Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không thuộc trường hợp những vụ án dân sự không hòa giải được

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 16/01/2021 có đăng bài viết: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt” nêu ra hai quan điểm. Chúng tôi cho rằng, nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì có thuộc trường hợp những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được.

Trong bài viết, các tác giả nêu hai quan điểm. (1) Tòa án xét thấy nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt, nên căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. (2)  Tòa án xem việc nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai như trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được và lập biên bản không tiến hành hòa giải được và tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó thông báo kết quả phiên họp cho nguyên đơn và tiến hành các bước tố tụng khác để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này tác giả xin trao đổi như sau:

1.Thứ nhất, cần xác định nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì có thuộc trường hợp những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được hay không?

Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) thì những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được bao gồm bốn trường hợp đó là: Thứ nhất, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; Thứ hai, đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng; Thứ ba, đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Thứ tư, một trong các bên đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải. Tác giả sẽ đi sâu phân tích trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt trong thực tiễn áp dụng pháp luật và đưa ra những giải pháp mang tính hoàn thiện pháp luật trong chương này.

BLTTDS 2015 không hề đưa ra khái niệm như thế nào là vụ án dân sự không hòa giải được mà chỉ liệt kê nếu rơi vào các trường hợp cụ thể theo Điều 207 BLTTDS 2015 thì Tòa án không hòa giải được. Có thể hiểu những vụ án không tiến hành hòa giải được là những vụ án pháp luật quy định phải tiến hành hòa giải nhưng vì những lý do khác nhau mà Tòa án không thể tiến hành hòa giải được.

Khác với vụ án không được hòa giải, những vụ án không tiến hành hòa giải được về bản chất lại là những vụ án pháp luật quy định cần phải tiến hành hòa giải giữa các bên đương sự khi giải quyết vụ án. Yếu tố dẫn đến việc hòa giải không thực hiện được là những lý do thực tế, pháp luật chấp nhận là cơ sở cho việc không cần tiến hành hòa giải giữa các đương sự và tiến hành tiếp tục giải quyết vụ án ở những bước tiếp theo. Theo đó, trong trường hợp cụ thể các bên đương sự không cần tiến hành hòa giải là trường hợp liên quan đến việc vắng mặt của đương sự và liên quan đến năng lực hành vi đương sự trong trường hợp được xác định và quyền tự định đoạt của đương sự khi một trong các bên đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải thì Tòa án cũng không tiến hành hòa giải được.

Những vụ án không tiến hành hòa giải được là loại việc pháp luật quy định phải tiến hành hòa giải; Do nhiều lý do khách quan khác nhau mà không thể tiến hành hòa giải được; Việc quy định không tiến hành hòa giải được nhằm giúp nhanh chóng giải quyết vụ án, không gặp khuôn tránh các trường hợp không hòa giải được nhưng Tòa án vẫn cố gắng hòa giải làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án gây ra tình trạng án quá hạn, mất thời gian, tiền bạc của nhân dân.

Những trường hợp không tiến hành hòa giải được cho phép Tòa án không tiến hành hòa giải trong giai đoạn xét xử sơ thẩm nhưng có thể ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo nếu các điều kiện hạn chế hòa giải không còn thì tòa án vẫn có quyền hòa giải để các đương sự giải quyết tranh chấp hoặc đương sự thỏa thuận được thì Tòa án cũng có thể xem xét để công nhận nội dung thỏa thuận nếu phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì đây thuộc về trường hợp không thể tiến hành hòa giải được[1]. Do đó, Tòa án lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.

Việc pháp luật quy định Tòa án phải tiến hành hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án dân sự là nhằm tạo điều kiện cho các đương sự có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu để từ đó tự thương lượng thỏa thuận với nhau về mọi vấn đề cần giải quyết trong vụ án là điều thật sự cần thiết.

BLTTDS 2015 bổ sung thêm trường hợp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì Tòa án cũng không tiến hành hòa giải được. Việc bổ sung này là cần thiết, phù hợp với thực tế, bởi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan[2]. Tòa án triệu tập bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tham gia phiên hòa giải là muốn các bên đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau. Việc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ đến tham gia phiên hòa giải mà vắng mặt, thì chứng tỏ họ đã từ bỏ việc tham gia hòa giải. Tòa án không có quyền ép buộc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải tham gia hòa giải, song nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì nguyên đơn không còn đối tác để thỏa thuận việc giải quyết vụ án nên Tòa án sẽ không tiến hành hòa giải được.

Đương sự có quyền thỏa thuận về nội dung vụ việc dân sự. Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đương sự có quyền tham gia vào các hoạt động tố tụng như chuẩn bị xét xử, hòa giải, phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết vụ việc dân sự. Ngoài ra, khi đương sự tham gia đầy đủ vào các hoạt động tố tụng cũng tạo cơ sở cho Tòa án có thể giải quyết một cách nhanh chóng và đúng đắn các vụ án dân sự. Do đó, việc tham gia tố tụng của đương sự khi được Tòa án triệu tập hợp lệ vừa là quyền nhưng cũng đồng thời là nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự. Đương sự vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ có thể làm cho việc giải quyết vụ việc dân sự bị kéo dài, từ đó gây ra sự tốn kém thời gian và tiền bạc của đương sự và của Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.[3]

Có thể thấy trường hợp nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì Tòa án không thể nào tiến hành hòa giải được, Tòa án không thể nào ép các đương sự bắt buộc phải có mặt để tiến hành hòa giải vì đây thuộc quyền tự định đoạt của đương sự, nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung[4].

Như vậy, theo như quy định trên thì chỉ có bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì Tòa án không thể nào tiến hành hòa giải được mà không quy định cho trường hợp nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được.

2. Nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai tại phiên hòa giải thì Tòa án phải tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án

Quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong đó tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. So với BTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 điểm e Điều 192 quy định: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng” thì những quy định của BLTTDS 2015 trên cơ bản kế thừa những quy định của BTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 đều quy định nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa câu từ là đề nghị “xét xử ”vắng mặt và đề nghị “giải quyếtvắng mặt, có ý kiến cho rằng chỉ được đình vụ án áp dụng cho quá trình xét xử tại phiên tòa tác giả cho rằng sự thay đổi này là không đáng kể và quy định xét xử phải hiểu rằng đã bao hàm cả quá trình giải quyết vụ án và khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì đã đủ điều kiện Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án chứ không nhất thiết phải phân biệt ở giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án.

Ngoài ra, Tòa án ra quyết định đình chỉ khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là đúng bởi lẽ nguyên đơn là người khởi kiện và có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của BLTTDS nhưng Tòa triệu tập hợp lệ mà vẫn cố tình không đến thì được xem như từ bỏ yêu cầu của mình. Trong khi để đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải thực hiện rất nhiều thủ tục tố tụng. Nếu như làm theo quan điểm của tác giả bài viết trên thì vụ án sẽ bị kéo dài trong khi không có sự hợp tác của chính người đi kiện.

Do đó, trường hợp nguyên đơn vắng mặt tại phiên họp hòa giải đến lần thứ hai thì Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015.

3. Thứ ba, áp dụng tố tụng hành chính cho lĩnh vực tố tụng dân sự thì không đúng tinh thần pháp luật

Tác giả bài viết trên viện dẫn tinh thần của đạo luật khác (Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 20/6/2020 của TANDTC bv/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử là không đúng bởi lẽ sau:

Tại khoản 1 Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “ Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”  

Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 20/6/2020 của TANDTC hướng dẫn như sau: “Tại mục 3, phần III. Tố tụng hành chính của Công văn số: 89/TANDTC-PC ngày 20/6/2020 của TANDTC bv/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử có nêu “Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, người khởi kiện đã được triệp tập hợp lệ lần thứ hai đến Tòa án để lấy lời khai, nhưng vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng và không có văn bản đề nghị Tòa xét xử vắng mặt. Trường hợp này, Tòa án có được đình chỉ giải quyết vụ án không ?”, nội dung trả lời vấn đề này theo Công văn số 89 là việc Toàn án triệu tập để lấy lời khai thì Tòa án đình chỉ, nhưng trường hợp người khởi kiện được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên đối thoại mà vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp vụ án không tiến hành đối thoại được và Tòa án vẫn tiến hành các thủ tục để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, quy định giữa Luật Hành chính năm 2015 và BLTTDS năm 2015 là hai phạm trù khác nhau, Công văn 89/TANDTC-PC ngày 20/6/2020 của TANDTC cũng chỉ hướng dẫn cụ thể cho khoản 1 Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 áp dụng trong tố tụng hành chính nếu tác giả áp dụng cho lĩnh vực tố tụng dân sự trong khi đã có luật quy định thì không đúng tinh thần pháp luật.

Từ những phân tích, lập luận nêu trên tác giả cho rằng nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng không phân biệt là hòa giải hay tại phiên tòa.

4.Kiến nghị  

Từ những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tác giả kiến nghị TANDTC nên có văn bản hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 207 BLTTDS 2015 như sau:

Thứ nhất, theo tác giả khoản 1 Điều 207 BLTTDS 2015 cần được hướng dẫn theo hướng “Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt khôngvì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” để phù hợp và thống nhất với khoản 2 Điều 227 BLTTDS 2015.

Thứ hai, đối với trường hợp trong một vụ án dân sự có nhiều bị đơn, khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà có bị đơn vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì việc giải quyết của Tòa án sẽ như thế nào thì hiện nay luật chưa quy định rõ do đó quy định này cần được hướng dẫn bổ sung nhằm giải quyết nhanh vụ án dân sự. Theo tác giả, trường hợp có nhiều bị đơn trong một vụ án khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà có bị đơn vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì việc giải quyết của Tòa án sẽ căn cứ vào từng trường hợp:

Nếu vụ án có một nguyên đơn yêu cầu chung đối với nhiều bị đơn và chỉ cần một hoặc một số bị đơn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án lập biên bản xác nhận sự vắng mặt đó để tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, nếu các bị đơn có mặt chấp nhận thi hành toàn bộ nghĩa vụ cho các bị đơn vắng mặt trong vụ án thì Tòa án vẫn có thể tiến hành hòa giải giữa nguyên đơn và những bị đơn vắng mặt.

Nếu trong vụ án có nhiều bị đơn nhưng mỗi bị đơn có nghĩa vụ riêng biệt hoặc có nghĩa vụ chung theo phần thì đối với bị đơn vắng mặt, Tòa án sẽ lập biên bản về sự vắng mặt của họ để đưa phần có liên quan đến nghĩa vụ của họ ra xét xử, đồng thời tiến hành hòa giải giữa bị đơn có mặt với nguyên đơn. Như vậy, sẽ làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng và đạt được những kết quả cao nhất góp phần cải cách thủ tục tố tụng dân sự được nhanh gọn.

Thứ ba¸ đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì phải coi là họ từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp có đơn xin giải quyết vắng mặt hoặc có người đại diện hợp pháp tham gia để phù hợp và thống nhất với Điểm d khoản 2 Điều 227 BLTTDS 2015.

 

TAND tỉnh Hà Nam  xét xử vụ án tranh chấp đất đai - Ảnh: Lê Mai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Khoản 1 Điều 207 BLTTDS 2015.

[2] Khoản 4 Điều 68 BLTTDS 2015.

[3]Nguyễn Thị Thúy (2014), Hoàn thiện chế định hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa luật- Đại học quốc gia Hà Nội,tr.62.

[4] Lý Văn Toán (2017), “Những vụ án dân sự không được hòa giải và không tiến hành hòa giải được”, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 27.

NCS LÝ VĂN TOÁN (Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang)