Năm 2019, với các giải pháp đột phá, chất lượng, hiệu quả xét xử đã được nâng cao
Ngày 6/1/2020 Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020 được tổ chức với hình thức trực tuyến. Tại điểm cầu trung tâm ở trụ sở TANDTC, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến dự Hội nghị và phát biểu ý kiến. Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự Hội nghị các vị Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành.
Ngay sau phiên khai mạc, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC thay mặt lãnh đạo TANDTC đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Tòa án.
Năm 2019, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử nên đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu cơ bản đề ra.
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC
1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử, giải quyết các vụ việc
Từ ngày 01/12/2018 đến ngày 30/11/2019, các Tòa án đã thụ lý 554.269 vụ việc, đã giải quyết được 494.403 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,2%); số vụ việc còn lại hầu hết trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 1,13%, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm 2018, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Về xét xử các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 83.239 vụ với 142.571 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 80.280 vụ với 135.338 bị cáo, đạt tỷ lệ 96,45% về số vụ và 94,93% về số bị cáo, vượt 6,45% chỉ tiêu đề ra (so với năm 2018, thụ lý tăng 121 vụ với 702 bị cáo). Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đã phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm như: vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”…; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” liên quan đến Công ty cổ phần dược phẩm VN Pharma; các vụ án gian lận thi cử tại Kỳ thi trung học phổ thông năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang… Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các Tòa án đã chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung và xác định trách nhiệm bồi thường nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại, nhất là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng. Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật tố tụng. Việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.
Về giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 432.666 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 379.441 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,7%, vượt 2,7% chỉ tiêu đề ra. Các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ việc; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt các vụ việc.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trình bày Báo cáo
Về giải quyết các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 10.785 vụ; đã giải quyết, xét xử được 7.142 vụ, đạt tỷ lệ 66,22%. Các Tòa án đã khắc phục việc để vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, tính đến ngày 30/11/2019 không có vụ án nào để quá hạn luật định. Chú trọng việc tổ chức đối thoại nên nhiều vụ án các bên đã thống nhất cách thức giải quyết và người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính với nhiều giải pháp thiết thực, qua đó tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính tăng 3,64% so với năm trước.
Việc xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân được thực hiện đúng pháp luật và đạt tỷ lệ 99,86%, vượt 0,86% chỉ tiêu đề ra.
Công tác thi hành án hình sự; miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước được các Tòa án thực hiện kịp thời, không để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật; việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Về thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các Tòa án đã thụ lý 08 yêu cầu bồi thường; đã giải quyết dứt điểm đối với 02 trường hợp; ngoài ra đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 21 vụ án dân sự mà người bị oan, sai khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đã giải quyết được 15 vụ; các trường hợp còn lại đang được tiếp tục giải quyết theo quy định.
Với việc chủ động nắm bắt tình hình, tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp đột phá nên công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc trong năm qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
2. Tập trung nguồn lực giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết là 15.797 đơn/vụ, trong đó, Tòa án nhân dân tối cao là 2.724 đơn/vụ, các Tòa án nhân dân cấp cao là 13.073 đơn/vụ. Đã giải quyết được 8.176 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 51,76%, trong đó, Tòa án nhân dân tối cao giải quyết được 1.815 đơn/vụ, bằng 66,6%; các Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết được 6.361 đơn/vụ, bằng 48,6%. Trong tổng số 8.176 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 7.655 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 521 đơn/vụ. Chất lượng giải quyết được đảm bảo, không có vụ việc nào quá thời hạn theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo giải quyết đối với các đơn kêu oan và hiện chỉ còn một số ít trường hợp có đơn kêu oan có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình hiện đang đượcliên ngành tư pháp Trung ương phối hợp xem xét, giải quyết.
3. Xây dựng và trình Quốc hội Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên cơ sở thí điểm thành công tại 16 tỉnh, thành phố
Nhận thức rõ tầm quan trọng và hiệu quả thực tế của công tác hòa giải, sau khi triển khai thí điểm thành công tại Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao đã tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc, đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành đã giúp các Tòa án không phải xét xử 36.985 vụ việc, qua đó ước tính tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 150 tỷ đồng. Kết quả thí điểm đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đang tích cực chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2020 đảm bảo đúng lộ trình kế hoạch đề ra.
4. Tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật
– Về công tác xây dựng pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội theo quy định. Phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội thông qua 08 dự án Luật, đồng thời tích cực tham gia góp ý kiến đối với 46 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hữu quan gửi xin ý kiến góp ý.
– Về công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 08 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, những Nghị quyết này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Tòa án và thống nhất nhận thức trong áp dụng pháp luật, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đang nghiên cứu, xây dựng 06 dự thảo Nghị quyết về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp, 01 dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đang nghiên cứu, phối hợp xây dựng 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các các cơ quan khác chủ trì soạn thảo.
Trong năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với Thẩm phán Tòa án các cấp, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Đã ban hành hơn 40 văn bản giải đáp về hơn 150 vấn đề vướng mắc của các Tòa án. Đây là giải pháp mới trong hướng dẫn áp dụng pháp luật, có tác dụng thiết thực nên đã thu hút được đông đảo các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên toàn quốc tham gia.
– Về công tác phát triển án lệ, đã tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ; ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đổi mới quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Đã công bố mới 13 án lệ, nâng tổng số án lệ đã được công bố là 29 án lệ và đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng 17 dự thảo án lệ. Hiện nay, đã có hơn 600 bản án, quyết định của Tòa án viện dẫn án lệ. Vận hành có hiệu quả Trang tin về án lệ với nhiều nội dung phong phú thu hút được sự tham gia góp ý, bình luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học với hơn 720.000 lượt truy cập.
5. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho toàn hệ thống Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện đồng bộ nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, bao gồm: đào tạo tập trung, đào tạo trực tuyến và tự đào tạo từ thực tiễn thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm. Định kỳ hàng tháng đã tổ chức 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trực tuyến về các vấn đề như: cải cách tư pháp ở nước ta trong tình hình mới, Luật Tố tụng hành chính, pháp luật về giao dịch bảo đảm, áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án Việt Nam,… cho hơn 10.000 Thẩm phán, Thẩm tra viên, thư ký. Giảng viên là các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chuyên gia, giáo sư có kinh nghiệm trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Đức, Úc, Sing ga po,… Tổ chức 02 khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử cho 448 học viên; đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên, Thư ký viên chính, Thư ký viên cho 877 học viên; tổ chức 06 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1200 Thẩm phán. Trong năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức cho thẩm phán tham gia các “Phiên tòa rút kinh nghiệm”. Mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm đều là một bài học giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa.
Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nghiêm túc, thành công 02 kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp đối với 570 người theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Hội đồng thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp về danh sách thi Thẩm phán kỳ thi thứ ba năm 2019 đối với 350 trường hợp. Tổ chức kỳ thi nâng ngạch Thẩm tra viên chính, Thư ký viên chính, Thư ký viên cho 283 thí sinh, trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định trúng tuyển đối với 208 người. Đã trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 846 Thẩm phán.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ, Học viện Tòa án đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyển sinh khóa đào tạo trình độ Thạc sỹ luật học; lựa chọn sinh viên có thành tích học tập suất sắc để cử đi đào tạo tại Hungary theo chương trình học bổng Chính phủ tại Hungary năm 2019. Năm 2019, đã tuyển sinh 320 sinh viên đào tạo đệ đại theo đúng quy định với điểm xét tuyển đầu vào cao hơn năm trước. Hoàn thành Bộ tập bài giảng Thẩm tra viên và Thư ký; tiếp tục hoàn thiện giáo trình đào tạo nghiệp vụ xét xử; cử giảng viên tập sự nghe giảng tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội… để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Triển khai Đề án mở rộng trụ sở Học viện Tòa án.
6. Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự tiếp tục được các Tòa án tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc. Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện Đề án vị trí việc làm trong Tòa án nhân dân và Đề án cải cách chính sách tiền lương trong Tòa án nhân dân. Đã thành lập thêm 36 Tòa gia đình và người chưa thành niên. Tính đến ngày 30/11/2019, tổng số biên chế Tòa án nhân dân các cấp có 13.792 người, giảm 1.445 người (đạt tỷ lệ 9,48%) so với biên chế được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao (cán bộ, công chức được tinh giản và giảm tự nhiên theo quy định). Việc thiếu biên chế là do dừng tuyển dụng theo Nghị quyết số 39-NQ/TW đã tạo áp lực lớn cho công tác của các Tòa án. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện đúng quy định, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được quan tâm, kiện toàn bảo đảm hoạt động của các Tòa án.
Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tiến hành thường xuyên. Năm qua, đã tổ chức 17 đoàn kiểm tra kiểm tra công tác xét xử tại các Tòa án nhân dân cấp cao, 14 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 28 Tòa án nhân dân cấp huyện. Các Tòa án cấp tỉnh cũng đã triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các Tòa án cấp huyện và các Tòa chuyên trách trực thuộc. Thông qua kiểm tra đã phát hiện những tồn tại, hạn chế và có giải pháp khắc phục kịp thời. Thực hiện Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao đã tạm dừng bổ nhiệm lại 33 Thẩm phán; không xem xét bổ nhiệm lại 10 Thẩm phán; cách chức 01 trường hợp. Thông qua thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã xử lý kỷ luật 43 công chức do vi phạm.
7. Hoàn thành một số mặt công tác quan trọng với chất lượng cao
Công tác công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán đã được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc và đã công bố được gần 500.000 bản án, quyết định với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là gần 18 triệu lượt với hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định. Trung bình mỗi ngày có hơn 35 nghìn lượt người truy cập nghiên cứu các bản án, quyết định của các Tòa án.
Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội về việc đầu tư, xây dựng trụ sở cho các Tòa án nhân dân cấp huyện, theo đó, 35 Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có trụ sở đã được bố trí vốn đầu tư xây dựng mới; trong đó, 32 Tòa án đã được xây dựng và bàn giao trong năm 2019; 03 Tòa án khởi công xây dựng trong năm 2019 và dự kiến hoàn thành, bàn giao trong năm 2020. Đã khởi công xây dựng mới Trụ sở của Tòa án nhân dân tối cao tại số 43 Hai Bà Trưng; khởi công Dự án trùng tu và tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia đối với trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, hệ thống truyền hình trực tuyến đã phát huy hiệu quả tích cực trong chỉ đạo điều hành, đào tạo bồi dưỡng cho toàn hệ thống. Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai thí điểm hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; xây dựng phần mềm phân công án ngẫu nhiên; phần mềm chuyển giọng nói tại phiên tòa thành văn bản;…
Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường. Đã tổ chức thành công các chuyến thăm, làm việc tại nước ngoài của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao đã tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ nước ngoài. Tổ chức chia sẻ kinh nghiệm giữa Thẩm phán Việt Nam và Thẩm phán quốc tế về giải quyết nhiều vấn đề thách thức đang đặt ra. Chú trọng nghiên cứu pháp luật quốc tế để học tập kinh nghiệm, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân. Tích cực tham gia vào các hội nghị, diễn đàn tư pháp quốc tế. Tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia. Phối hợp với các nước thực hiện có hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp, điều tra, giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Công tác thông tin tuyên truyền có nhiều đổi mới với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về pháp luật cũng như tuyên truyền về tổ chức, hoạt động của các Tòa án; làm tốt công tác phản hồi, phúc đáp những kiến nghị, phản ánh, thắc mắc của nhân dân liên quan tới hoạt động của Tòa án. Đã phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời đưa tin và truyên truyền về các sự kiện, Hội nghị quan trọng do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức; các phiên họp Hội đồng toàn thể Tòa án nhân dân tối cao… Đã xây dựng kịch bản và phát sóng được các số chuyên đề Truyền hình Tòa án nhân dân trên kênh truyền hình Quốc hội. Hiện nay, đang tích cực xây dựng, phát sóng chương trình mới “Hồ sơ xét xử”; tổ chức “Cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn và ký sự về đề tài Tòa án nhân dân”; phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim truyền hình dài tập về người Thẩm phán Tòa án nhân dân. Nghiên cứu, tiếp nhận các ý kiến đề xuất; tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia; lấy ý kiến trong hệ thống Tòa án nhân dân để thống nhất lựa chọn nhân vật lịch sử vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Tổ chức thành công Chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao giữa Tòa án nhân dân hai nước Việt Nam – Lào. Thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Tên lửa bờ 682/BTL – Vùng 4 Hải quân tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên;…
Công tác thi đua có nhiều đổi mới sáng tạo, gắn với việc nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, đổi mới cả về nội dung, hình thức phát động, thực sự trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
II. MỘT SỐ KHUYẾT ĐIỂM, THIẾU SÓT, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Hoạt động của các Tòa án thời gian qua cũng còn một số hạn chế, thiếu sót như: một số Tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết các vụ án hành chính tại các Tòa án nhân dân cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng chậm chuyển hồ sơ vụ việc theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời còn nhiều sai sót, hạn chế; tỷ lệ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn thấp, tiến độ giải quyết còn chậm; cơ cấu đội ngũ công chức Tòa án nhân dân các cấp còn thiếu một số chức danh tư pháp; công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Thẩm phán giữa các Tòa án còn khó khăn; vẫn còn một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật…
Các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do số lượng các loại vụ việc mà các Toà án phải thụ lý, giải quyết tính chất ngày càng phức tạp; một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp… Cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc còn thiếu thốn. Về nguyên nhân chủ quan, vẫn còn một số Thẩm phán, công chức Toà án thiếu trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nên có vi phạm và hiệu quả công tác chưa tốt.
Để khắc những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án, các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là: chỉ đạo các Tòa án tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công, phân cấp hợp lý; tăng cường công tác quản lý cán bộ, Thẩm phán; kỷ cương, kỷ luật công vụ; tăng cường công tác hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp ở Tòa án nhân dân cấp huyện. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối bên trong của các Tòa án gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách. Xây dựng chế độ chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động đặc thù của Tòa án…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020
Ảnh: HÙNG LAN – VŨ DINH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận