Ngày Xuân nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mỗi khi Tết đến Xuân sang, cả đất nước hướng về những giá trị truyền thống làm nên văn hóa Việt Nam, giá trị Việt Nam. Đối với hệ thống Tòa án thì những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về pháp luật, về Tòa án là một di sản vô giá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thực thi pháp luật với tinh thần “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Người cho rằng, pháp luật là công cụ cần thiết để “giữ gìn quyền lợi của nhân dân”, duy trì trật tự xã hội và phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Người từng nói: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”. Pháp luật cần chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật.
Là nhà lập pháp mẫu mực, Người đã đặt nền móng cho sự ra đời nền lập pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Người đứng đầu Ủy ban soạn thảo hai bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, đã mang những tư tưởng tiến bộ vào Hiến pháp phù hợp với hoàn cảnh từng thời kỳ. Những tư tưởng tiến bộ đó cũng thể hiện qua 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác do Người ký lệnh công bố hoặc ban hành.
Không chỉ thể hiện trong lập pháp mà trong công tác thực thi pháp luật, Người cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I họp vào tháng 11 năm 1946, có đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ về các vụ việc ăn hối lộ, tham ô, tham nhũng. Thay mặt Chính phủ, Người trả lời: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các uỷ ban làng, đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Người còn nói: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước ta vận dụng với quyết tâm rất cao trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Với tư tưởng ấy, tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến hoạt động tư pháp, đến công tác xét xử của Tòa án nhân dân. Trong thư gửi đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 7 tại Việt Bắc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Tại Hội nghị cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Trong công tác xử án, phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài việc phải liêm khiết, trong sạch, người cán bộ Tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.
Tinh thần “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đến nay đã trở thành những yêu cầu, đòi hỏi, được treo cao tại các trụ sở Tòa án trong cả nước, như một kim chỉ Nam để mỗi người mỗi ngày tự soi lại mình, không ngừng tu dưỡng rèn luyện tư cách đạo đức.
Đánh giá cao vị trí, vai trò của Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Ðảng dìu dắt.
Năm 1950, đến dự lớp nghiên cứu chính trị, pháp lý cho gần 100 cán bộ tư pháp từ Liên khu 5 trở ra đã được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đánh giá, phân tích sự khác biệt giữa Tòa án của ta và của đế quốc, Người nói: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Đây là một quan điểm rất tiến bộ, nhân văn về xét xử nói riêng và pháp luật nói chung.
Có ý kiến cho rằng, quan điểm chỉ đạo nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất ở nước ta. Sau đó, Bộ Tư pháp đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh dự án Sắc lệnh Cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng với những mục đích rất rõ ràng là bộ máy tư pháp cần được “dân chủ hóa”, “để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “thủ tục tố tụng cần được hợp lý và giản dị hơn”. Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta.
Về quan điểm xét xử cũng như xử lý các sai phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở cán bộ tư pháp: “Không được vì công mà quên lỗi; không được vì lỗi mà quên công”. Mới đây, dự Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2025 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh phương châm: “Xét xử nghiêm minh nhưng cũng bảo đảm tính nhân văn, xử lý nghiêm kẻ cầm đầu, chủ mưu. Đối với tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần xét xử đúng bản chất, đủ sức răn đe nhưng không được máy móc, phải đánh giá đúng hoàn cảnh, mức độ, hành vi vi phạm”… Ý kiến chỉ đạo của Chánh án Lê Minh Trí là tiếp nối quan điểm xét xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trân trọng và thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống Tòa án cả nước luôn luôn nỗ lực vận dụng sáng tạo cho phù hợp với điểu kiện cụ thể hiện nay trong công tác xét xử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: TL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
Bình luận