Nguyễn Huy N là người làm chứng trong vụ án
Sau khi đọc bài viết “Xác định tư cách tố tụng trong tội “Chống người thi hành công vụ” như thế nào cho đúng?” của tác giả Nguyễn Thị Mai đăng ngày 29/3/2023, theo quan điểm của tôi Nguyễn Huy N được xác định là người làm chứng trong vụ án.
- Thứ nhất, BLTTHS quy định cụ thể về những người tham gia tố tụng. Tại khoản 1 Điều 62 BLTTHS xác định bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra; khoản 1 Điều 63 BLTTHS xác định nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; khoản 1 Điều 65 BLTTHS xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; và tại khoản 1 Điều 66 BLTTHS xác định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Với các quy định này thì trong các vụ án, cá nhân hoặc tổ chức chỉ được xác định là bị hại khi cá nhân hoặc tổ chức đó bị thiệt hại phải do người hoặc pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội trực tiếp gây ra thiệt hại đó. Trong trường hợp thiệt hại không bị tội phạm trực tiếp gây ra thì chỉ có thể xác định là nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, chỉ xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khi chủ thể đó có quyền được bảo vệ hoặc có nghĩa vụ phải thi hành trong vụ án. Đối với nguyên đơn dân sự thì khi bị thiệt hại họ phải có yêu cầu bồi thường, nếu không yêu cầu thì không xem xét giải quyết... Trong trường hợp không xác định được là bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ án, tính chất chứng minh tội phạm… để xác định đó là người làm chứng để chứng minh hành vi của người phạm tội.
- Thứ hai, theo nội dung vụ án thì sau khi bị Lê Xuân H đánh, Nguyễn Huy N được đưa đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và “Cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể đối với anh N, tuy nhiên, do chỉ bị thương, xây xát nhẹ nên anh N đã từ chối giám định, cam đoan tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của bản thân, không khiếu kiện, khiếu nại gì và không yêu cầu Lê Xuân H phải bồi thường gì”. Trong vụ việc thể hiện rõ, N bị H đánh và gây thương tích, gây xây xát nhẹ, nên về lý luận thì có thể xác định N là bị hại trong vụ án, vì N trực tiếp bị H gây thiệt hại. Tuy nhiên, trong vụ việc thiệt hại ở mức độ nào thì không xác định được, do N từ chối giám định và không yêu cầu bồi thường gì nên không có cơ sở xác định thiệt hại của N. Do vậy, không thể xác định N là bị hại trong vụ án này, cũng như không thể xác định N là nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Khi N từ chối giám định và không yêu cầu H bồi thường thì không có cơ sở để xác định N có quyền, cũng như nghĩa vụ gì trong vụ án để xem xét giải quyết. Tuy nhiên, do N là người trực tiếp làm việc với H để giải quyết việc H gây rối và N bị H đánh. Như vậy, N là người trực tiếp chứng kiến và biết toàn bộ sự việc phạm tội của H, hay nói cách khác N là người biết về các tình tiết của vụ án, nên phải xác định N là người làm chứng trong vụ án để làm cơ sở giải quyết đúng đắn.
Trên đây là quan điểm của cá nhân về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Nguyễn Huy N trong vụ án cụ thể, mong bạn đọc cùng trao đổi để làm rõ vấn đề./.
Tòa án nhân dân tp Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình xét xử vụ “Chống người thi hành công vụ”- Ảnh: Mai Cao Hải
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận