Nâng cao chất lượng công tác thanh tra Tòa án nhân dân
Chiều 13/12/2024, tiếp theo chương trình Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2025, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến đã trình bày báo cáo về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong hệ thống Tòa án.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến báo cáo về công tác thanh tra tại Hội nghị
Thanh tra nghiêm túc, hiệu quả
Theo báo cáo trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2024 cho thấy, Ban Thanh tra TANDTC đã tổ chức thực hiện 54 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất (bình quân thực hiện 6 cuộc/1 năm). Mỗi đoàn thanh tra có phạm vi thanh tra diện rộng hoặc trên một số lĩnh vực công tác, hoặc theo các vấn đề có dấu hiệu vi phạm.
Thông qua các cuộc thanh tra, đã kiến nghị để xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể trong công tác tổ chức xét xử, tổ chức - cán bộ, sử dụng tài sản công, quản lý ngân sách nhà nước; phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Xem xét trách nhiệm đối với cá nhân 05 Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 05 lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp huyện và hàng trăm lượt Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký có thiếu sót, vi phạm trong công tác xét xử và việc thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Ban Thanh tra đã phối hợp với Vụ Tổ chức – Cán bộ tham mưu Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia xem xét xử lý trách nhiệm một số Thẩm phán vi phạm.
Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, trung bình mỗi năm Ban Thanh tra tiếp 3.200 lượt công dân và nhận 2.500 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp nhận, xử lý, giải quyết 13.500 lượt khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động xét xử của các Tòa án. Tính trung bình, mỗi năm xử lý, giải quyết 1.500 lượt đơn.
Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức thực hiện 40 cuộc thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tham mưu tổ chức kê khai tài sản thu nhập với tổng số trên 27.000 bản kê khai; tổ chức thực hiện 09 đoàn xác minh, tài sản thu nhập đối của người kê khai tài sản; 02 đoàn xác minh tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu vi phạm.
Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác giám sát Thẩm phán, Ban Thanh tra đã tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao các biện pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân.
Đặc biệt, đã tham mưu, đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành các văn bản pháp luật, chỉ thị, hướng dẫn để xử lý những vấn đề nổi cộm như: Quy định xử lý trách nhiệm của người giữ chức danh tư pháp (Quyết định 120/QĐ-TANDTC); Thông tư hướng dẫn về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân (số 01/2020/TT-TANDTC); Chỉ thị về việc nâng cao chất lượng áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời trong tố tụng dân sự (số 03/2019/CT-CA); Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong các Tòa án nhân dân (số 03/2023/CT-TA); Chỉ thị về tăng cường công tác thi hành án hình sự trong Tòa án (số 05/2024/CT-CA)…
Tuy nhiên, thời gian qua còn có một số công chức bị xử lý trách nhiệm về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, có trường hợp vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm chưa thực hiệu quả, có nơi, có lúc còn chưa nghiêm; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát thực sự hiệu quả đối với hoạt động của các Tòa án, hành vi công vụ của công chức Tòa án.
Quang cảnh Hội nghị
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra
Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, và kiểm soát quyền lực nhà nước trong thi hành công vụ. Ban Thanh tra đã đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể như, xây dựng các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động thanh tra trong TAND. Hoàn thiện các quy định về việc kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của công chức Tòa án; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ nhằm bảo đảm pháp chế, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Giao đủ thẩm quyền, kiện toàn tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra. Trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Thanh tra TAND xây dựng “bộ dữ liệu thông tin” về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của công chức Tòa án là cơ sở để đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và bảo vệ Thẩm phán.
Xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với Thẩm phán để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật công vụ đặc biệt đối với các Thẩm phán đã bổ nhiệm lại, có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của công chức, người lao động, nhất là đội ngũ giữ chức danh tư pháp. Nên có cơ chế phối hợp, giữa cơ quan thanh tra với cấp ủy đảng để tiến hành thanh tra nhiệm vụ, quyền hạn của công chức với kiểm tra nhiệm vụ đảng viên; xác định mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm, áp dụng biện pháp xử lý và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Việc kết hợp này được thực hiện trong một cuộc thanh tra, tiết kiệm được thời gian, nhân lực thuận lợi hơn khi xử lý trách nhiệm của công chức, đảng viên.
Bài liên quan
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí: Công tác ngành Tòa án năm sau phải tốt hơn năm trước
-
Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy các cục, vụ, cơ quan báo chí Toà án nhân dân tối cao.
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 2 Thẩm phán TANDTC
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận