Nguyễn Quang A có đồng phạm tội giết người không?

          Chế định đồng phạm là một trong những chế định quan trọng của pháp luật hình sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 và khoản 1 Điều 17 BLHS 2015 thì trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì được gọi là đồng phạm.

         Trong luật hình sự, đồng phạm là hình thức phạm tội đặc biệt, có nhiều điểm khác so với trường hợp phạm tội riêng lẻ. Do đó, BLHS đã quy định nguyên tắc xử lý có tính riêng biệt cho trường hợp phạm tội này và quy định bổ sung về trách nhiệm hình sự của đồng phạm và của từng loại người đồng phạm.

         Về mặt lý luận thì đồng phạm có những dấu hiệu sau:

         Về mặt khách quan, đồng phạm có ít nhất hai người trở lên, có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm và cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Cùng thực hiện một tội phạm có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi như sau: Hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm, hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm. Trong vụ đồng phạm có thể có đủ bốn loại hành vi tham gia nhưng cũng có thể chỉ có một loại hành vi.

         Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều phải có lỗi cố ý. Với một số tội phạm có dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc thì những người cùng thực hiện đòi hỏi phải có cùng mục đích này. Những người đồng phạm cũng cần có sự thống nhất về ý chí, hứa hẹn trước với nhau, mong muốn sự liên kết hành vi để cùng gây ra hậu qủa nguy hiểm cho xã hội. Dấu hiệu về thống nhất ý chí, có hứa hẹn trước này cũng là một trong những điểm để phân biệt từng loại người đồng phạm với một số tội phạm độc lập khác như tội che giấu tội phạm, tội không tố giác tội phạm,…

         Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng phân định được có đồng phạm hay không trong một vụ án. Tác giả xin nêu tóm tắt nội dung vụ án sau đây để bạn đọc cùng trao đổi:

         Dương Văn H và Nguyễn Văn M là bạn bè cùng thôn. H có cho M mượn số tiền là 250.000.000 đồng để M mua xe ô tô tải chở nguyên vật liệu thuê. Khi mượn tiền, M hứa với H là 01 năm sau sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi (lãi tính theo lãi suất ngân hàng), nhưng đến 02 năm sau, H đã nhiều lần đến nhà M đòi tiền, nhưng cả hai vợ chồng M nhất quyết không trả tiền cho H và nói không có bằng chứng về việc H cho M vay tiền (khi cho vay tiền, hai bên chỉ nói miệng với nhau mà không có bất cứ giấy tờ nào ghi nhận việc vay nợ này), đồng thời M còn có lời nói thách thức H: “Tao không trả tiền mày đấy, mày làm gì được tao…” khiến H vô cùng tức giận.  

         Ngày 10/11/2016, H gặp Nguyễn Quang A (là bạn cùng thôn) tại quán rượu, H kể cho A nghe về việc cho M mượn tiền và nói: “Ngày mai tao sẽ đến nhà thằng M đòi tiền, nếu nó không trả tiền  cho tao thì tao đâm chết m… nó đi”. Rồi H nói với A: “Mày đi với tao nhé.” A không nói gì.

         Đến hôm sau, H một mình đến nhà M nhưng không có ai ở nhà. Hai ngày sau, H lại đến nhà M, trong người có thủ sẵn 01 con dao nhọn, loại dao dùng để gọt hoa quả. Trên đường đi, H gặp A, H nói: “Mày đến nhà thằng M với tao không?” thì A nói: “Đi”.

         Khi cả hai đến nhà M, có một mình M ở nhà, H vào nói chuyện đòi tiền M, còn A ở ngoài sân nhà M hút thuốc lá. Khi đang hút thuốc lá thì A nghe thấy một tiếng huỵch rất mạnh, lúc A chạy vào thì thấy M đã chết trên vũng máu, trên tay H đang cầm một con dao dính máu. Thấy A, H nói: “Tao giết chết thằng M rồi, giờ mang xác nó đi giấu thôi”. Nói rồi A và H mang xác M đi giấu vào bụi chuối đằng sau nhà M.

         Dương Văn H và Nguyễn Quang A bị truy tố và xét xử về tội giết người. Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thêm quy định của pháp luật về đồng phạm và cá thể hóa hình phạt đối với Nguyễn Quang A. 

          Đối với vụ án này, việc định tội danh giết người đối với Dương Văn H thì các cơ quan tiến hành tố tụng đều có quan điểm thống nhất và dư luận xã hội cũng đồng tình.

         Tuy nhiên, việc xác định Nguyễn Quang A đồng phạm tội giết người trong vụ án này còn có nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể, có hai quan điểm trái ngược như sau:

         Quan điểm  thứ nhất cho rằng: A không đồng phạm tội giết người trong vụ án này. Bởi lẽ, thời điểm gặp nhau ở quán rượu, khi nghe H nói về ý định giết M để trút giận cách thời điểm thực hiện hành vi giết người của H là 03 ngày, hơn nữa, khi nghe H nói về việc này A cũng không nói gì. Trong các bút lục A đều khai A không đồng tình với H về việc giết M, khi gặp H trên đường, H rủ A đến nhà M, A nhận lời đi vì nghĩ việc H nói giết M là lời nói của người say. Do đó, dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội, không có đủ căn cứ để kết luận A đồng phạm tội giết người.

         Quan điểm thứ hai lại cho rằng: A đồng phạm tội giết người cùng với H, bởi lẽ, A biết rõ ý định giết M của H nhưng không có ý kiến gì, A im lặng khi nghe H nói về kế hoạch giết M tức là A đồng ý với ý định đó của H, tức là cả hai bên có sự thống nhất về mặt ý chí trong việc giết chết M. Do đó, khi gặp nhau ở ngoài đường, H rủ A đến nhà M, A đã đi luôn mà không từ chối. Đặc biệt, khi nhìn thấy H giết chết M, A đã cùng H mang giấu xác của M đi. Như vậy, A đồng phạm tội giết người với vai trò giúp sức.

         Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, trong trường hợp này chưa đủ căn cứ để kết luận A đồng phạm tội giết người. Bởi lẽ, trong vụ án này không có căn cứ, tình tiết nào chứng minh ý chí chủ quan của A là thống nhất với H về việc thực hiện hành vi giết M, kể cả là đồng phạm giản đơn. Do vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, do đó, nếu không có căn cứ pháp luật để xác định A phạm tội thì phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước ta để kết luận A không đồng phạm tội giết người, chứ không thể suy đoán theo hướng A im lặng là đồng ý với H về việc giết M để buộc tội giết người cho A được.

         Trên  đây là vụ án còn nhiều quan điểm tranh luận khác nhau, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất./.

Nga Phạm