Sự tận tụy, không chậm trễ, năng lực và sự chuyên cần trong chuẩn mực đạo đức Thẩm phán
Trong bài viết này, chúng tôi xin được bình luận các chuẩn mực về năng lực, chuyên cần và sự tận tụy, không chậm trễ của Thẩm phán được quy định trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam do Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành năm 2018.
Nghề Thẩm phán là một nghề đặc biệt, sự đặc biệt đó thể hiện ở vai trò của việc xét xử trong đời sống xã hội. Do đó, Thẩm phán được xã hội và pháp luật không chỉ yêu cầu cao về “tay nghề”, mà còn phải chuẩn mực trong hoạt động tư pháp, trong quan hệ xã hội. Vì vậy, người Thẩm phán không chỉ nên coi là “thợ xử chuyên nghiệp”, mà còn là người được xã hội nể trọng, có phẩm giá cao qúy. Bởi “sản phẩm” của hoạt động xét xử là “nhân danh nhà nước” để tuyên án mà ở đó sự công bằng là tiêu chí đánh giá cao nhất chất lượng của xét xử.
Để người Thẩm phán là hiện thân của sự công bằng, làm xét xử là làm công lý thì tiêu chuẩn người Thẩm phán phải hội tụ cả “đức và tài”. Trong đó, đạo đức Thẩm phán được hiểu là những phẩm chất tốt đẹp để làm nên một Thẩm phán chuẩn mực. Tuy nhiên, những phẩm chất đạo đức này không phải là đức tính bẩm sinh vốn có và cũng không đơn thuần là những môn học cụ thể mà ta có thể đạt được từ trường luật. Vậy, những phẩm chất gì là cần thiết mà một Thẩm phán chuẩn mực cần phải có? Và làm thế nào để Thẩm phán có thể tích lũy, phát triển và vận dụng những phẩm chất đó vào công tác tư pháp của mình? Câu hỏi này đã được nhiều triết gia, học giả pháp lý và hệ thống tòa án các nước đề cập từ rất lâu cũng như đã dần hình thành nên những bộ quy tắc đạo đức cho Thẩm phán.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được bình luận các chuẩn mực về năng lực, chuyên cần và sự tận tụy, không chậm trễ của Thẩm phán được quy định trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam do Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành năm 2018.
1. Sự tận tụy và không chậm trễ
Điều 8 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán quy định về sự tận tụy và không chậm trễ như sau:
“1. Thẩm phán phải tận tụy với công việc và cống hiến hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao.
2. Khi giải quyết các vụ việc, Thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan.”
Sự tận tụy thường được hiểu là hết lòng, hết sức với công việc, không ngại gian khổ, khó khăn[1].
Một tấm gương sáng ngời cho sự tận tụy với việc công là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong di chúc, Người viết: Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay, dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Từ tấm gương của Bác, ta có thể thấy, tận tụy là sự siêng năng, toàn tâm toàn ý vì công việc, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, nhưng không phải mưu cầu cho lợi ích cá nhân,mà cho Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân. Vì vậy, sự tận tụy, trước hết phải gắn với mục đích của lợi ích hướng tới ai. Ví dụ: chăm chỉ làm việc, làm ngày làm đêm để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao nhằm đạt các danh hiệu thi đua, được tăng lương hay khen thưởng khác thì chưa gọi là sự tận tụy. Mặc dù biểu hiện hành vi có giống nhau, kết quả đạt được có thể cũng giống nhau, nhưng mục đích hướng tới lại là lợi ích của cá nhân. Lợi ích này không sai, thậm chí, nên khuyến khích, vì nó cũng là động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, đó chỉ mới dừng ở sự mẫn cán, chăm chỉ. Sự tận tụy nên được hiểu là sự đau đáu vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích nhân dân, lợi ích đoàn thể, cộng đồng.
Đối với người Thẩm phán, thì sự tận tụy được hiểu là hết lòng, hết sức với công tác tư pháp, nhằm bảo vệ công lý, đem lại công bằng và gây dựng niềm tin của người dân đối với Thẩm phán, đối với tòa án, đối với nhà nước. Người Thẩm phán phải dốc hết tâm sức, đặt lợi ích công trên lợi ích riêng, để bảo vệ công lý, đem lại công bằng. và bản vệ lẽ phải. Người Thẩm phán sẽ không làm ảnh hưởng hay gây tổn hại đến uy tín của mình, uy tín của tòa án, của nhà nước.
Trong vai trò người Thẩm phán, có nghĩa là nhân danh pháp luật để phụng sự nhân dân, bảo vệ công lý, lẽ phải. Người Thẩm phán tận tụy sẽ không chạy theo lối sống hưởng thụ, không khoe khoang, mà khiêm nhường, chăm chỉ. Làm gì cũng nghĩ tới công bằng, lợi ích chính đáng của dân. Do vậy, Thẩm phán cần phải xây dựng đức tính tận tụy.
Làm Thẩm phán mà không tận tụy với nghề, làm việc cầm chừng, thì cũng có thể bỏ qua các tình tiết quan trọng mà dẫn đến oan sai.
Trái ngược với sự tận tụy là chủ nghĩa cá nhân. Làm việc chỉ vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà tổn hại đến lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân, của tổ chức.
Một nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) vừa qua là bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên; phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
Đây là một vấn đề mà Trung ương đã đánh giá và nhìn nhận từ thực tiễn. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đức tính tận tụy của cán bộ, đảng viên cần được các cấp, các ngành nêu cao nhằm chống lại chủ nghĩa cá nhân. Nói cách khác là, có làm việc, nhưng là làm vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích chung, thậm chí, xâm phạm tới lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân, đoàn thể. Càng nêu cao đức tính tận tụy, thì càng đẩy lùi được căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, loại bỏ được các thói hư tật xấu như hèn nhát, kèn cựa, tham ô, hủ hóa; “miễn mình béo, mặc thiên hạ gầy”.
Người Thẩm phán tận tụy sẽ luôn phát triển một nhân cách mạnh mẽ, lôi cuốn, tự tin, sự đam mê, lòng yêu nghề thể hiện thuyết phục tính đúng đắn và công bằng trong các phán quyết của mình. Người Thẩm phán tận tụy còn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp để cùng xây dựng một tập thể tận tụy bảo vệ công lý, phụng sự nhân dân.
Sự tận tụy trong hoạt động tư pháp của Thẩm phán không nên coi như khẩu hiệu hay tiêu cực đến mức hy sinh tất cả việc riêng, gia đình hay sở thích cá nhân. Ngược lại, Thẩm phán phải dành thời gian thích hợp để nghỉ ngơi và giải trí để cơ thể tái tạo sức lao động cũng như thời gian để học tập, trau dồi kiến thức nhằm nâng cao hơn chất lượng công việc.
Thẩm phán tận tụy sẽ luôn có trách nhiệm với công việc, không để quá hạn luật định đối với vụ việc mà mình đang giải quyết. Trong quá trình tố tụng tại tòa án (liên quan chặt chẽ đến yêu cầu thời gian hợp lý), Thẩm phán cần có kế hoạch đầy đủ, quản lý hồ sơ hiệu quả và khả năng đáp ứng thời hạn của vụ án. Kỹ năng quản lý thời gian cũng bao gồm khả năng thiết lập mức độ ưu tiên giữa các nhiệm vụ khác nhau.
2. Năng lực và sự chuyên cần
Điều 9 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán quy định về năng lực và sự chuyên cần như sau:
Thẩm phán phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng chuyên nghiệp của người Thẩm phán.
Thẩm phán phải luôn tự cập nhật thông tin để nắm bắt đầy đủ, kịp thời, sâu sắc về sự phát triển của pháp luật, các vấn đề quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho việc áp dụng pháp luật đúng đắn nhất, phù hợp với lẽ phải.
Thẩm phán phải chuyên tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao; tích cực làm việc với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”.
2.1. Năng lực
Có thể nói, năng lực là một khái niệm rộng và mở; mang tính định tính. Theo từ điển Tiếng Việt, thì năng lực được hiểu là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Hoặc là phẩm chất tâm sinh lý và trình độ chuyên môn tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao. Ví dụ: Năng lực lãnh đạo, năng lực tài chính, năng lực chuyên môn.[2]
Trong lĩnh vực tư pháp, tiêu chuẩn về năng lực của Thẩm phán (quan tòa) đã được đề cập từ lâu. Socrates (Xô-crát) là một triết gia Hy Lạp cổ đại đã nói rằng, Thẩm phán nghe một cách lịch sự, trả lời một cách khôn ngoan, xem xét một cách nghiêm túc và quyết định một cách công bằng[3]. Đánh giá này đã khái quát đầy đủ về năng lực của một Thẩm phán.
Qua quá trình hình thành và phát triển trong lĩnh vực tư pháp, các nước phương tây và phương đông đều dần thừa nhận hoặc ban hành các chuẩn mực năng lực đối với người Thẩm phán (quan tòa). Tuy nhiên, tựu chung lại, xã hội đặt ra những yêu cầu và cả kỳ vọng về sự “giỏi giang”, “tinh thông” của người Thẩm phán.
Như vậy, năng lực của Thẩm phán là khả năng mà Thẩm phán cần phải có để thực hiện hiệu quả công tác tư pháp, trong đó, bao gồm năng lực hiểu biết (kiến thức) và năng lực thực hành (kỹ năng).
Những yêu cầu đối với Thẩm phán về mặt kiến thức là rất cao. Bao gồm kiến thức chuyên ngành pháp lý và kiến thức xã hội. Trong đó, kiến thức pháp lý toàn diện và chuyên sâu là điều cần thiết và quan trọng để hình thành một Thẩm phán mẫu mực. Lý do nó được nêu ra đầu tiên bởi vì kiến thức chuyên môn đã được xem như là yếu tố căn bản nhất. Bằng kiến thức đó, Thẩm phán có thể giải thích các sự kiện pháp lý, những mâu thuẫn, tranh chấp và các yếu tố khách quan, chủ quan để áp dụng pháp luật một cách chính xác.
Tuy nhiên, kiến thức của Thẩm phán không nên chỉ giới hạn trong khung pháp luật, mà cần được mở rộng ra các lĩnh vực liên quan đến công tác tư pháp. Đó có thể là kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, xây dựng…, kiến thức chính trị xã hội, quan hệ quốc tế, kiến thức khoa học đời sống, kỹ thuật số… Nói như vậy không có nghĩa là Thẩm phán phải biết hết tất cả những lĩnh vực trên mà chủ yếu là tập trung trang bị những kiến thức chuyên sâu liên quan đến phạm vi lĩnh vực mình được phân công giải quyết.
Ví dụ: một Thẩm phán Tòa Gia đình và Người chưa thành niên khi xét xử một vụ án hình sự, thì ngoài kiến thức về luật hình sự, luật tố tụng hình sự, các quy phạm pháp luật liên quan, Thẩm phán còn phải có hiểu biết về sự phát triển và nhận thức các giai đoạn phát triển từng độ tuổi của trẻ, hay còn gọi là kiến thức về “tư pháp thân thiện với trẻ em”. Bởi vì, ở mỗi độ tuổi, trẻ có khả năng nhận thức hiện tượng khác nhau, khả năng nhớ, khả năng hiểu câu hỏi khác nhau. Do đó, khi giao tiếp với trẻ em, trong khuôn khổ xét xử, các Thẩm phán phải có khả năng hiểu và khả năng tương tác (giao tiếp) phù hợp với trẻ em để hoạt động tư pháp đạt hiệu quả hơn.
Như vậy, khi thực hiện nhiệm vụ tư pháp, Thẩm phán cần có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình giải quyết. Hơn nữa, Thẩm phán không những phải biết rõ về lĩnh vực mà mình giải quyết mà còn phải có khả năng đánh giá được về vấn đề đó. Nói cách khác, không chỉ biết nó là cái gì, mà còn biết đánh giá về nó như thế nào. Điều này giúp Thẩm phán giải thích rõ lý do tại sao lại đưa ra phán quyết đúng đắn.
Bên cạnh đó, Thẩm phán còn phải trang bị và trau dồi kỹ năng. Trong đó, kỹ năng xét xử là kỹ năng cốt lõi của Thẩm phán, bao gồm kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, kỹ năng điều hành phiên tòa. Những kỹ năng này tuy đã được trang bị cơ bản từ khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử, nhưng các Thẩm phán cần tiếp tục tích lũy và mài dũa nhiều hơn.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, Thẩm phán không chỉ là một “thợ xử chuyên nghiệp” và giới hạn phạm vi của mình trong phòng xét xử, mà Thẩm phán còn phải đóng vai trò như một người am hiểu chính trị và là một người lãnh đạo. Do vậy, Thẩm phán cần mài dũa kỹ năng diễn đạt (nói và viết), kỹ năng ứng xử (giao tiếp với đồng nghiệp, liên ngành, báo chí, công dân), kỹ năng quản lý (nguồn nhân lực và thời gian)…
Trong những kỹ năng trên, kỹ năng diễn đạt (bằng lời nói và viết) là rất quan trọng, bởi nó gắn với hầu hết các hoạt động nghiệp vụ của Thẩm phán. Giao tiếp tinh tế là quan trọng với cả đương sự và đồng nghiệp trong quá trình làm việc và cuộc sống. Thẩm phán cần rèn luyện để đạt được sự diễn đạt đơn giản và logic. Thẩm phán phải diễn đạt một cách rõ ràng, chính xác và đúng ngữ pháp, dù bằng lời nói hay bằng văn bản. Kỹ năng giao tiếp tốt cũng bao gồm khả năng nghe, hiểu; điều này giúp chia sẻ các phương pháp hay nhất và thông tin tư pháp hữu ích từ đồng nghiệp.
Vậy, làm thế nào để Thẩm phán có thể phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của mình?
Như đã đề cập ở trên, các đức tính của Thẩm phán vốn không phải là bẩm sinh, mà là sự tích lũy, học hỏi và mài dũa một cách thường xuyên, liên tục. Để là một Thẩm phán giỏi và tốt, nhất thiết chúng ta phải không ngừng học tập để nâng cao kiến thức.
Đạo đức Thẩm phán trong việc phát triển năng lực được hiểu là đức tính ham học hỏi, không ngừng phát triển các kỹ năng và kiến thức, cũng như mài dũa kinh nghiệm thường xuyên. Việc bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành hay kiến thức khoa học đời sống, khoa học xã hội… nên được các Thẩm phán tự tích lũy và phát triển bằng con đường tự học và tự hình thành đức tính “tự học suốt đời” nhằm mở rộng kiến thức, không chỉ bó hẹp trong bằng cấp hay học vị đã có được. Thẩm phán nên tự coi mình là người học và nên tự đặt ra cho mình một yêu cầu khắt khe về việc tự học để không ngừng nâng cao kiến thức; và có thể đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để theo đuổi. Thậm chí là mục tiêu để thăng tiến hay xây dựng hình ảnh cá nhân xứng đáng với tư cách người Thẩm phán và trước tiên là để nâng cao chất lượng giải quyết công việc.
Một điều cần phải nhớ là: Chúng ta không thể biết tất cả. Đôi khi trong phòng xét xử, Thẩm phán thường ngộ nhận mình biết tất cả, bởi mình đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, hoặc đã có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc tương tự. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ý kiến, chứng cứ, thông tin được các chuyên gia, luật sư và đương sự trình bày tại phiên tòa lại có thể hoàn toàn trái ngược với những nhận định trước đó của Thẩm phán. Do vậy, chúng ta không nên tự giới hạn kiến thức mà cần tăng cường trao đổi học thuật, nghiên cứu chuyên sâu và biết lắng nghe.
Thẩm phán cần tăng cường trao đổi học thuật từ các nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, trao đổi, tranh luận về pháp luật, án lệ để đảm bảo một phán quyết công bằng, đúng pháp luật.
Rõ ràng, Thẩm phán không chỉ giới hạn hiểu về kiến thức luật. Không chỉ nên dừng ở điều kiện có bằng cử nhân luật, chứng chỉ nghiệp vụ xét xử và kinh nghiệm công tác tư pháp, mà còn phải hiểu về kiến thức chung liên quan đến lĩnh vực mình đang giải quyết và cả kỹ năng nhằm phục vụ cho hoạt động tư pháp.
Trong hệ thống tư pháp của Việt Nam, nguồn bổ nhiệm Thẩm phán chủ yếu là những người được đào tạo bài bản về luật và công tác trong hệ thống Tòa án. Điều này, ít nhiều sẽ hạn chế đến nguồn Thẩm phán có kiến thức chuyên sâu như tài chính, quốc tế, kỹ thuật, công nghệ…
Ở một số nước, nguồn bổ nhiệm Thẩm phán rất phong phú, họ thường có nền tảng học thuật khác nhau (không nhất thiết phải có bằng luật hay công tác trong tòa án) Trước khi được bổ nhiệm Thẩm phán, họ sẽ được đào tạo về công tác tư pháp bao gồm cả kiến thức luật và kỹ năng thực hành tư pháp. Do đó, họ thường là những Thẩm phán chuyên biệt, có kiến thức rất sâu về lĩnh vực mà họ xét xử, ví dụ: Thẩm phán về sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, Thẩm phán về các tranh chấp quốc tế. Bên cạnh đó, hàng năm, Thẩm phán còn được bồi dưỡng về các kiến thức khoa học xã hội, nghệ thuật, ví dụ: ở Hàn Quốc, các Thẩm phán được bồi dưỡng kiến thức về âm nhạc và hội họa…
Vì vậy, việc trang bị kiến thức và kỹ năng đòi hỏi Thẩm phán phải chủ động, nỗ lực không ngừng tự bồi dưỡng và tìm kiếm các cơ hội học tập về kiến thức chuyên sâu.
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) vừa qua khi bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ đã chỉ rõ: thường xuyên coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ các cấp. Bất kỳ nền công vụ nào cũng đều chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ để thực hiện hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ cần xác định rõ mục tiêu là trang bị kiến thức quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, kỹ năng, thái độ công tác khi tiếp xúc với nhân dân.
Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2013, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao năng lực cho Thẩm phán được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo và được Học viện Tòa án thực hiện tốt. Học viện Tòa án đã cung cấp đa dạng các khóa đào tạo, đào tạo lại (bồi dưỡng định kỳ), đào tạo Thẩm phán chuyên biệt, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử theo yêu cầu của địa phương, bồi dưỡng kiến thức quản lý lãnh đạo. Tuy nhiên, các mảng kiến thức về khoa học xã hội, các lĩnh vực chuyên sâu,… chưa được chú trọng. Do đó, trong thời gian tới, Học viện Tòa án cần tập trung triển khai tổ chức đa dạng các khóa bồi dưỡng ngắn hạn đối với các mảng kiến thức chuyên sâu nhằm trang bị kiến thức để đào tạo Thẩm phán chuyên biệt.
Một vấn đề cốt lõi để phát triển năng lực của Thẩm phán vẫn là tự học hỏi và trau dồi kiến thức. Thực tế kiến thức tiếp nhận được trong đào tạo, bồi dưỡng ở nhà trường chỉ là những vấn đề cơ bản ban đầu, đòi hỏi mỗi cán bộ phải không ngừng tự học tập, rèn luyện. Đây là con đường không có điểm cuối, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì của mỗi cán bộ.[5]
2.2. Sự chuyên cần
Một phẩm chất quan trọng khác tạo nên đạo đức Thẩm phán là sự chuyên cần.
Không chỉ đối với Thẩm phán, mà đối với bất cứ nghề nghiệp nào, đức tính chăm chỉ, siêng năng là nền tảng cốt lõi để làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Thiếu sự chuyên cần, thì sẽ dẫn đến sự chậm trễ, chất lượng thấp. Thậm chí, việc ỷ vào kinh nghiệm, thông minh mà không mẫn cán trong công việc, học tập thì cũng sẽ dẫn đến những đánh giá chủ quan, phiến diện và hao mòn kiến thức. Thậm chí sẽ dẫn đến thiếu gương mẫu, buông thả, vô kỷ luật.
Vì vậy, mỗi Thẩm phán phải nêu cao đức tính cần cù, siêng năng. Phải tập thói quen làm việc khoa học, đúng giờ. Bác Hồ dạy chúng ta: làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm… phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là gạt dân. Lười biếng tức là kẻ địch của chữ cần.[6]
Trên thực tế, hầu hết các Thẩm phán đang bị áp lực bởi số lượng án, chỉ tiêu thi đua, số lượng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa tăng, nhưng chỉ tiêu biên chế lại hạn chế. Nhiều Thẩm phán làm 8 giờ hành chính không hết việc, phải làm thêm ngày nghỉ, thậm chí làm “thâu đêm suốt sáng”. Khi gặp những vụ án phức tạp, Thẩm phán không những phải tập trung trí tuệ để phân tích, đánh giá nội dung vụ án mà còn phải cố gắng hết sức mình để đảm bảo giải quyết vụ việc đúng hạn với thời hạn, thời hiệu.
Bên cạnh đó, vẫn có những Thẩm phán chưa dành thời gian hợp lý cho công việc, có những Thẩm phán không hoàn thành chỉ tiêu xét xử mà lỗi là do thiếu trách nhiệm, lười biếng; thậm chí, có Thẩm phán vi phạm kỷ luật lao động. Điều này không chỉ ảnh hướng tới hiệu quả công việc của Thẩm phán, mà còn ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức. Ảnh hưởng tới uy tín của Thẩm phán và Tòa án.
Đối với Thẩm phán, sự chuyên cần không chỉ giới hạn ở sự tìm tòi, làm việc chăm chỉ mà theo nghĩa rộng phải liên hệ với nhiệm vụ tư pháp đó là sự quan tâm, tập trung và kịp thời. Việc chểnh mảng trong công việc, thiếu quan tâm theo dõi tiến độ xử lý án sẽ dẫn đến công việc đình trệ, nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến thời hiệu, thời hạn giải quyết án, thậm chí vi phạm pháp luật.
Chính phủ quy định nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành là nhiệm vụ bắt buộc hàng năm đối với công chức được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 8/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định trên. Đây vừa là trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Tòa án, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi Thẩm phán. Khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước, các Thẩm phán phải bố trí thời gian hợp lý, học tập chăm chỉ để phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy.
Đức tính chuyên cần, thiết nghĩ, đó không phải đức tính bẩm sinh, mà đòi hỏi Thẩm phán phải rèn luyện qua thời gian. Thẩm phán cần tập thói quen và kỷ luật làm việc nghiêm túc, khoa học. Cân đối hợp lý thời gian làm việc, học tập, nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, sự chuyên cần không chỉ giúp Thẩm phán mở rộng kiến thức và còn hình thành đức tính liêm khiết, vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: có “Cần” mới có “Kiệm”, có “Kiệm” mới có “Liêm”, có “Liêm” mới có “Chính”, có “cần-kiệm-liêm-chính” thì mới có “chí công-vô tư”. Như vậy, sự chuyên cần là cái gốc của sự liêm chính, vô tư.
Tóm lại, năng lực và sự chuyên cần là phẩm chất không thể tách rời đạo đức Thẩm phán. Muốn trở thành một Thẩm phán giỏi, thì phải tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết sâu rộng, chăm chỉ, kiên trì “ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ tức là thoái bộ, là lạc hậu”[7]. Có như vậy Thẩm phán mới hoàn thành nhiệm vụ được pháp luật quy định, đáp ứng được sự tín nhiệm giao phó của nhân dân và thực hiện đúng lời căn dặn của Bác: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư.”
Để kết lại bài viết về phẩm chất, năng lực và sự tận tụy của người Thẩm phán, xin trích dẫn ý kiến của Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đăng trên Tạp chí Cộng sản với tư tưởng xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, Thẩm phán theo hướng toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất, năng lực thực tiễn trên nguyên tắc coi trọng cả “đức”, “tài”, đức là gốc, yêu cầu đặt ra là chất lượng cán bộ, Thẩm phán phải trên cơ sở thống nhất tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, vững vàng về bản lĩnh chính trị và giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và của Nhà nước[8].
[1] Từ điển Tiếng Việt, Trung Tâm Từ Điển Học, NXB Đà Nẵng, 2015.
[2] Từ điển Tiếng Việt, Trung Tâm Từ Điển Học, NXB Đà Nẵng, 2015.
[3] Câu nói này không rõ chính xác nguồn, nhưng trích dẫn phổ biến trong lĩnh vực tư pháp. Nguyên văn Tiếng Anh: “listen courteously, answer wisely, consider soberly and decide impartially”.
[4] Tạp chí Quốc phòng toàn dân: Xây dựng đội ngũ cán bộ tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân
[5] Tạp chí Quốc phòng toàn dân: Xây dựng đội ngũ cán bộ tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân
[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000,tập 5, tr 104.
[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000,tập 9, tr 284.
[8] PGS, TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý.Tạp Chí Cộng sản đăng ngày 4/12/2017.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận