Ngăn chặn tội phạm giết người, đặc biệt là giết người thân trong gia đình

Tình trạng xung đột, mâu thuẫn, xô xát trong tầng lớp thanh thiếu niên dẫn đến hành vi gây thương tích hoặc giết người, đặc biệt là giết người thân trong gia đình. Đây là một trong những vấn đề đáng báo động và cần ngăn chặn kịp thời. Tác giả bài viết phản ánh tình trạng này tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhưng trong cả nước cũng không hiếm loại tội phạm này.

1. Nguyên nhân của hành vi phạm tội

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về mọi mặt của cả nước thì loại tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả có chiều hướng nghiêm trọng. Đã xuất hiện tình trạng một số nhóm thanh, thiếu niên chơi bời, khi ra đường thường mang theo hung khí nguy hiểm như dao, mã tấu, kiếm để sẵn sàng sử dụng khi có mâu thuẫn xảy ra. Tình trạng xung đột, mâu thuẫn, xô xát trong tầng lớp thanh thiếu niên dẫn đến hành vi gây thương tích hoặc giết người. Đây là một trong những vấn đề đáng báo động và cần ngăn chặn kịp thời.

Hành vi phạm tội giết người chủ yếu là do nguyên nhân xã hội, xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát. Một số vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng, bố mẹ với con cái trong cuộc sống gia đình, phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực từ đó nảy sinh việc trả thù, hậu quả là gây thương tích cho người thân với tỷ lệ thương tật cao. Do là người thân, một số gia đình thường không dám khai báo với cơ quan chức năng, đặc biệt một số đối tượng sau khi gây án thường dùng nhiều biện pháp nhằm che giấu hoặc tiêu hủy chứng cứ gây khó khăn cho Cơ quan điều tra khi làm nhiệm vụ.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong thời gian từ năm 2017 đến 06 tháng đầu năm 2019, Cơ quan điều tra hai cấp tỉnh Quảng Bình đã khởi tố 29 vụ/39 bị can, làm chết 31 người, gây thiệt hại về tài sản khoảng 3.213.000 đồng. Viện kiểm sát đã truy tố 20 vụ/26 bị can, Tòa án đã xét xử 17 vụ/17 bị cáo về tội giết người. Trong số đó, có 07 vụ giết người là người thân trong gia đình, chiếm 24% số vụ án giết người đã khởi tố. Ngoài ra đã khởi tố 03 vụ/01 bị can về tội “giết con mới đẻ”, đến nay đã xét xử 01 vụ/01 bị cáo. Có 04 vụ giết người do người bị bệnh tâm thần, do ảo giác vì sử dụng ma túy gây ra.

Đối với nhóm tội giết người là người thân trong gia đình, qua khảo sát đánh giá đối với các vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh có thể thấy do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là do bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình hoặc một trong những người đó có lối sống thiếu lành mạnh. Sự ảnh hưởng này dẫn đến tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực, đặc biệt ở nhóm đối tượng là thanh niên, đã từng chứng kiến hành vi phạm tội và hành vi bạo lực trong gia đình. Có tới 41% số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (đa số các gia đình này có bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp); 15% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; có 15% đối tượng sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp (mặc dù có đầy đủ cha mẹ, vợ chồng nhưng trình độ văn hóa của bố, mẹ; vợ hoặc chồng và các anh chị em thấp, thường xử sự thiếu tôn trọng nhau, có các xung đột, cãi vã thường xuyên xảy ra trong gia đình); 9% xuất phát trong gia đình giàu có, bố mẹ, vợ hoặc chồng có lối sống buông thả, ích kỷ, sĩ diện hão hoặc nuông chiều thái quá; 10% có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn.

Thực tiễn giải quyết các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong những năm qua cho thấy tội phạm giết người xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất: Do đạo đức xã hội của một bộ phận nhân dân nhất là tầng lớp thanh thiếu niên xuống cấp; tình trạng uống rượu bia do không kiểm soát được làm phát sinh mâu thuẫn dẫn đến hành vi giết người xảy ra ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này thường xảy ra vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội của địa phương hoặc trong các đám cưới, đám giỗ, trại hè…

Thứ hai: Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân của các cơ quan, ban ngành chưa coi trọng đúng mức, chưa phát huy hết hiệu quả, chưa thực sự đi sâu vào từng người dân. Công tác tuyên truyền bằng hình thức xét xử lưu động của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Bình đối với các vụ án giết người chưa được nhiều; việc xây dựng, khai thác tủ sách pháp luật ở các địa phương còn chưa hiệu quả; công tác giáo dục ý thức pháp luật của các trường trung học phổ thông cho học sinh vẫn còn hạn chế… dẫn đến việc nhân dân chưa hiểu hoặc chưa ý thức hết được nguyên nhân, điều kiện và hậu quả của tội phạm giết người để có biện pháp chủ động phòng ngừa hoặc có những hành vi thái quá dẫn đến tội phạm giết người xảy ra.

Thứ ba: Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để; tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và các loại vũ khí thô sơ khác nhất là súng tự chế, dao, kiếm, các loại hung khí do nước ngoài sản xuất còn xuất hiện nhiều trong nhân dân đặc biệt là trong đối tượng thanh thiếu niên. Đây là những yếu tố có thể dễ làm phát sinh tội phạm giết người xảy ra.

Thứ tư: Chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương chưa kịp thời phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ khi mới phát sinh và hòa giải kịp thời làm cho mâu thuẫn, bức xúc kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người xảy ra. Nhiều trường hợp nếu kịp thời phát hiện và làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở có thể ngăn chặn các vụ án giết người xảy ra.

Thứ năm: Sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong phòng ngừa tội phạm còn hạn chế, chưa thống nhất, công tác phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng, chống tội phạm chưa được phát triển sâu rộng, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Điển hình: Khoảng 22giờ 00 ngày 10/6/2018 Phạm Ngọc T, sinh ngày 12/9/1991 ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình do bị tâm thần nên đã có hành vi dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng ngực, vùng bụng mẹ đẻ của mình là bà Nguyễn Thị L (sinh năm 1965). Hậu quả là Bà Nguyễn Thị L chết trên đường đưa đi cấp cứu. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Ngọc T về tội “giết người” quy định tại khoản 1 Điều 123 Bô luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, sau khi có kết luận giám định pháp y tâm thần: tại thời điểm gây án bị can Phạm Ngọc T mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định đình chỉ điều tra để đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Phạm Ngọc T.

Hành vi dùng bạo lực hoặc giết người do mâu thuẫn vợ chồng xảy ra khá phổ biến: Nguyễn Xuân T (sinh năm 1975), trú xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình có vợ là Trương Thị L sau khi kết hôn chung sống với nhau và đã có 03 người con. Do T thường xuyên uống rượu say và gây gổ, đánh đập vợ nên ngày 18/10/2018 chị Trương Thị L bỏ sang nhà cháu ruột ở nhờ. Đến khoảng 21h ngày 21/10/2018, T gọi nhiều cuộc điện thoại nhưng chị L không về, trong lúc gọi, bị cáo nghe có nhiều tiếng đàn ông nên nảy sinh ý định giết chị L. T xuống bếp lấy 01 con dao dài khoảng 30cm rồi đến nhà anh Nguyễn Trường H (ở cùng xã Xuân Ninh) tìm chị L. Khi đến nơi thấy chị L trốn sau nhà, T cầm dao đuổi theo chị L đâm 01 nhát vào vùng hạ sườn trái khiến chị L tử vong khi đang trên đường đi cấp cứu do mất máu. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình tuyên phạt Nguyễn Xuân T 17 năm tù về tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Qua vụ án trên có thể thấy rằng, đạo đức xã hội của một số bộ phận người dân xuống cấp nghiêm trọng, thiếu sự cảm thông, thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau, thiếu sự bình tĩnh cần thiết để giải quyết mềm dẻo những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình và xã hội một cách đúng đắn, chuẩn mực. Mà các đối tượng lại chọn cách giải quyết mâu thuẫn nhanh chóng bằng bạo lực. Những hành động ấy để lại hậu quả hết sức đau lòng cho cả gia đình và xã hội, gây tâm lý lo sợ trong quần chúng nhân dân. Trường hợp của bị cáo Nguyễn Văn U sử dụng dao đâm chết con rể là một minh chứng điển hình về việc giải quyết mâu thuẫn trong gia đình bằng bạo lực: Khoảng 20 giờ ngày 16/01/2019 tại thôn Đông Tiến, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do bức xúc khi nghe mẹ vợ kể chuyện vừa bị bố vợ là ông Nguyễn Văn U đánh nên anh Trịnh Văn H đã có lời lẽ thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho ông U. Nguyễn Văn U vào trong nhà lấy 01 con dao (loại dao bầu), dắt vào lưng quần rồi sang nhà chị con gái ở cách nhà mình 100 mét, tại đây Nguyễn Văn U gặp anh Trịnh Văn H nên lời qua tiếng lại, trong lúc cãi nhau Nguyễn Văn U đã dùng dao đâm 01 nhát vào ngực anh H rồi rút dao ra, bỏ về nhà. Anh H được đưa đi cấp cứu, sau đó chuyển vào bệnh viện Trung ương Huế điều trị đến ngày 25/01/2019 thì bị tử vong vì: Sốc mất máu không hồi phục do vết thương ngực trái làm thủng quai động mạch chủ.

Xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi trên, liên ngành tư pháp tỉnh Quảng Bình và Ban nội chính Tỉnh ủy chỉ đạo đưa vụ án vào diện án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm kịp thời răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm nói chung. Tại phiên tòa ngày 19/6/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên phạt Nguyễn Văn U 15 năm tù về tội “giết người” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài hành vi tội phạm liên quan đến án giết người, tội đe dọa giết người xảy ra 01 vụ/01 bị cáo, đã được khởi tố, truy tố và xét xử đúng quy định. Một số tội phạm liên quan như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích đã được các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh.

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa

Một là, các cơ quan, ban, ngành có biện pháp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; liên ngành tư pháp tỉnh Quảng Bình cần có kế hoạch tập huấn về nghiệp vụ chuyên sâu triển khai thi hành các đạo luật mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại án giết người, thông qua đó các địa phương nêu các khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để kịp thời đề nghị với cơ quan cấp trên hoàn thiện và có hướng dẫn cụ thể.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm làng, truyền thống dân tộc… định hướng người dân nhất là đối với tầng lớp thanh niên ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam, lên án những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật.

Ba là, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải, Trung tâm trợ giúp pháp lý để phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp đến học sinh, sinh viên nhất là học sinh trung học phổ thông; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, chấp hành nghiêm pháp luật.

Bốn là, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cần tập trung các giải pháp hữu hiệu kịp thời phát hiện giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân nhất là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản… không để xảy ra các mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết, văn hóa, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư gắn với phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tích cực vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm.

Năm là, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Công an các cấp thường xuyên, chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn là nguyên nhân có thể dẫn đến tội phạm giết người để có biện pháp xử lý, giáo dục, phòng ngừa.

Sáu là, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Bình cần tăng cường phối hợp trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng phạm tội có hành vi côn đồ, tội phạm có tổ chức, các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Bên cạnh việc phát hiện ngăn chặn và xử lý cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để xét xử lưu động các vụ án giết người nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, dần dần loại bỏ các hành vi vi phạm và tội phạm ra khỏi đời sống xã hội, hướng tới xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

CAO PHẠM TUÂN (Phòng 2 - VKSND tỉnh Quảng Bình)