Người phạm tội dưới 18 tuổi nhưng khi kết án đã đủ 18 tuổi, áp dụng quy định nào để xóa án tích?
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã bổ sung thêm nhiều quy định mới theo hướng mở rộng chính sách khoan hồng với người chưa thành niên phạm tội, trong đó có chế định xóa án tích. Tuy nhiên, quá trình áp dụng, vẫn còn một số quan điểm chưa thống nhất trong cách hiểu điều luật.
Trong BLHS 2015, Điều 107 về xóa án tích quy định:
1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.
2. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.”
Trên thực tiễn, đã xảy ra trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi (hoặc 18 tuổi) nhưng đến giai đoạn xét xử, vào thời điểm tuyên án đã thành niên. Vấn đề đặt ra là trường hợp này có được áp dụng quy định tại Điều 107 BLHS không hay phải áp dụng chế định xóa án tích chung được quy định tại Chương X của BLHS.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, vì Điều 107 BLHS đã ghi rõ “Người dưới 18 tuổi bị kết án” và “Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án” nên đương nhiên phải hiểu, chỉ được áp dụng các quy định tại Điều này cho người đến thời điểm xét xử vẫn chưa đủ 18 tuổi. Nếu đến thời điểm xét xử, người phạm tội đã đủ 18 tuổi thì vẫn phải áp dụng chế định xóa án tích chung được quy định tại Chương X của BLHS. Quan điểm này phân tích như sau:
Thứ nhất, tại thời điểm bị kết án, người bị kết án dưới 18 tuổi thì được coi là không có án tích nếu thuộc một trong các trường hợp:
– Tại thời điểm đó, người bị kết án đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Được hiểu là các tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015).
– Tại thời điểm đó, người bị kết án đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý).
– Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.
Thứ hai, tại thời điểm bị kết án, người bị kết án từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) thì được coi là đương nhiên xóa án tích nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật này.
Như vậy, việc xóa án tích chỉ được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm người đó dưới 18 tuổi đồng thời tại thời điểm bị kết án, người đó vẫn dưới 18 tuổi. Ví dụ:
– A phạm tội quy định tại Điều 123 BLHS 2015 vào thời điểm A đủ 14 tuổi, tại thời điểm bị kết án, A đủ 15 tuổi thì A được coi là không có án tích.
– A phạm tội ít nghiêm trọng tại thời điểm A đủ 16 tuổi, tại thời điểm bị kết án, A đủ 17 tuổi thì A được coi là không có án tích.
– A bị áp dụng biện pháp tư pháp tại Mục 3 Chương XII thì được coi là không có án tích.
– A phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại thời điểm A đủ 16 tuổi, tại thời điểm bị kết án, A trên 17 tuổi thì A sẽ đương nhiên xóa án tích khi có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật này.
Tuy nhiên, đối với trường hợp trên, đến giai đoạn xét xử, vào thời điểm tuyên án người bị kết án đã đủ 18 tuổi thì sẽ không áp dụng Điều 107 nữa mà sẽ áp dụng các quy định tại Chương X của Phần thứ nhất (Những quy định chung). Việc áp dụng các quy định này không trái với các quy định tại Chương XII. việc áp dụng này là phù hợp vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội chưa đủ 18 tuổi đã được hưởng những chính sách khoan hồng của Nhà nước thể hiện trong việc Nhà nước quy định các tội phạm cụ thể mà người dưới 18 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ở mức thấp hơn so với người đã thành niên phạm tội. Bởi tại độ tuổi đó, người phạm tội chưa có đầy đủ năng lực pháp luật (khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình). Chính vì thế mà tại thời điểm kết án, người bị kết án khi chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Do đó sẽ áp dụng các quy định tại Chương XII đối với trường hợp này.
Thứ hai, trên thực tế, có những trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm dưới 18 tuổi nhưng đến khi kết án thì đã đủ 18 tuổi. Lấy 2 ví dụ điển hình như sau:
– Trường hợp thứ nhất: A phạm tội ít nghiêm trọng tại thời điểm A đủ 16 tuổi, nhưng tại thời điểm kết án A đủ 19 tuổi.
– Trường hợp thứ hai: A phạm tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 123 BLHS lúc A đủ 14 tuổi, nhưng 19 năm sau hành vi mới được phát hiện (còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự) thì A đã 33 tuổi, thời điểm A bị kết án là 34 tuổi.
Trong 2 trường hợp này, người bị kết án đều đủ 18 tuổi. Và đều đã có đầy đủ năng lực pháp luật. Do vậy, việc xóa án tích đối với 2 trường hợp này sẽ được áp dụng các quy định tại Chương X của BLHS như đối với người đã thành niên. Việc áp dụng này là phù hợp và không trái với các quy định tại Chương X (đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) vì Chương XII chỉ áp dụng đối với các trường hợp bị kết án tại thời điểm dưới 18 tuổi.
Quan điểm thứ hai cho rằng, trường hợp này áp dụng quy định về xóa án tích tại Điều 107 BLHS; dựa trên những phân tích sau: về kết cấu văn bản, Điều 107 thuộc Chương XII “những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội”. Do đó, như chính bản thân tên gọi của chương này (đã được quy định cụ thể về giới hạn điều chỉnh tại Điều 90 BLHS), mọi điều luật bên trong nó, đều áp dụng với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội khi chưa thành niên. Mặt khác, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, trường hợp nêu trên cũng cần được áp dụng chế định chưa thành niên, trong đó có quy định về xóa án tích theo Điều 107 BLHS; và cần hiểu quy định của điều luật trong chỉnh thể của nó.
Theo đó, vì Điều 107 BLHS quy định về việc xóa án tích nên đối tượng điều chỉnh đặc thù của nó được gọi tên là “người bị kết án” (do không thể đặt ra vấn đề xóa án tích với người chưa bị kết án được). Bên cạnh đó, cũng vì Điều 107 quy định đối với người chưa thành niên, nên mới diễn đạt là “Người dưới 18 tuổi bị kết án” và “Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án”. Nếu viết đầy đủ phải là “Người phạm tội khi dưới 18 tuổi bị kết án” và “Người phạm tội khi đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án”… Nhà làm luật đã lựa chọn cách quy định như hiện hành để đảm bảo sự ngắn gọn, súc tích cho điều luật, do đó không nên tách riêng câu chữ này để hiểu như quan điểm thứ nhất. Ngoài những lý do như đã phân tích ở trên, còn là để đảm bảo nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc nhân đạo trong thực thi pháp luật. Bởi lẽ, về mặt nội dung, khi đã áp dụng các quy định khác trong BLHS cho người chưa thành niên căn cứ vào thời điểm họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ như tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hình phạt…) không phân biệt thời điểm phát hiện, xử lý như thế nào thì cũng cần áp dụng chế định xóa án tích theo tinh thần đó mới đảm bảo sự thống nhất và phù hợp.
Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi (hoặc 18 tuổi) nhưng đến giai đoạn xét xử, vào thời điểm tuyên án đã thành niên thì có áp dụng Điều 107 BLHS không, hay phải áp dụng chế định xóa án tích chung? Trường hợp này vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều trong thực tiễn. Rất mong quý bạn đọc, đồng nghiệp trao đổi để tìm ra cách hiểu đúng nhất về các quy định xóa án tích đối với người phạm tội khi dưới 18 tuổi nhưng khi kết án đã đủ 18 tuổi; tạo cơ sở để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong trường hợp này./.
TAND tỉnh Hòa Bình xét xử thẩm vụ án cố ý gây thương tích – Ảnh: Báo HB
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận