Nguyễn Văn A phạm tội hai lần trở lên
Sau khi nghiên cứu bài viết “Xác định tình tiết định khung trong tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” của tác giả Nguyễn Đình Tiến và Võ Văn Tuấn Khanh, tôi nhận thấy hành vi của Nguyễn Văn A phải thuộc trường hợp “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần phải xác định Điều 145 BLHS quy định một tội hay hai tội. Theo tôi, Điều 145 BLHS chỉ quy định một tội là tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng do tên điều luật là tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nên Điều 145 BLHS quy định hai tội là tội Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đây là ý kiến không chính xác vì khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm phạm tình dục người dưới 18 tuổi (gọi tắt là Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP) quy định như sau:
“1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác”.
Căn cứ theo các quy định này thì hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác là hai hành vi khác nhau. Tuy nhiên, bản chất của hai hành vi này là giống nhau vì đều mang tính chất tình dục được thể hiện thông qua hành vi xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác và đều là hành vi quan hệ tình dục. Trước đây, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không quy định hành vi quan hệ tình dục khác mà chỉ quy định hành vi giao cấu dẫn đến việc không thể xử lý được những trường hợp quan hệ tình dục đồng tính, quan hệ tình dục không phải là sự xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ.
Nhận thức được thiếu sót này, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm hành vi quan hệ tình dục khác để bao quát hết mọi hành vi quan hệ tình dục có thể xảy ra trong thực tế nhằm xử lý nghiêm những hành vi xâm hại tình dục nói chung, bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người. Như vậy, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác chỉ là cách nói khác đi của hành vi quan hệ tình dục, là một cách định nghĩa, phân loại của hành vi quan hệ tình dục. Có nghĩa là hành vi quan hệ tình dục bao gồm hành vi giao cấu và những hành vi quan hệ tình dục khác không phải là hành vi giao cấu.
Vì vậy, việc quy định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác là nhằm nói đến một hành vi (hành vi quan hệ tình dục) mà không phải nói đến nhiều hành vi nên Điều 145 BLHS chỉ quy định một tội mà không phải hai tội. Cụ thể, thay vì quy định Điều 145 BLHS là tội Quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì nhà làm luật lại quy định theo cách dẫn giải, phân tích định nghĩa của hành vi quan hệ tình dục là hành vi bao gồm hành vi giao cấu và những hành vi quan hệ tình dục khác không phải là hành vi giao cấu nên mới quy định Điều 145 BLHS là tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cho dù quy định theo cách thức nào thì bản chất Điều 145 BLHS cũng chỉ quy định một tội mà thôi. Việc quy định theo hình thức nào là do kỹ thuật lập pháp của ta, còn bản chất, nội hàm và cấu thành tội phạm của tội phạm mà điều luật đó quy định là không thay đổi.
Thứ hai, Điều 141, Điều 142, Điều 143, Điều 144 và Điều 145 BLHS đều quy định hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác. Đối với Điều 141, Điều 142, Điều 143 và Điều 144 BLHS, nếu người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu hay hành vi quan hệ tình dục khác thì họ cũng chỉ phạm một tội. Chẳng hạn nếu người phạm tội đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi giao cấu hay hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân đủ 16 tuổi trở lên thì họ cũng chỉ phạm một tội là tội Hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS. Do cùng có nội hàm giống nhau nên về mặt logic, Điều 145 BLHS cũng chỉ quy định một tội. Nếu cho rằng Điều 145 BLHS quy định hai tội thì sẽ không phù hợp với tinh thần và kết cấu logic, chặt chẽ của BLHS. Mặt khác, khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP cũng quy định:
“2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Quy định này liệt kê đầy đủ các tội từ Điều 141 đến Điều 147 BLHS và chỉ đề cập đến việc “đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên” mà không nói rõ là đã thực hiện hành vi phạm tội gì, như thế nào. Như vậy, căn cứ theo phân tích nêu trên thì Điều 145 BLHS chỉ quy định một tội như Điều 141, Điều 142, Điều 143, Điều 144, Điều 146 và Điều 147 BLHS. Nếu Điều 145 BLHS quy định hai tội thì khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP sẽ phải quy định, giải thích cụ thể dấu hiệu “đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên” đối với Điều 145 BLHS để bảo đảm áp dụng thống nhất.
Thứ ba, trong BLHS có nhiều điều luật quy định tội ghép, tức có 02 tội trở lên được quy định trong cùng một điều luật. Việc quy định như vậy xuất phát từ nội hàm của những tội này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau theo một trình tự nhất định (chẳng hạn như tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại Điều 305 BLHS) hoặc có cùng hậu quả nhưng lỗi khác nhau (chẳng hạn như tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ quy định tại Điều 124 BLHS). Những hành vi được liệt kê trong tội ghép khi kết hợp lại với nhau sẽ không thể định nghĩa cho bất kỳ một hành vi mang tính chất chung nào được. Đồng thời, các tội này nếu tách ra và được quy định trong các điều luật độc lập thì không làm ảnh hưởng đến bản chất, nội hàm của tội đó và không gây trùng lặp, chồng chéo với nhau.
Chúng ta thấy nếu Điều 145 BLHS quy định hai tội là tội Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì khi tách hai tội này để quy định trong các điều luật độc lập sẽ dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo do bản chất của hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác cũng chỉ là hành vi quan hệ tình dục, đồng thời hai hành vi này khi kết hợp lại với nhau sẽ định nghĩa cho một hành vi mang tính chất chung là hành vi quan hệ tình dục. Vì vậy, Điều 145 BLHS chỉ quy định một tội. Quy định này khác với quy định tại Điều 323 BLHS vì hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ khi kết hợp lại với nhau sẽ không thể định nghĩa cho bất kỳ một hành vi mang tính chất chung nào được, đồng thời nếu tách hai tội này để quy định trong các điều luật độc lập sẽ không dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy Điều 145 BLHS chỉ quy định một tội là tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Điều này cho thấy không phải cứ có liên từ “hoặc” hay dấu “,” trong tên của điều luật thì điều luật đó sẽ quy định tội ghép. Việc xác định một điều luật có quy định tội ghép hay không thì cần phải căn cứ vào bản chất, nội hàm của mỗi hành vi được quy định trong điều luật và cấu thành tội phạm cơ bản để đánh giá, bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật.
Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy Nguyễn Văn A đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với Trần Thị B 2 lần, trong đó có 1 lần giao cấu (A dùng dương vật xâm nhập và xuất tinh vào trong âm đạo của B) và có 1 lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (A dùng dương vật xâm nhập vào miệng của B). Ở mỗi lần nêu trên, hành vi của A đều phạm vào tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 145 BLHS. Vì vậy, căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP thì Nguyễn Văn A phải bị áp dụng dấu hiệu định khung hình phạt “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.
Tòa án nhân dân huyện Kon Rẫy, Kon Tum xét xử vụ án “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi - Ảnh: Hoàng Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận