Nguyễn Duy T phạm tội tham ô tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Duy T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản?” của tác giả Nguyễn Thành Luân đăng ngày 10/12/2020, tôi có quan điểm đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng Nguyễn Duy T phạm tội tham ô tài sản quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015.

Tham ô tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụi, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. BLHS năm 2015 quy định về tội tham ô tài sản có hành vi gần giống với các tội có tính chất chiếm đoạt quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015 như: Tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Trên thực tiễn, nếu xác định không đúng tư cách của người có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt thì dễ nhầm lẫn. Đồng nghĩa với việc trong vụ án này, việc xác định yếu tố chủ thể sẽ là yếu tố quyết định tới việc định tội danh của Nguyễn Duy T.

Chủ thể của tội tham ô tài sản phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: Độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các điều 12, 21 BLHS năm 2015 như các tội có tính chất chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đối với tội tham ô tài sản, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Người phạm tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Ngoài những cán bộ, công chức ra, chủ thể của tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.

Bên canh đó Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng có nhiều quy định về chủ thể thực hiện các hành vi tham nhũng (trong đó có tham ô tài sản). Tại khoản 2 Điều 3 Luật này quy định Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

“a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”

Theo dữ liệu mà tác giả cung cấp thì “Ngày 17/12/2013 Nguyễn Duy T ký hợp đồng dịch vụ (dịch vụ bán hàng điểm bán) với Công ty A có thời hạn, nội dung công việc Công ty A thuê T cung ứng dịch vụ bán hàng như sau: Đưa hàng cho điểm bán và quản lý tiền hàng; kiểm kê hàng hóa tại điểm bán; hướng dẫn dịch vụ, nghiệp vụ bán hàng cho điểm bán. Từ đây có thể xác định tuy Nguyễn Duy T không phải là cán bộ, công chức nhưng T được Công ty A ký hợp đồng dịch vụ làm một công việc nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản (đó là tiền hàng) và T có trách nhiệm quản lý đối với tài sản đó. Trên thực tế, Nguyễn Duy T đã không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý tài sản như nội dung hợp đồng ký kết với công ty A và T đã thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty A.

Từ những phân trích trên có thể khẳng định, Nguyễn Duy T tuy không phải là cán bộ công chức; T là người đã ký kết hợp đồng dịch vụ với công ty A, T phải có trách nhiệm trong việc quản lý tiền hàng mang về bàn giao cho công ty A theo nội dung hợp đồng nhưng T đã chiếm đoạt số tiền trên để chi tiêu cá nhân và sử dụng vào hành vi vi phạm pháp luật khác (đánh bạc). Do vậy, hành vi của Nguyễn Duy T chính là hành vi tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015.

Mặt khác, T đã thực hiện 02 hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty A với tổng số tiền là 311.121.000 đồng (Biên bản xác định tổng công nợ giữa công ty A và T) do vậy Nguyễn Duy T phải bị xử lý theo điểm c, d khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015.

Trên đây là nội dung trao đổi của tôi về bài viết “Nguyễn Duy T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tham ô tài sản?”. Rất mong nhận được ý kiến thảo luận của độc giả.



Tòa án huyện Quang Bình, Hà Giang xét xử vụ án tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ảnh: Trung Hậu / Báo HG

 

DƯƠNG VĂN HƯNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)