Tưởng nhớ danh nhân Ngô Thì Nhậm
Hôm nay, kỷ niệm 221 năm ngày danh nhân Ngô Thì Nhậm (1746-1803) tạ thế, dòng họ Ngô Thì làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội long trọng làm lễ tưởng niệm.
Ngôi nhà thờ ba gian cổ kính, trong một khuôn viên rộng rãi là nhà thờ Ngô Thì Nhậm, nhưng do biến thiên của thời gian, từ đường chung của họ Ngô Thì không còn nên nơi đây thành từ đường chung của dòng họ.
Đầu buổi lễ, Trưởng tộc làm lễ tế bái, sau đó con cháu và quan khách vào cúi đầu tưởng nhớ danh nhân. Đại diện gia tộc đã phát biểu ôn lại cuộc đời tài hoa, phong phú, cùng như tài năng và đức độ của cụ.
Chân dung cụ Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm xuất thân trong một gia đình vọng tộc, là con của danh sĩ Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, ngày nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 1775, dưới triều Lê Cảnh Hưng, Ngô Thì Nhậm thi đỗ Tam giáp Tiến sĩ, cùng khoa với Phan Huy Ích.
Năm 1776, ông được bổ làm Giám sát Ngự sử đài đạo Sơn Nam, sau đó thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1778, ông vẫn giữ chức Đốc đồng Kinh Bắc nhưng kiêm thêm chức Đốc đồng Thái Nguyên. Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.
Con cháu kính cẩn tế bái
Nhưng sự nghiệp lớn lao nhất của ông thành công dưới triều Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm nhận được lòng tín nhiệm tuyệt đối của Nguyễn Huệ, được thăng Thượng thư bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Binh.
Một sự kiện không mấy người không biết là tháng 11 năm 1788, quân Thanh kéo ba đạo quân ồ ạt tiến đánh Đại Việt, qua Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi quân của Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh qua biên giới Lạng Sơn thì Phan Văn Đức là tướng Tây Sơn vội đầu hàng. Trước tình thế nguy cấp đó các tướng vội bàn bạc. Ngô Thì Nhậm nói: Hiện thời ở Bắc Hà, các lão thần nhà Lê đâu đâu cũng có. Nghe tin người Thanh đến cứu, họ nghển cổ trông mong, chực chờ ngoại viện làm việc phục hưng. Vả lại dân mình nhẹ dạ, trúng cái mưu độc "diệt Hồ, lập Trần" thuở trước, họ cũng náo nức đi đón quân Thanh. Như vậy ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay dễ, số quân ít hay nhiều, thế nào chẳng có nội công cáo tỏ"... Ngô Văn Sở phân vân vì sợ đắc tội với Nguyễn Huệ và để lại tiếng chê cười nhưng Ngô Thì Nhậm đã thuyết phục được Ngô Văn Sở và các tướng bằng các lý lẽ: "Tướng giỏi xưa nay liệu giặc mới đánh, tính trước rồi mới làm... Ta kéo quân về đủ, không phí một người lính, một mũi tên, cho giặc ngủ nhờ một đêm, rồi lại đuổi chúng đi, có mất gì mà sợ". Và chiến lược "vườn không., nhà trống" được thực hiện, quân thủy rút về Biện Sơn, quân bộ chấn giữ Tam Điệp, đồng thời cử Nguyễn Văn Tuyết vào Phú Xuân cấp báo lên Nguyễn Huệ [1]...
Cuộc rút lui sách lược này được Nguyễn Huệ hết lời khen ngợi, tiết kiệm được xương máu, bảo toàn lực lượng, góp phần làm nên chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu 1789, quân đội Mãn Thanh thất bại hoàn toàn, phải cuốn gói về nước.
Cai quản Binh bộ nhưng Ngô Thì Nhậm là người chủ trì về các chính sách và giao dịch với nhà Thanh sau chiến thắng, để bình thường hóa quan hệ bang giao. Phần lớn các thư từ trao đổi giữa Đại Việt và nhà Thanh đều do ông soạn thảo, thể hiện rõ nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia với các chính sách mềm dẻo, linh hoạt, cứng rắn, được nhà Thanh rất nể trọng. Ngô Thì Nhậm cũng hai lần đi sứ sang nhà Thanh.
Năm 1792, sau khi Quang Trung mất, ông nghiên cứu Phật học. Ông lập thiền viện, soạn công án, trở thành Hải Lượng thiền sư, viết tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (1796).
Tại buổi lễ, PGS. TS Hán Nôm Nguyễn Thị Oanh - chuyên gia về văn học trung đại đã có bài phát biểu chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới về Ngô gia văn phái, về tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, về Đại Việt sử ký tục biên với những đánh giá rất cao và gợi thêm nhiều vấn đề cần nghiên cứu về Ngô Thì Nhậm nói riêng và Ngô gia văn phái nói chung.
Ngô Thì Nhậm là một danh nhân trong lịch sử văn hoá và văn học Việt Nam cuối thời trung đại. Ngoài sự nghiệp khoa hoạn, kinh bang tế thế, riêng về lĩnh vực văn học, ông cũng để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với nhiều thể loại khác nhau. Về thơ có các tác phẩm như: Thuỷ vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Hoàng hoa đồ phả, Cẩm đường nhàn thoại, Bút hải tùng đàm, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn. Về văn có các tập: Xuân thu quản kiến, Hào mân ai lục, Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Kim mã hành dư, và tác phẩm cuối cùng của ông là Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Mộ cụ Ngô Thì Sĩ ( phải) và mộ cụ Ngô Thì Nhiệm
Các nhà nghiên cứu nhận định, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là tác phẩm kết tinh chín muồi về tư tưởng lẫn bút pháp nghệ thuật của Ngô Thì Nhậm. Tác phẩm này giống như “bài kệ truyền pháp” của các thiền sư lúc sắp viên tịch. Bởi vì, tất cả những gì tinh tuý nhất cũng như cả tâm huyết và kỳ vọng của cả một đời tác giả đều gửi gắm hết vào đây. Nội dung tư tưởng của tác phẩm thể hiện rõ ở nhan đề sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh Những cốt lõi tinh túy của cả ba hệ tư tưởng Phật, Đạo, Nho đều được tác giả thể hiện trong tác phẩm. Những tư tưởng uyên áo và hàm súc đó được truyền tải và thể hiện bằng những hình tượng nghệ thuật giàu sức gợi cảm, qua một nghệ thuật ngôn từ tuyệt diệu, bút pháp đạt đến mức tinh tế.
Lắng nghe PGS. TS Nguyễn Thị Oanh phát biểu
Ngô Thì Nhậm là một trong các tác gia của Ngô gia văn phái, dòng văn họ Ngô có nhiều trước tác rất có giá trị, hiện còn lên tới trên 30 tập của 15 tác giả trong gia tộc.
Sáng tác của dòng văn Ngô Thì rất phong phú, đa dạng về nội dung. Có điều này là bởi dòng văn tập hợp tác phẩm của nhiều người, trải dài qua ba triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn, triều Nguyễn. Các tác giả lại không thuần nhất về tư tưởng nhưng vẫn có những nét thống nhất, nổi bật lên thành “phong cách” của văn phái: cảm quan và bút pháp tôn trọng sự thật lịch sử, sự thật khách quan, dù đó là sử bút hay văn bút, dù viết về những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc, thời đại hay viết về cá nhân, dù trong cảm hứng yêu nước hay cảm hứng nhân văn, dù trong cảm hứng ngợi ca hay cảm hứng phê phán.
Trong những hội văn, dòng văn, nhóm phái của văn học Việt Nam thời trung đại thì Ngô gia văn phái là dòng văn lớn nhất, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học dân tộc[2].
**
Không xa từ đường là khu mộ danh nhân Ngô Thì Sĩ (1726-1780) và danh nhân Ngô Thì Nhậm. Bia mộ danh nhân Ngô Thì Nhậm không ghi tên tuổi, học vị, quan tước mà đề một bài thơ ngắn với nội dung: Hằng tâm hà sa/ Vãng lai vũ trụ/ Bất dẫn bất tử/ Tầm thường ly tụ.
Con cháu cho biết mấy chục năm trước đây, khi xây lại mộ thì tìm thấy một phiến đá nhỏ đặt trong mộ khắc bốn câu này. Nghe nói Ngô Thì Nhậm đã cho xây dựng sinh phần từ nhiều năm trước nên cụ đã chuẩn bị sẵn. Đây là một bài thơ thể hiện chí khí và cốt cách của cụ, tạm dịch là: Hằng tâm như cát sông/ Chu chuyển trong vũ trụ/ Không đi, không mất/ Còn chuyện khi tan khi tụ là thường. Vậy là cụ đề cao chữ TÂM.
Cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm với những cống hiến lớn lao còn nhiều điều phải suy ngẫm thêm nhưng có lẽ chữ Tâm, tấm lòng với dân với nước của cụ thì luôn luôn ngời sáng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
[1] Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam tập 4, NXN KHXH, Hà Nội, 2013
[2] Bách khoa thư Việt Nam
Bài liên quan
-
T&T Group tài trợ 15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia khán đài B sân vận động Bắc Giang
-
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dự Lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn TW Cục miền Nam
Tập đoàn Hùng Nhơn trao tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách -
Doanh nhân Trần Văn Mười và Ban quản lý di tích đền Phù Đổng
-
Đoàn thanh niên Tạp chí TAND dâng hương tưởng nhớ Bác tại Khu di tích lịch sử K9
Buổi sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh của Đoàn thanh niên Chi đoàn Tạp chí TAND
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận