Quy định về thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài và đề xuất, kiến nghị
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích, đánh giá, bình luận một số quy định của pháp luật thi hành án dân sự, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan và đề xuất, kiến nghị cụ thể để nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự, việc thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài mà người phải thi hành án ở nước ngoài, có tài sản ở nước ngoài, hoặc người phải thi hành án là bị cáo có quốc tịch nước ngoài đang hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù tại Việt Nam theo bản án hình sự nêu trên được thực hiện theo thủ tục thi hành án dân sự. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng việc thi hành bản án, quyết định nói trên đã và đang gặp khó khăn. Bởi lẽ, đa số các trường hợp, người phải thi hành án ở nước ngoài không tự nguyện thi hành án, bị cáo có quốc tịch nước ngoài không có tài sản hoặc không đủ tài sản tại Việt Nam để thi hành án.
1.Thực trạng quy định của pháp luật về việc thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam
1.1. Thực trạng quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành, quy định của pháp luật liên quan và hạn chế, bất cập
Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 35 Luật thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài mà có người phải thi hành ở nước ngoài (cư trú, có tài sản ở nước ngoài hoặc có trụ sở ở nước ngoài).
Để thực hiện nhiệm vụ này, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải thực hiện việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015). Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 33/2020). Việc thực hiện ủy thác tư pháp nêu trên là để tống đạt văn bản thông báo quyết định thi hành án cho người phải thi hành hoặc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành theo đề nghị của người được thi hành án hoặc trong trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án.
Thủ tục ủy thác tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở kết quả thực hiện ủy thác tư pháp mà cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết như sau:
– Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ mà nhận được đủ kết quả theo yêu cầu thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhận được kết quả ủy thác tư pháp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ủy thác tư pháp lần thứ hai. Nếu đã ủy thác tư pháp lần thứ hai mà kết quả không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thông báo văn bản đã ủy thác và các văn bản khác trong quá trình thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 43 Luật thi hành án dân sự.
– Trường hợp hết thời hạn quy định tại điểm a khoản này mà không có kết quả hoặc có thông báo về việc không thực hiện được việc ủy thác tư pháp thì việc thông báo văn bản đã ủy thác và các văn bản khác trong quá trình thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án dân sự.
Từ các quy định nêu trên của Luật thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015 và Nghị định số 33/2020 của Chính phủ, có thể nhận thấy, các quy định này được ban hành chủ yếu để giải quyết một công việc liên quan trong tiến trình thi hành bản án, quyết định dân sự mà người phải thi hành án ở nước ngoài, không có tài sản tại Việt Nam: ủy thác tư pháp ra nước ngoài để thông báo quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành của người phải thi hành án đó.
Đối với các quy định khác của pháp luật thi hành án dân sự về nhiệm vụ của cơ quan thi hành án, chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án, thì thực tiễn cho thấy các quy định này không thể áp dụng được vì người phải thi hành án không có tài sản ở Việt Nam.
Như vậy, có thể nhận thấy khả năng bản án, quyết định dân sự mà người phải thi hành án ở nước ngoài và không có tài sản tại Việt Nam được thi hành trên thực tế là rất thấp nếu không nói là không thể thực hiện được. Trong khi đó, việc ủy thác tư pháp để tống đạt thông báo quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án ở nước ngoài cũng không có nhiều ý nghĩa trên thực tế đối với việc thi hành án. Thực tiễn cho thấy trong đa số các trường hợp, người phải thi hành án đều không tự nguyện thi hành án, không phụ thuộc họ nhận được hay không nhận được văn bản ủy thác tư pháp.
Tình trạng “bế tắc” trong thi hành án cũng xảy ra đối với các quyết định dân sự trong bản án hình sự mà người phải thi hành án là công dân nước ngoài và đang chấp hành hình phạt tù hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù của bản án đó tại Việt Nam. Theo đó, trong nhiều trường hợp, người phải thi hành án không có tài sản tại Việt Nam hoặc có nhưng không đủ để thi hành quyết định dân sự trong bản án hình sự như: phạt tiền, buộc bồi thường thiệt hại cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, án phí dân sự có giá ngạch…
Để góp phần giải quyết tình trạng trên, pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa thực hiện việc thi hành quyết định dân sự trong bản án hình sự. Tuy nhiên, theo chúng tôi, giải pháp này không đạt hiệu quả cao. Bởi lẽ, việc thi hành quyết định dân sự nêu trên vẫn không thực hiện được vì người phải thi hành án không có tài sản tại Việt Nam để thực hiện. Cùng với đó, việc người thân của người phải thi hành án ở nước ngoài chuyển tiền đến Việt Nam để trả thay cho người phải thi hành án cũng không phát sinh trên thực tế. Trong khi đó, việc tạm hoãn xuất cảnh người đã chấp hành xong hình phạt tù có quốc tịch nước ngoài có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy pháp lý không mong muốn.
Cụ thể, trong trường hợp bị cáo là công dân nước ngoài, sau khi chấp hành xong hình phạt tù tại Việt Nam và thuộc diện phải trục xuất khỏi Việt Nam theo quyết định trong bản án hình sự và quy định của Luật thi hành án hình sự, thì việc trục xuất sẽ chưa thực hiện được nếu đối tượng này chưa thi hành quyết định dân sự trong bản án hình sự (ví dụ: chưa thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại, nguyên đơn dân sự…). Nói cách khác, đối tượng này sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự với lý do chưa thi hành quyết định dân sự trong vụ án hình sự.
Tuy nhiên, quyết định không cho phép xuất cảnh dẫn tới hệ lụy là cơ quan có thẩm quyền phải đưa đối tượng này vào cơ sở lưu trú theo quy định tại Điều 121 Luật thi hành án hình sự. Thực tiễn cho thấy việc đưa đối tượng này vào cơ sở lưu trú sẽ phát sinh nhiều chi phí cho nhà nước cũng như đặt thêm trách nhiệm lên cơ quan quản lý cơ sở lưu trú. Trong khi đó, đối tượng này vốn đã không có tài sản để thi hành án, thì việc tạm hoãn xuất cảnh, lưu trú tại cơ sở lưu trú như đã nêu trên cũng không phải là điều kiện hỗ trợ, bảo đảm cho đối tượng thi hành quyết định dân sự trong bản án hình sự của Tòa án Việt Nam.
Từ thực trạng nêu trên, điểm đ và e khoản 2 Điều 51 Nghị định số 62/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 33/2020) đã quy định về việc xuất cảnh của đối tượng nêu trên như sau:
“2. Đối với người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh:
đ) Là người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam, có đơn cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi về nước.
Đơn cam kết phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người đó có quốc tịch về việc đôn đốc người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành khoản thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam;
e) Có văn bản của cơ quan Công an hoặc cơ quan đại diện ngoại giao đề nghị cho xuất cảnh trong trường hợp cá nhân là người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam nhưng không được người được thi hành án cho xuất cảnh hoặc không xác định được địa chỉ của người được thi hành án hoặc người được thi hành án là người nước ngoài đã về nước và các trường hợp đặc biệt khác.”
Như vậy, với quy định nêu trên của Nghị định số 62/2015, những khó khăn có thể phát sinh từ việc người bị hoãn xuất cảnh phải lưu trú tại cơ sở lưu trú theo quy định của Luật thi hành án hình sự cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quyền lợi của người được thi hành án, đặc biệt trường hợp sau khi về nước, người phải thi hành án không thực hiện cam kết theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 62/2015 như đã nêu trên sẽ được giải quyết thế nào, thì lại chưa được pháp luật quy định. Theo chúng tôi, đây chính là hạn chế, bất cập lớn nhất của pháp luật thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài.
1.2. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, bất cập
Theo chúng tôi, để xác định nguyên nhân phát sinh hạn chế, bất cập của tình trạng nêu trên cần phải bắt đầu từ phương diện lý luận về việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài.
Về phương diện lý luận tư pháp quốc tế, bản án, quyết định dân sự , quyết định dân sự trong bản án hình sự của Tòa án một nước chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ nước đó, không đương nhiên có hiệu lực trên lãnh thổ nước khác.
Để có thể thi hành bản án, quyết định nêu trên tại lãnh thổ nước khác, người được thi hành bản án, quyết định phải làm đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành theo thủ tục do pháp luật nước đó quy định hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước có Tòa án ra bản án, quyết định và nước được yêu cầu công nhận bản án, quyết định cùng là thành viên.
Đối với Việt Nam, hiện nay Việt Nam là thành viên của 17 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có quy định về việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự , quyết định dân sự trong bản án hình sự theo thủ tục do mỗi nước thành viên quy định. Đối với các nước khác, Việt Nam cũng có quy định cho phép xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự của các nước đó theo nguyên tắc có đi có lại. Cụ thể, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự nêu trên được quy định tại Phần thứ VII của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành. Theo đó, trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực, người được thi hành bản án, quyết định đó có quyền nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam nơi người phải thi hành cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc có tài sản để công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó. Tòa án Việt Nam sẽ xem xét, công nhận và cho thi hành trừ những trường hợp Tòa án xét thấy có căn cứ để không công nhận bản án, quyết định theo quy định tại Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Như vậy, từ phương diện lý luận và quy định của pháp luật Việt Nam nêu trên, có thể thấy rằng quan điểm của Việt Nam là hết sức rõ ràng về việc bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự của Tòa án nước ngoài không đương nhiên có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam. Để thi hành bản án, quyết định đó theo thủ tục thi hành án dân sự, thì người được thi hành phải yêu cầu và được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam, thì pháp luật Việt Nam lại “im lặng”. Theo đó, pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam không có quy định cụ thể về việc người được thi hành phải yêu cầu Tòa án nước ngoài nơi người phải thi hành cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc có tài sản công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó. Thay vào đó, pháp luật thi hành án dân sự lại quy định một vấn đề thứ yếu – ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong quá trình thi hành án dân sự, nên không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của việc thi hành án dân sự loại này là bản án, quyết định đó phải được thi hành trên thực tế.
Theo chúng tôi, việc thiếu vắng quy định của pháp luật như đã nêu ở trên là nguyên nhân chính dẫn đến việc bản án, quyết định dân sự , quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam gần như không được thi hành trên thực tế.
Đồng thời, chính hạn chế, bất cập này cũng đã và đang dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc là cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thực hiện cho được việc thi hành bản án, quyết định nêu trên cả trong những trường hợp bất khả kháng. Đó là trường hợp người phải thi hành án không có tài sản tại Việt Nam và bản án, quyết định dân sự đó của Tòa án Việt Nam không đương nhiên có hiệu lực trên lãnh thổ nước nơi người phải thi hành án có tài sản. Do đó, nguy cơ người được thi hành án có thể không được thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam hoàn toàn có thể phát sinh trên thực tế. Bởi lẽ, khi pháp luật Việt Nam không có quy định về vấn đề này, thì họ không biết phải yêu cầu Tòa án nước ngoài công nhận và cho thi hành tại nước đó bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam trong thời hạn mà pháp luật nước này quy định.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ kết quả nghiên cứu,những phân tích trên, theo chúng tôi, hạn chế cơ bản của pháp luật thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài là việc không có quy định về việc người được thi hành án phải yêu cầu Tòa án nước ngoài công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự trong trường hợp người phải thi hành án không có tài sản tại Việt Nam hoặc tài sản có tại Việt Nam không đủ để thi hành án.
Từ đó, đã dẫn đến cách hiểu, nhận thức không đúng là cơ quan thi hành án dân sự phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thi hành bản án, quyết định đó cả trong những trường hợp bất khả kháng. Nếu hạn chế, bất cập này không được khắc phục, thì không chỉ quyền, lợi ích của người được thi hành là cá nhân, tổ chức mà cả quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam được xác định trong bản án, quyết định nêu trên sẽ không được bảo vệ trên thực tế.
Trên tinh thần đó, theo chúng tôi, cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành bản án, quyết định dân sự , quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài để làm căn cứ cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự.
Về nội dung cần được bổ sung vào Luật thi hành án dân sự, chúng tôi đề xuất cần quy định rõ một số vấn đề sau đây:
Một là, cần quy định rõ về việc người được thi hành án là cá nhân, tổ chức phải yêu cầu Tòa án nước ngoài công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, không có tài sản tại Việt Nam hoặc không đủ để thi hành án.
Hai là, cần có quy định về việc giao cho cơ quan cụ thể của Nhà nước (ví dụ: cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh) thực hiện việc yêu cầu Tòa án nước ngoài công nhận và cho thi hành quyết định về án phí dân sự có giá ngạch trong bản án, quyết định dân sự, bản án hình sự có yếu tố nước ngoài; hình phạt tiền trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp bị cáo có quốc tịch nước ngoài nhưng không có tài sản tại Việt Nam để thi hành án.
Ba là, đối với việc thi hành các quyết định khác trong bản án hình sự của Tòa án Việt Nam xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài như tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính…, cũng cần quy định rõ cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật tương trợ tư pháp, hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam là thành viên.
Trên đây là một số bình luận, phân tích về thực trạng quy định của pháp luật hiện hành về thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam và một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự trong lĩnh vực này./.
Ảnh trong bài: Ngân hàng Thụy Sỹ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận