Nên mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết

Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhà ở tuỳ theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, nhất là làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Sáng 31/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (dự thảo Luật). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng pháp luật, những điểm, quy định mà thực tiễn đã chứng minh đúng đắn, có cơ sở khoa học thì cơ quan soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành liên quan để giải trình, tiếp thu, bảo đảm tính nhất quán về nguyên tắc, phương pháp và tạo động lực mới, chính sách đột phá cho phát triển, "không đẽo cày giữa đường".

Nhiều cơ chế thuận lợi phát triển nhà ở xã hội

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm về nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; bổ sung khái niệm nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; bỏ khái niệm thành viên hộ gia đình.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ Xây dựng đã tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản liên quan đến chính sách sở hữu: Bảo hộ quyền sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu; quyền trách nhiệm của cơ quan đại điện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Trong phát triển nhà ở, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã bỏ quy định địa phương lấy ý kiến Bộ Xây dựng trước khi ban hành Chương trình phát triển nhà ở địa phương để bảo đảm phân cấp, phân quyền.

Một số quy định chính sách phát triển nhà ở đã được tiếp thu, bổ sung liên quan đến phát triển nhà ở thương mại, hình thức sử dụng đất xây dựng nhà ở thương mại, phát triển nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư.

Đối với chính sách cải tạo xây lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng bổ sung thêm một mục về di dời, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư nhằm quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương; bỏ quy định tiêu chí riêng lựa chọn chủ đầu tư; bổ sung quy định ưu đãi đối với chủ đầu tư được phép bán căn hộ chung cư sau khi đã bố trí tái định cư và không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích dịch vụ, thương mại.

Về chính sách nhà ở xã hội, Dự thảo luật bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp; chỉnh lý, làm rõ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang; ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang được đầu tư xây dựng không phải bằng nguồn vốn đầu tư công; quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang…

Bộ Xây dựng, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng dự kiến chỉnh lý, tiếp thu một số quy định về chính sách quản lý sử dụng nhà ở, nhà chung cư, giao dịch nhà ở… nhằm tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan, phù hợp với thực tiễn.

Kiến nghị không xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

Bên cạnh những nội dung dự kiến giải trình, giữ nguyên như Dự thảo luật, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau: Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong phát triển nhà ở xã hội; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong phát triển nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang; chính sách xây dựng nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp…

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm về quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong phát triển nhà ở xã hội cần thực hiện linh hoạt đối với từng dự án (dành quỹ đất ngay trong dự án, có khu đất riêng, hoặc đóng góp bằng tiền). Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội trên địa bàn.

Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Mai Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Chung đề nghị xem xét lại quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp do mâu thuẫn với các luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, môi trường…

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng làm rõ thêm nội dung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân bao gồm nguồn vốn đầu tư, cơ chế khai thác, quản lý, vận hành, khai thác. 

Tiếp tục mở rộng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quyền có nhà ở của người dân, Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở đã được quy định trong hiến pháp. Vì vậy, Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhà ở tuỳ theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, nhất là làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Cơ quan soạn thảo phải rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, chậm trễ so với thực tiễn quản lý lĩnh vực nhà ở; tiếp tục thể chế hoá hơn nữa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước về nhà ở (nhà ở xã hội, nhà công vụ, ký túc xá cho công nhân, sinh viên…).

Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…, xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng. 

 

Tính toán kỹ chính sách cho các đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở - Ảnh 5.

Tòa cảnh phiên họp - Ảnh: Minh Khôi

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến về việc tiếp tục huy động sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại trong phát triển quỹ đất nhà ở xã hội, xây dựng nhà cho các đối tượng chính sách xã hội…

"Trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội, Dự thảo luật cần đưa ra định hướng chính sách ưu đãi về đất, thuế, lãi suất vay, tỉ lệ khai thác đất thương mại, dịch vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư trong quản lý các khu nhà ở xã hội… được quy định theo các luật chuyên ngành", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

"Chúng ta nên mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…", Phó Thủ tướng gợi mở.

Khắc phục bất cập, hạn chế, chậm trễ của chính sách quản lý nhà ở

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu bất cập, xung đột trong hoạt động quản lý, vận hành, khai thác chung cư hiện nay. Những vấn đề đặt ra trong bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, môi trường… đối với nhà ở, nhất là nhà ở cá nhân kết hợp kinh doanh, dịch vụ. Yêu cầu bảo đảm sự tương thích các quy định liên quan đến giao dịch nhà ở với pháp luật kinh doanh bất động sản. Sự cần thiết bổ sung một số khái niệm về nhà ở như khu liên hợp, phức hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở, căn hộ khách sạn (condotel)…

Trao đổi về quy định cải tạo, xây mới chung cư cũ, Phó Thủ tướng cho rằng, Dự thảo luật cần thiết kế theo hướng, Nhà nước di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ để bảo đảm an toàn tính mạng, còn hoạt động cải tạo, xây mới chung cư thì thực hiện theo thoả thuận dân sự giữa chủ đầu tư và các hộ dân. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, công khai tiêu chí những chung cư cũ buộc phải di dời, thực hiện cải tạo, xây mới. 

Về một số vấn đề khác, Phó Thủ tướng lưu ý cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ các loại dự án đầu tư nhà ở và chính sách, định hướng kèm theo phải tuân thủ theo các luật chuyên ngành; bảo đảm sự đồng bộ các dự án nhà ở với cơ sở hạ tầng xã hội, giao thông, văn hoá, thông tin…; luật hoá việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo; quy định rõ ràng thiết chế quản lý các khu chung cư, khu phức hợp trên cơ sở phân định rõ phần thuộc sở hữu chung, phần thuộc sở hữu của người dân; làm rõ giao dịch nhà ở được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước…

"Dự thảo luật cần có tầm nhìn về xu thế nhà ở trong tương lai mang thông điệp môi trường "trong nhà có vườn, trong đô thị có rừng, trong rừng có thành phố", phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển hiện đại, sử dụng các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo", Phó Thủ tướng nói.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà- Ảnh: Minh Khôi

MINH KHÔI