Ngô Văn Tr có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Vay tiền có hợp đồng nhưng sau đó không trả và không còn liên lạc được, không ở nơi đăng ký tạm trú, thường trú… Trường hợp này có dấu hiệu phạm tội hay không?

Tình huống pháp lý

Mai Xuân H. với Ngô Văn Tr. là bạn từ thời học phổ thông. Khoảng giữa tháng 01/2018, Tr. chủ động liên lạc bằng điện thoại gặp H., trong những lần đi cà phê, Tr. giới thiệu về công việc kinh doanh của mình đang rất thuận lợi, nhưng đang cần tiền để bổ sung vốn kinh doanh, từ đó, Tr. đặt vấn đề hỏi vay H. số tiền 500.000.000 đồng.

Do chỗ bạn bè quen biết, nghe Tr. giới thiệu công việc kinh doanh của mình rất tốt, H. tưởng là thật, nên ngày 30/01/2018, H. và Tr. cùng ký vào Hợp đồng cho vay tiền, theo đó, H. cho Tr. vay số tiền 500.000.000 đồng; mức lãi suất 3%/tháng; mục đích vay để làm vốn kinh doanh; thời hạn vay không kỳ hạn, với thỏa thuận khi nào H. cần tiền thì báo trước cho Tr. biết 01 tháng, Tr.sẽ hoàn trả đủ tiền gốc và lãi.

Tương tự nhự vậy, Doãn Tuấn L. là bạn của H., thông qua H., đã cho Tr. vay số tiền 270.000.000 đồng; mức lãi suất 2%/tháng; thời hạn vay 02 tháng. Sự thỏa thuận này hai bên có làm giấy vay mượn tiền đề ngày 10/02/2019.

Sau khi nhận tiền vay của H. và L. được gần 15 ngày, H. liên lạc qua điện thoại với Tr. rất khó khăn, máy điện thoại của Tr. thường xuyên báo tín hiệu máy bận. Ngày 25/02/2019, H. tìm đến chỗ ở của Tr. ( 788/1, ấp 1, xã S., thành phố B., tỉnh B.) là căn nhà của bà Trần Thị D. cho thuê, bà D. cho biết: Tr. đã trả nhà từ ngày 12/02/2019, bà cũng không biết Tr. chuyển đi đâu. Công an xã S. xác nhận Ngô Văn Tr. hiện không có mặt tại địa chỉ đăng ký tạm trú.

H. và L. tìm đến địa chỉ đăng ký thường trú của Tr. ở ấp Đ., xã Th., huyện M., tỉnh B. thì gia đình cũng không biết Tr. đang ở đâu, cũng không liên lạc được, hiện không biết thông tin gì của Tr.. Theo xác nhận của Công an xã Th., huyện M. thì Tr. đã cắt hộ khẩu chuyển đến xã S., thành phố B. từ tháng 10/2016.

Các số điện thoại của Tr. sử dụng luôn ở trạng thái ngoài vùng phủ sóng, do vậy, H. và L. hoàn toàn không thể liên lạc hay có thông tin gì về Tr.

Ngày 10/6/2019, H. và L. nộp đơn khởi kiện Ngô Văn Tr. tại TAND thành phố B., tỉnh B. yêu cầu giải quyết Tr. trả cho họ số tiền đã vay của 02 người là 770.000.000 đồng, nhưng được trả lời: Tòa án không thể nhận đơn để giải quyết vì hiện Tr. không có mặt tại địa phương cư trú.

Ngày 12/6/2019, H. và L. gửi đơn tố giác tội phạm về hành vi trên của Tr. và yêu cầu Công an thành phố B., tỉnh B. giải quyết, nhưng tại đây, Công an thành phố B. từ chối nhận đơn vì cho rằng quan hệ giao dịch giữa H., L. với Tr. có tính chất dân sự vì vay tiền có tính lãi, có lập hợp đồng, nên không thuộc thẩm quyền của Công an.

Không đồng ý với giải thích trên, ngày 13/6/2019 H. và L. gửi đơn khiếu nại việc từ chối tiếp nhận đơn của Công an thành phố B. Ngày 20/8/2019, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B. ban hành văn bản trả lời đơn khiếu nại của H. và L., theo đó: Công an thành phố B. từ chối tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của H. và L. là đúng với quy định của pháp luật, vì thỏa thuận cho vay tiền giữa Mai Xuân H., Doãn Tuấn L. với Ngô Văn Tr. thể hiện bằng hợp đồng, nên đây là quan hệ dân sự thuần túy, từ đó, hành vi của Ngô Văn Tr. không có dấu hiệu của tội phạm.

Có dấu hiệu phạm tội không?

Vấn đề đặt ra, hành vi của Ngô Văn Tr. được mô tả như trên có dấu hiệu của tội phạm không? Nếu có thì là tội gì?

Bên cạnh những người đồng tình với quan điểm của Công an thành phố B và Phòng cảnh sát điều tra – Công an tỉnh B, thì có không ít người có quan điểm cho rằng hành vi mà Ngô Văn Tr. thực hiện đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS hiện hành.

Điều 175 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”…

Trong trường hợp này, là chỗ bạn bè và tin tưởng với nhau nên H. và L. đã cho Tr. vay tiền. Số tiền 770.000.000 đồng mà Tr. đã nhận từ H. và L. thông qua hợp đồng vay tiền, số tiền vay trên mức tối thiểu mà khoản 1 của Điều 175 BLHS hiện hành quy định, thậm chí thỏa mãn dấu hiệu định khung tại khoản 4 của Điều luật này; Số tiền Tr. vay được ghi rõ trên văn bản hợp đồng và ngày các bên giao kết hợp đồng này là ngày 30/01/2018, sau ngày 01/01/2018, ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành; Tr. nhận số tiền vay 500.000.000 đồng của H. ngày 30/01/2018; Tr. nhận số tiền vay 270.000.000 đồng của L. ngày 10/02/2018, thì ngày 12/02/2018 đã rời khỏi nơi đăng ký tạm trú, Công an xã S. và hàng xóm chung quanh cũng không rõ Tr. chuyển đến đâu, hiện ở đâu; người thân của Tr. cũng không có thông tin gì và hoàn toàn mất liên lạc với Tr… Nghĩa là sau khi bỏ trốn, Tr. cố tình che giấu thông tin của mình, cắt đứt mọi liên lạc với mọi người, nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay mà không chịu trả.

Ngô Văn Tr. đã rời khỏi địa phương nơi đăng ký tạm trú (788/1, ấp 1, xã S., thành phố B., tỉnh B.) mà không công khai, thông báo cho chính quyền xã S. trực tiếp quản lý Tr… Những người thân thích của Tr. cha mẹ, chị, em, vợ của Tr.) đều không biết thông tin gì về Tr., cũng không thể liên lạc trao đổi thông tin khi cần thiết với Tr., điều này cho thấy Tr. đã cố tình lánh mặt, không nghe điện thoại của H. và L. gọi đến, thay số điện thoại, không liên hệ với H., L. để giải quyết việc trả lại tài sản theo cam kết trong hợp đồng. Thực tế, H. và L. cũng chưa có lời lẽ hay hành vi nào để đe dọa gây thương tích hay đòi xiết tài sản của Tr.

Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt và phải là chiếm đoạt được. Hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản bằng hành vi chiếm đoạt.

Từ những lý do đó, người viết cho rằng hành vi mà Ngô Văn Tr. đã thực hiện hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015. Căn cứ vào số tiền đã nhận khi vay thể hiện tại hai bản hợp đồng cho thấy, Ngô Văn Tr. phải bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 là mới phù hợp.

Trên đây là quan điểm của tác giả về tình huống pháp lý khá phổ biến đang đang tồn tại ở nhiều địa phương, nhưng người bị hại thật sự không thể nhận được sự trợ giúp nào từ phía nhà chức trách vì đang có sự khác biệt nhau về quan điểm xử lý. Rất mong nhận được sự trao đổi cùng quí bạn đọc.

Ths.LÊ VĂN SUA