Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị ngược đãi, cưỡng bức, quấy rối tình dục

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Luật có 8 Chương, 74 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Sau hơn 13 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có những kết quả tích cực về nhiều phương diện. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này và phù hợp với Hiến pháp 2013 và các bảo đảm hội nhập Quốc tế, Quốc hội đã ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Các hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Theo Điều 5 các hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm có:

-Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

-Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bao gồm:  Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

- Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

So với Luật cũ, Luật này đã bổ sung thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Đây là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính thủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các hành vi bị cấm

Theo Điều 7 các hành vi bị cấm khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm:

- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật.

- Phân biệt đối xử trong lao động, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người lao đông, cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài ký quỹ và bảo lãnh.

- Thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định.

- Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc tự ý chấm dứt hợp đồng không đúng quy định…

Đây là những hành vi cấm được bổ sung vào các quy định của Luật cũ.

Thêm danh mục các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài

Theo khoản 13 Điều 7 danh mục các khu vực bị cấm khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được bổ sung thêm:

- Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự.

- Khu vực đang bị nhiễm xạ.

- Khu vực bị nhiễm độc.

- Khu vực đang có dịch bệnh nguy hiểm.

Vốn từ 5 tỷ đồng trở lên

Điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Luật mới điều chỉnh tại Điều 10. Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng thêm các điều kiện như:

- Có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước;

- Người đại diện theo pháp luật có ít nhất 5 năm kinh nghiệm (quy định hiện hành là 3 năm) trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm.

- Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Có trang thông tin điện tử…

Người lao động không phải hoàn trả tiền môi giới

Luật mới đã bỏ quy định “Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” nêu tại khoản 1 Điều 20 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Như vậy, từ năm 2022, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Từ đó giúp người lao động giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài.

Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 23, trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.

Trong khi đó, Điều 21 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định, doanh nghiệp dịch vụ thoả thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài.

Theo khoản 3 Điều 23, khi hoàn trả tiền dịch vụ do người lao động phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của họ, doanh nghiệp dịch vụ còn phải trả lãi suất tính theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Mức trần tiền dịch vụ

Khoản 4 Điều 23 đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được phép thu từ người lao động như sau:

- Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 1 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc.

- Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 3 tháng tiền lương của người lao động.

- Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng, thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động.

- Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền dịch vụ thấp hơn các quy định trên.

Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng

Điều 6 của Luật quy định vè quyền và nghĩa vụ của người lao động, trong đó  điểm đ khoản 1 quy định, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, người lao động khi làm việc ở nước ngoài còn được bổ sung thêm các quyền sau:

- Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ và hưởng các lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề.

- Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động hoặc vùng lãnh thổ đến làm việc nếu Việt Nam và nước hoặc vùng lãnh thổ đó đã ký Hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

- Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện...

Một trong các nghĩa vụ của người lao động là làm việc đúng nơi quy định, tuân thủ sự quản lý điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài;  về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Người lao động đi Hàn Quốc - Ảnh: korea.net.vn

BẢO THƯ