Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thông báo nơi cư trú có phải là cố tình giấu địa chỉ?
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự không thông báo về nơi cư trú có phải là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quyết định đình chỉ bị kháng nghị
Trong vụ án: “Tranh chấp đòi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”có được gọi là giao dịch, hợp đồng văn bản mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40[1], điểm b khoản 2 Điều 277 BLDS năm 2015[2] thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Dưới đây nội dung vụ án mà thực tiễn giữa các cấp tòa có nhận thức và vận dụng pháp luật khác nhau.
Vụ án thụ lý ngày 19/01/2017 về tranh chấp đòi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa các đương sự:
– Nguyên đơn: Ông Dương Lền C; Bị đơn: Bà Nguyễn Thị N.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Đình S, ông Dương Quốc V.
Ngày 02/08/2012, ông Dương Lền C ủy quyền cho ông Dương Quốc V giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ H 4820 ngày 31/05/2006 do UBND thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cấp cho ông C để làm thủ tục vay tiền Ngân hàng. Nhưng sau đó ông V giao Giấy chứng nhận này cho bà Nguyễn Thị N và bà N giữ đến nay.
Vụ việc được hòa giải tại Ban nhân dân Khóm 4, phường 2, ngày 08/01/2014 và UBND Phường 3, thành phố Sóc Trăng vào các ngày 08/01/2015, ngày 28/4/2016.
Ông Dương Lền C yêu cầu Toà án buộc bà Nguyễn Thị N trả lại bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ H 4820 ngày 31/5/2006 do UBND thị xã Sóc Trăng cho ông C.
Tòa cấp sơ thẩm đã ban hành Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự số 09/2017/QĐST-DS ngày 31/3/2017 theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192[3], điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS với lý do tại thời điểm ông Dương Lền C nộp đơn khởi kiện, ông Nguyễn Đình S và ông Dương Quốc V không có mặt tại địa chỉ thường trú. Ông C không cung cấp được nơi cư trú hiện nay của ông S, ông V.
Quyết định trên bị ông Dương Lền C kháng cáo. Đến ngày 23/5/2017, Tòa án cấp phúc thẩm đã ban hành Quyết định số 03/2017/QĐ-PT giữa nguyên Quyết định sơ thẩm.
Đến ngày 28/5/2018, TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 192/2018/DS-GĐT hủy cả 02 Quyết định nêu trên với lý do ông Dương Lền C đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của ông Nguyễn Đình S, ông Dương Quốc V theo Biên bản hoà giải cơ sở ngày 08/01/2015 và quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5[4] Nghị quyết 04/2017/NQ/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017[5]. Quyết định này cũng cho rằng việc ông S, ông V thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú, nhưng không thông báo địa chỉ mới cho chính quyền địa phương là cố tình giấu địa chỉ nên thuộc trường hợp Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Vấn đề cần trao đổi
Qua nghiên cứu các quyết định của Tòa án các cấp, tác giả rút ra một số điểm mà Tòa án cấp giám đốc thẩm nhận định để hủy Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm như sau:
Đối với Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự số 09/2017/QĐST-DS ngày 31/3/2017 và Quyết định số 03/2017/QĐ-PT ngày 23/5/2017 của Tòa cấp phúc thẩm đã có hiệu lực trước ngày Nghị quyết 04/2017/NQ/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hiệu lực thi hành. Điều 8 Nghị quyết quy định:
“1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 4 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Đối với những vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà Tòa án đã thụ lý trước khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.
Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”...
Do đó, TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh áp dụng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 để hủy Quyết định số 09/2017/QĐST-DS ngày 31/3/2017 và Quyết định số 03/2017/QĐ-PT ngày 23/5/2017 là không phù hợp.
Mặt khác, nếu vận dụng khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì cũng không đủ cơ sở cho rằng ông S, ông V cố tình giấu địa chỉ để tiến hành tiếp tục giải quyết vụ án, vì theo khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 6[6] của Nghị quyết này thì:
– Việc ông Dương Lền C ghi đầy đủ, đúng địa chỉ của ông S, ông V theo khoản 2 Điều 5 Nghị quyết chỉ là cơ sở để Tòa án nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
– Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tống đạt được thông báo thụ lý vụ án cho ông S, ông V tại địa chỉ mà ông C cung cấp thì Tòa án chỉ được coi ông S, ông V cố tình giấu địa chỉ khi:
+ Địa chỉ của ông S, ông V mà ông C đã ghi trong đơn khởi kiện phải là địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản mà các bên đã tham gia.
+ Khi Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự số 09/2017/QĐST-DS ngày 31/3/2017 được ban hành, trong hồ sơ vụ án không thể hiện giữa ông C và ông S, ông V có bất kỳ giao dịch, hợp đồng bằng văn bản nào với nhau.
+ Biên bản hoà giải ngày 08/01/2015 tuy thể hiện địa chỉ của ông S là số 18 Hùng Vương, phường 6, tp Sóc Trăng; của ông V là số 774 T, khóm 3, phường 5, tp Sóc Trăng nhưng ông V không có mặt và ký vào biên bản hoà giải này.
Từ các lẽ trên, không có căn cứ xác định khi thay đổi nơi cư trú, ông S, ông V có nghĩa vụ thông báo cho ông C biết về nơi cư trú mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 BLDS năm 2015 để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Trên đây là một số bình luận về nội dung giám đốc thẩm, cũng như tình huống pháp lý phát sinh, tác giả rất mong nhận được ý kiến bình luận, góp ý của quý bạn đọc.
Tp Trà Vinh – Ảnh: Thái Vũ
[1] Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.
[2] Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.
Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
[3] Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó
[4] Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[5] có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017
[6] 2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tổng đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau: a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tạikhoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do khôngtổng đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận