Nguyễn Văn Tuyên phạm tội

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn Tuyên có phạm tội không?” của tác giả Trần Quang Minh, Chánh Tòa hình sự- TAND thành phố Hải Dương, đăng ngày 13/3/2020, tôi cho rằng Nguyễn Văn Tuyên phạm tội.

Nguyễn Văn Tuyên  điều khiển xe ô tô đầu kéo đi trên Quốc lộ 5, chiều đường Hà Nội- Hải Phòng Khi phát hiện xe có biểu hiện hỏng động cơ điện Tuyên điều khiển xe ô tô đỗ vào làn đường dành cho xe thô sơ cách mép đường phải khoảng 5,5 m. Nguyên bật đèn xi-nhan hai bên phía trước và sau xe nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết. Sau đó Tuyên đi ăn cơm rồi lên cabin nằm ngủ. Đến khoảng  21 giờ 25 phút cùng ngày, anh Nguyễn Văn Đức, đi xe mô tô do không chú ý quan sát nên va chạm với mặt ngoài sàn rơ mooc của Tuyên đang đỗ. Hậu quả là xe mô tô bị đổ, anh Đức chết tại hiện trường.

Qua vụ án, theo tác giả hiện có hai quan điểm trái chiều nhau về việc xác định Nguyễn Văn Tuyên có tội hay không phạm tội,

Qua nghiên cứu nội dung vụ án và các quan điểm xung quanh việc Nguyễn Văn Tuyên có tội hay không có tội theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Tôi có quan điểm  như sau:

Xét ở 02 yếu tố quan trọng của cấu thành tội phạm đó là mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm ngoài 02 yếu tố chủ thể và khách thể xâm phạm của Nguyễn Văn Tuyên đã thỏa mãn, thì:

Về mặt chủ quan của tội phạm đối với Nguyễn Văn Tuyên trong vụ án này là lỗi vô ý vì quá cẩu thả; mặc dù, bị cáo không thấy trước hậu quả sẽ xảy ra trong khi yêu cầu bị cáo phải thấy trước và có thể thấy trước nhưng vì tự tin và cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra nhưng thực tế hậu quả đã xảy ra do lỗi không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông của bị cáo.

Về mặt khách quan của tội phạm cho ta thấy hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông của Nguyễn Văn Tuyên được thể hiện ở các điểm sau:

Một là, đó là hành vi vi phạm các quy định trực tiếp nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, cụ thể trong vụ án đó là hành vi vi phạm điểm d khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ: điểm d quy định “Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết”.

Hai là, do hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của Nguyễn Văn Tuyên là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả làm Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1983, điều khiển xe mô tô biển số 34N1- 3115 đi cùng chiều đã để phần đầu xe mô tô va chạm với mặt ngoài sàn rơ mooc phía sau bên trái, mặt ngoài chắn bùn bánh sau bên trái; mặt ngoài má lốp bánh sau cùng bên trái rơ mooc của Tuyên đang đỗ với hậu quả làm anh Đức chết.

Mặc dù, để xảy ra hậu quả này cũng có một phần lỗi từ phía người bị hại là anh Đức do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ và đi vào làn đường xe thô sơ tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đối với bị hại Đức. Mà như đã phân tích ở trên hành vi vi phạm quy định trực tiếp về tham gia giao thông đường bộ của Nguyễn Văn Tuyên là nguyên nhân gây hậu quả đó là thiệt hại về tính mạng của bị hại Đức.

Do vậy, có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn Tuyên về tội: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài viết “Nguyễn Văn Tuyên có phạm tội không” xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

Một vụ tai nạn giao thông – Ảnh: Từ Đạt – TNo

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH ( Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội)