Nguyễn Thế A phạm tội gì?

Bị nhiều người dồn đuổi và ngã bệt trước cửa nhà vệ sinh, Nguyễn Thế A rút dao bấm trong túi ra khua loạn xa, khiến một người tử vong và ba người khác bị thương. Xác định tội danh của Nguyễn Thế A còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 13/8/2018, Đào Duy Phúc M, Nguyễn Hồng S và Giang Văn Kh là học viên lớp nghề Trường Trung cấp nghề BĐ đi lên tầng 2 nhà giảng đường 5 tầng tìm Nguyễn Thế A là học viên tiếng Đài Loan (tiếng Trung) cùng trường đang học tiếng để nói chuyện (do trước đó, M và Thế A có mâu thuẫn). Khi M và Hồng S lên đến tầng 2 thì thấy Thế A đang đứng ở góc hành lang phía trước phòng 204 cạnh phòng giáo viên. M nói: “Mày xuống dưới sân nói chuyện”. Hai người lời qua tiếng lại. Thế A nói: “không phải xuống, thích thì sô lô một một”. Thấy hai bên to tiếng, một số học viên cùng lớp với Thế A và cô giáo dạy tiếng Đài Loan là Trần Thị S ra can ngăn và kéo Thế A vào lớp.

Khi Thế A đi vào đứng ở cửa phòng 205, phía gần phòng giáo viên, thì M xông đến, dùng tay phải tát mạnh trúng mặt Thế A, Thế A cúi xuống vung tay về phía M đẩy ra, cùng lúc này, Hồng S xông vào, cầm chổi đót cán nhựa đánh mạnh trúng đầu Thế A gãy cán chổi, làm trán Thế A bị tổn thương cơ thể 02%. Thế A bị đánh dồn về phía cuối hành lang, đến đoạn giữa hai cửa của phòng 205 thì bị ngã. Lúc này, cô giáo Trần Thị S cùng một số học viên lớp tiếng Đài Loan can ngăn và đứng chắn phía trước Thế A, nên nhóm M và Hồng S dừng lại. Hà Văn L đứng cạnh đỡ Thế A, cùng lúc này, Giang Văn Kh, Nguyễn Trường Gi và Nguyễn Đức Qu và một số người khác chạy lên, đến nơi Kh, Gi cùng Hồng S tiếp tục xông vào gạt những người đang can ngăn để đánh và dồn Thế A về hướng cuối hành lang. Qu, L và một số người can ngăn cũng bị dồn theo. Kh dùng chân trái đạp trúng hông bên trái và dùng tay đấm trúng người Thế A. Gi xông vào dùng tay phải tát mạnh từ phải qua trái, từ trên xuống dưới trúng vùng tai bên trái Thế A, Gi tiếp tục vung tay đánh tiếp nhưng bị chen lấn nên không trúng và bị ngã, nhóm người tiếp tục dồn đánh làm Thế A bị ngã ngồi bệt trước cửa nhà vệ sinh.

Bị ngã và tiếp tục bị đánh, Nguyễn Thế A dùng tay phải lấy con dao bấm mang theo để ở túi quần, hướng mũi dao phía trước lên trên, ở tư thế ngồi bệt khua mạnh dao qua trái, qua phải nhiều lần hướng vào nhóm người đang đánh mình và bị rơi dao. Nhóm người vẫn tiếp tục dồn đánh. Thế A dùng tay phải sờ và nhặt được dao ở dưới nền hành lang chỗ gần chân phải và chuyển dao sang cầm tay trái, mũi dao quay xuống dưới, lưỡi dao hướng ra ngoài rồi vừa đứng dậy vừa vung mạnh dao từ phải qua trái, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên nhiều lần hướng về phía nhóm người đang đánh mình làm Nguyễn Hồng S bị thương ở vùng cổ, phổi, sườn, nách, lưng trái, sườn phải, gan tay ngón 4, 5 bàn tay trái, đùi phải dẫn đến tử vong; Hà Văn L bị thương ở bụng gây tổn thương cơ thể là 70%; Giang Văn Kh bị thương ở bụng gây tổn thương cơ thể là 58%; Nguyễn Đức Qu bị thương ở khuỷu tay phải và đùi phải gây tổn thương cơ thể là 09%; Trần Thị S bị thương ở đùi trái, từ chối giám định nên không xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Sau đó mọi người bỏ chạy ngược ra phía ngoài, thấy vậy, Thế A cầm dao đuổi theo mấy bước thì dừng lại. Lúc này, thấy Bùi Thanh Th là bạn học đi đến hỏi, Thế A dùng tay gấp lưỡi dao lại và đưa cho Th cầm, cùng lúc Thế A quay lại nhìn về cuối hành lang thấy L tay ôm bụng bên trái từ từ ngã gục xuống hành lang trước nhà vệ sinh, Thế A quay lại cùng các bạn đưa L vào Bệnh viện Y cấp cứu.

(Hành vi của Nguyễn Hồng S, Đào Duy Phúc M, Nguyễn Trường Gi và Giang Văn Kh cùng nhau gây thương tích tổn thương cơ thể cho Nguyễn Thế A 02%, gây mất trật tự an ninh, an toàn khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động trong nhà trường;  Nguyễn Thế A đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của những người này nên Đào Duy Phúc M, Nguyễn Trường Gi và Giang Văn Kh sẽ bị xử lý về tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 BLHS 2015).

Trong vụ án này, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về xác định tội danh đối với hành vi của Nguyễn Thế A, cụ thể như sau:

* Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Thế A phạm tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS 2015 và tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015. Với những lập luận sau:

Thứ nhất: Hành vi của Nguyễn Thế A dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho Hà Văn L bị tổn thương cơ thể 70% và Nguyễn Đức Qu bị tổn thương cơ thể 09%, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 và Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d khoản 4 Điều 136 BLHS 2015.

Thứ hai: Khi bị nhóm Đào Duy Phúc M, Nguyễn Hồng S và Giang Văn Kh đã cùng nhau có hành vi dùng chổi, tay, chân đánh Nguyễn Thế A bị chảy máu ở vùng trán bị tổn thương cơ thể 02% và nhóm này tiếp tục dồn đánh Nguyễn Thế A bị ngã ngồi bệt trước nhà vệ sinh cuối hành lang. Trong lúc bị đánh ngã đau, Nguyễn Thế A đã sử dụng dao nhọn mang theo người khua chống trả lại và gây thương tích cho Nguyễn Hồng S bị thương dẫn đến tử vong và Giang Văn Kh bị tổn thương cơ thể 58%. Do vậy, hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo quy định tại khoản 3 Điều 136 BLHS 2015.

* Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Thế A chỉ phạm tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015, vì:

Nhóm Đào Duy Phúc M, Nguyễn Hồng S và Giang Văn Kh đã cùng nhau có hành vi dùng chổi, tay, chân đánh Nguyễn Thế A bị chảy máu ở vùng trán, mặc dù có nhiều người can ngăn, nhưng nhóm người này vẫn quyết liệt dồn Nguyễn Thế A cùng những người can ngăn về cuối hành lang và đấm, đá làm cho Nguyễn Thế A bị ngã ngồi bệt trước nhà vệ sinh cuối hành lang. Trong lúc bị đánh ngã đau, Nguyễn Thế A đã sử dụng dao nhọn mang theo người khua chống trả lại nhằm phòng vệ (chống trả lại những người tấn công mình), do tinh thần lúc đó bị hoảng loạn, nên không những gây thương tích cho những người tấn công mình cụ thể: gây thương tích cho Nguyễn Hồng S bị thương dẫn đến tử vong và Giang Văn Kh bị tổn thương cơ thể 58%, mà còn gây thương tích cho những người can ngăn như: gây thương tích cho Hà Văn L bị tổn thương cơ thể 70%, Nguyễn Đức Qu bị tổn thương cơ thể 09% và Trần Thị S bị thương ở đùi trái nhưng từ chối giám định nên không xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể. Do vậy, hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 3 Điều 136 BLHS 2015.

* Quan điểm thứ ba và cũng là quan điểm của tác giả: Hành vi của Nguyễn Thế A phạm tội “cố ý gây thương tích” quy định tại điểm b khoản 5 Điều 134 BLHS 2015. Với những lập luận sau:

– Trước hết phải khẳng định: Một hành vi cố ý gây thương tích tại một thời điểm cho dù với nhiều người cũng không thể cấu thành hai tội danh độc lập được.

– Qua lời khai của bị can Nguyễn Thế A và Đào Duy Phúc M cũng như những người làm chứng khác thể hiện: Do trước đó, M và Thế A có mâu thuẫn. Khi M và Nguyễn Hồng S lên lớp học tầng 2 gặp Thế A, M nói: “Mày xuống dưới sân nói chuyện”; Thế A nói: “không phải xuống, thích thì sô lô một một”. Ở đây cũng đã thể hiện, Nguyễn Thế A cũng không chịu nhường nhịn, không cùng giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa giải, mà đã chủ động sẵn sàng gây gổ, đánh nhau.

– Lúc bị nhóm của M, S… đuổi đánh có rất nhiều người can ngăn và đứng chắn phía trước Nguyễn Thế A, như: cô giáo Trần Thị S, Hà Văn L… mà rõ ràng Nguyễn Thế A biết rõ điều này.

– Nguyễn Hồng S gây thương tích phần mềm vùng trán của Nguyễn Thế A tỷ lệ tổn thương cơ thể chỉ có 02%.

– Khi nhóm người dồn đánh làm Nguyễn Thế A bị ngã ngồi bệt trước cửa nhà vệ sinh,  trước mặt Thế A vẫn có khoảng không gian để Thế A thoải mái dùng tay phải lấy dao ở túi quần rồi bấm nút mở lưỡi dao. Có thể hiểu là lúc này những người dồn đánh Thế A không còn quyết liệt, áp sát Thế A nữa, hơn nữa, lúc này vẫn có nhiều người can ngăn đứng gần Thế A, nên Thế A mới dễ dàng lấy dao và sử dụng dao như vậy. Mặc dù Thế A biết là dùng dao sắc nhọn để khua vào cơ thể người khác là rất nguy hiểm, nhưng Thế A vẫn dùng dao để gây thương tích cho những người xung quanh mình; không chỉ gây thương tích cho những người đánh mình, mà còn gây thương tích cho những người can ngăn. Trong lúc lộn xộn như thế, khó có thể nói Thế A xác định được ai là người đánh mình để có “hành vi chống trả”, dẫn đến Thế A đã gây thương tích cho rất nhiều người, ngoài gây thương tích cho Nguyễn Hồng S, Giang Văn Kh là những người đánh mình, Thế A còn gây thương tích cho Hà Văn L, Trần Thị S (là người can ngăn) và Nguyễn Đức Qu (là người không tham gia cuộc ẩu đả này).

– Lúc đầu, do nhóm người dồn đánh, nên Nguyễn Thế A đã có hành vi chống trả để phòng vệ, Nguyễn Thế A ý thức được việc dùng dao sắc nhọn sẽ gây thương tích cho người khác, nhưng vẫn sử dụng và khi sử dụng dao để chống trả những người đánh mình, Nguyễn Thế A cũng không phân biệt được ai là người đánh mình để chống trả, ai là người can ngăn… mặc cho hậu quả xảy ra và khi Nguyễn Thế A ngã ngồi bệt rút dao khua về phía nhóm người phía trước bị rơi dao, Thế A nhặt dao tiếp tục vừa đứng dậy vừa vung mạnh dao vào những người phía trước, thì lúc này không còn là hành vi chống trả để phòng vệ nữa. Thực tế, ngoài gây thương tích cho những người tấn công mình như: gây thương tích cho Nguyễn Hồng S bị thương dẫn đến tử vong và Giang Văn Kh bị tổn thương cơ thể 58%, còn gây thương tích cho những người can ngăn như: gây thương tích cho Hà Văn L bị tổn thương cơ thể 70%, Nguyễn Đức Qu bị tổn thương cơ thể 09% và cô giáo Trần Thị S bị thương ở đùi trái nhưng từ chối giám định nên không xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 và Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thì con dao mà Nguyễn Thế A sử dụng gây thương tích cho những nạn nhân nói trên là “hung khí nguy hiểm”.

Như vậy, hành vi cố ý gây thương tích của Nguyễn Thế A, hậu quả là Nguyễn Hồng S bị thương dẫn đến tử vong, Hà Văn L bị tổn thương cơ thể 70% và dùng hung khí nguy hiểm đã thỏa mãn đầy đủ các tình tiết quy định tại điểm b khoản 5 Điều 134 BLHS 2015. Do vậy, hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 134 BLHS 2015.

* Quan điểm thứ tư cũng đồng quan điểm với quan điểm thứ ba về xác định tội danh, Nguyễn Thế A phạm tội “cố ý gây thương tích” nhưng khác về việc áp dụng điểm, khoản của BLHS. Bởi hành vi của Nguyễn Thế A cố ý gây thương tích cho Nguyễn Hồng S dẫn đến tử vong, nên đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS 2015 (làm chết người) và hành vi của Nguyễn Thế A dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho Hà Văn L bị tổn thương cơ thể 70%, theo tinh thần Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 và Nghị quyết số 01/2006/TANDTC, thì con dao mà Nguyễn Thế A sử dụng gây thương tích nói trên là “hung khí nguy hiểm”, nên hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS 2015.

Do vậy, hành vi của Nguyễn Thế A đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích” quy định tại các điểm a, d khoản 4 Điều 134 BLHS 2015.

Trên đây là các quan điểm khác nhau về định tội danh, áp dụng điểm, khoản của BLHS đối với Nguyễn Thế A trong vụ án nêu trên. Chúng tôi rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến từ đồng nghiệp và bạn đọc./.

TAND huyện Đak Pơ, Gia Lai  xét xử vụ án cố ý gây thương tích – Ảnh: Lan Anh/ GLo

 

 

ThS. TRẦN THANH BÀI (Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội)