Nâng cao hiệu quả điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trong khi tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm này chưa cao thì nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1.Những hạn chế thường gặp
Thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án LĐCĐTS là quá trình hoạt động của các cơ quan tố tụng và những người tham gia tố tụng nhằm áp dụng những biện pháp khác nhau theo quy định của pháp luật để phát hiện, mô tả, thu lượm và xác định độ tin cậy, giá trị chứng minh của những đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án LĐCĐTS, qua đó sử dụng từng chứng cứ vào mục đích chứng minh làm rõ sự thật về vụ án đó.
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều quyết tâm, cố gắng trong công tác phát hiện và xử lý đối với loại tội phạm này. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình các cơ quan này đã không ngừng nỗ lực, vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo các phương pháp đa dạng và phong phú góp phần thu thập, củng cố, đánh giá và sử dụng chứng cứ có hiệu quả.
1.1.Hạn chế
– Trong thu thập chứng cứ: Việc phát hiện, thu lượm, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chứng cứ là một quá trình thống nhất nhưng do không nhận thức chính xác và đầy đủ về các chứng cứ cho nên trong một số trường hợp, Điều tra viên đã tách biệt chúng, vì vậy đã không loại trừ được những thông tin, tài liệu không phải của tội phạm, không liên hệ và lắp ghép các sự kiện lại với nhau để làm rõ toàn bộ diễn biến của vụ phạm tội, dẫn đến thu thập thông tin, tài liệu một cách tràn lan. Những hạn chế này thường xảy ra trong quá trình tiến hành điều tra ban đầu của vụ án. Khi tiến hành điều tra ở giai đoạn tiếp theo, do những tài liệu thu thập được ở giai đoạn trước không được sàng lọc đánh giá và làm rõ mối quan hệ hoặc hồ sơ vụ án đã chuyển cho cán bộ điều tra khác thụ lý cho nên, việc thu thập chứng cứ bị gián đoạn, những chứng cứ thu thập mới khả năng chứng minh kém, việc này đã tác động xấu tới việc xây dựng các giả thuyết điều tra, hoạt động điều tra kém hiệu quả hoặc vụ án rơi vào bế tắc.
– Trong đánh giá chứng cứ : Trong quá trình điều tra vụ án LĐCĐTS, có chủ thể tiến hành tố tụng đã không coi trọng hoạt động này mà chỉ chú ý xem xét tổng thể các chứng cứ đã thu thập được, không phân tích cụ thể chứng cứ nào dùng để chứng minh cho tình tiết nào của vụ án. Chứng cứ được đánh giá không đồng bộ, sử dụng cả những thông tin, tài liệu không phải là chứng cứ của vụ án để chứng minh vụ án. Thêm vào đó, có nhiều lực lượng tham gia vào quá trình đánh giá chứng cứ như Điều tra viên, Kỹ thuật viên, Giám định viên, Trinh sát viên, nhưng do thiếu sự phối hợp chặt chẽ, cho nên việc thu thập chứng cứ tách rời việc đánh giá chứng cứ.. Mặt khác, để chứng minh vụ án được cụ thể, toàn diện và khách quan đòi hỏi trong quá trình đánh giá chứng cứ phải đặt mỗi chứng cứ trong toàn bộ hệ thống chứng cứ để đánh giá tính liên quan và tính phù hợp. Việc này nhiều khi thường bị xem nhẹ hoặc bỏ quên, cho nên hiệu quả chứng minh không cao, việc chứng minh mặt khách quan của hành vi phạm tội mà không quan tâm đúng mức đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can hoặc động cơ, mục đích phạm tội, vì vậy, việc chứng minh vụ án không được toàn diện.
– Quá trình thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ đã không vận dụng hết ý nghĩa của hoạt động sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án. Vì vậy, việc thu thập những chứng cứ mới bị hạn chế, giả thuyết điều tra được xây dựng thiếu tính khoa học, hiệu quả điều tra không cao.
1.2.Nguyên nhân
– Đối với tội phạm LĐCĐTS và một số tội phạm kinh tế khác việc xác định hiện trường của vụ án và tiến hành thu thập chứng cứ tại hiện trường là việc hầu như không được quan tâm, coi trọng. Bởi vậy, trong quá trình điều tra vụ án lừa đảo, hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ bị hạn chế rất nhiều, nó chỉ tập trung ở một số nguồn, như lời khai của người bị hại, người làm chứng hoặc các loại giấy tờ, tài liệu mà đối tượng để lại nơi người bị hại.
– Mối quan hệ phối hợp trao đổi thông tin giữa CQĐT với Viện kiểm sát và các cơ quan khác có liên quan trong quá trình giải quyết vụ án LĐCĐTS chưa được chú trọng cho nên trong quá trình thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ chưa có sự thống nhất dẫn đến chất lượng khám phá tội phạm không cao.
– Lực lượng làm công tác điều tra tội LĐCĐTS trên địa bàn thành phố hiện tại còn quá mỏng khi phải đảm nhận trọng trách đấu tranh chống tội phạm kinh tế tại địa bàn có nền kinh tế phát triển nhất cả nước. Bên cạnh đó lực lượng này còn thiếu về lực lượng chưa đáp ứng với thực tiễn đòi hỏi của sự phát triển kinh tế và với sự gia tăng của loại tội phạm này. Ngoài ra, do năng lực của một số cán bộ làm công tác điều tra hiện này còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp xu thế phát triển chung nên chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật trong nước về thủ tục tố tụng… dẫn đến còn lúng túng, thiếu chủ động trong hoạt động của mình.
– Quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực sẽ xuất hiện một số loại tội phạm LĐCĐTS mới, với phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là loại tội phạm có yếu tố nước ngoài. Nhưng hiện nay chưa có sự hợp tác quốc tế trong công tác thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ giữa các nước nên vấn đề trao đổi thông tin gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp phải đình chỉ điều tra vụ án do không xác định được đối tượng.
– Trong quá trình thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ nhiều cán bộ điều tra nóng vội, chủ quan duy ý chí nên đã để sót những chứng cứ quan trọng có liên quan đến vụ án, chưa áp dụng triệt để các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật.
2.Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu thập, đánh giá sử dụng chứng cứ
2.1.Tiếp tục hoàn thiện, hướng dẫn thực hiện các quy định về hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra tội phạm LĐCĐTS
Trước hết, về vấn đề chứng cứ, để phát hiện và thu thập đầy đủ chứng cứ cho quá trình chứng minh tội phạm thì nhất thiết phải phát hiện và khai thác có hiệu quả các nguồn thực tế mang thông tin chứng cứ. Trong thực tiễn điều tra vụ án LĐCĐTS hiện nay và trong khoa học điều tra hình sự mới chỉ quan tâm đến những loại chứng cứ truyền thống. Việc mở rộng nghiên cứu các loại chứng cứ mới như dữ liệu điện tử hay kết luận giám định, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế mặc dù đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa được quan tâm đúng mức. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của quá trình điều tra các vụ án kinh tế, trong đó có các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thực tế, những dấu vết hình thành do các cơ chế vật lý, hoá học, sinh học tồn tại trên hiện trường vụ án LĐCĐTS hầu như không có, bởi lẽ, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm này là lợi dụng tính chất hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội để đưa ra hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ nhất thiết cần quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng bổ sung các quy định pháp luật về dấu vết trên các lĩnh vực tin học, tài chính, kế toán, các loại dấu vết khác như âm thanh, hình ảnh… Việc này góp phần quan trọng về việc khai thác và xác lập chứng cứ từ dấu vết hình sự.
2.2.Nâng cao nhận thức và tiến hành có hiệu quả các phương pháp, biện pháp, phương tiện và ứng dụng các thành tựu khoa học để thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án LĐCĐTS
2.2.1.Một là, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về hoạt động thu thập chứng cứ trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Hoạt động thu thập chứng cứ là hoạt động khó khăn, phức tạp trong quá trình chứng minh làm rõ sự thật của vụ án hình sự nói chung và vụ án LĐCĐTS nói riêng. Tính hiệu quả của thu thập chứng cứ phụ thuộc trước hết vào việc lựa chọn, tiến hành hợp lý các phương pháp, biện pháp, phương tiện và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong việc phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ. Để có được đầy đủ chứng cứ đối với việc làm sáng tỏ các tình tiết của một vụ án LĐCĐTS thì cần phải có phương pháp thu thập chứng cứ phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp với các đặc thù của vụ án cần tiến hành điều tra. BLTTHS quy định phương pháp để thu thập chứng cứ là thông qua các hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động tố tụng khác.
Quá trình ghi nhận và thu giữ chứng cứ phải gắn liền với việc bảo quản chứng cứ. Bảo quản chứng cứ là bảo vệ, giữ gìn các chứng cứ đã phát hiện, ghi nhận hoặc thu giữ được bằng các phương pháp khoa học và theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ giá trị chứng minh và việc sử dụng chứng cứ nhiều lần trong giai đoạn điều tra nói riêng và trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo về vụ án nói chung.
Bảo quản chứng cứ chính là việc bảo vệ các nguồn chứng cứ đã thu thập được. Vì vậy, các tài liệu, biên bản các hoạt động điều tra đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án, vật chứng thu giữ được phải niêm phong, đóng gói đúng quy định của pháp luật, không được làm thay đổi, thêm bớt hoặc làm mất nguồn chứng cứ. BLTTHS hiện hành nước ta cũng đã quy định rõ những yêu cầu của thu thập gắn liền với việc bảo quản chứng cứ trong các hoạt động tố tụng, đặc biệt là thu thập vào bảo quản vật chứng. BLTTHS hiện hành quy định: “Vật chứng cần phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh hoặc có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật”.
2.2.2.Hai là, cần nâng cao nhận thức lý luận và trau dồi năng lực tư duy trong hoạt động đánh giá chứng cứ trong điều tra vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đánh giá chứng cứ được xem như là một bộ phận không thể tách rời của hoạt động điều tra các vụ án LĐCĐTS. Từ thực tiễn tiến hành điều tra vụ án LĐCĐTS cho thấy, chứng cứ trong điều tra vụ án LĐCĐTS thông thường không đa dạng như một số loại tội phạm khác. Đặc biệt, trong quá trình đối tượng gây dựng lòng tin, uy tín giả đối với người bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, khâu này được xem là quan trọng nhất, nó quyết định tới sự thành, bại của vụ lừa đảo. Đối với CQĐT, việc thu thập chứng cứ ở giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng, nó chứng minh thủ đoạn gian dối của đối tượng. Thế nhưng, trong thực tiễn ở giai đoạn này đối tượng chủ yếu dùng lời nói để gây dựng lòng tin, vì vậy việc thu thập chứng cứ ở giai đoạn này chủ yếu thông qua lời khai của người bị hại. Do đó đòi hỏi người đánh giá phải có những tri thức khoa học để hiểu biết những thông tin có ý nghĩa chứng cứ phản ánh tính xác thực của hành vi phạm tội cũng như các tình tiết khác của vụ án. Như vậy, nếu không có những tri thức khoa học về các vấn đề thuộc nội dung chứng cứ thì không có cơ sở để hiểu rõ được bản chất của nó, không đánh giá được chứng cứ có đủ độ tin cậy hay không.
Pháp luật TTHS đã đề ra các nguyên tắc của việc đánh giá chứng cứ như: nguyên tắc khách quan, toàn diện, đầy đủ và không được dùng lời nhận tội của bị can là chứng cứ duy nhất để kết tội trong đánh giá chứng cứ. Đồng thời khi đánh giá chứng cứ, các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn phải dựa trên những quy định của luật TTHS về chứng cứ, nguồn chứng cứ, giá trị chứng minh của từng loại chứng cứ, phạm vi những vấn đề phải chứng minh và giới hạn chứng minh trong vụ án hình sự.
Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đánh giá chứng cứ cần phải tiến hành đánh giá thận trọng từng chứng cứ, đánh giá các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng của chứng cứ. Đối với lời khai người làm chứng thì cần xem xét tính cụ thể, tính ổn định, tính chính xác, tính không mâu thuẫn giữa các tính tiết trong lời khai đó và sự phù hợp của chúng với các chứng cứ khác. Đánh giá lời khai của bị can phải chú ý tới có hay không những mâu thuẫn và mối liên hệ của những mâu thuẫn đó với các tài liệu khác của vụ án, động cơ khai báo… để trên cơ sở này mà giả định việc khai báo của bị can là trung thực hay gian dối, các tài liệu khác là đúng hay bị giả mạo. Để đánh giá tính đúng đắn của kết luận giám định, cần phải xuất phát từ trình độ học vấn của giám định viên, sự hoàn bị và chính xác của các phương tiện được áp dụng trong nghiên cứu, tính đầy đủ của các tài liệu mà giám định viên sử dụng để đưa ra kết luận, tính có căn cứ, tính phù hợp của kết luận giám định với các chứng cứ khác, tính lôgíc trong lập luận của giám định viên trong quá trình giám định; để giải quyết vấn đề về độ tin cậy của các tình tiết trong các tài liệu viết, cần phải xem xét việc có hay không sự sao chép phù hợp với bản gốc, phải xem xét có hay không những mâu thuẫn giữa các tình tiết trong chính tài liệu đó và sự phù hợp của chúng với các chứng cứ khác đã xác định được về vụ án.
Để tránh mắc phải sai lầm trong đánh giá vật chứng, cần phải xem xét vật chứng có còn nguyên vẹn hay đã bị thay đổi, vật chứng có bị giả mạo không? Trong quá trình giám định; để giải quyết vấn đề về độ tin cậy của các tình tiết trong các tài liệu viết, cần phải xem xét việc có hay không sự sao chép phù hợp với bản gốc, phải xem xét có hay không những mâu thuẫn giữa các tình tiết trong chính tài liệu đó và sự phù hợp của chúng với các chứng cứ khác đã xác định được về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2.2.3. Nâng cao nhận thức về lý luận và năng lực sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trước hết, qua những chứng cứ đã thu thập được, các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng những chứng cứ này để phát hiện, thu thập chứng cứ mới và sử dụng ngay chứng cứ mới để kiểm tra việc sử dụng những chứng cứ đã có. Chẳng hạn, sử dụng lời khai của người bị hại, người làm chứng để tiến hành thu thập chứng cứ thông qua biện pháp khám xét, sử dụng kết quả giám định để đấu tranh với đối tượng, thu thập chứng cứ thông qua bản cung của đối tượng và ngược lại.
Thứ hai, dựa trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ đã có, Điều tra viên xây dựng các giả thuyết điều tra. Khi vụ án LĐCĐTS xảy ra, đặc biệt là các vụ án mà thông tin, tài liệu đối tượng để lại mờ nhạt, không đủ giá trị để chứng minh các tình tiết có liên quan của vụ án, thì việc sử dụng chứng cứ đã thu thập được là cơ sở khoa học để xây dựng giả thuyết điều tra nhằm điều tra vụ án, thu thập thêm những chứng cứ mới. Quá trình này xảy ra, tiếp diễn và chỉ kết thúc khi hoạt động điều tra đã có đủ chứng cứ chứng minh được toàn bộ sự thật của vụ án. Trong suốt quá trình điều tra luôn diễn ra những hoạt động kiểm tra, đánh giá tài liệu, chứng cứ mới thu thập được thông qua những cái đã có hoặc ngược lại.
Thứ ba, sử dụng chứng cứ để ra các quyết định tố tụng là những hoạt động thường xuyên trong quá trình điều tra vụ án LĐCĐTS. Việc sử dụng những chứng cứ đã thu thập được để ra các quyết định tố tụng nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả quá trình chứng minh vụ án, áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời nhằm phục vụ cho việc khắc phục hậu quả, truy tố và xét xử đối tượng. Trong giai đoạn kết thúc điều tra vụ án, Điều tra viên tổng hợp các chứng cứ đã thu thập, sử dụng trong việc chứng minh các tình tiết có của vụ án và đưa ra bản kết luận điều tra. Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lý do và căn cứ.
2.3. Củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo các chủ thể tiến hành tố tụng đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Để hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm này có hiệu quả, nhất thiết nó phải được tiến hành thống nhất, liên tục qua các khâu và do một nhóm điều tra viên, cán bộ điều tra tiến hành từ những hoạt động đầu tiên kể từ khi có thông tin về tội phạm đến khi kết thúc quá trình điều tra. Muốn vậy, nhiệm vụ đặt ra trong những năm tiếp theo đối với lực lượng CSĐT tội phạm Công an TP. HCM, đối với kiểm sát viên, thẩm phán hay hội thẩm là tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức về tố tụng hình sự cho lực lượng này để nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra.
Bồi dưỡng kiến thức về tố tụng hình sự là việc làm quan trọng, song như đã phân tích ở trên, tội phạm kinh tế nói chung và tội phạm LĐCĐTS nói riêng là những loại tội phạm mà quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là quá trình thu thập và đánh giá chứng cứ, vì đa số các loại tội phạm kinh tế đều thực hiện hành vi phạm tội thông qua các “nghiệp vụ kinh tế”. Vì vậy, nhất thiết phải từng bước nâng cao kiến thức về các lĩnh vực kinh tế, các ngành kinh tế cho cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tài chính, ngân hàng, thương mại dịch vụ và công nghệ thông tin.
2.4.Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế trong hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án LĐCĐTS
Tăng cường hợp tác trong việc xây dựng và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra tội phạm và và dẫn độ tội phạm. Sự tương đồng về hệ thống các quy định pháp luật có liên quan là cơ sở quan trọng trong việc quốc tế hoá công tác đấu tranh chống tội phạm. Là hành lang thông thoáng cho hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án, đặc biệt là những vụ án có liên quan đến người nước ngoài bỏ trốn.
Tăng cường hợp tác trong việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn điều tra tội phạm hình sự nói chung và tội phạm LĐCĐTS nói riêng. Cung cấp và hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ hoạt động thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong điều tra vụ án. Trong những trường hợp cần thiết có thể cử các chuyên gia giỏi của các nước tham gia vào quá trình điều tra vụ án LĐCĐTS.
TANDCC tại TP HCM đưa ra xét xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ vụ án vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TM CP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô – Ảnh: Quốc Trung – ĐĐK
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận