Xử phạt nghiêm khắc các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 13/5, TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử và tuyên phạt mức án nghiêm khắc đối với 4 bị cáo về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Một cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho đường dây vận chuyển động vật hoang dã

Chiều ngày 13/5,TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử và tuyên phạt 4 bị cáo về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Đáng chú ý, trong số 4 bị cáo thì bị cáo Ngô Vũ Lâm là cán bộ kiểm lâm được xác định tiếp tay cho đường dây vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) này.

Các cá thể Tê tê bị các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép xuyên quốc gia. Ảnh: ENV

Vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm trên tàu không số

Tháng 1/2018, Đồn Biên phòng Đất Mũi đã phát hiện và bắt giữ tàu không số chở 114 cá thể Tê tê Java (Manis javanica) và hơn 300kg vảy Tê tê Java (Manis javanica).
Sau khi vụ án bị phát hiện, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo các ban, ngành có liên quan tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động nuôi nhốt ĐVHD của Công ty TNHH Hải Đăng.
Theo kết quả thanh tra của UBND tỉnh Cà Mau, Công ty TNHH Hải Đăng (do bị cáo Trần Quý là Giám đốc) đăng ký thực hiện dự án đầu tư du lịch kết hợp nuôi ĐVHD trên cụm đảo Hòn Khoai, thuộc tỉnh Cà Mau).
Mặc dù được cấp phép cho hoạt động du lịch nhưng Công ty TNHH Hải Đăng không xây dựng các hạng mục công trình như trong báo cáo ban đầu và cũng không có bất kỳ hoạt động du lịch nào trên đảo mà chỉ thực hiện nuôi ĐVHD với mục đích xuất bán.
Bị cáo Trần Quý trước đó cũng được biết đến là một mắt xích quan trọng, đầu mối chuyên hỗ trợ các đối tượng buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.

Mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi như: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã thuộc Danh mục nêu trên.
Trong vụ án này, 4 bị cáo đã vận chuyển trái phép bằng tàu không số trên vùng biển Cà Mau với số lượng 114 cá thể Tê tê Java và hơn 300kg vảy Tê tê.
Từ những hành vi nêu trên, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã xử phạt bị cáo Trần Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng 13 năm tù giam và phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Ba bị cáo khác: Nguyễn Hải Nam (12 năm tù giam và phạt bổ sung 50 triệu đồng), bị cáo Lê Việt Lĩnh (10 năm tù giam) và bị cáo Ngô Vũ Lâm (cán bộ kiểm lâm – 2 năm tù giam, về tội “giả mạo trong công tác”).
Đây là lần thứ 2 mức án 13 năm tù được cơ quan xét xử áp dụng với một đối tượng tội phạm về ĐVHD. Trước đó, cuối năm 2019, một đối tượng tại Quảng Ninh cũng bị tuyên phạt 13 năm tù giam vì hành vi nuôi, nhốt, buôn bán trái phép 145 cá thể Tê tê.

HÀ CHI