Một tiền án có được xem xét nhiều lần để xác định tình tiết định tội, tăng nặng, định khung hay không?
Bị cáo có tiền án, lại tiếp tục phạm tội, đặt ra vấn đề bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tăng nặng là tái phạm hay định khung là tái phạm nguy hiểm. Hiện có hai quan điểm khác nhau.
Nguyễn Việt X là người có 3 lần tiền án, cụ thể: lần thứ nhất, vào ngày 29 /9 /2014, bị TAND Tp S xử phạt 2 năm 6 tháng tù về Tội trộm cắp tài sản; lần thứ hai, vào ngày 10 /3 /2017, bị TAND Tp S xử phạt 2 năm tù, về Tội trộm cắp tài sản, phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, chấp hành xong ngày 12 /9/ 2018; lần thứ ba, vào ngày 14/3/ 2019, bị TAND huyện L xử phạt 1 năm 3 tháng tù, về Tội trộm cắp tài sản, thuộc tình tiết định tội tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc trường hợp đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, đến ngày 19 /3 /2020 chấp hành xong hình phạt tù, chưa được xóa án tích.
Trong khoảng thời gian từ ngày 01/8 đến ngày 14 / 8/ 2020, X đã thực hiện hai lần lấy trộm tài sản của người khác, cụ thể như sau:
Lần thứ nhất: Tại khu vực khóm 3, phường 8, Tp Sóc Trăng, vào khoảng 1 giờ, ngày 01/8/2020 X lén lút lấy trộm của ông Trịnh Hoàng Trấn 1 xe mô tô 69E1-498.81, 2 cái mũ bảo hiểm, tiền 1.700.000 đồng; lấy trộm của ông Cao Kháng Chiến 1 xe mô tô biển số 83H4-6777, 1 mũ bảo hiểm. Tổng tài sản lấy trộm có giá 38.678.000 đồng,
Lần thứ hai: Vào khoảng 19 giờ, ngày 14/8/2020, X lén lút lấy trộm của anh Lâm Hoành Thươl tại phòng trọ số 14 nhà trọ số 36/2 đường Kênh Cầu Xéo, khóm 1, phường 5, Tp Sóc Trăng 1 con gà trống trọng lượng 2,9 kg và 1 loa phát nhạc nhãn hiệu P88 màu đen; tổng tài sản lấy trộm có giá 469.050 đồng.
Vấn đề đặt ra là Nguyễn Việt X phạm tội thuộc trường hợp tăng nặng là tái phạm hay định khung là tái phạm nguy hiểm.
Quan điểm thứ nhất: Đối với lần bị kết án thứ hai, vào ngày 10/ 3 /2017, bị xử phạt
2 năm tù, về Tội trộm cắp tài sản, phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, chấp hành xong ngày 12 /9 /2018, đến ngày 01 /8/2020, chưa được xóa án tích đối với lần bị kết án này, X lại thực hiện lấy trộm tài sản của người khác, giá trị trên 39 triệu đồng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 của BLHS: “Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.” X đã tái phạm, chưa được xóa án tích nên lần này phạm tội do cố ý đã đủ cơ sở kết luận X phạm tội trộm cắp tài sản, thuộc tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định điểm g khoản 2 Điều 173 của BLHS.
Quan điểm thứ hai: Nguyễn Việt X phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của BLHS và chịu tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 của BLHS, vì đối với tiền án thứ hai (lần X bị kết án lần hai) dù đã xác định là tái phạm, nhưng đã được xem xét là tình tiết định tội (cấu thành tội phạm) tại lần X bị kết án lần thứ ba: Tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc trường hợp đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của BLHS: “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Theo hướng dẫn Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì tại tiểu mục 7.3. Khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt: a. Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo. Như vậy, không thể lấy một tiền án (tiền án thứ hai) để xem xét hai lần đối với Nguyễn Việt X sau mỗi lần bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, tại Điều 70 của BLHS[1]: Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:… suy lý ngược, nếu người bị kết án thực hiện hành vi phạm tội mới thì thời hạn được nhiên xóa án tích sẽ được tính lại, kể từ khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt ở lần tội phạm mới.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, Nguyễn Việt X chỉ phạm tội trộm cắp tài sản mà không thuộc tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm”.
Thực tiễn nhận thức và áp dụng pháp luật đã quan điểm khác nhau tác giả nêu lên rất mong nhận được ý kiến đóng góp quý đồng nghiệp, bạn đọc.
Trung tâm Tp Sóc Trăng - Ảnh: Thái Vũ
[1]Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận