niệm “Tổ chức đánh bạc” nêu trên còn có ý nghĩa trong việc phân biệt dấu hiệu của hành vi khách quan với quy mô phạm tội. Trong tội tổ chức đánh bạc, có trường hợp chỉ do một người chuẩn bị công cụ, phương tiện, đi thuê địa điểm… để tổ chức đánh bạc là cấu thành tội tổ chức đánh bạc. Nhưng cũng có vụ có quy mô lớn, đông người tham gia, việc đánh bạc được tổ chức chặt chẽ với sự phân công nhiệm vụ cụ thể, như: có người chỉ đạo điều hành việc chuẩn bị công cụ, phương tiện, thuê địa điểm… (có người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức trong vụ án). Hai trường hợp này có hành vi khách quan đều giống nhau, chỉ là khác nhau về quy mô tổ chức, do đó không thể cho rằng hành vi khách quan của tội tổ chức đánh bạc là phải có sự chỉ đạo, điều hành người khác chuẩn bị công cụ, phương tiện, giúp sức… thì mới cấu thành tội tổ chức đánh bạc. Như vậy sẽ không đúng với bản chất của tội tổ chức đánh bạc và bị nhầm lẫn từ cấu thành tội phạm sang tính chất của tội phạm (nhầm dấu hiệu khách quan của tội tổ chức đánh bạc sang phạm tội có tổ chức). Do đó, khi đưa ra khái niệm “tổ chức đánh bạc” thì sẽ giải quyết được vấn đề nhầm lẫn này.
2. Về Điều 6 dự thảo: “Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể quy định tại Điều 321 của Bộ luật Hình sự”
Hiện nay, đang có hai cách hiểu về trường hợp “Tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS như sau:
- Cách hiểu thứ nhất: “Tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc” được hiểu là tổng số tiền mà người đánh bạc đã dùng vào các lần đánh bạc, bao gồm cả những lần đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên và những lần dưới 5.000.000 đồng. Ví dụ: Nguyễn Văn A tham gia cá cược bóng đá như sau: trận Anh - Pháp cược 3 kèo với tổng số tiền là 22.000.000 đồng; trận Ý - Bồ Đào Nha cược 6 kèo với tổng số tiền là 30.000.000 đồng; trận Tây Ban Nha - Ucraina cược 1 kèo là 3.000.000 đồng. Vậy tổng số tiền A dùng vào việc đánh bạc là 55.000.000 đồng, thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS.
- Cách hiểu thứ hai: “Tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc” được hiểu là toàn bộ số tiền cá cược trong một lần đánh bạc. Ví dụ: Cũng theo ví dụ trên, thì số tiền đánh bạc của Nguyễn Văn A trong một lần cao nhất là 30.000.000 đồng, nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 321 BLHS.
Chúng tôi đồng quan điểm với cách hiểu thứ nhất, vì như vậy mới bảo đảm sự công bằng trong quá trình giải quyết tội đánh bạc. Bởi, nếu một người đánh bạc 10 lần, mà mỗi lần dưới 50.000.000 đồng, tổng số tiền đánh bạc là 500.000.000 đồng vẫn chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 321 BLHS có khung hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm. Nhưng nếu một người đánh bạc 1 lần với số tiền 50.000.000 đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS, có khung hình phạt từ 03 năm đến 07 năm. Như vậy, nếu tính số tiền dùng vào việc đánh bạc theo một lần cấu thành tội phạm thì sẽ luôn dẫn đến bất công trong xử lý người phạm tội.
Ngoài ra, khi xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc là tổng số tiền mà người đánh bạc đã sử dụng vào các lần đánh bạc thì sẽ phù hợp với quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 dự thảo. Do đó, đề nghị bổ sung trong Điều 6 dự thảo hướng dẫn đối với trường hợp “Tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS như sau:
“Tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS được xác định là tổng số tiền mà người đánh bạc sử dụng trong tất cả các lần đánh bạc, bao gồm cả những lần trên 5.000.000 đồng và những lần dưới 5.000.000 đồng”.
3. Về Điều 8 dự thảo: “Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể”
Tại khoản 3 Điều 8 dự thảo như sau: “3. Trường hợp chủ đề thỏa thuận cho các thư ký đề (đại lý ghi lô, đề) ghi lô, đề và thực hiện việc tổng hợp, đối chiếu số lô, số đề, rồi trả tiền thắng thua cho những người chơi thông qua thư ký đề dựa trên kết quả mở thưởng xổ số. Sau khi có kết quả mở thưởng, người này trực tiếp tính toán số tiền thắng thua với thư ký đề, để các thư ký đề trả cho người đánh lô, đề; nếu số tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi của chủ đề phạm tội đánh bạc (một người đánh bạc với nhiều người), thư ký đề là trung gian để chủ đề đánh bạc với nhiều người thông qua việc nhận các cáp đề của thư ký đề và trực tiếp thanh toán tiền thắng thua qua thư ký đề nên là đồng phạm tội đánh bạc với chủ đề”.
Với quy định này, dự thảo đã đánh đồng hành vi, vai trò của người tổ chức đánh bạc giống như người đánh bạc. Theo khái niệm về hành vi “tổ chức đánh bạc” nêu trên, chúng ta có thể xác định rõ chủ lô đề là người tạo ra quy định, phương thức, cách thức đánh bạc cho những người khác tham gia… Nói cách khác, chủ đề là người tạo ra sân chơi cho những người khác tham gia đánh bạc, như: quy ước về cách chơi (lô, đề, lô xiên, xiên quay…), tỷ lệ thắng (đề 1 ăn 70; lô 1 ăn 80…), tỷ lệ khuyến mại… Do đó, hành vi của chủ đề phải là hành vi của người tổ chức đánh bạc, còn thư ký đề là người giúp sức cho chủ đề nên đồng phạm với chủ đề về hành vi tổ chức đánh bạc. Nếu hướng dẫn như khoản 3 Điều 8 dự thảo sẽ dẫn đến phức tạp hóa vấn đề: lúc này là hành vi của tội đánh bạc, lúc khác lại là hành vi của tội tổ chức đánh bạc. Từ đó, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng không phân biệt được giữa hành vi “đánh bạc” với hành vi “tổ chức đánh bạc”, hoặc mỗi địa phương sẽ áp dụng một kiểu theo nhận thức của mình. Vì vậy, cần xem xét theo hướng: không nên đưa nội dung như khoản 3 Điều 8 dự thảo quy định.
4. Về nội dung góp ý khác
Tại Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:
Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;
c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;
d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:
a) Làm chủ lô, đề;
b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;
c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;
d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
…
Quy định trên đã nêu khá chi tiết những hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Vì vậy, cần tham khảo để đưa những hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc trong quy định này vào dự thảo, nhằm thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước ta.
TAND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Đánh bạc” - Ảnh: Phương Dung.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận