Một số vấn đề đáng quan tâm trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và đang lấy ý kiến rộng rãi. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nghiên cứu hai vấn đề đó là (i) Nhận thức chung về xây dựng Dự án luật; (ii) Một số vấn đề cần quan tâm để hoàn thiện dự thảo Dự án luật nêu trên.

1. Nhận thức chung về việc xây dựng Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ở khía cạnh pháp lý, pháp luật quốc tế nói chung, ở một số quốc gia nói riêng, việc xác định người chưa thành niên (NCTN) đôi khi đồng nhất với cách gọi “trẻ em”. Theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child, CRC) năm 1989 “trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”1. Còn theo Các quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên Hợp quốc về bảo vệ NCTN bị tước tự do năm 1990 xác định “người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi”2. Luật về trẻ em và NCTN ở Singapore (Children and Young Persons Act, Singapore 2011 - chapter 38), quy định “trẻ em là người dưới 14 tuổi (child means a person who is below the age of 14 years)”. BLDS Trung Quốc phân biệt người thành niên và người vị thành niên. Theo đó “tự nhiên nhân 18 tuổi trở lên là người thành niên. Tự nhiên nhân chưa đủ 18 tuổi là người vị thành niên”3. Ở Việt Nam, “người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên”4, “người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”5. Theo Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam lại xác định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”6.

Ở góc độ xã hội, NCTN thuộc một trong những nhóm yếu thế trong xã hội, chưa phát triển về thể lực, trí tuệ. Chính vì vậy, pháp luật các nước luôn có những chính sách để bảo vệ NCTN tránh những tổn thương nhất định.

Xu hướng chung của các quốc gia hiện nay là xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp NCTN thay vì quy định tản mạn ở nhiều đạo luật khác nhau, có thể kể đến như Pháp, Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Nam Phi, Hoa Kỳ,… đều ban hành đạo luật riêng về tư pháp NCTN.

Như vậy, có thể khẳng định, việc soạn thảo Dự án Luật Tư pháp NCTN, không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý xã hội nói chung, mà còn thể hiện mục tiêu chính sách của Nhà nước ta trong việc cụ thể hóa từng độ tuổi để có cơ sở xây dựng cơ chế pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đúng đắn, phù hợp.

2. Một số vấn đề đáng quan tâm

Trên cơ sở Dự thảo Luật Tư pháp NCTN, tác giả thấy có một số vấn đề cần quan tâm như sau:

Thứ nhất, về các loại hình phạt áp dụng đối với NCTN.

Quá trình soạn thảo dự thảo Luật, liên quan đến các loại hình phạt áp dụng đối với NCTN vẫn còn một số quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, giữ nguyên các loại hình phạt áp dụng đối với NCTN theo quy định của pháp luật hiện hành gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Quy định như vậy, bảo đảm công bằng và nguyên tắc hạn chế áp dụng hình phạt tù mở rộng các chế tài không giam giữ cho đối tượng NCTN khi không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định NCTN phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, bãi bỏ 03 hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, vẫn giữ nguyên 04 loại hình phạt đối với NCTN phạm tội gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn như BLHS hiện hành quy định. Bởi lẽ, muốn áp dụng Luật Tư pháp NCTN liên quan đến các biện pháp xử lý chuyển hướng phải bảo đảm những điều kiện nhất định, khi những điều kiện đó không bảo đảm thì sẽ áp dụng các hình phạt được quy định trong BLHS. Đối với quan điểm thứ hai, bỏ hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với NCTN phạm tội vô hình trung hiểu theo hướng nếu không đủ điều kiện áp dụng Luật Tư pháp NCTN, chuyển sang áp dụng hình phạt trong hình sự thì chỉ áp dụng hình phạt duy nhất là tù có thời hạn là không công bằng trong quyết định hình phạt và không phân hóa tội phạm.

Thứ hai, về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Theo khoản 3 Điều 28 dự thảo Luật quy định một trong những điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là “3. Người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”. Vấn đề này có quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định khoản 3 Điều 28 trong dự thảo Luật. Bởi lẽ, việc NCTN đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là điều kiện cần thiết để bảo đảm NCTN chấp hành các biện pháp xử lý chuyển hướng hiệu quả.

Quan điểm thứ hai cho rằng, không nên quy định khoản 3 Điều 28 trong dự thảo Luật. Bởi lẽ, việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng còn phải căn cứ vào độ tuổi, nhận thức, hoàn cảnh cũng như tính chất, mức độ hành vi phạm tội của NCTN để đánh giá khả năng để cải tạo, phục hồi cho NCTN chứ không phụ thuộc vào ý chí mong muốn của NCTN.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, không nên quy định một trong những điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là “người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”. Bởi lẽ, có thể thấy, việc xây dựng Luật Tư pháp NCTN thể hiện được chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội, nhất là NCTN, thêm vào đó, việc chứng minh một người có tội hay không có tội thuộc về trách nhiệm chứng minh của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Do đó, việc NCTN tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội không nên được xem là điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN mà cần theo hướng nếu xét thấy đủ điều kiện thì cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng không cần phải có sự đồng ý hay không đồng ý của NCTN.

Thứ ba, về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Vấn đề này, hiện nay còn một số quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, quy định chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Quan điểm thứ hai cho rằng, giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành, theo đó cả 03 cơ quan Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo từng giai đoạn tố tụng. Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN. Bởi lẽ, việc này ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân của NCTN, bảo đảm sự thống nhất, cẩn trọng trong việc xem xét, quyết định áp dụng.

 

NGUYỄN ĐÌNH TIẾN - CHÂU THANH QUYỀN (TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang)

Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử băng nhóm vây chém "Quân "xa lộ" - Ảnh: NT

Tài liệu tham khảo

[1] Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.

2 Điểm a Quy tắc 11 Các quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do năm 1990.

3 Lê Khánh Linh, Trương Huỳnh Nga, Nguyễn Minh Tâm, Hoàng Thảo Anh, Trần Kiên, Bộ luật Dân sự Trung Quốc 2020 Bản dịch và lược giải, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, năm 2021, tr.40.

4 Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015.

5 Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015.

6 Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016.