Nên quy định Ngân hàng có quyền “khoanh” lại số tiền khách hàng đã chuyển nhầm

Trong giao dịch ngân hàng hiện nay, không hiếm trường hợp chuyển nhầm tiền sang tài khoản của người khác, dẫn đến hành trình lấy lại số tiền đã chuyển nhầm rất khó khăn. Trái lại, người có tài khoản nhận được khoản tiền chuyển nhầm muốn trả lại cũng không dễ. Làm gì để khắc phục tình trạng này?

Khốn khổ vì chuyển nhầm

Hơn bảy tháng nay, chị Trần Thị Mỹ Trang (phường Phú Nhuận, quận 7, TP.HCM) cho biết đã liên hệ nhiều nơi để đòi lại số tiền 25 triệu đồng mà chị đã chuyển nhầm sang tài khoản người khác nhưng vẫn chưa có kết quả.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, chị Trang cho biết chị có mở tài khoản tại ngân hàng (NH) A. Vào ngày 7/12/2018, chị thực hiện lệnh chuyển khoản bằng hình thức Internet Banking cho một người bạn có tài khoản tại NH B với số tiền 25 triệu đồng. Ba ngày sau, người bạn chị báo lại vẫn chưa nhận được tiền và lúc này chị kiểm tra lại thì mới phát hiện mình đã chuyển nhầm cho một tài khoản khác cùng NH với bạn chị.
Ngay lập tức, chị Trang liên hệ NH A để thông báo việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác. Tuy nhiên, đến ngày 26/2, NH A thông báo bằng văn bản cho chị là không hỗ trợ lấy tiền lại được do không liên hệ với khách hàng nhận tiền. Tiếp đó, chị Trang tiếp tục liên hệ với NH B nhưng NH này cũng trả lời không liên hệ được với khách hàng nhận tiền nên không lấy tiền lại cho chị được.

Sau khi đi lại nhiều nơi, chị đã gửi đơn ra cơ quan công an nơi có trụ sở NH A để mong đòi lại được tiền. “Chỉ vì sai một con số mà mấy tháng liền tôi phải khổ sở như thế này, thật là mệt mỏi vô cùng” – chị Trang nói.

Vấn đề đặt ra là khi nhận được thông tin của khách hàng báo đã chuyển nhầm tài khoản cho người khác thì phía NH sẽ xử lý như thế nào. Giám đốc trung tâm thẻ của một NH thương mại cho biết khi nhận được thông tin, NH đầu gửi sẽ có trách nhiệm hỗ trợ khách chuyển nhầm, còn NH đầu nhận phải phối hợp rà soát, yêu cầu người nhận nhầm trả lại. Tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống NH mà có quy trình xử lý khác nhau.

Trường hợp tài khoản nhận cùng hệ thống, người chuyển nhầm phải đến quầy của NH để yêu cầu tra soát chứng từ. Trường hợp tài khoản nhận khác NH, NH đầu gửi sẽ làm thủ tục tra soát và báo cho NH đầu nhận để biết tài khoản nhận là ai. Nếu người nhận không hợp tác thì NH sẽ thông báo đến khách hàng về kết quả xử lý.
Về nguyên tắc thì NH không thể tự ý rút số tiền đã được chuyển nhầm khi chưa có ý kiến của người nhận nhầm. Ngoài ra, NH cũng không thể cung cấp địa chỉ, số điện thoại của khách hàng nhận nhầm cho một cá nhân khác. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng như TAND, cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin của người nhận thì NH sẽ cung cấp.

Trả lại tiền chuyển nhầm không dễ?

Việc trả lại tiền do người khác chuyển nhầm cho mình không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là vấn đề đạo đức “nhặt được của rơi thì trả cho người mất”! Tuy nhiên, việc trả lại “của rơi” này cũng không phải đơn giản như nhặt được tài sản khác chỉ đem nộp cho Công an là xong. Thực tế đã có nhiều trường hợp nhặt được của rơi đem trả cho người mất được nêu gương sáng, nhưng cũng không ít trường hợp chuốc lấy bực mình như trường hợp chị ve chai nhặt được 5 triệu Yên Nhật phải đi lại nhiều lần nhưng cũng không tìm thấy người đánh rơi, cuối cùng thì Công an phải giao cho vợ chồng chị ve chai được hưởng.
Trường hợp được người khác chuyển nhầm tiền và tài khoản của mình, muốn trả cho người chuyển nhầm cũng khá gian truân.

Ví dụ: Vừa qua, có bà giáo 70 tuổi nhận được điện thoại yêu cầu bà trả lại số tiền đã chuyển nhầm. Mọi người khuyên bà, bây giờ bọn lừa đảo nhiều lắm, bà đừng tin, thằng con tôi bị mất mấy chục triệu rồi đấy! Lương tâm cắn dứt, bà nghĩ có khi người ta chuyển nhầm thật. Rồi bà nhờ cháu gọi điện lại vào số máy đã gọi cho bà thì biết đó là máy của ngân hàng, nhân viên nghe điện thoại hứa sẽ xác minh có gì sẽ gọi lại cho bà sau. Chờ hơn một tháng không thấy gọi lại, bà cho là bọn lừa đảo thật. Số là, cách đây 15 năm con gái bà làm cho bà cái thẻ ATM tại ngân hàng gần nơi bà ở, để thỉnh thoảng nó ở xa chuyển tiền về biếu bà. Từ khi có thẻ ATM bà cũng không sử dụng vì già rồi ở với các cháu chứ không ở nơi ĐKHK thường trú, nên bà không có nhu cầu, chẳng biết số tài khoản và mật khẩu của ATM là gì, con gái bà thì đã lấy chồng nước ngoài nên bà cũng không biết cái thẻ ATM bây giờ ở đâu nữa, chứ đừng nói số tài khoản hay password gì đó.
Chuyện cụ bà 70 tuổi đã vậy, còn nhiều người hàng ngày, có nhiều khoản tiền chuyển vào tài khoản, nhất là đối với những người buôn bán, kinh doanh… thì người ta chỉ quan tâm đến số tiền vào, chứ mấy người quan tâm đến ai chuyển cho mình. Nếu người chuyển tiền cũng có tài khoản còn dễ, nhưng có người lại đem tiền mặt nộp cho ngân hàng rồi báo số tài khoản chuyển đến thì “bó tay !”

Là người thường xuyên sử dụng thẻ ATM nên tôi có đăng ký dịch vụ “báo có” khi tiền đến – tiền đi. Tuy nhiên, hệ thống lại không hiển thị số tài khoản của người chuyển đến mà chỉ hiển thị số tài khoản người nhận. Nếu chủ tài khoản lại không đăng ký dịch vụ thông báo thì làm sao biết trong tài khoản của mình có tiền được chuyển nhầm. Muốn biết, phải đến ngân hàng để xin “sao kê nhật ký” về quá trình tiền đến – đi từ tài khoản.

Hướng giải quyết nào?

Theo quy định hiện hành thì chỉ có Tòa án, Cơ quan điều tra mới có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin của khách hàng. Còn theo quy định của Ngân hàng thì việc “sao kê” nhật ký giao dịch chỉ chủ tài khoản mới có quyền, chỉ chủ tài khoản đồng ý chuyển tiền thì ngân hàng mới chuyển.

Báo chí đưa tin nếu người được chuyển nhầm cố tình không trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng có phải trường hợp nào cũng truy cứu được đâu! Theo Điều 176 BLHS thì “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng…” mới phạm tội “chiếm giữ trái phép tài sản”. Nếu người nhận được tiền chuyển nhầm lại dưới 16 tuổi thì “chào thua”! Còn kiện ra tòa án cũng không đơn giản. Trong một quận, huyện còn dễ chứ một người ở Lào Cai, còn một người ở Cà Mau thì đúng là “đánh đố” ! Đòi được tiền tỷ thì cũng bõ công, chứ 5-7 triệu thì “của một đồng, công một nén”, quên luôn cho khoẻ!

Để bảo đảm quyền của cả người chuyển tiền và người nhận tiền nhầm, thiết nghĩ, Ngân hàng nên có quy định: Sau khi khách hàng cung cấp đầy đủ, hợp pháp bằng chứng là đã chuyển nhầm vào tài khoản nào đó thì Ngân hàng kiểm tra ngay trên hệ thống xem có đúng không ? Nếu đúng thì có quyền “khoanh” lại số tiền đó và chuyển trả cho khách hàng đã chuyển nhầm, vì số tiền này không phải của chủ tài khoản nhận. Nếu tài khoản của người được chuyển tiền không đủ tiền và số tiền bị chuyển nhầm đã được rút ra khỏi tài khoản thì báo ngay cho người chuyển nhầm biết để họ thực hiện quyền khởi kiện ra tòa hay tố cáo với Công an, nếu họ muốn.

ĐINH VĂN QUẾ ( Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC )