Nên ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Sau khi nghiên cứu bài viết “Thẩm quyền của Tòa án trong xét xử theo kiến nghị của bản án” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích đăng ngày 28/12/2022, tôi xin được trao đổi quan điểm về vấn đề tác giả nêu ra.

Qua nội dung bài viết, các quan điểm xung quanh việc xác định thẩm quyền xét xử đối với 4 bị cáo (trong đó có 1 bị cáo là quân nhân trong quân đội) trong quá trình xét xử phát hiện ra 3 trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm. Vì thế trong bản án có kiến nghị khởi tố đối với 3 trường hợp trên, trong đó có quan điểm của tác giả.

Tôi có quan điểm đồng tình với quan điểm của tác giả đó là qua việc xét xử HĐXX nhận thấy ngoài việc các bị cáo bị xét xử cùng với bị cáo là quân nhân thì còn có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội khác nên HĐXX đã khởi tố theo kiến nghị của bản án, nhưng vụ án khởi tố 3 bị can này không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 272 BLTTHS, nên cần xác định thẩm quyền theo một vụ án độc lập.

Tuy nhiên cũng qua nghiên cứu tôi cho rằng, cách xử lý tình huống pháp lý này không phải là tối ưu hóa trong áp dụng pháp luật. Vì vụ án có thể không cần phải kiến nghị khởi tố tại phiên tòa và có kiến nghị trong bản án mà vụ án sẽ được thực hiện theo các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật được giải quyết trong cùng vụ án bằng cách khác. HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 174 và điểm b khoản 1 Điều 280 BLTTHS để ra Quyết trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vì các lý do sau:

Thứ nhất, Tòa án quân sự cấp Quân khu xét xử vụ án hình sự với 4 bị cáo (trong đó có 1 bị cáo là quân nhân trong quân đội) thì trong quá trình xét xử phát hiện ra 3 trường hợp có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tôi phạm.

Thứ hai, khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì sau khi trả sơ điều tra bổ sung kết quả sẽ có thể xảy ra 02 trường hợp, cụ thể:

Trường hợp 1, trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Căn cứ khoản 1 Điều 273 BLTTHS.

Trường hợp 2, trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án, căn cứ khoản 2 Điều 273 BLTTHS.

Như vậy, sau khi có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Viện kiểm sát sẽ điều tra bổ sung theo quy định của pháp luật và căn cứ theo Điều 273 BLTTHS kết quả sẽ xẩy ra một trong hai trường hợp như trên đã phân tích.

Trên đây là quan điểm của tôi xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc.

 

TAND huyện Đại Lộc, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Bơ Nướch Rè

ThS ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)