Nguyễn Thị Đ có tội
Qua nghiên cứu bài viết Nguyễn Thị Đ phạm tội gì của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ đăng tải trên Tạp chí TAND điện tử ngày 04/9/2020, tôi khẳng định Nguyễn Thị Đ và các đối tượng liên quan đều có tội.
Với nội dung tác giả đưa ra, tôi xin phân tích để đưa ra quan điểm xác định tội danh như sau:
Theo Bản án dân sự số 191/2019/DS-PT ngày 20/10/2019 của TAND tỉnh H, thì bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất được hưởng thừa kế 100m2 đất, trên đó có nhà cấp 4, sân và một kiốt bán hàng; và người phải thi hành án là Nguyễn Thị Đ. Do Nguyễn Thị Đ không tự nguyện thi hành án nên ngày 27/12/2019, Đội thi hành án huyện G tỉnh H tổ chức cưỡng chế thi hành án. (Như vậy, Bản án nêu trên đã có hiệu lực pháp luật).
Tại buổi cưỡng chế, Nguyễn Thị Đ không đồng ý ký vào biên bản cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Đội thi hành án Nguyễn Thị Đ vẫn dọn toàn bộ tài sản ra khỏi căn nhà, khoá cửa và giao nhà cho các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất. Mặc dù, Nguyễn Thị Đ không đồng ý ký vào biên bản cưỡng chế thi hành án nhưng vẫn thu dọn tài sản mang ra khỏi nhà, khóa cửa và giao nhà cho các bà Ngọ, Tuất nên ở đây, việc không ký vào biên bản không đồng nghĩa với việc Nguyễn Thị Đ không chấp hành bản án và Quyết định cưỡng chế thi hành án (như đã nêu ở trên thì bản án được xem là có hiệu lực pháp luật). Đến thời điểm này thì việc thi hành bản án về cơ bản đã được thực hiện xong.
Sau đó, Đội thi hành án cũng đã tổ chức bảo vệ cho hai gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất xây dựng bức tường gạch dài 13 m, cao 0,7 m để ngăn cách phần đất mà các bà được hưởng thừa kế với đất của Nguyễn Thị Đ. Đến 19 giờ cùng ngày, lợi dụng các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất chưa đến ở, Nguyễn Thị Đ đã cùng một số người dùng xẻng, xà beng cậy phá bức tường mới xây; phá khoá để mang đồ đạc vào nhà rồi ở luôn tại ngôi nhà đó.
Ở đây, hành vi phá tường của các đối tượng cũng đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập chứ không thuộc trường hợp “thu hút tội danh” như quan điểm thứ nhất mà tác giả đã nêu ra (mặc dù mục đích chính của các đối tượng khi cùng nhau dùng xẻng, xà beng cậy phá bức tường mới xây, phá khóa, mang đồ đạc vào nhà là để ở lại trái phép). Thực tiễn ngày nay, khi một người thực hiện nhiều hành vi khách quan trong cùng một vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng đều hướng đến việc xem xét mỗi hành vi khách quan đó có cấu thành một tội phạm độc lập hay không chứ không theo hướng “thu hút tội danh” như trước đây. Theo nội dung tác giả cung cấp thì thiệt hại của bức tường là 2.500.000 đ, không nêu rõ là tường hư hỏng hoàn toàn hay chỉ một phần (đây là vấn đề quan trọng để xác định tội danh cho chính xác) nên Nguyễn Thị Đ và các đối tượng khác đều phạm tội “Hủy hoại tài sản” hoặc “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 BLHS sự.
Tiếp đó, khi phát hiện thấy tường bị phá, nhà và kiốt bị chiếm, các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất đã yêu cầu Nguyễn Thị Đ trả lại nhưng không được, nên đã đề nghị UBND xã giải quyết. UBND xã đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu Nguyễn Thị Đ ra khỏi căn nhà và xây lại bức tường để giao lại nhà cho các bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất nhưng Nguyễn Thị Đ không những không chấp hành mà còn cho người khác sử dụng kiốt để kinh doanh. Tổng số tài sản mà Nguyễn Thị Đ chiếm đoạt có giá trị là 510.000.000 đ.
Tác giả cũng không nêu rõ là số tài sản mà Nguyễn Thị Đ chiếm đoạt gồm những gì mà chỉ nêu tổng giá trị tài sản dẫn đến gây khó khăn cho việc xác định tội danh (tài sản ở đây là bất động sản hay còn có thêm động sản khác). Căn cứ vào cách diễn đạt của tác giả thì tôi nghĩ rằng tác giả đang nói đến số tài sản bị xâm phạm là bất động sản gồm nhà và kiốt. Nếu như vậy thì Nguyễn Thị Đ đã phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại các điểm c, d, khoản 1, Điều 158 BLHS.
Căn nhà và kiốt nêu trong vụ án đã được Tòa án tuyên giao cho bà Ngọ và bà Tuất hưởng thừa kế, tức là đã có căn cứ để xác lập quyền sở hữu cho cả hai người này theo quy định của pháp luật dân sự (khoản 2, Điều 221 BLDS). Do Nguyễn Thị Đ không tự nguyện thi hành nên bị ra Quyết định cưỡng chế thi hành án và đến ngày thi hành án thì Nguyễn Thị Đ cũng đã bàn giao (mặc dù không ký biên bản). Tại thời điểm này, căn nhà và kiốt này hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của các bà Ngọ, Tuất nên sau đó, Đ đột nhập và ở luôn lại trong căn nhà là đã đủ yếu tố cấu thành tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. Xin nói thêm, bởi vì tác giả đã nêu là bà Ngọ và bà Tuất chưa dọn đến ở, tức là căn nhà được sử dụng vào mục đích để ở, nên mới đảm bảo yếu tố cấu thành của tội phạm này. Nếu căn nhà không được sử dụng vào mục đích để ở thì không cấu thành tội này vì theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú”. Theo quy định tại Điều 3 của Luật Nhà ở thì “nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”.
Và cũng bởi vì vào thời điểm này, Nguyễn Thị Đ đã bàn giao căn nhà nên hành vi xâm nhập căn nhà vào tối cùng ngày không cấu thành tội “Không chấp hành án” theo Điều 379 BLHS.
Nguyễn Thị Đ cũng không phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS vì theo cấu thành tội phạm này, Đ phải có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai, không dùng bất kỳ thủ đoạn nào và bị hại không có biện pháp nào để bảo vệ được tài sản. Đồng thời, một yếu tố then chốt để xác định hành vi của Đ không cấu thành tội phạm này là vì không thể có việc chiếm đoạt tài sản xảy ra ở đây do đây là bất động sản và đã được chuyển giao quyền sở hữu theo quy định pháp luật, nên về bản chất, Đ có muốn chiếm đoạt cũng không thể chiếm đoạt được mà chỉ có thể chiếm giữ tài sản này (xét trong phạm vi nội dung vụ án). Tuy nhiên, nếu trong số tài sản bị xâm phạm có thêm động sản của người khác thì Nguyễn Thị Đ còn phạm thêm tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS nếu đủ yếu tố định lượng.
Về hành vi cho người khác sử dụng kiốt để kinh doanh, do không có dữ liệu về việc Đ đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội danh “Sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 177 BLHS, nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đ có thể bị xem xét xử phạt hành chính về hành vi này theo điểm d, khoản 1, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Phạt tiền 1.500.000 đ (một triệu năm trăm nghìn đồng).
Ngoài ra, Nguyễn Thị Đ còn phải bồi thường thêm các thiệt hại khác (nếu có) trong thời gian chiếm giữ căn nhà của các bà Ngọ, Tuất nếu họ có yêu cầu.
Trên đây là quan điểm của tôi về vụ án trên, rất mong nhận được trao đổi của quý độc giả.
Xét xử vụ án hủy hoại tài sản tại Quảng Bình – Ảnh: Báo QB
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận