Mức cấp dưỡng không thấp hơn 30% mức thu nhập của người cấp dưỡng
Sau khi nghiên cứu bài viết “Vướng mắc về yêu cầu mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn” của tác giả Huỳnh Văn Sáng, đăng vào ngày 17/4/2023, tôi xin có một số ý kiến trao đổi.
Việc áp dụng mức cấp dưỡng như thế nào cho phù hợp cần phải căn cứ vào quy định tại Điều 116 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Để quyết định một mức cấp dưỡng phù hợp cần phải xem xét đến hai yếu tố đó là “việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” và phải “căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” đây là hai căn cứ quan trọng để Toà án quyết định nghĩa vụ cấp dưỡng khi hai bên không tự thoả thuận được.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, nghiên cứu một số văn bản hướng dẫn trước đây có thể chỉ ra như sau:
Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng: Là khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, đó là thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó.
Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xem xét và xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú (được hiểu thường trú hoặc tạm trú hoặc nơi học tập). Mức sinh hoạt bao gồm các chi phí thông thường cần thiết của người được cấp dưỡng như: chi phí cho việc ăn uống hàng ngày, chi phí về chỗ ở hoặc nơi ở đang ở thuê hay đã có nhà riêng, chi phí về quần áo, chi phí cho việc học hành( bao gồm các khoản học ở trường, học thêm và phục vụ kỹ năng khác),chi phí về khám chữa bệnh và các chi phí khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng. Hoàn cảnh sống của người được cấp dưỡng cũng là yếu tố quyết định về mức cấp dưỡng.
Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, khi quyết định việc cấp dưỡng nuôi con, Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động từ 20-30% mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trong trường hợp không xác định được mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng thì lương tối thiểu vùng sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc.
Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà có thu nhập ổn định, mà không thoả thuận được mức cấp dưỡng, thì có thể tham khảo Án lệ số 62/2023/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đó là:
“[2] Xét kháng cáo của anh C đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước hạ mức cấp dưỡng từ 1.500.000đ/tháng xuống 1.000.000đ/tháng, thấy rằng: Theo Biên bản xác minh của TAND huyện Lộc Ninh (BL33) thì chi phí trung bình để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ độ tuổi như cháu P cần 3.000.000đ/tháng. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc anh C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu P mỗi tháng 1.500.000đ (3.000.000đ : 2 người = 1.500.000đ/người) là phù hợp. Bởi lẽ, anh C là giáo viên có thu nhập ổn định, mức lương hàng tháng là 4.666.220 đồng (BL18), do đó kháng cáo của anh C đề nghị giảm mức cấp dưỡng xuống là không có căn cứ chấp nhận.”
Như vậy, Toà án căn cứ vào thu nhập ổn định của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và chi phí trung bình để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ theo xác minh tại địa phương làm cơ sở giải quyết vụ án là hợp tình, hợp lý.
Trong trường hợp cụ thể tác giả nêu trong ví dụ, Toà án đã xem xét đến yếu tố đó là: anh A làm nghề tự do, thu nhập không ổn định để đưa ra quyết định buộc anh A phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu E và cháu F mỗi cháu ½ mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm với mức lương tối thiểu là 1.490.000 đồng/2 = 745.000 đồng. Như vậy, anh A phải giao cho chị B tiền cấp dưỡng nuôi cháu E và cháu F là 1.490.000 đồng là phù hợp.
Bởi lẽ, bản thân anh A nuôi mình còn vất vả do làm “nghề lao động tự do nên nguồn thu nhập không ổn định” thì việc Toà án quyết định việc cấp dưỡng cho con như thế nào cũng phải xem xét đến “Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng”. Do đó, nếu chỉ xét tới một yếu tố là phải bảo đảm “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” thì anh A hoàn toàn không có khả năng.
Đồng thời, căn cứ vào khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Vì vậy, để bảo đảm cuộc sống của anh A, Toà án đã xem xét đến thu nhập hiện tại của anh và đưa ra một mức cấp dưỡng hợp lý để anh có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Chị B hoàn toàn có thể yêu cầu Toà án buộc anh A phải tăng thêm nghĩa vụ cấp dưỡng nếu như sau này anh A có thu nhập ổn định và khả thực tế của anh A có thể cấp dưỡng được mức cấp dưỡng cao hơn. Còn việc anh A giao tiền cấp dưỡng cho chị B không đủ là do anh A không có nguồn thu chứ không phải là khó khăn khi Toà án tuyên số tiền buộc phải cấp dưỡng như thế nào. Cơ quan Thi hành án dân sự có thể giải thích cho người nhận cấp dưỡng hiểu đây là tình hình khách quan và Cơ quan Thi hành án đã làm đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, TANDTC đã ban hành dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình[1]. Tại Điều 6 dự thảo có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề” để đảm bảo quyền lợi cho con là người dưới 18 tuổi trong các vụ án ly hôn, đồng thời tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Trên đây là ý kiến trao đổi của tác giả, mong nhận được sự góp ý của các đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân huyện Thanh Miện, Hải Dương xét xử vụ án ly hôn - Ảnh: Nguyễn Thị Diên
[1] https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND215632
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận