Nguyễn Duy T phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tài khoản 3 Điều 175 BLHS năm 2015

Sau khi nghiên cứu bài viết "Nguyễn Duy T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản?" của tác giả Nguyễn Thành Luân đăng ngày 09/12/2020 tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê hoặc nhận tài sản từ người khác sau đó dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt hoặc cố tình không trả hoặc sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp khác. Đây là tội xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Trong trường hợp này, Nguyễn Duy T sau khi có được tài sản trên cơ sở hợp đồng đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của công ty và sau đó sử dụng vào mục đích bất hợp pháp khác, cụ thể:

Lần thứ nhất: Ngày 18/12/2017 là ngày  Công ty C có chương trình khuyến mãi, sau khi được cấp 160.000.000 đồng vào User Tnd_nan T đã chiếm đoạt bằng hình thức chuyển số tiền 144.000.000 đồng vào tài khoản của ông Nguyễn Duy H là bố đẻ của mình. Sau khi chiếm đoạt số tiền 144.000.000 đồng, T đã chuyển trả nợ cho chị V số tiền 21.000.000 đồng, anh Đ số tiền 2.000.000 đồng và số tiền có lại T khai sử dụng vào mục đích đánh bạc và chi tiêu cá nhân.

Lần thứ hai: Từ ngày 01/11/2017 đến ngày 18/12/2017 Nguyễn Duy T đã nhận từ thủ kho công ty A là anh Nguyễn Duy K với tổng số 2650 thẻ cào mệnh giá 20.000 đồng, 1400 thẻ cào mệnh giá 50.000 đồng, 430 thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng, 20 thẻ cào mệnh giá 200.000 đồng và 9 sim trắng Mutil 4G, 40 sim kit tom, 7 máy điện thoại A130 Black Blue, 5 máy điện thoại V6216i Blue giao cho chị M, chị L, chị H, đều là các điểm bán tại huyện C và một số điểm bán khác mà T không nhớ rõ tên tuổi và địa chỉ thu về tổng số tiền là 167.121.000 đồng. Sau khi thu được số tiền 167.121.000 đồng T không nộp về cho công ty A mà chiếm đoạt số tiền trên để sử dụng vào mục đích mà T khai là để đánh bạc và chi tiêu cá nhân.

Nguyễn Duy T biết rõ hậu quả tác hại của tội phạm nhưng vẫn cố ý thực hiện với mong muốn chiếm đoạt cho bằng được tài sản. Hành vi của Nguyễn Duy T thực hiện trước ngày 01/01/2018, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 140 BLHS năm 1999 với khung hình phạt “từ 7 đến 15 năm”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 175 BLHS năm 2015 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có khung hình phạt thấp hơn “từ 05 năm đến 12 năm”. Do đó, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, thì cần áp dụng khoản 3 Điều 175 BLHS năm 2015 theo hướng có lợi. Trong trường hợp này, Nguyễn Duy T đã nhiều lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty nên T phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

Trên đây là quan điểm đưa ra trao đổi cùng tác giả bài viết và quý bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

 

 Tòa án  huyện An Lão, Bình Định  xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Hồ Chí Trường

HỒ QUÂN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)