Nguyễn Văn Tuyên không phạm tội

Sau khi đọc bài viết “Nguyễn Văn Tuyên có phạm tội không?" của tác giả Trần Quang Minh tôi cho rằng Tuyên không phạm tội.

Theo nội dung vụ tai nạn giao thông gây chết người mà tác giả đã nêu phản ánh việc Nguyễn Văn Tuyên  đỗ ô tô đỗ vào làn đường dành cho xe thô sơ cách mép đường phải khoảng 5,5 m. Tuyên bật đèn xi-nhan hai bên phía trước và sau xe nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm. Sau đó, anh Nguyễn Văn Đức điều khiển xe mô tô đi cùng chiều, va chạm với sàn rơ mooc và chết tại hiện trường.

Để xác định Nguyễn Văn Tuyên có phạm tội hay không cần phải xét các yếu tố cấu thành tội phạm. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ phân tích mặt khách quan để làm căn cứ xác định Nguyễn Văn Tuyên không phạm tội. Cụ thể:

Xe ô tô đỗ vào làn đường dành cho xe thô sơ; Va chạm xảy giữa xe ô tô và một xe máy đi cùng chiều vào khoảng hai tiếng sau khi đỗ xe, tức là khoảng 21 giờ 25 phút. Vị trí xe tải bị va chạm là: Mặt ngoài sàn rơ mooc phía sau bên trái, mặt ngoài chắn bùn bánh sau bên trái; mặt ngoài má lốp bánh sau cùng bên trái rơ mooc. Trong thời gian đỗ, xe ô tô sáng đèn xi nhan trước và sau.

Có thể thấy trong thời điểm đêm tối, điều kiện ánh sáng hạn chế, việc chỉ sử dụng đèn xi nhan của ô tô để báo hiệu xe ô tô đang dừng đỗ là không thực sự đảm bảo an toàn, và không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ (điểm đ khoản 3 Điều 18 Luật GTĐB)… Việc chỉ sáng đèn xi nhan khi đỗ xe có thể khiến người đi từ phía sau tới nhầm lẫn về phương tiện đi phía trước là hai xe hai bánh đi song song hay là một ô tô, đặc biệt là khi xe không chạy mà chỉ sáng đèn xi nhan thì không gây ra tiếng động gì nên việc nhầm lẫn về loại phương tiện đi phía trước là rất có khả năng.

Về phía anh Đức, là người thiệt mạng trong vụ tai nạn, tôi cho rằng anh Đức lúc này đang thực hiện vượt xe đang lưu thông phía trước (trong nhận thức của anh lúc đó phía trước mặt là hai xe hai bánh lưu thông song song, và anh chọn cách vượt bên trái xe phía trước theo đúng pháp luật). Điều đó giải thích cho các dấu vết va chạm trên xe máy của anh như tại mặt trước tay phanh phía trước bên phải, mặt trước đầu tay nắm ghi đông phía trước bên phải, mặt ngoài cánh yếm chắn gió bên phải… Như vậy, va chạm xảy ra khi xe máy do anh Đức điều khiển vượt lên, va quệt vào xe tải, chứ hoàn toàn không phải là do không nhìn thấy chướng ngại vật phía trước nên xe máy đã tông vào xe tải, vì nếu như vậy, dấu vết trên xe máy phải là phía đầu mũi xe chứ không phải là phía bên phải dọc theo thân xe máy.

Và nếu có ý kiến lập luận lại rằng khi cho xe chạy tới rất gần thì anh Đức mới nhìn ra xe tải đang đỗ, và đã đánh lái sang trái để tránh nên có dấu vết va chạm như vậy. Tôi cho rằng nếu thực sự là khi cho xe chạy tới rất gần anh Đức mới phát hiện có chướng ngại vật phía trước, và đó là xe tải đang đỗ, nên anh Đức đã đánh lái sang trái ngay, thì tại hiện trường phải có dấu vết phanh gấp trên mặt đường mới hợp lý. Dấu phanh gấp sẽ cho thấy có sự giảm tốc độ đột ngột, vì theo quán tính khi chúng bất ngờ nhìn thấy chướng ngại vật là sẽ giảm tốc (phanh gấp) thay vì tăng ga (vượt tránh). Trong bài viết tác giả lại không đề cập đến dấu vết trên mặt đường, nghĩa là không có dấu phanh của xe máy, do vậy, chắc chắn anh Đức có nhìn thấy chướng ngại vật phía trước xe của mình nên mới lái xe vượt trái. Tuy nhiên, anh Đức cho rằng đó là hai xe hai bánh đang chạy song song thay vì là xe ô tô đang đứng yên.

Do vậy, việc bật đèn xi nhan xe của anh Tuyên là có tác dụng báo hiệu nhất định, chứ không phải hoàn toàn không có tác dụng. Việc anh Đức nhầm lẫn về loại phương tiện và không xác định phương tiện đó dừng đỗ hay đang di chuyển là xuất phát từ lỗi thiếu chú ý quan sát của anh Đức, kết hợp việc lái xe không đảm bảo an toàn (khi vượt) là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ va chạm khiến anh thiệt mạng.

Như vậy, hành động đỗ xe của Tuyên không có quan hệ nhân quả trực tiếp với cái chết của anh Đức. Do vậy, không thỏa mãn mặt khách quan của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nên Tuyên không phạm tội.

Ảnh minh họa của Quốc Huy (Autocar Vietnam)

ĐINH THU NHANH (Tòa án quân sự Quân khu 4)