Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên
Sáng ngày 30/11/2024 Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên với 461/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật Tư pháp người chưa thành niên do Toà án nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Luật Tư pháp người chưa thành niên có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Dự thảo Luật vừa được Quốc hội thông qua gồm 5 phần, 10 chương và 179 điều, có hiệu lực từ 1-1-2026. Riêng quy định về việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử và điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2028.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên sáng 30-11.
Liên quan đến biện pháp giám sát điện tử, Điều 139 quy định giám sát điện tử là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người chưa thành niên là bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được giám sát điện tử.
Bị can, bị cáo được giám sát điện tử phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ nhất định. Chẳng hạn, không được đi khỏi phạm vi giám sát, trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi phạm vi giám sát phải có sự đồng ý của UBND cấp xã nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của người đã ra quyết định áp dụng biện pháp giám sát điện tử.
Người được áp dụng biện pháp này cũng phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc không tiếp tục phạm tội.
Không được mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Đặc biệt, không tháo, phá hủy thiết bị giám sát điện tử hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát điện tử.
Thời hạn giám sát điện tử không quá thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo quy định của Luật này.
Thời hạn giám sát điện tử đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù…
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay có ý kiến đề nghị rà soát, bảo đảm nguồn lực thực hiện cũng như quy định cụ thể về tổ chức thực hiện biện pháp này.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng quy định có liên quan tại Điều 140 (Áp dụng biện pháp giám sát bởi người đại diện) và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm áp dụng thống nhất, hiệu quả trên thực tế.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp giám sát điện tử sau hiệu lực chung của Luật là hai năm, để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện.
Liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất của trại giam, Điều 162 Luật vừa được Quốc hội thông qua quy định trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân phải được bố trí, thiết kế phù hợp với lứa tuổi, giới tính.
Các đại biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, phải bảo đảm có các khu vực, công trình như: Khu giam giữ theo tính chất của tội phạm, mức hình phạt, giới tính; buồng giam; công trình phục vụ việc học tập, sinh hoạt, chăm sóc y tế; khu thể thao, vui chơi; khu lao động, dạy nghề, khu thăm gặp và các công trình khác theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Buồng giam phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích chỗ nằm tối thiểu cho mỗi người chưa thành niên là phạm nhân là 2,5 m2.
Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên phải lắp đặt thiết bị để người chưa thành niên có thể tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nghe đài, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hình thức vui chơi giải trí khác phù hợp…
Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Đáng chú ý, Luật quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Xin lỗi người bị hại; Bồi thường thiệt hại; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; Lao động công ích; Cấm tiếp xúc; Cấm đến một địa điểm nhất định; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự; Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án
Việc Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên không chỉ là thành tựu nổi bật trong lĩnh vực cải cách tư pháp ở Việt Nam, mà còn là dấu ấn xây dựng luật pháp của Quốc hội Khóa XV.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận