Nguyễn Thế A phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”

Ngày 23/8/2020, Tạp chí Tòa án nhân dân ĐT có đăng bài viết “Nguyễn Thế A phạm tội gì” của tác giả Trần Thanh Bài. Sau khi nghiên cứu nội dung bài viết, tôi cho rằng Nguyễn Thế A phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Thứ nhất, tôi đồng ý với tác giả rằng, hành vi của Nguyễn Thế A không thể cấu thành hai tội độc lập như quan điểm thứ nhất.

Thứ hai, hành vi dùng dao khua của Nguyễn Thế A xảy ra khi A bị nhóm M, S, Kh liên tục dùng chổi, tay, chân đánh, dồn A về cuối hành lang, làm cho A ngã ngồi xuống đất. Lúc này, nhóm M, S, Kh vẫn tiếp tục đánh A mà không chịu dừng lại, Nguyễn Thế A đã sử dụng dao nhọn mang theo người khua chống trả lại nhằm phòng vệ (chống trả lại những người tấn công mình), do tinh thần lúc đó bị hoảng loạn, nên không những gây thương tích cho những người tấn công mình. Do vậy, hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015.

Thứ 3, tác giả cho rằng, việc A nói “không phải xuống, thích thì sô lô một một” thể hiện việc A không chịu nhường nhịn, không cùng giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình. Tôi không đồng ý với quan điểm này bởi hành vi này có sự gián đoạn với nhóm hành vi sau bởi ngay lúc đó, cô giáo và các học viên cùng lớp đã ra can ngăn, A cũng đã đi vào lớp. Chính M là người chủ động xông đến có hành vi gây thương tích cho A trước.

Thứ tư, tác giả cho rằng, A rõ ràng biết ngoài nhóm người đánh mình còn có những người can ngăn nhưng vẫn cố tình rút dao khua qua lại nhiều lần. Tình tiết vụ án tác giả đưa ra đã thể hiện rất rõ “Lúc này, cô giáo Trần Thị S cùng một số học viên lớp tiếng Đài Loan can ngăn và đứng chắn phía trước Thế A, nên nhóm M và Hồng S dừng lại. Hà Văn L đứng cạnh đỡ Thế A, cùng lúc này, Giang Văn Kh, Nguyễn Trường Gi và Nguyễn Đức Qu và một số người khác chạy lên, đến nơi Kh, Gi cùng Hồng S tiếp tục xông vào gạt những người đang can ngăn để đánh và dồn Thế A về hướng cuối hành lang”. Như vậy, A hoàn toàn có thể không biết những người can ngăn bị cuốn theo cả nhóm bởi A bị nhiều người nhảy vào đánh cùng một lúc, A chi lo hứng chịu những cú đấm, đá và tìm cách thoát khỏi nó. Những người lẽ ra phải biết có những người can ngăn bị cuốn theo là nhóm người đang đánh A. Họ phải biết rằng, cuộc ẩu đả giữa hai bên có thể gây thương tích cho những người không liên quan đó.

Thứ năm, tác giả cho rằng, khi A bị ngã ngồi trước cửa nhà vệ sinh thì A vẫn còn không gian thoải mái để A dùng tay lấy dao và những người đánh A không còn quyết liệt nữa. Tình tiết vụ án tác giả đưa ra là: “Bị ngã và tiếp tục bị đánh, Nguyễn Thế A dùng tay phải lấy con dao bấm mang theo để ở túi quần, hướng mũi dao phía trước lên trên, ở tư thế ngồi bệt khua mạnh dao qua trái, qua phải nhiều lần hướng vào nhóm người đang đánh mình và bị rơi dao. Nhóm người vẫn tiếp tục dồn đánh”. Như vậy, từ đầu cho đến khi A ngã và sau khi A ngã, nhóm người đánh A không có dấu hiệu dừng lại hành động của mình nên không thể nói A có khoảng không gian thoải mái và những người đánh A không còn quyết liệt nữa. Lúc này, A đang ngồi thấp hơn so với những người khác, trong khi những người đó đang liên tục có hành vi đấm, đá A, hành vi rút dao khua của A chỉ mang tính chất phòng vệ, giúp A thoát khỏi hoàn cảnh đó, nếu tiếp tục chịu trận, A hoàn toàn có thể bị thương nặng, thậm chí tính mạng bị đe dọa.

Do đó, hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến từ bạn đọc./.

Ảnh minh họa Internet

 

VĂN LINH (TAQS Khu vực Quân chủng Hải quân)