Nguyễn Văn Tuyên phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài "Nguyễn Văn Tuyên có phạm tội không?" của tác giả Trần Quang Minh, đăng ngày 13/3 và nhiều ý kiến trao đổi, tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất của bài viết với những căn cứ cụ thể.

Theo bài viết, khoảng 19 giờ ngày 02/4/2019, Nguyễn Văn Tuyên đang điều khiển xe ô tô đầu kéo thì phát hiện xe bị hỏng động cơ điện nên điều khiển xe ô tô đỗ vào làn đường dành cho xe thô sơ cách mép đường phải 5,5 m. Tuyên bật đèn xi-nhan hai bên phía trước và sau xe nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở trước và sau xe, sau đó đi ăn cơm rồi lên cabin ngủ. Khoảng 21 giờ 25 phút cùng ngày, anh Nguyễn Văn Đức điều khiển xe mô tô đi cùng chiều, va vào xe của Tuyên đang đỗ làm anh Đức chết tại hiện trường.

Tác giả Trần Quang Minh cho biết có hai quan điểm khác nhau về vụ án. Quan điểm thứ nhất cho rằng Tuyên đã vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của Tuyên vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 46/CP ngày 01/8/2016 của Chính phủ khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.

Chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất, cho rằng Nguyễn Văn Tuyên đã vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS với các lý do sau:

 Thứ nhất, để xác định hành vi của Tuyên là vi phạm pháp luật hành chính hay vi phạm pháp luật hình sự thì phải xem xét hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Trong tình huống này, do xe hỏng Tuyên đã đỗ xe vào làn đường dành cho xe thô sơ, Tuyên đã bật xin nhan trước sau nhưng lại không đặt biển báo hiệu nguy hiểm trước và sau xe ô tô nên hành vi này của Tuyên đã vi phạm pháp luật giao thông đường bộ về dừng, đỗ xe trên đường bộ theo điểm d khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ.

Khi Đức điều khiển xe mô tô đi cùng chiều đã va chạm phải xe ô tô đầu kéo của Tuyên và hậu quả là Đức chết tại hiện trường, như vậy, có 2 nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người đó là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan do Đức thiếu quan sát phía trước, nguyên nhân khách quan do hành vi vi phạm pháp luật của Tuyên không đặt biển báo hiệu nguy hiểm khiến Đức không phát hiện ra có xe ô tô đầu kéo ở phía trước kết hợp với nguyên nhân chủ quan, gây ra tai nạn và hậu quả là chết người. Như vậy, hành vi không đặt biển báo nguy hiểm của Tuyên là nguyên nhân khách quan khiến Đức tử vong, nên có thể khẳng định hành vi vi phạm của Nguyễn Văn Tuyên và hậu quả chết người có mối quan hệ nhân quả với nhau. Qua đó có thể thấy, ở vụ án này, Nguyễn Văn Tuyên đã vi phạm pháp luật hình sự.

 Thứ hai, theo điểm d khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ thì: “Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết”, Nguyễn Văn Tuyên đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết nên đã vi phạm pháp luật giao thông đường bộ.

Theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS thì: “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người”, như đã xác định, hành vi của Tuyên vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, hành vi đó có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chết người xảy ra, vì vậy, Nguyễn Văn Tuyên vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.

Theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS thì “Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bội thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả… 2. Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lí do giảm nhẹ trong bản án”. Theo điểm c Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân tối cao thì tình tiết được xem là tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 Điều 51 BLHS là “Người bị hại cũng có lỗi”. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người cũng do một phần nguyên nhân chủ quan từ người bị hại đó là Nguyễn Văn Đức không chú ý quan sát phía trước, ngoài ra, sau khi tai nạn xảy ra Nguyễn Văn Tuyên đã chủ động bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Đức nên Nguyễn Văn Tuyên được hưởng tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện bồi thường thiệt hại và tình tiết người bị hại cũng có lỗi.

Như vậy, trong vụ án, hành vi của Nguyễn Văn Tuyên vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS là có căn cứ.

Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.

 

 

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH ( Tòa án Quân sự Quân khu 4)