MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN  – THƯỚC ĐO HIỆU QUẢ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP TẠI TÒA ÁN

Phòng Tổ chức cán bộ- Thanh tra và Thi đua khen thưởng, TAND tỉnh Quảng Bình

       SIPAS là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, là kết quả mang tính định lượng của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND tỉnh Quảng Bình thời gian tới, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là chỉ số then chốt. Xác định mục tiêu này để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thay đổi trong đời sống người dân làm làm thước đo thực thi công vụ của mỗi cán bộ hành chính tư pháp.

        Theo kế hoạch chung, Dự án “Dân chấm điểm M-Score” đã chính thức khởi động tại tỉnh Quảng Bình từ tháng 01/2016. Đây là chương trình gọi điện phỏng vấn người dân để thu thập ý kiến đánh giá về chất lượng dịch vụ công tại văn phòng một cửa. Dự án này là kết quả của sự hợp tác giữa năm đơn vị, gồm: Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình, tổ chức phi chính phủ Oxfam, Trung tâm phân tích và dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường đại học In-đi-a-na (Mỹ) và Công ty phân tích thời gian thực (RTA). Mục tiêu của dự án là tạo ra công cụ khảo sát người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Trên cơ sở đó, dự án thiết lập kênh đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân để nâng cao chất lượng dịch vụ công ở cấp cơ sở, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.            

        Chung tay thực hiện kế hoạch trên và hướng đến kế hoạch chung xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân” theo chủ trương của Chính phủ, thời gian tới, hoạt động cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND tỉnh Quảng Bình cần phải tiến hành theo lộ trình, đồng bộ, có trọng tâm với những bước đi vững chắc, đi từ thí điểm đến chính thức. Giải pháp trọng điểm của cải cách là lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công vụ, nhằm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án.

       Thực hiện yêu cầu đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, trong những năm qua, Tòa án các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Từ sau năm 2010, trên cơ sở tổng kết và nhân rộng mô hình cải cách thủ tục hành chính tư pháp, đến nay nhiều Tòa án đã áp dụng mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” (hay còn gọi là mô hình Tổ hành chính tư pháp). Theo mô hình này thì Tổ Hành chính tư pháp giúp việc cho Chánh án trong việc tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại và thụ lý các loại án thuộc thẩm quyền, tham mưu lập danh sách các loại vụ án trình Chánh án hoặc Phó Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết. Hoạt động này thực hiện theo quy trình khép kín. Người dân, cơ quan, tổ chức đến liên hệ công tác tại Toà án qua Tổ hành chính tư pháp sẽ có cán bộ hướng dẫn mọi thủ tục liên quan đến việc thụ lý, giải quyết và trả kết quả tại Tổ hành chính tư pháp.

       TAND tỉnh Quảng Bình coi việc nỗ lực cải cách nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ phận hành chính tư pháp “một cửa” là một trong những mục tiêu trọng tâm trong lộ trình cải cách thủ tục hành chính tư pháp, trong đó đặt Chỉ số mức độ hài lòng của người dân là giải pháp trọng điểm. Việc xác định mức độ hài lòng là chỉ số then chốt làm thước đo để điều chỉnh thái độ của đội ngũ công chức tư pháp trực tiếp phục vụ nhân dân. Cán bộ công chức phải luôn nghe dân, biết lo lắng khi dân không hài lòng. Phải biết vì sao người dân không hài lòng? Dân không hài lòng ở điểm nào? Khắc phục những gì người dân không hài lòng ra sao? Và quan trọng là công bố kết quả để người dân được biết. Vì vậy, muốn cải cách tốt thì chỉ số hài lòng của người dân phải được đánh giá chính xác để từ đó có những phương hướng khắc phục, thay đổi thái độ phục vụ nhân dân, làm gia tăng thêm chỉ số hài lòng đích thực của người dân. Trong thời gian tới, các đơn vị của TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình sẽ hoàn thiện bộ câu hỏi khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính tư pháp; tiếp tục đầu tư trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận “một cửa”) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện đánh giá.

       Việc khảo sát Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của bộ phận hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân tỉnh thời gian chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy cải cách nền hành chính tư pháp, tạo thêm nguồn lực cho sự nghiệp phát triển của tỉnh Quảng Bình./.

TRẦN THỊ THANH TÂM