
Một số ý kiến về mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu
Hiện nay, cách thức xác định mức cấp dưỡng nuôi con mà các Toà án đang làm là khác nhau, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng tối thiểu trong một vụ án ly hôn.
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp không sống chung với con. Đây là quy định tại Điều 110 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên khi vợ, chồng ly hôn nhằm chia sẻ trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc nuôi dưỡng con; đảm bảo cho con được hưởng mọi quyền lợi tốt nhất. Việc tranh chấp về cấp mức cấp dưỡng nuôi con khá phổ biến trong các vụ án ly hôn mà Toà án địa phương hiện nay đang thụ lý giải quyết.
1. Quy định của pháp luật hiện nay về mức cấp dưỡng nuôi con
Theo quy định tại Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì mức cấp dưỡng nuôi con trong vụ án ly hôn được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Theo quy định tại khoản 20 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Tuy nhiên, hiện nay Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không có quy định và TANDTC cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”.
Trước đây Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định như sau: “Khả năng thực tế của người có nghĩa cấp là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”. Còn "Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng".
Như vậy, vấn đề đặt ra là mức cấp dưỡng tối thiểu mà Toà án xem xét quyết định buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải cấp dưỡng cho con là bao nhiêu thì hiện nay cũng chưa có hướng dẫn. Thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân có tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con tại các Tòa án hiện tại thường vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC, cụ thể là “Toà án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con” để làm căn cứ giải quyết.
Tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình(**) có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề”. Như vậy, theo Dự thảo Nghị quyết này thì mức cấp dưỡng nuôi con mà Toà án quyết định là ít nhất và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề”. Mặc dù mức cấp dưỡng tối thiểu có nâng lên so với hướng dẫn trước đây nhưng theo tác giả nhận thấy với mức cấp dưỡng tối thiểu là bằng 2/3 mức lương cơ sở vẫn là thấp chưa đáp ứng được ½ nhu cầu tối thiểu bình quân của một người chưa thành niên hiện nay, cho dù đến ngày 01/7/2023 mức lương cơ sở được nâng lên 1.800.000 đồng. Bởi vì nhu cầu thiết yếu của một người chưa thành niên tại các địa phương trong cả nước là khác nhau. Ví dụ chi phí sinh hoạt trung bình của người sinh sống ở Tp Hồ Chí Minh sẽ cao hơn chi phí sinh hoạt trung bình của người sinh sống ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng...
2. Kiến nghị, đề xuất
Để đảm bảo quyền lợi cho người chưa thành niên trong vụ án ly hôn, tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật hiện nay, tác giải kiến nghị sửa Điều 6 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình như sau:
“Điều 6. Cấp dưỡng nuôi con
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 3/4 mức lương cơ sở hoặc không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề”.
TAND tp Cần Thơ xét xử vụ án “Tranh chấp ly hôn, nuôi con và chia tài sản chung” - Ảnh: Bích Thủy
(*)https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND215632
Bài liên quan
-
Bàn về hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con chung do có kết luận giám định ADN
-
Bàn về mức nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn quy định tại khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình
-
Bàn về vấn đề về cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ hôn nhân và kiến nghị
-
Cần áp dụng tương tự pháp luật về mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành Tòa án
Bình luận