Chờ đợi bản án phúc thẩm thấu tình đạt lý, khép lại hành trình tố tụng kéo dài 7 năm

Nguyên đơn là Tu viện Thánh gia có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chế độ cũ cấp nhưng bị đơn, bà Lý Lệ Hà khẳng định đất bà đang ở hiện tại đã được khai hoang từ năm 1985. Vụ án được giải quyết bằng các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và chuẩn bị xét xử phúc thẩm lần 2...

Mỗi bên mỗi lý lẽ

Năm 2016, Tu viện Thánh gia (gọi tắt Tu viện) khởi kiện bà Lý Lệ Hà ra TAND Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ để đòi phần đất mà Tu viện cho rằng bà Hà đã lấn chiếm của Tu viện.

Theo nội dung khởi kiện của Tu viện Thánh Gia:  Tu viện cho rằng đã quản lý và sử dụng phần đất tọa lạc tại P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều với diện tích trên 2,5ha được chính quyền chế độ cũ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 1987, chồng bà Hà là ông Nguyễn Minh Đức (chết năm 2000) được Linh mục Nguyễn Văn Ba là người quản lý Tu viện cho cất nhà để ở nhờ trên đất của Tu viện.

Năm 2005, Nhà nước thực hiện dự án Nam Sông Hậu nên thu hồi một phần diện tích đất mà Tu viện quản lý và sử dụng. Theo quyết định thu hồi đất thì Tu viện nhận tiền đền bù đối với diện tích đất bị thu hồi, trong đó có phần đất mà ông Đức cất nhà. Vật kiến trúc bà Hà được nhận tiền đền bù.

Đến năm 2007, bà Hà vẫn tiếp tục lấn chiếm đất và cất nhà trên diện tích đất của Tu viện, cũng như xây dựng các công trình kiến trúc phụ. UBND P.Hưng Lợi, UBND Q.Ninh Kiều đã có những quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hà.

 

Khu vực đất trước khi Nhà nước thực hiện dự án Nam Sông Hậu

Bị đơn Lý Lệ Hà cho biết việc vợ chồng bà được Linh mục cho khai phá và bồi đắp một phần diện tích đất khoảng 300m2 là đúng. Thời điểm khai phá nơi đây là đất trũng, hoang hóa, cỏ lau, sậy mọc um tùm. Sau đó bà Hà cất nhà tạm để ở. Đến năm 1987, do nhà bị xuống cấp nên bà Hà có làm đơn xin cất lại và được cơ quan nơi vợ chồng bà Hà công tác cũng như cán bộ khu vực chứng nhận.

Trong suốt thời gian bà Hà quản lý, sử dụng diện tích đất đều được Trưởng khu vực qua các thời kỳ và Chủ tịch UBND P.Hưng Lợi xác nhận là đất của vợ chồng bà.

Đến năm 2005, nhà nước có dự án Nam Sông Hậu phần đất bà Hà sử dụng bị ảnh hưởng 337,6m2. Gia đình bà đã nhận tất cả các khoản tiền được nhà nước bồi thường, hỗ trợ. Đất bà sử dụng ổn định trên 32 năm nay, không có tranh chấp gì với diện tích đất mà bà Hà canh tác.

Bà Hà cho rằng, căn cứ theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 phải công nhận phần đất là của gia đình bà và đề nghị Tòa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Trong tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Nguyễn Thành Đua cho biết năm 2006, gia đình ông gặp khó khăn về chổ ở, chị ông là bà Lý Lệ Hà kêu ông về xây dựng nhà ở cạnh nhà bà. Chị ông đã khai hoang đất này vào năm 1986 và cất nhà ổn định trên 30 năm, thời điểm đó cũng được Linh mục đồng ý cho khai hoang.

VKSND Q.Ninh Kiều cho rằng phần đất mà bà Hà đang sử dụng nằm ngoài phần đất Linh mục của Tu viện đã cho. Mặc khác, phần đất này nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tu viện do chế độ cũ cấp. Bà Hà cũng không ở tại nơi tranh chấp mà ở Sóc Trăng. Từ các chứng cứ, hồ sơ có trong vụ án, đại diện VKS đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc nguyên đơn hoàn lại công sức tôn tạo đất cho bị đơn.

Sau khi xem xét, tòa chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên trả đất cho Tu viện và Tu viện hoàn trả công tôn tạo đất cho bà Hà với số tiền là hơn 700 triệu đồng. Không chấp nhận bản án, bà Hà và cả Tu viện làm đơn kháng cáo.

Bản án Phúc thẩm số 94/2019/DS-PT ngày 12/6/2019 của TAND TP.Cần Thơ tuyên bác kháng cáo của bà Lý Lệ Hà, chấp nhận một phần kháng của của Tu viện là thay đổi số tiền trả công sức tôn tạo đất cho bà Hà từ hơn 700 triệu đồng xuống còn 400 triệu đồng.

 

Theo quan sát của PV, từ hàng rào của Tu viện đến phần đất mà bà Lý Lệ Hà hiện đang sử dụng cách nhau gần 50 mét. Và ở giữa hai điểm mốc này có gần nhiều ngôi nhà (có cả khách sạn) được xây dựng kiên cố. Bà Hà cho biết những ngôi nhà này ngày trước cũng được cho ở giống như phần đất bà đang sử dụng.

VKSNDCC kháng nghị, Tòa hủy án

Tháng 11/2020, VKSNDCC tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án số 94/2019/DS-PT ngày 12/6/2019 của TAND TP.Cần Thơ.

VKSNDCC xét thấy rằng phần đất tranh chấp nói trên có nguồn gốc là đất của Tu viện. Tuy nhiên, cho đến nay phần đất này vẫn chưa được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho ai. Theo Tu viện thì phần đất này nằm trong tổng diện tích 2,5 ha được chính quyền chế độ cũ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1968. Và theo quy định của pháp luật về đất đai thì nhà nước sẽ xét cấp GCNQSDĐ cho các chủ thể đang sử dụng đất ổn định mà có những giấy tờ về quyền sử dụng được cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp.

Tuy nhiên, theo sự thỏa thuận thì từ trước năm 1985, Tu viện đã không quản lý, sử dụng đối với phần đất mà vợ chồng bà Lý Lệ Hà khai phá, xây dựng, sinh sống ổn định từ đó đến nay.

Do đất tranh chấp từ năm 2007 và kéo dài nên phần đất này vẫn chưa được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, mặc dù về nguồn gốc đất là của Tu viện Thánh gia nhưng Tu viện đã không khai thác, sử dụng trong một thời gian dài, không tiến hành đăng ký, kê khai, xin cấp quyền sử dụng đất qua các thời kỳ.

Trong khi đó, phía bị đơn (gia đình bà Hà) đã sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1985 đến nay (hơn 30 năm), có nhiều công sức trong việc cải tạo đất, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu cuộc sống của cả gia đình. Phần đất nói trên lại nằm ngoài khuôn viên của Tu viện.

Do đó, trong trường hợp này, để ổn định cuộc sống của các bên, cần phải công nhận quyền sử dụng đất cho bị đơn, đồng thời, buộc bị đơn hoàn trả lại giá trị quyền sử dụng đất cho Tu viện theo giá trị tại thời điểm xét xử là phù hợp.

Từ những căn cứ nhận định trên, VKSNDCC tại TP.HCM quyết định kháng nghị đối với bản án của TAND TP.Cần Thơ theo thủ tục giám đốc thẩm.

 

Quyết định Kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm của Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM

Trong quyết định Giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định rằng: Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa làm rõ diện tích đất mà vợ chồng bà Hà sử dụng trước khi Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Thu hồi một phần hay toàn bộ diện tích đất bà Hà sử dụng? Ngoài tài sản gia đình bà Hà bị giải tỏa thì vào thời điểm thu hồi còn tài sản khác của bà Hà trên đất hay không? Từ đó mới biết được bà Hà có lấn thêm đất của Tu viện hay không và lấn thêm diện tích bao nhiêu?

Khi Tu viện nhận tiền đền bù giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi có tính toán đến quyền lợi của gia đình bà Hà đã đầu tư san lấp, tôn tạo trên diện tích đất mà bà Hà sử dụng bị thu hồi hay không?

Cho đến nay, toàn bộ diện tích đất Tu viện trong đó có diện tích đất tranh chấp chưa được đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, cần có ý kiến bằng văn bản của UBND Q.Ninh Kiều nêu rõ quan điểm về quá trình sử dụng đất của hai bên đương sự, về quy hoạch cũng như điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất tranh chấp để làm cơ sở giải quyết vụ án đúng pháp luật về đất đai.

Trong khi chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để làm rõ những vấn đề nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm tính công sức đóng góp của bị đơn là 30% trên giá trị đất, buộc nguyên đơn giao trả cho bà Hà hơn 700 triệu đồng (có 100 triệu hỗ trợ di dời), Tòa cấp phúc thẩm công nhận Tu viện trả cho bị đơn 400 triệu đồng là chưa có cơ sở vững chắc, nên cần xem xét lại.

Về nguyên tắc, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Tu viện, đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ, bà Hà ở nhờ hoặc lấn chiếm thì phải trả lại đất cho Tu viện. Tu viện phải hoàn trả giá trị đầu tư san lấp, tôn tạo làm tăng giá trị đất cho bà Hà. Trường hợp diện tích đất tranh chấp nằm trong phần đất bà Hà ở nhờ từ năm 1985 đến nay và bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thật sự khó khăn về chỗ ở thì có thể xem xét buộc bà Hà hoặc những người này trả giá trị quyền sử dụng đất cho Tu viện theo giá thị trường trừ chi phí đầu tư tăng giá trị đất để được tiếp tục sử dụng đất trên làm điều kiện sinh sống.

 

Nhận định và Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM

Vì các lẽ trên, TANDCC tại TP.HCM quyết đinh chấp nhận một phần kháng nghị của Viện KSNDCC tại TP.HCM, tuyên hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP.Cần Thơ và bản án dân sự sơ thẩm của TAND Q.Ninh Kiều; giao hồ sơ vụ án cho TAND Q.Ninh Kiều xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Đến hiện tại, TAND Q.Ninh Kiều đã tiến hành xét xử và tuyên bà Lý Lệ Hà trả lại đất cho Tu viện Thánh gia. Tu viện có trách nhiệm trả tiền tôn tạo đất cho bà Hà là hơn 400 triệu đồng. Bà Hà tiếp tục kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm này. Bà Lý Lệ Hà cho biết hiện tại bà đang làm việc ở Sóc Trăng và bà ở tạm trong nhà thờ họ tộc của gia đình.

Các bên liên quan và dư luận quan tâm đến vụ án này đang chờ đợi bản án phúc thẩm thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, khép lại một hành trình tố tụng kéo dài 7 năm qua.

 

 

TRẦN TÚ - THẾ MỸ