Người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự

Trong phạm vi bài viết này xin được viết về một số quy định của pháp luật hình sự, vướng mắc trong thực tiễn xét xử khi xác định tư cách, tên gọi, địa vị pháp lý của người đại diện cho người bị hại dưới 18 tuổi và kiến nghị hoàn thiện.

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Trong các quan hệ tố tụng hình sự, không phải lúc nào chủ thể cũng trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng. Thay vào đó, người đại diện của họ có thể thay mặt họ giải quyết các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Trong quá trình tố tụng, cần nghiên cứu xác định chính xác để tránh xác định sai tư cách người tham gia tố tụng.

1. Quy định của pháp luật hình sự

Người đại diện nói chung và người đại diện của người dưới 18 tuổi nói riêng là người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 20 Điều 55 BLTTHS năm 2015. Đây là điểm mới vì trước đây BLTTHS năm 2003 không quy định người đại diện là người tham gia tố tụng.

Tại khoản 1 Điều 420 BLTTHS năm 2015 quy định: “Người đại diện của người dưới 18 tuổi là thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn Thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Tòa án”.

Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng theo quyết định của Tòa án được quy định trong nhiều điều khoản khác nhau của BLTTHS năm 2015 như: Điều 331, 338, 418, 420, 421, 422, 423, 469, 470. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 lại không quy định cụ thể về người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi gồm có những ai.

Do đó, khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 06/2018) đã hướng dẫn như sau: “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự.

Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; b) Người giám hộ; c) Người do Tòa án chỉ định”.

2. Một số vướng mắc

Có thể thấy, qua các văn bản pháp luật hình sự hiện hành, chưa có văn bản nào quy định cụ thể, rõ ràng tư cách, tên gọi của người đại diện cho người bị hại dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự là gì. Do đó, trên thực tế việc sử dụng tên gọi về đối tượng này vẫn chưa có sự thống nhất; ngoài ra, có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận người đại diện theo ủy quyền là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng hoặc không chấp nhận cho người đại diện theo ủy quyền của người tham gia tố tụng trong các trường hợp khi tiến hành tố tụng bắt buộc phải có người đại diện.

Trong thực tiễn xét xử đã có xảy ra trường hợp như sau: Viện kiểm sát tỉnh H truy tố bị can T về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” đối với bị hại A theo khoản 1 Điều 146 của BLHS. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, cha mẹ của bị hại A (ông K và bà Q) có yêu cầu bà ngoại của bị hại A là bà B thay mặt tham gia tố tụng và đã làm giấy ủy quyền có xác nhận của Chủ tịch UBND xã về việc đồng ý ủy quyền cho bà B được đại diện cho ông K và bà Q tham gia tố tụng trong vụ án hình sự với lý do ông K và bà Q đi làm ăn xa, bị hại A hiện đang sống chung với bà B. Như vậy, Tòa án có chấp nhận việc tham gia tố tụng của bà B không? Bà B sẽ tham gia phiên tòa hình sự với tư cách tố tụng là gì?

Tình huống trên có các quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất, Tòa án không chấp nhận việc ủy quyền và việc tham gia phiên tòa của bà B, bởi lẽ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018 thì “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi…”.

Như vậy, bị hại A được xác định có cha mẹ đẻ là ông K bà Q, ông K bà Q không bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; không bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con. Hơn nữa, đây là vụ án xâm hại tình dục, khi buộc phải tường thuật lại sự việc sẽ khiến người bị hại dưới 18 tuổi hoảng sợ, tổn thương nghiêm trọng về tâm lý; do đó, nếu người đại diện là cha mẹ đẻ có thể cung cấp những hỗ trợ về tâm lý và tình cảm cho người bị hại dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự hơn là những người khác. Căn cứ theo quy định tại Điều 136 BLDS năm 2015 và khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018 thì cha mẹ bị hại A sẽ tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện theo pháp luật của bị hại A mà không được ủy quyền lại cho người khác.

Quan điểm thứ hai, Tòa án chấp nhận việc ủy quyền của cha mẹ bị hại A và bà B tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại A, bởi lẽ BLTTDS năm 2015 chỉ có những quy định chung về người đại diện, cũng không có điều luật cụ thể nào quy định về vấn đề ủy quyền và người đại diện theo ủy quyền, nên trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, Tòa án thường vận dụng quy định của BLTTDS có liên quan để linh hoạt giải quyết, nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người tham gia tố tụng trong từng vụ án hình sự cụ thể.

Ngoài ra, tên gọi người đại diện hợp pháp bắt nguồn từ một số thuật ngữ quy định trong BLTTHS năm 2004, cụ thể tại khoản 2 Điều 51 có ghi “...Người đại diện hợp pháp...” hay tại điểm b khoản 1  Điều 56 ghi “...Người đại diện hợp pháp...”. Việc quy định như vậy đến nay vẫn được nhiều người sử dụng như một thói quen, mặc dù BLTTHS năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật.

Quan điểm thứ ba đồng thời là quan điểm của tác giả, Tòa án chấp nhận việc tham gia phiên tòa của bà B, tuy nhiên, bà B sẽ tham gia phiên tòa với tư cách người giám hộ đương nhiên của bị hại A. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018 thì: Người giám hộ của người dưới 18 tuổi là người giám hộ đương nhiên hoặc người được UBND cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các Điều 46, 47, 48 và 54 Mục 4 Chương III của BLDS.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm b Điều 47 BLDS năm 2015 thì người được giám hộ bao gồm trường hợp người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì có người giám hộ đương nhiên. Theo đó, người giám hộ đương nhiên của bị hại là người dưới 18 tuổi được xác định theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015. Cụ thể là việc xác định người giám hộ đương nhiên của bị hại là người dưới 18 tuổi theo thứ tự sau đây:

- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;

- Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;

- Trường hợp không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Như vậy, trong tình huống này, người đại diện theo pháp luật của bị hại A là ông K bà Q, do ông K bà Q đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con nên A sống cùng bà ngoại là bà B, và ông K bà Q cùng có yêu cầu bà B tham gia tố tụng trong vụ án nên Tòa án sẽ chấp nhận bà B tham gia phiên tòa với tư cách người giám hộ đương nhiên của bị hại A.

3. Kiến nghị

Từ những vướng mắc trên, nhằm ngày càng hoàn thiện hơn về thủ tục tố tụng thân thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi, nhất là để bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và áp dụng nội dung quy định về ủy quyền trong quá trình tố tụng hình sự, tác giả kiến nghị BLTTHS năm 2015 cần quy định một điều luật riêng biệt, cụ thể, rõ ràng về tư cách, tên gọi, địa vị pháp lý, hoàn thiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người đại diện của người bị hại dưới 18 tuổi, trong đó bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền (nội dung và phạm vi ủy quyền, quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền và người nhận ủy quyền)...

Ngoài ra, hiện nay một số vấn đề về người dưới 18 tuổi đã được quy định trong các văn bản hướng dẫn dưới luật, tuy nhiên, tác giả thấy rằng, các quy định này cần được luật hóa tại BLTTHS để đảm bảo tính toàn diện, hệ thống và thống nhất về trình tự, thủ tục tố tụng đối với vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi./.

 

 *Tòa Gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

TAND TP. HCM xét xử hai bị cáo trong vụ  bé N.T.V.A. (8 tuổi) bị bạo hành tử vong - Ảnh: Chí Hùng

PHAN THỊ THÚY AN*